25 C
Hanoi
Thứ Hai, Tháng Năm 20, 2024

Đại dịch COVID-19 gia tăng nhu cầu nhân đạo

Trong tuyên bố chung đưa ra tại cuộc họp trực tuyến hôm 17-9, các Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Tài chính Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) khẳng định sự tiếp cận công bằng và hợp lý đối với vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 cho tất cả mọi người là chìa khóa để vượt qua đại dịch và hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu.

Mỹ sẽ có đủ vaccine COVID-19 cho mỗi người dân vào tháng 4 năm sau

Cuộc họp trên diễn ra sau khi một nghiên cứu do tổ chức Oxfam công bố cho thấy nhóm các quốc gia phát triển giàu có chỉ chiếm 13% dân số thế giới nhưng đã đặt mua hơn một nửa số lượng vaccine phòng COVID-19 tiềm năng.

Trong tuyên bố, các Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Tài chính G20 nêu rõ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng mọi công cụ chính sách sẵn có để bảo vệ cuộc sống, công việc và thu nhập của người dân. Một kế hoạch hành động sẽ được đưa ra tại hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng Trung ương G20 vào tháng 10-2020 và tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 vào tháng 11-2020”.

Trước đó, tại cuộc họp, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat cho biết Singapore là nước ủng hộ rất sớm sáng kiến Cơ sở Tiếp cận vaccine COVID-19 toàn cầu (Cơ sở COVAX) và hiện cùng với Thụy Sĩ đang đồng chủ trì Sáng kiến Những người bạn của Cơ sở COVAX nhằm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương về vaccine. Singapore cũng là một trong những nước đầu tiên bày tỏ quan tâm tham gia Cơ sở COVAX vào tháng 6 vừa qua. Ông nhấn mạnh, dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng toàn cầu và do vậy hợp tác quốc tế là rất quan trọng. Nhóm G20 (đóng góp gần 80% kinh tế toàn cầu) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có vai trò chủ chốt trong vấn đề này.

Đại dịch COVID-19 gia tăng nhu cầu nhân đạo
Nhóm các quốc gia phát triển giàu có chỉ chiếm 13% dân số thế giới nhưng đã đặt mua hơn một nửa số lượng vaccine phòng COVID-19 tiềm năng.

Ông Heng Swee Keat cũng cho rằng khi khởi động lại nền kinh tế một cách an toàn, các quốc gia cần phải có sự phối hợp trong việc nối lại các hoạt động. Theo ông Heng Swee Keat, đối với việc khởi động lại du lịch bằng đường không thì vấn đề xét nghiệm sẽ là chủ chốt để bảo đảm an toàn cho du khách và các cơ quan y tế công cộng. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore kêu gọi việc phối hợp giữa các quốc gia để phát triển các tiêu chuẩn quốc tế và chia sẻ kết quả xét nghiệm một cách nhanh chóng, kể cả thông qua các phương tiện điện tử.

Kế hoạch hỗ trợ tài chính COVAX cho phép tiếp cận nhanh chóng và công bằng đối với vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 cho 76 nước tham gia, cùng với 92 quốc gia kém phát triển hơn được hỗ trợ bởi kế hoạch này. Kế hoạch tài chính này được Liên minh Vaccine quốc tế (GAVI), WHO và Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng về Dịch bệnh, đồng dẫn dắt. Thông qua việc phối hợp với các nhà sản xuất vaccine đa quốc gia và các nước đang phát triển, Cơ sở COVAX có mục tiêu cung cấp khoảng 2 tỷ liều vaccine hiệu quả, an toàn đã được chấp thuận hoặc chứng nhận ban đầu từ WHO vào cuối năm 2021.

Trong khi đó, cùng ngày, phát biểu tại lễ rung chuông hòa bình nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày Quốc tế vì Hòa bình, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres cho biết người dân trong các cuộc xung đột đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trong các vùng chiến sự, đại dịch đang hoành hành và gây ra các loại bất công, đẩy các cộng đồng và các quốc gia tới sự đối đầu lẫn nhau. Do đó, thế giới cần có một lệnh ngừng bắn ngay lập tức để tập trung vào kẻ thù chung, đó là dịch bệnh. Ông Antonio Guterres kêu gọi các nỗ lực để thúc đẩy hòa bình, đồng thời cho biết sẽ lặp lại lời kêu gọi này tại Đại hội đồng LHQ vào tuần tới. Cùng phát biểu tại buổi lễ, tân Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Volkan Bozkir cho biết đại dịch đang đe dọa sức khỏe, an ninh và sinh kế của người dân mọi nơi, song bị tổn thương lớn nhất là những người đang phải chịu đựng cả các cuộc xung đột lẫn dịch bệnh.

Cũng trong ngày 17-9, tại phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA) diễn ra cùng ngày, Phó TTK LHQ phụ trách vấn đề nhân đạo Mark Lowcock cảnh báo nạn đói trầm trọng, kế sinh nhai bị hủy hoại, giáo dục suy yếu, hoạt động chủng ngừa bị gián đoạn, tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng là những tác động gián tiếp mà đại dịch COVID-19 gây ra đối với nhiều nước. Từ đó, ông kêu gọi hối thúc HĐBA LHQ và các nước thành viên LHQ hành động ngay lập tức nhằm giải quyết vấn đề mất an ninh lương thực và thúc đẩy hoạt động viện trợ nhân đạo. Ông nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đang làm gia tăng nhu cầu nhân đạo. Theo TTK LHQ, tình hình diễn biến xấu hơn, đỉnh dịch COVID-19 chưa tới song đã gây ra nhiều tác động gián tiếp.

Ông Mark Lowcock chỉ rõ các cơ quan viện trợ nhân đạo đang hoạt động quá sức bởi các nhu cầu viện trợ khác nhau và việc thiếu hỗ trợ tài chính sẽ khiến tình trạng này tồi tệ hơn. Trước tình hình này, quan chức LHQ đề xuất một số biện pháp, theo đó, trước hết thúc đẩy các giải pháp chính trị thông qua đối thoại và hòa bình nhằm chấm dứt các cuộc xung đột vũ trang; thứ hai, đảm bảo các bên liên quan tôn trọng luật nhân đạo quốc tế; và cuối cùng là giảm thiểu tác động của các cuộc xung đột vũ trang và liên quan đến bạo lực đối với hoạt động kinh tế, trong đó có huy động sự hỗ trợ của các thể chế tài chính quốc tế.

Điều quan trọng hơn cả, theo ông Mark Lowcook, là tăng cường các hoạt động nhân đạo, có bước đi lớn hơn để hỗ trợ các nền kinh tế đang đối mặt với nạn đói diện rộng và nghiêm trọng.

COVID-19 đe dọa sự phục hồi kinh tế EUROZONE

Số ca mắc COVID-19 gia tăng mạnh trong những ngày qua tại châu Âu là mối đe dọa lớn nhất cho sự phục hồi kinh tế tại Khu vực đồng euro (Eurozone). Đây là kết quả cuộc khảo sát do hãng Reuters tiến hành với nhiều nhà kinh tế, vốn cho rằng tăng trưởng và lạm phát nhiều khả năng tạo ra những nhân tố tiêu cực hơn là tích cực trong năm tới.

Theo các nhà kinh tế, hiện nay, kinh tế Eurozone đang trên đà phục hồi mạnh mẽ do các biện pháp phong tỏa cách ly đang dần được nới lỏng và các doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tuy nhiên, Pháp, Tây Ban Nha và một số nước khác thuộc Eurozone vẫn đang phải đối mặt với làn sóng dịch bùng phát mới. Điều này làm tăng khả năng gia hạn các biện pháp hạn chế và cách ly.

Theo kết quả khảo sát, 90% các nhà kinh tế (37 trong số 41 người) được hỏi cho rằng sự gia tăng các ca mắc COVID-19 là rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Eurozone trong năm tới. Bên cạnh đó, sự mạnh lên của đồng euro cùng viễn cảnh Liên minh châu Âu (EU) và Anh không đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào cuối năm cũng là những nguy cơ mà khối này phải đối mặt.

Cuộc khảo sát cũng đưa ra dự báo kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 8,1% trong quý III/2020, mức tăng trưởng mạnh nhất được ghi nhận cho đến nay, sau khi giảm 11,8% trong quý II/2020. Dự báo này không thay đổi so với cuộc khảo sát tháng 8 vừa qua. Đối với quý IV/2020, kinh tế Eurozone dự kiến tăng 2,5% so với quý trước.

Minh Hải

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn: Công an nhân dân

CÓ THỂ BẠN MUỐN XEM

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

KẾT NỐI

0FansLike
455FollowersFollow
52SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

LUẬN BÀN-PHẢN BIỆN

ĐỐI TƯỢNG