25 C
Hanoi
Thứ Hai, Tháng Năm 20, 2024

VỀ VẤN ĐỀ PHI CHÍNH TRỊ HÓA QUÂN ĐỘI

VỀ VẤN ĐỀ PHI CHÍNH TRỊ HÓA QUÂN ĐỘI

Cái lí lẽ quân đội phải đứng ngoài chính trị, không được can dự vào những tranh giành chính trị giữa các đảng phái. Quân đội chỉ trung thành với quốc gia, dân tộc, có nhiệm vụ chống ngoại xâm bảo vệ đất nước. Quân đội nhân dân chỉ trung thành với nhân dân chứ không trung thành với một đảng chính trị, bỡi vì đảng chính trị chỉ là một tập hợp lực lượng không phải là toàn thể nhân dân… Nhiều lí lẽ nghe qua rất dế chấp nhận, ngộ nhận và đều đi đến một mục tiêu: Tách quân đội ra khỏi chính trị, phi chính trị hóa quân đội.

Hôm nay Mõ tôi xin có vài ý kiến thế này:

Trước hết, cần thấy rằng, hai khái niệm “quân đội đứng ngoài chính trị” và “chính trị hóa quân đội” là có nội hàm khác nhau. Điều này rất dễ làm người ta ngộ nhận khi nói về “phi chính trị hóa quân đội”.

Để thấu đáo vấn đề, chúng ta nên đi từ khái niệm “chính trị”. Chính trị là gì, là một chế độ xã hội gắn liến với một hệ tư tưởng, một hình thái nhà nước nắm quyền thống trị đất nước. Trên nền tảng chính trị đó, người ta thiết lập nên một “chế độ chính trị” mà đặc trưng của nó được biểu hiện trên ba mặt: hệ tư tưởng chính trị, hình thái kinh tế và kiểu tổ chức xã hội. Vậy là, khi đã định hình chế độ chính trị cho một quốc gia, cả quốc gia đó vận hành trong màu sắc chính trị, không khí chính trị mà nó chấp nhận. Vì vậy, thật khó hoặc là không thể rạch ròi cái gì là đứng ngoài chính trị trong mọi hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của một quốc gia khi nó được xây dựng trên nền một chế độ chính trị nhất định. Một bài hát có ca từ phù hợp hoặc không phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức của một chế độ chính trị đều “mang tính chính trị” cả. Và vì vậy, đặt vấn đề phi chính trị hóa quân đội là một ý niệm vu vơ, thiếu căn cứ.

Nhà nước là sản phảm tất yếu của chế độ chính trị. Nó sinh ra để duy trì quyền thống trị của giai cấp và thực hiện chức năng xã hội. Cấu thành của Nhà nước bên cạnh các Bộ chức năng bao giờ cũng có quân đội, công an. Hai bộ phận này có chức năng bạo lực trấn áp để chống thù trong, giặc ngoài bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ chính trị, đảm bảo an ninh xã hội. Trong lịch sử và hiện tại, các giai cấp muốn chiếm quyền thống trị xã hội đều phải có lực lượng quân đội để đánh bại kẻ thù. Và khi đã thành công, giai cấp cầm quyền lại xây dựng quân đội hùng mạnh để sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chế độ chính trị, bảo vệ đất nước. Vậy, ý tưởng phi chính trị quân đội, một lần nữa lại là hoang tưởng.

Ở một số nước, có chuyện hiến định quân đội đứng ngoài chính trị, không ai được chính trị hóa quân đội. Những nước đó thường có chế độ đa đảng. Đảng chính trị nào thắng trong tranh cử thì đứng ra lập bộ máy Nhà nước, lựa chọn các bộ trưởng. Ở các quốc gia này, đấu tranh chính trị giữa các đảng đối lập rất quyết liệt. Các nhà lập pháp thấy rằng nếu đảng phái chi phối quân đội thì sẽ dẫn đến độc quyền. Vì vậy quy định quân đội đứng ngoài chính trị. Tất nhiên, không phải vì thế mà quân đội trở thành thứ “vô phèng”. Quân đội phải phục tùng tổng thống hoặc nhà vua. Không thế chắc chẳng ai ra lệnh được cho quân đội khi cần đánh đông dẹp bắc. Như vậy quân đội cũng phải có người cầm cương. Người cầm cương đó là tổng thống, nhà vua hoặc tổng bí thư (ở những nước độc đảng). Thường thì ông tổng thống, nhà vua hoặc ông tổng bí thư thống lĩnh quân đội, ấn nút chiến tranh. Tổng thống đại diện cho chế độ chính trị đại nghị, nhà vua đại diện cho chế độ chính trị quân chủ, tổng bí thư đại diện cho chế độ cộng sản. Vậy sao lại nói quân đội đứng ngoài và phi chính trị được, thật là lú lẫn.

Còn bây giờ, Mõ tôi nói đến câu chuyện “phi chính trị hóa quân đội”. Phi chính trị hóa quân đội được hiểu là không được lập đảng phái trong quân đội. Hay nói cách khác, đã là quân nhân thì không được phép tham gia các đảng phái chính trị. Chứ không phải quân đội đứng ngoài chính trị. Quy định này nhằm chống sự chia rẽ trong quân nhân khi đứng trong các đảng đối lập, tránh việc đảng chính trị chi phối quân đội theo ý của mình. Thông thường quy định quân đội đứng ngoài các đảng chính trị, không can thiệp vào các hoạt động tranh giành ảnh hưởng chính trị giưa các đảng có ở các nước thực hiện chế độ chính trị đa đảng. Tuy vậy, khi cần quân đội vẫn có thể trở thành lực lượng chính trị để bảo vệ lợi ích quốc gia. Thái Lan chẳng hạn, quân đội không ra mặt ủng hộ đảng “áo đỏ” hay “áo vàng”, nhưng quân đội vẫn thực hiện các cuộc đảo chính và lên nắm quyền tạm thời. Ở quốc gia chỉ có một đảng duy nhất độc quyền lãnh đạo thì chuyện chính trị hóa quân đội, xây dựng đảng trong quân đội để tăng thêm sức mạnh chi phối lực lượng vũ trang chẳng có gì phải bàn cãi. Cái đó chỉ có lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đảng cầm quyền mà thôi. Nếu ở quốc gia có chế độ chính trị đa đảng đối lập thì hẵng bàn đến “phi chính trị hóa quân đội”. Còn ở Việt Nam ta nếu chỉ có duy nhất một đảng chính trị thì việc bàn đến “phi chính trị hóa quân đội” trở nên lãng phí chất xám. Bao giờ có đa đảng đối lập thì hẵng bàn đến vấn đề đó.

Câu chuyện quân đội ta là “quân đội nhân dân”, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, cho nên “quân đội chỉ trung thành với nhân dân” không được bắt quân đội trung thành với đảng. ĐCS chỉ có 3 triệu đảng viên còn nhân dân có hơn 80 triệu. Luận điểm này dễ làm nhiều người lung túng vì nó lẫn sau dụng ý đối lập đảng với nhân dân, tách đảng ra khỏi dân tộc và nhân dân. Hiến pháp quy định quân đội trung thành với đảng với dân tộc với nhân dân chứ không phải chỉ với đảng. Đảng CS Việt Nam, lực lượng duy nhất lãnh đạo hệ thống chính trị thực hiện các mục tiêu xây dựng và bảo vệ tổ quốc, cho đến nay đảng vẫn đứng vững và giữ được vai trò của mình bỡi vì nó có nền tảng vững chắc đó là “Mọi lợi ích của đảng thống nhất với lợi ích của nhân dân” vì vậy nó được nhân dân ủng hộ. Quân đội trung thành với đảng cũng đồng nghĩa trung thành với nhân dân mà thôi. Mỗi khi đảng xa rời lí tưởng phục vụ lợi ích của nhân dân thì sẽ bị nhân dân từ chối và vì vậy không bao giờ nhân dân chấp nhận quân đội “chỉ biết còn đảng là còn mình”. Trong thực tiễn lịch sử chiến tranh, quân đội nhân dân VN đã vì nhân dân mà chiến đấu nên luôn được nhân dân ủng hộ, đùm bọc. Bên cạnh quân đội chính quy còn có cả dân quân tự vệ, du kích, toàn dân đánh giặc. Trong hòa bình xây dựng, ngoài chuyện thường trực đánh giặc ngoại xâm, quân đội còn làm kinh tế ở những vùng chiến lược mà họ đứng chân. Quân đội tham gia công tác xã hội vì dân ở những vùng đặc biệt khó khăn… nên được lòng dân. Những công việc trực tiếp đó của quân đội không phải tự thân quân đội mà xuất phát từ chủ trương, chính sách của đảng cầm quyền. Vậy nên, phủ nhận vai trò của đảng chính trị với quân đội liệu có đúng đắn.

Cuối cùng, Mõ tôi xin thưa rằng, để có chỗ đứng trong lòng nhân dân thì đảng phải đề ra và thực thi những chính sách hợp lòng dân. Mọi đảng viên của đảng phải thực sự vì dân, nêu gương sáng cho nhân dân thì chẳng cứ họ là cán bộ đảng, quân đội hay công an, muốn để điều 4, muốn chính trị hóa quân đội đều được dân ủng hộ mà thôi.

Nguồn: Mõ làng

CÓ THỂ BẠN MUỐN XEM

KẾT NỐI

0FansLike
455FollowersFollow
52SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

LUẬN BÀN-PHẢN BIỆN

ĐỐI TƯỢNG