Trang chủ Tin tức 'Vaccine' tinh thần trong mùa dịch – Bài cuối: Đẩy mạnh sáng...

'Vaccine' tinh thần trong mùa dịch – Bài cuối: Đẩy mạnh sáng tạo nghệ thuật phục vụ nhân dân

294
0

Trong điều kiện dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, để góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Hội Văn học, nghệ thuật đã từng bước triển khai các hoạt động nhằm đẩy mạnh sáng tạo nghệ thuật trong giai đoạn này.

'Vaccine' tinh thần trong mùa dịch - Bài cuối: Đẩy mạnh sáng tạo nghệ thuật phục vụ nhân dânCác chương trình nghệ thuật trong mùa dịch như những liều vaccine tinh thần, giúp người dân phần nào thư giãn, giảm bớt âu lo. Ảnh: BTC

Trong đó, việc tiếp tục đưa nhà hát online, nhà hát truyền hình vào thực hiện ở thời điểm này được cho là lựa chọn đúng đắn, trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các nhà hát, sân khấu phải đóng cửa, khán giả không được thưởng thức các chương trình văn hóa nghệ thuật có quy mô, chất lượng cao.

Tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc sắc

Tháng 8/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch về việc tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc sắc cổ vũ, nâng cao sức mạnh tinh thần nhân dân vượt qua đại dịch COVID-19. Trong đó, có các chương trình nghệ thuật sẽ được ghi hình phát sóng trên các kênh truyền hình phục vụ nhân dân và các chương trình nghệ thuật online trên các nền tảng số.

Mục đích của kế hoạch là xây dựng chuỗi chương trình nghệ thuật nhằm cổ vũ, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, cùng vượt qua đại dịch; khơi dậy ngọn lửa đam mê, sự nhiệt huyết, sáng tạo của các nghệ sỹ để sáng tác các tác phẩm mới về đề tài phòng, chống dịch COVID-19, lan tỏa trong cộng đồng những thông điệp sâu sắc về tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các chương trình nghệ thuật phải đặc sắc, phù hợp với bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19, có sự hỗ trợ, chung tay của các cấp, ngành, địa phương, các nghệ sỹ, tạo được hiệu ứng lan tỏa nhưng phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn, thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, thống nhất đồng bộ trong công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện… Đồng thời, Bộ đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam, Kênh Truyền hình VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam), Truyền hình Nhân dân (Báo Nhân dân), Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng quan tâm, hỗ trợ phát sóng các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19.

Theo kế hoạch, các chương trình, vở diễn dự kiến sẽ phát sóng trên các đài truyền hình, cụ thể: Đài Truyền hình Việt Nam sẽ quay các chương trình “Sắc mầu thổ cẩm” của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc; “Những người khốn khổ – Những điều muốn nói” “Hồ Thiên nga – Sau cánh màn nhung” của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam; Các trích đoạn trong các vở kịch cổ điển “Vũ Như Tô”, “Otenlo”, “Ê Dốp”, “Lôi Vũ”, “Mê đê” của Nhà hát Kịch Việt Nam; “Trung thần” của Nhà hát Tuồng Việt Nam; “Dây tràng hạt diệu kỳ”, “Giai điệu Tổ quốc” của Nhà hát Chèo Việt Nam; “Great romantic night”, ”The wonder of time” của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.

Đài Truyền hình Nhân dân sẽ quay các chương trình “Đêm huyền diệu” của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc; “Ngôi sao xiếc Việt”, “Thế giới hoạt hình trong khu rừng thần tiên” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam; “Giai điệu Việt Nam”, “Bài ca không quên” của Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam; “Xin mặt trời ngủ yên”, “Dòng sông hoa đỏ” của Nhà hát nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Truyền hình VOV quay các chương trình “Võ Tam Tư” của Nhà hát Tuồng Việt Nam; “Bão ngầm”, “Ni sư Hương Tràng” của Nhà hát Cải lương Việt Nam. Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng sẽ quay các chương trình “Cuộc chiến vô cực”, “Thanh xuân 21” của Nhà hát Tuổi trẻ; Múa rối nước truyền thống, “Đồng vọng rối Việt” của Nhà hát Múa rối Việt Nam… Bên cạnh đó, dự kiến sẽ có khoảng 10 chương trình nghệ thuật online trên nền tảng livestream trên các nền tảng số phục vụ nhân dân.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật Biểu diễn chủ trì, phối hợp với các các đơn vị liên quan thành lập nhóm các nghệ sỹ có uy tín, có tầm ảnh hưởng xã hội trong các đơn vị nghệ thuật để tổ chức xây dựng các video clip, sáng tác ca khúc, tiểu phẩm sân khấu nhằm tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, những kết quả đạt được và định hướng công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, tạo sự lan tỏa các thông điệp, gương người tốt việc tốt, tinh thần đoàn kết, chia sẻ yêu thương trong quá trình phòng, chống dịch bệnh. Phát động sáng tác các ấn phẩm truyền thông (ca khúc, kịch ngắn, tranh, ảnh…) liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 để tuyên truyền. Xây dựng một số chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc để phát sóng trên truyền hình và các nền tảng số phục vụ nhân dân.

Đẩy mạnh truyên truyền trên nền tảng số

Trong hơn 2 năm qua, khi nghệ thuật biểu diễn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 thì đề án về nhà hát truyền hình, nhà hát online có ý nghĩa thiết thực. Ở đó, nghệ sỹ có điều kiện lao động sáng tạo. Khán giả vẫn có những chương trình, vở diễn chất lượng cao để thưởng thức.

Nghệ sỹ Nhân dân Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, trong lúc đất nước khó khăn mệt mỏi vì dịch bệnh, các chương trình nghệ thuật của đơn vị cũng góp phần cổ vũ tinh thần cho người dân yêu thích văn hóa nghệ thuật, để người dân thấy rằng các văn nghệ sỹ đang sẵn sàng cùng đất nước, cùng nhân dân chống chọi dịch bệnh.  

Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh đại dịch chưa có dấu hiệu sẽ dập tắt trong thời gian gần, thì những chương trình nghệ thuật online vẫn nên được tiếp tục xây dựng, làm cầu nối giữa nghệ sỹ và khán giả. Trong thời gian dịch bệnh, Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng đã bắt đầu nghĩ đến phương thức tiếp cận khán giả mới để có thêm nhiều kênh giao tiếp với khán giả. Theo đó, Nhà hát bắt đầu quan tâm và triển khai mảng hoạt động trên các trang mạng như Youtube, Facebook, Tik Tok… Nhà hát cũng sẽ xây dựng cổng thông tin riêng để tâm tình, để trao đổi, giao lưu với những khán giả yêu mến cải lương về cái hay, cái đẹp của nghệ thuật này trên các kênh của Nhà hát…

Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết, với trách nhiệm của một đơn vị nghệ thuật với xã hội, trách nhiệm của nghệ sỹ đối với xã hội và đặc biệt là trách nhiệm của một công dân với tình hình chung hiện nay, các nghệ sỹ Nhà hát Múa rối Việt Nam đã xây dựng chương trình múa rối nước phòng, chống COVID-19, hy vọng góp một tiếng nói chung vào công cuộc phòng chống dịch bệnh cam go như hiện nay.

Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng cũng cho rằng, trong thời điểm hiện nay, việc thực hiện các chương trình nghệ thuật trên nền tảng số là rất phù hợp. “Bản thân Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng quay các chương trình nghệ thuật phát lên kênh Youtube của nhà hát để giới thiệu, quảng bá đến công chúng rằng chúng tôi vẫn đang tồn tại, đang hoạt động và gìn giữ nghệ thuật truyền thống. Với sự thay đổi của xã hội, chúng tôi cũng chuyển mình bằng chất lượng nghệ thuật, bằng tiếng nói nghệ sỹ và bằng sự hỗ trợ của công nghệ để mang nghệ thuật đến gần công chúng. Đó là một hướng đi tốt và thực tế năm vừa qua chúng tôi hoàn toàn đến với khán giả bằng truyền hình, bằng công nghệ số…”, Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

Theo Nghệ sỹ Ưu tú Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, sân khấu truyền hình hiện nay cũng là một giải pháp cho các đơn vị nghệ thuật. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ để thu hút khán giả, vượt qua khó khăn do COVID-19 cần đẩy mạnh các hoạt động phối kết hợp hoạt động biểu diễn với công nghệ nhiều hơn, rộng hơn nữa.

Riêng với công tác truyền thông, quảng bá, Nhà hát Kịch Việt Nam tổ chức 2 êkíp. Trong đó, 1 nhóm chuyên về làm trên Youtube, 1 nhóm làm Tiktok. Mỗi nhóm đưa ra kế hoạch, nội dung, trong đó có cả nội dung hình ảnh, nội dung giải trí, nội dung về luyện tập, hoạt động và xây dựng hình ảnh cá nhân của các diễn viên Nhà hát. Đích thân lãnh đạo Nhà hát kết hợp với các đơn vị hàng đầu về công nghệ hỗ trợ các nhóm này…

Ngay với cơ quan quản lý, cụ thể là Cục Nghệ thuật Biểu diễn và các đơn vị phối hợp tổ chức các liên hoan, hội diễn toàn quốc năm 2020, 2021 cũng đã có bước chuyển đáng kể khi triển khai livestream nhiều chương trình liên hoan phục vụ công chúng.

Có thể nói, việc xây dựng nhà hát online đang là một hướng đi cần thiết để giúp các nhà hát quảng bá, đưa sản phẩm nghệ thuật đến gần hơn với công chúng. Trong thời điểm dịch bệnh, các lĩnh vực điện ảnh, sân khấu, âm nhạc đều tận dụng tiện ích của internet để vừa đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần của khán giả trong mùa dịch, vừa tạo đà cho lĩnh vực này phát triển trong tương lai.

Phương Lan (TTXVN)

'Vaccine' tinh thần trong mùa dịch - Bài cuối: Đẩy mạnh sáng tạo nghệ thuật phục vụ nhân dân

‘Vaccine’ tinh thần trong mùa dịch – Bài 2: Đưa nghệ thuật đến gần công chúng

Dịch COVID-19 khiến cho hoạt động sân khấu bị đóng băng, các nghệ sỹ không thể biểu diễn, khán giả cũng không thể đến rạp. Để góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các hội văn học, nghệ thuật cũng đã từng bước triển khai các hoạt động nhằm đưa nghệ thuật đến gần với công chúng.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây