Trang chủ Google.Tienlang “Sự thật trưa 30/4/1975”- Trung tướng Phạm Xuân Thệ đã nói dối...

“Sự thật trưa 30/4/1975”- Trung tướng Phạm Xuân Thệ đã nói dối 5 lần!

849
0

“Sự thật trưa 30/4/1975”- Trung tướng Phạm Xuân Thệ đã nói dối 5 lần!

Chính ủy Bùi Tùng cùng đại úy Phạm Xuân Thệ dẫn giải ông Dương Văn Minh ra đài phát thanh (Hình cắt ra từ clip)

Mời xem Phim Tài liệu: SỰ THẬT TRƯA 30/04/1975

Nhà báo chiến trường, nghệ sĩ ưu tú Phạm Việt Tùng, nói về con đường 46 năm đi tới bộ phim “Sự thật trưa 30/4/75”.

Chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài 46 năm.

Bộ phim Tài liệu điều tra “Sự thật trưa 30/4/75” do Nhà báo, nghệ sĩ ưu tú Phạm Việt Tùng đạo diễn, vừa được trình chiếu vào dịp 30/4/2021 đã gây xôn xao dư luận.

PV: – Thưa đạo diễn Phạm Việt Tùng, ông nói ông đã phát hiện trung tướng Phạm Xuân Thệ nói dối 5 lần?

Nhà báo Phạm Việt Tùng: Đúng vậy.

Ông Phạm Xuân Thệ đã nhận mình là người soạn thảo tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống Sài Gòn Dương Văn Minh đọc trên Đài Phát thanh Sài Gòn vào trưa 30/4/1975. Sự thật là người soạn thảo bản tuyên bố đầu hàng và kêu gọi tướng lĩnh và binh lính Việt Nam Cộng hòa buông vũ khí ngừng chiến là ông Bùi Văn Tùng, lúc đó là trung tá, chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203.

Để che giấu sự nói dối này, trung tướng Phạm Xuân Thệ đã tiếp tục 4 lần nói dối. Và chúng tôi đã phải đi lần tìm theo lịch sử, làm nhiều bộ phim tài liệu về sự kiện này cho đến khi tôi hoàn toàn chứng minh được ông Thệ nói dối.

Từ trước năm 2000, tôi đã được nghe những người lính tăng phàn nàn về việc đại úy Phạm Xuân Thệ, một Trung đoàn phó trung đoàn bộ binh 66 phối thuộc trong cuộc tiến quân vào Sài Gòn và có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 lại cứ nhận là mình thảo bản tuyên bố đầu hàng. Trong khi thủ trưởng của họ, khi đó là trung tá Bùi Văn Tùng, chính ủy của Lữ đoàn xe tăng 203, đơn vị tiên phong của Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, mới là người thực sự soạn thảo tuyên bố đầu hàng. Những người lính này đã được chứng minh là những người tiên phong có mặt, làm nhiệm vụ bảo vệ cho đầu não cán bộ của bên ta, những lời nói của họ khiến tôi lưu ý.

Ngày 20/11/2004, tôi đến gặp Đại tá Bùi Văn Tùng, lúc đó đã nghỉ hưu ở TP Hồ Chí Minh. Đại tá Bùi Văn Tùng có đưa tôi xem một bức thư của ông Nguyễn Tất Tài, tư Lệnh Lữ đoàn 203 gửi cho ông từ năm 1996, phàn nàn về việc trong một cuộc họp của Quân đoàn 2 nói chuyện lịch sử về ngày 30/4, trong đó ông Phạm Xuân Thệ đã nói cứ như ông ấy là người chỉ huy chiến dịch. Ông Bùi Văn Tùng đã giữ bức thư đó gần 10 năm, nhưng cũng không lên tiếng về những gì ông Thệ nói. Tôi đã giữ bức thư đó cho đến tận bây giờ. Bắt đầu từ năm 2005, tôi bắt tay vào đi tìm sự thật về việc ai là người soạn bản tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống Sài gòn Dương Văn Minh.

“Sự thật trưa 30/4/1975”- Trung tướng Phạm Xuân Thệ đã nói dối 5 lần!

Chính ủy Bùi Tùng dẫn giải Dương Văn Minh ra đài phát thanh (Hình cắt ra từ clip)

Khi tôi đến gặp ông Phạm Xuân Thệ, cùng với ông Trần Gia Thái, khi đó là giám đốc Đài PT&TH Hà Nội, tôi phát hiện ông Thệ đã nói dối. Ông Thệ không công nhận ông Bùi Văn Tùng có mặt ở Dinh Độc Lập tại thời điểm đó.

“Sự thật trưa 30/4/1975”- Trung tướng Phạm Xuân Thệ đã nói dối 5 lần!

Trung tướng Phạm Xuân Thệ đang nói dối các nhà báo

Ông Thệ bảo phải đến 30 phút sau ông mới biết ông Bùi Văn Tùng. Ông Thệ nói: Sau khi áp giải Tổng thống Minh cùng nội các Sài Gòn đến Đài Phát thanh, khoảng 20-30 phút sau ông Tùng mới có mặt tại Đài. Ông Tùng hỏi tôi “Anh là ai?”. Tôi nói “Tôi là đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó trung đoàn E66…”. Đó là điều thứ nhất ông Thệ nói dối.

Sau này Tổng cục Chính trị đã xác nhận ông Bùi Văn Tùng có mặt ở Dinh Độc Lập. Ở một nơi nghiêm túc như buổi tiếp nhận đầu hàng và chuyển giao quyền lực ở trung tâm chính trị đầu não của một chế độ như Dinh Độc Lập, việc làm của những nhân vật cao cấp hàng đầu luôn thu hút được sự chú ý của tất cả mọi người, được canh gác nghiêm ngặt, cẩn mật và có thứ tự trên dưới. Ông Bùi Văn Tùng có thể không biết hết được những người cấp dưới của ông là ai, nhưng không thể có chuyện những cấp dưới, cấp thấp hơn ông ở xung quanh đó, lại không biết ông Tùng là ai và có cấp bậc gì, đeo quân hàm gì, đang làm chức năng nhiệm vụ gì được.

Ông Thệ nói văn bản đầu hàng Tổng thống Dương Văn Minh đọc, phát đi trên sóng phát thanh là do ông soạn ra. Nhưng những lời ông Thệ nhắc lại trong bộ phim do TTXVN phỏng vấn ông Thệ so với bản ghi âm lời ông Dương Văn Minh trưa ngày 30/4/75 không giống nhau. Tình cờ tôi được ông Nguyễn Hữu Thái cho biết ông Nguyễn Nhã, một nhà nghiên cứu lịch sử- văn hóa, đã thu âm lại bản phát thanh đó trong lúc đi tản cư nghe được vào trưa 30/4/75. Đó cũng là bản thu âm duy nhất chúng ta có được đến giờ. Ông Nguyễn Nhã đã cho tôi mượn cái băng này và cho phép tôi được sao chép lại làm nhiều bản. Lúc đó tôi chưa thực sự tin ông Thệ “ăn gian”. Đêm hôm ấy, tôi nghe đi nghe lại, tôi thấy nội dung lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh không giống với lời ông Thệ đã nói lúc trước. Tôi phát hiện điều thứ 2 ông Thệ nói dối. Lúc đó, tôi kinh ngạc đến mức không ngủ được. Tôi tin tôi đã tìm ra sự thật thứ 2 bị vùi lấp.

Chúng tôi hiện vẫn còn giữ được ảnh chụp (tại bảo tàng Quân đoàn 2) bản viết tay Lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh, nét chữ của ông Bùi Văn Tùng, có cả những chỗ gạch xóa.

“Sự thật trưa 30/4/1975”- Trung tướng Phạm Xuân Thệ đã nói dối 5 lần!

Bản viết tay Lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh với bút tích của Chính ủy Bùi Tùng hiện lưu ở Bảo tàng Quân đoàn 2

Câu chữ trong bản viết tay này rất khớp với lời tuyên bố đầu hàng của ông Dương Văn Minh đọc đã phát đi trên sóng phát thanh. Trong khi đó ông Phạm Xuân Thệ lại không đưa ra được bản viết tay nào, và lời ông Thệ tự công bố nội dung ông viết cho Tổng thống Minh cũng không khớp gì với Tuyên bố đầu hàng Tướng Minh đã đọc. Bộ Chính sử Nam Bộ kháng chiến do Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm Trưởng ban soạn thảo, thiếu tướng Trịnh Vương Hồng-Viện trưởng viện Lịch sử quân đội đã ký, người chắp bút là ông Hoạt… cũng đã công nhận bản viết tay này là chữ của ông Bùi Văn Tùng, do ông Bùi Văn Tùng soạn thảo. Thế nhưng ông Phạm Xuân Thệ vẫn nhận công trạng này về mình. Đó là ông Thệ nói dối điều thứ 3.

Ông Thệ bảo “Chúng tôi bàn với nhau phân công ông Bùi Tùng”. Nói như thế là ông Thệ không hiểu gì mà lộ ra sơ hở mình nói dối. Vì lúc đó ông Bùi Văn Tùng là Chính ủy Lữ đoàn, người chỉ đứng sau Lữ Đoàn trưởng, người phụ trách về Chính trị cao nhất của phía bên ta ở Dinh Độc Lập lúc đó. Chỉ có ông Tùng mới đủ tư cách là người đối thoại và thực hiện những nhiệm vụ chính trị như thảo văn kiện đầu hàng, rồi tiếp nhận đầu hàng. Mà Lữ đoàn thì là cấp trên của Trung đoàn. Ông Thệ chỉ là Trung đoàn phó một trung đoàn bộ binh phối thuộc, sao đủ tư cách mà đòi phân công cho ông Tùng đi làm việc? Đó là chưa nói đến năng lực, trình độ của một Chính ủy như ông Tùng.

Kỷ luật quân đội là kỷ luật thép, cấp dưới phải tuyệt đối phục tùng cấp trên. Ông Bùi Văn Tùng là một trung tá. Khi đó, chúng ta xét duyệt phong cấp tá rất khó khăn. Phải là cấp Nhà nước ra quyết định chứ không phải quân đội tự phong hàm cho cán bộ của mình. Một đại úy lại có thể phân công một trung tá đi làm việc, chuyện lạ đời chỉ có ông Thệ nghĩ ra!

Trong một bài báo lưu chiểu quốc tế, ông Thệ nói “Chữ tôi xấu nên tôi đọc cho ông Dương Văn Minh chép”. Ông Dương Văn Minh lúc này là đại tướng, mang tư cách là Tổng thống của chính quyền Sài Gòn. Dù đã đầu hàng nhưng ông cũng không thể đi làm một việc vô lý là chép theo lời một đại úy phía đối phương. Ông Thệ cũng không đưa ra được bản viết tay mà ông cho là Dương Văn Minh đã “chép lại”. Kho tàng tư liệu lịch sử cũng không giữ được một văn kiện nào như thế cả. Đó là điều thứ tư ông Thệ nói dối.

Thực chất là ông Dương Văn Minh đã đọc đi đọc lại bản viết tay văn kiện đầu hàng do ông Bùi Văn Tùng soạn thảo đó, ông Minh còn đề nghị bỏ chữ Tổng thống, nhưng ông Tùng không đồng ý. Họ tranh luận, sau đó ông Minh đồng ý đọc theo bản ông Tùng viết.

Chúng tôi còn được cung cấp những tư liệu của một nhà báo người Đức là Boerries Gallasch, do bà Alice Kelley Gallasch, vợ ông, tìm đến thăm và tặng lại gia đình ông Tùng đúng dịp 30/4 năm 2010. Đây là mắt xích rất quan trọng trong quá trình phơi bày sự thật ra ánh sáng. Rất nhiều tư liệu và di sản của ông B.Gallasch về ngày 30/4/75 tại Việt Nam đã được bà Alice gửi tặng sau khi bà trở thành bạn của gia đình ông Bùi Văn Tùng.

Qua lời kể của bà Alice Kelley Gallasch, thì Boerries Gallasch là 1 trong 3 nhà báo (đều là người nước ngoài) hiếm hoi có mặt tại Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30/4/75. Khi đó, ông Gallasch đã xin ông Bùi Văn Tùng cho đi nhờ xe jeep để đến Đài Phát Thanh để kịp ghi lại khoảnh khắc lịch sử tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Sài Gòn và chuyển giao chế độ.

Với ông B.Gallasch, trung tá Bùi Văn Tùng là ân nhân của ông, là ân nhân của cả tuần báo Tấm Gương và tin tức báo chí toàn thế giới vì ông Tùng đã giúp ông B. Gallasch thu thập tin tức và cung cấp kịp thời cho bạn đọc năm châu quan tâm đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Quyết định tình cờ và sáng suốt của Chính ủy Bùi Văn Tùng lúc đó đã giúp thời khắc lịch sử thiêng liêng của dân tộc được đóng dấu, được lắng đọng lại qua những thước phim và ghi chép của một nhà báo người Tây Đức. Bởi khi đến Đài Phát thanh thì Đài không hoạt động vì tất cả đã đi sơ tán. Lời thu âm của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa khi đó đã được thu lại bằng máy catset của nhà báo Tây Đức này rồi cả ông Minh và ông Tùng đều cẩn thận nghe đi nghe lại 3 lần, sau đó mới được phát sóng trên toàn bộ lãnh thổ miền Nam, yêu cầu toàn bộ tướng lĩnh và binh lính miền Nam ngừng chiến. Chiếc catset này cũng được bà Gallasch tặng lại cho gia đình ông Bùi Văn Tùng.

Trong số tư liệu của ông B.Gallasch còn có bức ảnh ông chụp chung với Chính ủy Bùi Văn Tùng rồi các bức ảnh có mặt ông Tùng cùng với ông Dương Văn Minh tại Dinh Độc lập cũng như tại Đài khi ông Minh đọc lời kêu gọi đầu hàng. Những sự thật ấy không ai có thể chối cãi được.

Bà Alice Kelley Gallasch đã trở thành người bạn thân thiết của gia đình Đại tá Chính ủy Bùi Văn Tùng

Sự thật là ông Phạm Xuân Thệ đã nhận vơ công trạng và ăn gian lịch sử khi tự nhận mình là người soạn thảo văn kiện đầu hàng cho tổng thống Dương Văn Minh. Để bao che cho lời nói dối ấy, ông Thệ đã phải bao biện bằng rất nhiều lời nói dối khác mà càng nói càng hở. Ông Thệ là người sống và làm việc lâu năm trong quân ngũ, không hiểu sao những tri thức tối thiểu như đại úy không thể sai phái trung tá, trung đoàn phó thấp cấp hơn Chính ủy lữ đoàn, binh chủng bộ binh phối thuộc binh chủng tăng thiết giáp (trong một trận tiến công, xe tăng là đội tiên phong, rồi đến bộ binh và các binh chủng khác. Không thể có chuyện binh chủng xe tăng phối thuộc bộ binh)… Những tri thức này mà vị trung tướng quân đội, anh hùng lực lượng vũ trang lại có thể nhầm lẫn cũng là điều lạ kì. Có thể hiểu vì dễ “nhầm lẫn” tri thức tối thiểu đó nên ông Phạm Xuân Thệ mới dễ dàng “nhầm lẫn” sự thật lịch sử, mới để xảy ra câu chuyện thật giả lẫn lộn?

Khi đã chứng minh được ông Thệ nói dối, khi đã tập hợp được tư liệu khá đầy đủ, chúng tôi bắt tay vào làm phim. Một bộ phim chưa thể đột phá vào lớp lớp những thứ na ná sự thật đã bủa vây nhận thức con người trong một thời gian dài. Vậy nên tôi làm nhiều phim. Tôi hợp tác với Đài HTV TPHCM làm phim “Trưa 30/4/1975”. Bộ phim gây ồn ào cả nước.

Trong cuộc họp ngày 12/6/2007, bên nghiên cứu Lịch sử Quân đội nói họ sẽ ghi nhận và trở về báo cáo cấp trên. Nhưng sau đó không có gì thay đổi.

“Sự thật trưa 30/4/1975”- Trung tướng Phạm Xuân Thệ đã nói dối 5 lần!

Đạo diễn Phạm Việt Tùng tại buổi làm việc với Viện Lịch sử quân sự  ngày 12/6/2007

Tôi lại làm bộ phim “Chuyện kể về anh bộ đội cụ Hồ”… Và sau khi tư liệu tập hợp đủ đầy, sau mấy chục năm, suy nghĩ thật chín mùi, tôi cùng các đồng nghiệp quyết định làm bộ phim “Sự thật trưa 30/4/75” này. Bộ phim lần này được sự giúp đỡ của rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp của tôi.

PV: Vậy thì mục tiêu theo đuổi đến gần nửa thế kỷ về sự thật lịch sử của ông là gì, thưa ông?

Nhà báo, nghệ sĩ ưu tú Phạm Việt Tùng: Tôi đã nói trước những nhà nghiên cứu lịch sử quân đội và nhiều học giả, “Kinh tế mất đi chúng ta có thể làm lại. Nhưng lịch sử thì chỉ có một thôi”.

Thành quả cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta rất to lớn, cần phải được ghi lại thật cụ thể và chi tiết, nhưng chúng ta chưa làm được một bộ sử xứng đáng. Vì lí do này hay lí do kia, vẫn còn khá nhiều sạn, còn sai sót. Lịch sử phải là sự thật, không thể là “sử giả”, là giả dối. Đó là di sản chúng ta truyền lại cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Không thể bắt họ vái thứ đồ rởm, ca ngợi nhầm được. Bác Hồ dạy, chúng ta không sợ sai lầm, phát hiện sai thì phải sửa. Một nhà nghiên cứu văn hóa nói “Khi làm cách mạng chúng ta không tránh khỏi có lúc sai lầm. Chúng ta đã nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta đã dũng cảm sửa sai. Có thế mới khắc phục được hậu quả của Cải Cách ruộng đất 1954, đưa tới xây dựng một hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa vững chắc làm tiền đề cho chiến thắng giải phóng miền nam 1975. Chúng ta dũng cảm làm công cuộc Đổi mới từ 1986, khắc phục những nhận thức còn sai lầm ấu trĩ, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, ổn định và phát triển theo con đường kinh tế thị trường định hướng xã hội Chủ nghĩa, mới có đất nước ta độc lập và phát triển như ngày hôm nay.

Chúng ta biết sửa sai mới có thể khiến dân tin Đảng, đi theo Đảng, gắn bó với Đảng. Cả Hiến Pháp, cả những chính sách lớn của Đảng, của Nhà nước bị sai còn sửa được. Lịch sử có còn chỗ ghi chép lại chưa đúng, vì sao lại không thể sửa?”.

Lịch sử rất quan trọng, là tấm gương cho thế hệ sau soi chiếu. Gương giả thì thì họ soi thế nào? Hậu quả sẽ không thể lường hết được. Sách giáo khoa lịch sử chưa được sửa lại mấy chi tiết này. Tôi mong muốn sau bộ phim này, các nhà viết sử, các nhà giáo dục, những người làm chính sách, hãy rà soát lại thật kĩ những gì chúng ta đã làm, đã viết, để nhặt hết những hạt sạn trong bộ sử vĩ đại về những chiến công của dân tộc ta. Ông Thệ có thế nhầm lẫn nhưng chúng ta không thể để lịch sử nhầm lẫn theo ông Thệ. Ông Thệ có thể nói dối nhưng lịch sử dân tộc thì không thể gian dối theo.

Mong muốn thứ hai của chúng tôi khi làm bộ phim này là những người anh hùng thầm lặng như 4 chiến sĩ trên chiếc xe tăng 390 ngày đó và Chính ủy Bùi Văn Tùng cần được Tổ quốc ghi công, Nhà nước nên trao cho họ những danh hiệu xứng đáng. Đến những người như ông Phạm Xuân Thệ, Bùi Quang Thận đã được phong Anh hùng mà những người thực sự có công đầu, nay đã được chứng minh, mà lại thầm lặng không được ai biết đến thì thật đáng tiếc. Công lao của những người lính xe tăng và nhất là của chính ủy Bùi Văn Tùng là rất lớn trong việc kết thúc chiến tranh và tiết kiệm xương máu. Dù kịch bản đầu hàng trước đó chưa hề chuẩn bị sẵn, nhưng khi tình huống phát sinh, thời cơ đến, ông Bùi Văn Tùng đã kịp thời nghĩ ra và soạn thảo ngay một văn kiện đầu hàng tức thời, yêu cầu ông Dương Văn Minh phải theo mình đến Đài Phát Thanh kêu gọi binh lính ngừng chiến. Hành động ấy không khác gì ông đã bấm nút tắt cho cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm trên toàn cõi nước ta. Hành động ấy cũng góp phần tiết kiệm biết bao xương máu của những người lính giải phóng quân và cả của người lính Việt Nam Cộng hòa, đem lại hạnh phúc cho biết bao gia đình Việt Nam khi được đón những người con ra lính còn được trở về sau ngày thống nhất. Tôi được biết, chỉ riêng ngày 30/4/75 thôi, phía bên ta vẫn có hàng ngàn giải phóng quân ngã xuống, còn chưa kể biết bao người trở về với vết thương chiến tranh. Mất mát gì cũng tìm lại được. Chỉ có mất mát con người thì không gì bù đắp nổi. Chúng ta sẵn sàng hy sinh cho độc lập và thống nhất Tổ quốc. Nhưng nếu có thể tiết kiệm được, vì sao chúng ta không trân trọng?

Bởi vậy tôi nói hành động của Chính Ủy Bùi Văn Tùng lúc đó chính là chiến công có ý nghĩa to lớn và đầy sáng tạo, đầy nhân văn là sự thật. Đó là tư duy của người chỉ huy yêu nước, yêu dân, thương và hiểu lính, hiểu sâu sắc về cuộc chiến tranh. Bởi vậy, trong tâm thức những người lính của ông Tùng, cho đến hôm nay, sau gần nửa thế kỷ, ông không chỉ là một thủ trưởng tuyệt vời, ông chính là một vị anh hùng thật sự, một người lính yêu hòa bình. Nhân dân cũng đòi hỏi chúng ta phải thừa nhận ông Tùng là Anh hùng chính bởi chiến công này. Mặc dù ông Tùng chưa bao giờ lên tiếng đòi lại sự thật, cũng chưa bao giờ ông nói mong muốn mình được phong anh hùng. Đức tính giản dị của anh bộ đội cụ Hồ vẫn khiến ông làm một người lính cống hiến trọn vẹn và an nhàn hưởng tuổi già bên con cháu.

Từ nhiều năm nay, do bị ảnh hưởng của bệnh tai biến, ông đã dần quên rất nhiều thứ, nhiều người. Nhưng đến nay, ở tuổi 92, hàng ngày mọi sinh hoạt phải nhờ người thân chăm lo, Chính ủy Bùi Văn Tùng vẫn cầm tờ báo Quân đội nhân dân để đọc như một thói quen. Thời gian của người anh hùng không còn nhiều. Có thể ông không cần. Nhưng trách nhiệm của chúng ta là phải bù đắp những gì còn thiếu sót, làm những việc chưa kịp làm. Cần phải phong Anh hùng cho Chính ủy Bùi Văn Tùng. Dư luận nhân dân và anh em cựu chiến binh xe tăng ngày ấy mong muốn điều đó. Những người lính trên chiếc xe tăng 390 ngày ấy giờ đã mất đi 1 người cũng tha thiết mong muốn điều đó.

Mong muốn thứ ba của tôi là ông Phạm Xuân Thệ nên xin lỗi lịch sử, xin lỗi Đảng, xin lỗi nhân dân, xin lỗi những người đồng chí đồng đội của mình và xin lỗi ông Bùi Văn Tùng vì đã ăn gian và nhận vơ công trạng, làm thay đổi, sai lệch lịch sử.

***

Để ngày 30/4/75 ấy đi vào lịch sử mãi mãi là trang vàng chói lọi và hoàn bích, không một vết mờ. Để chúng ta không phải nuối tiếc vì những gì chưa kịp làm. Thời gian không mãi đợi chúng ta. Chiến tranh đã qua đi từ lâu rồi. Cần phải nhanh chóng hoàn thiện bộ lịch sử để chúng ta có thể khép lại những trang sử ấy và thênh thang bước sang những trang mới.

PV:- Xin cảm ơn ông!

Hải Nguyệt (thực hiện)

Nguồn: Google.Tiên lãng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây