26 C
Hanoi
Thứ Năm, Tháng Năm 16, 2024

200 năm ngày sinh Ph.Ăng-ghen và những đóng góp của ông cho phong trào công nhân và cách mạng vô sản

Hướng tới kỷ niệm 200 năm ngày sinh Ph.Ăng-ghen, cùng với việc tôn vinh, tri ân công lao, đóng góp vĩ đại của ông đối với kho tàng lý luận của nhân loại và phong trào công nhân, cách mạng vô sản thế giới; chúng ta càng thấm nhuần hơn nữa chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như sự vận dụng sáng tạo của Đảng ta vào điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam. Từ đó, tạo không khí thi đua sôi nổi, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII và chuẩn bị tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sắp diễn ra.

Phơ-ri-đơ-rích Ăng-ghen là nhà lý luận chính trị, là một triết gia và nhà khoa học người Đức thế kỷ 19, người cùng với Các Mác đã sáng lập học thuyết Mác – học thuyết khoa học, cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới.

Hướng tới kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Ph.Ăngghen (28/11/1820 – 28/11/2020), bài viết xin được giới thiệu với quý độc giả đôi điều về sự nghiệp và những đóng góp của ông đối với việc phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học, phong trào công nhân và cách mạng vô sản trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

200 năm ngày sinh Ph.Ăng-ghen và những đóng góp của ông cho phong trào công nhân và cách mạng vô sản

Ph.Ăngghen sinh ngày 28/11/1820 tại thành phố Bác-men, nước Đức trong một gia đình tư sản. Tuy xuất thân từ tầng lớp trên nhưng Ph.Ăng-ghen đã dành tất cả con tim, khối óc, tình cảm và trí tuệ cho giai cấp vô sản, hiến dâng toàn bộ cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, nhằm mục tiêu, lý tưởng cao đẹp là giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng nhân dân lao động khỏi mọi ách áp bức, bóc lột.

Ph.Ăng-ghen không những là người đồng chí kiên trung, luôn sát cánh bên C.Mác trong sự nghiệp đấu tranh chống lại hệ tư tưởng tư sản, truyền bá tư tưởng vô sản, mà ông còn là người bạn thân thiết của cả gia đình C.Mác. Ông luôn có mặt bên cạnh gia đình bạn trong lúc khó khăn nhất. Sau khi C.Mác qua đời (1883), Ph.Ăng-ghen là người lãnh đạo tổ chức những người theo chủ nghĩa xã hội ở châu Âu, chuẩn bị cho in tập 2 và 3 của bộ Tư bản mà C.Mác chưa kịp hoàn thành.

Ph.Ăng-ghen viết nhiều tác phẩm nổi tiếng vào những năm cuối đời, như: Nguồn gốc gia đình, Chế độ tư hữu và Nhà nước (1884), Lút-vích Phoi ơ bắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức (1886), Biện chứng tự nhiên,Vấn đề nông dân ở Pháp và Đức (1894); đồng thời tiếp tục làm cố vấn và là người lãnh đạo của những người xã hội chủ nghĩa châu Âu. Ph.Ăng-ghen đã tiến hành cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống chủ nghĩa cơ hội trong các đảng công nhân, vạch trần và phê phán kịch liệt những khuyết điểm của các đảng đó, giúp các đảng đó có một phương hướng cách mạng trong công tác. Tác phẩm “Phê phán dự thảo Cương lĩnh của Đảng xã hội dân chủ năm 1891” viết năm 1891, là một văn kiện quan trọng của Ph.Ăng-ghen đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội.

Những công lao, cống hiến vĩ đại của Ph.Ăng-ghen đối với chủ nghĩa cộng sản và phong trào công nhân quốc tế có thể khái quát ở mấy điểm sau:

1. Ph.Ăng-ghen đã cùng với C.Mác xây dựng, tạo lập nền tảng tư tưởng và hoàn thiện lý luận cho học thuyết cách mạng

Toàn bộ học thuyết của C.Mác và Ph.Ăng-ghen là kết quả của quá trình nghiên cứu khoa học rất nghiêm túc và đồ sộ, giải đáp được nhiều vấn đề mà nhân loại đặt ra. Kế thừa những trào lưu tư tưởng tốt đẹp nhất của loài người đến thế kỷ XIX (triết học Đức, kinh tế chính trị Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp) và tổng kết thực tiễn trong thời đại mình, Ph.Ăng-ghen cùng C.Mác đã sáng tạo ra một học thuyết hoàn chỉnh, chặt chẽ và chính xác, trong đó tính khoa học thống nhất với tính cách mạng triệt để.

2. Cống hiến của Ph.Ăng-ghen trong học thuyết giá trị thặng dư – phát hiện vĩ đại thứ hai của học thuyết Mác

Qua các công trình khoa học đầu tay như Lược khảo phê phán khoa kinh tế chính trị; Tình cảnh giai cấp công nhân Anh, Ph.Ăng-ghen đã truy tìm nguyên nhân sâu xa của những tệ nạn xã hội, những nỗi thống khổ của giai cấp công nhân: đó là chế độ sở hữu tư nhân tư sản.

Những phát hiện và những tư tưởng, quan điểm thể hiện trong các công trình nghiên cứu  đó của Ph.Ăng-ghen đã gợi mở và tạo cảm hứng cho C.Mác một hướng nghiên cứu mới, đúng đắn về xã hội tư bản, hướng nghiên cứu chuyển từ triết học và luật học sang nghiên cứu kinh tế chính trị học. Từ đó C.Mác đã phát hiện ra quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản – quy luật giá trị thặng dư.

Cùng với C.Mác, Ph.Ăng-ghen đã vạch rõ quá trình phát sinh, phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, nêu lên những mặt tiến bộ và vạch rõ những khuyết tật, mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản; từ đó đã chỉ ra rằng, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tất yếu sẽ bị thay thế bởi phương thức sản xuất mới, cao hơn, tiến bộ hơn, đó là phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa.

3. Cống hiến đặc sắc của Ph.Ăng-ghen trong việc phát hiện sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân – phát hiện vĩ đại thứ ba của học thuyết Mác

Cùng với C.Mác, Ph.Ăng-ghen không chỉ phát hiện ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân mà còn góp phần vạch ra vai trò của đội tiền phong (chính đảng) của giai cấp công nhân. Ph.Ăng-ghen đã cống hiến toàn bộ nghị lực phi thường, trí tuệ uyên bác và trái tim nồng nhiệt của mình cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, sự nghiệp xây dựng và củng cố các đảng của giai cấp vô sản. Với tinh thần cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác, Ph.Ăng-ghen nêu lên một luận điểm nổi tiếng: “Chủ nghĩa xã hội từ khi trở thành khoa học, đòi hỏi phải được đối xử như là một khoa học”.

Cống hiến của Ph.Ăng-ghen đối với phong trào công nhân quốc tế được thể hiện sinh động thông qua 10 năm tồn tại của Quốc tế I và hoạt động trong phong trào công nhân quốc tế cho đến tận cuối đời. Sau khi Quốc tế I ngừng hoạt động, rồi Quốc tế II ra đời, vấn đề thống nhất phong trào công nhân quốc tế, đặc biệt là sự thống nhất tư tưởng của phong trào được Ph.Ăng-ghen hết sức quan tâm. Ông đấu tranh mạnh mẽ, kiên quyết chống những khuynh hướng tư tưởng ảnh hưởng xấu đến phong trào công nhân, nhất là đấu tranh chống chủ nghĩa cải lương và chủ nghĩa vô chính phủ, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của chủ nghĩa Mác trong phong trào công nhân.

4. Ph.Ăng-ghen bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác, góp phần làm cho chủ nghĩa Mác luôn có giá trị khoa học và cách mạng

Cũng như C.Mác, Ph.Ăng-ghen không bao giờ coi lý luận của mình là học thuyết hoàn hảo, đã xong xuôi và buộc mọi người phải dập khuôn, sao chép, mà luôn đòi hỏi phải phát triển lý luận thông qua nghiên cứu thực tiễn, tổng kết thực tiễn. Ông kiên quyết bác bỏ những mưu toan giáo điều của học thuyết Mác, biến học thuyết đó thành một mớ những công thức bất biến; đồng thời đấu tranh với bất cứ người nào coi thường sự tiến bộ của khoa học, coi thường những điều kiện và những nhu cầu xã hội mới nảy sinh.

Khi tình hình thay đổi và cuộc sống thực tiễn đặt ra những vấn đề mới, Ph.Ăng-ghen dũng cảm xem xét lại ngay cả những quan điểm của mình. Ph.Ăng-ghen thẳng thắn thừa nhận sai lầm của mình và C.Mác trong thời kỳ bão táp cách mạng (1848 – 1852) khi nhận định về tình hình thế giới, về chủ nghĩa tư bản, về phương pháp, sách lược cách mạng của phong trào công nhân…

Đánh giá về công lao của Ăngghen, V.I. Lênin viết: “Sau bạn ông là Các Mác, Ăng-ghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh. Từ ngày mà vận mệnh đã gắn liền Các Mác với Phri-đrích Ăng-ghen thì sự nghiệp suốt đời của hai người bạn ấy trở thành sự nghiệp chung của họ. Cho nên muốn hiểu Ph.Ăng-ghen đã làm gì cho giai cấp vô sản thì phải nhận rõ ý nghĩa của học thuyết và hoạt động của Các Mác đối với sự phát triển của phong trào công nhân hiện đại”.

Hoa sữa

Nguồn: Người con Đất Mẹ

CÓ THỂ BẠN MUỐN XEM

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

KẾT NỐI

0FansLike
455FollowersFollow
52SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

LUẬN BÀN-PHẢN BIỆN

ĐỐI TƯỢNG