25 C
Hanoi
Thứ Hai, Tháng Năm 20, 2024

Đập tan luận điệu xuyên tạc của Trung Quốc và các thế lực thù địch về “Công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng”

Ngày 17/4/2020, Trung Quốc dùng chiêu trò gửi công hàm lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về cái gọi là Thủ tướng Phạm Văn Đồng của Việt Nam đã gửi công hàm ngoại giao “công nhận và ủng hộ tuyên bố của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về quyết định liên quan đến lãnh hải của Trung Quốc được đưa ra vào ngày 14/9/1958 và Chính phủ của Cộng hòa Dân chủ Việt Nam tôn trọng quyết định này” hòng đưa ra lập luận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thuộc chủ quyền Trung Quốc. Ngay lập tức, trang “Thoibao.de” và một số tài khoản FB mang tên Quốc Ấn Mai, Hà Mạnh Ly, Le Thi Thanh Binh,… đã đăng nội dung này để tiếp tay cho hành động phi pháp của Trung Quốc, quy kết “Việt Nam bán đảo cho Trung Quốc từ Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký năm 1958”.

Để vạch mặt và đập tan sự gian xảo của Trung Quốc và thủ đoạn chống phá Nhà nước Việt Nam của chính một số kẻ mang dòng máu Việt thì mỗi người dân cần nhận thức rõ những vấn đề sau:

THỨ NHẤT: BỐI CẢNH VÀ NỘI DUNG CỦA CÔNG HÀM

Năm 1956, Liên Hợp Quốc bắt đầu tiến hành các hội nghị quốc tế bàn về Luật Biển, sau đó một số hiệp định được ký kết vào năm 1958, tuy nhiên vẫn chưa làm thỏa mãn yêu sách về lãnh hải của một số quốc gia.

Từ đầu thế kỷ XX, nhiều quốc gia đã bắt đầu chú ý tới nguồn lợi to lớn từ khoáng sản và tài nguyên biển, bộc lộ ý đồ mở rộng chủ quyền trên biển. Trung Quốc, dù trong lịch sử ít quan tâm đến biển, cũng bắt đầu chú ý đến việc mở mang, kiếm tìm những đặc quyền trên biển. Mặc dù lúc đó chưa phải là thành viên của Liên Hợp Quốc, nhưng Trung Quốc cũng bắt đầu chú ý đến việc lên tiếng với cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề trên biển theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Trong chiến lược cho tương lai, thì việc cạnh tranh trên biển, cũng như tìm kiếm những nguồn tài nguyên trên biển là một vấn đề được Trung Quốc đặt ra.

Trên thực tế, cũng từ đầu thế kỷ XX, Trung Quốc đã hình thành ý định nhòm ngó các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Rõ ràng, việc nhòm ngó các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam từ thế kỷ XX đã nằm trong chiến lược “lấn sân” của Trung Quốc về tham vọng mở rộng biên giới quốc gia trên biển.

Ngày 26/5/1950, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, Tổng thống Hoa Kỳ Harry S. Truman đã ra lệnh cho Hạm đội 7 tiến vào eo biển Đài Loan, ngăn chặn cuộc tấn công của Trung Quốc nhắm vào các đảo trên eo biển Đài Loan. Với hành động này, Mỹ đã thực sự bảo hộ Đài Loan, mặc cho Trung Quốc kịch liệt lên án.

Để tỏ rõ quyết tâm giải phóng Đài Loan, ngày 3/9/1954, Trung Quốc đã tấn công trừng phạt đối với các hòn đảo ven biển như Kim Môn, Mã Tổ. Các nhà chép sử gọi đây là cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ nhất.

Ngày 11/8/1954, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tuyên bố sẽ “giải phóng” Đài Loan, và tăng cường pháo kích vào hai đảo Kim Môn và Mã Tổ.

Ngày 12/9/1954, Chủ tịch Hội đồng Liên quân Hoa Kỳ đưa ra dự tính tấn công Trung Quốc bằng vũ khí nguyên tử nhưng Tổng thống Eisenhower đã do dự sử dụng vũ khí nguyên tử cũng như sự liên can của quân đội Hoa Kỳ vào cuộc chiến này.

Năm 1958, tiếp tục xảy ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai. Ngày 23/8/1958 Trung Quốc đột ngột tăng cường nã pháo vào đảo Kim Môn. Theo Hiệp định Phòng thủ tương hỗ giữa Đài Loan-Hoa Kỳ, Tổng thống Eisenhower đã ra lệnh cho tàu chiến Hoa Kỳ đến bảo vệ đường tiếp tế hậu cần từ đảo Đài Loan đến 2 đảo tiền tiêu Kim Môn và Mã Tổ.

Ngoài bối cảnh “phức tạp và cấp bách” đối với Trung Quốc như đã nêu trên, theo Thạc sĩ Hoàng Việt (Quỹ Nghiên cứu Biển Đông), Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra đời trong bối cảnh quan hệ đặc thù VNDCCH -Trung Quốc lúc đó “vừa là đồng chí vừa là anh em”. Năm 1949, bộ đội Việt Nam còn tấn công và chiếm vùng Trúc Sơn thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ tay các lực lượng khác rồi trao trả lại cho Quân giải phóng Trung Quốc. Năm 1957, Trung Quốc chiếm giữ đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam từ tay một số lực lượng khác, rồi sau đó cũng trao trả cho Việt Nam. Điều này cho thấy quan hệ đặc thù của hai nước VNDCCH – Trung Quốc lúc bấy giờ. Do vậy, trong tình hình lãnh thổ Trung Quốc đang bị đe dọa chia cắt, cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai khiến Hải quân Hoa Kỳ đưa tàu chiến vào can thiệp, việc Trung Quốc ra tuyên bố về lãnh hải bao gồm đảo Đài Loan trước hết nhằm khẳng định chủ quyền trên biển của Trung Quốc trong tình thế bị đe dọa tại eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không quên mục đích “sâu xa” của họ trên Biển Đông nên đã “lồng ghép” thêm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào bản tuyên bố.

Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuất phát từ mối quan hệ rất đặc thù với Trung Quốc trong thời điểm VNDCCH đang rất cần tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các quốc gia trong khối xã hội chủ nghĩa bấy giờ và là một cử chỉ ngoại giao tốt đẹp thể hiện quan điểm ủng hộ của VNDCCH trong việc tôn trọng lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc trước các diễn biến quân sự phức tạp trên eo biển Đài Loan.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát biểu những lời ủng hộ Trung Quốc trong hoàn cảnh hết sức khẩn trương, chiến tranh chuẩn bị leo thang, Hạm đội 7 của Mỹ đang tiến vào eo biển Đài Loan và đe dọa Trung Quốc.

Nội dung Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng được thể hiện rất thận trọng, đặc biệt là không hề có việc tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bởi, hơn ai hết, chính Thủ tướng VNDCCH thấu hiểu quyền tuyên bố về lãnh thổ quốc gia thuộc thẩm quyền cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội, và việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia luôn luôn là mục tiêu hàng đầu đối với Nhà nước và nhân dân Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh ra đời của Công hàm như đã nêu trên.

Nội dung Công hàm 1958 như sau:

“Thưa Đồng chí Tổng lý,
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng”.

Công hàm 1958 có hai nội dung rất rõ ràng:

– Một là, Chính phủ VNDCCH ghi nhận và tán thành việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý;

– Hai là, Chính phủ VNDCCH chỉ thị cho các cơ quan nhà nước tôn trọng giới hạn lãnh hải 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố.

Trong Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có từ nào, câu nào đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền, càng không nêu tên bất kỳ quần đảo nào như Trung Quốc đã nêu. Do vậy, chỉ xét về câu chữ trong một văn bản có tính chất ngoại giao cũng dễ dàng nhận thấy mọi suy diễn cho rằng Công hàm 1958 đã tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và coi đó là bằng chứng khẳng định Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này là xuyên tạc lịch sử và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.

Như vậy, công thư này cho thấy nó mang một sự cam kết về mặt chính trị hơn là về pháp lý, đây cũng là một hình thức mà các nước xã hội chủ nghĩa thường hay sử dụng để thể hiện tình đoàn kết trong tinh thần anh em trong phong trào vô sản quốc tế. Xin nhắc lại là lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc không bao hàm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hoàng Sa và Trường Sa lúc này thuộc miền Nam Việt Nam, đang bị Mỹ và tay sai chiếm đóng trái phép (Mỹ thay chân Pháp xâm chiếm miền Nam Việt Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, vi phạm hiệp định Giơ-ne-vơ, chia đôi đất nước).
Vậy Công hàm 1958 rõ ràng không hề đề cập đến 2 quần đảo nói trên.

THỨ HAI: ĐẬP TAN LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CỦA TRUNG QUỐC VÀ CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH CHO RẰNG “CÔNG HÀM 1958 LÀ BÁN CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO CHO TRUNG QUỐC”:

Cần khẳng định rõ, nội dung của công thư do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký này không chứa đựng bất kỳ câu chữ nào nói về việc chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Và thêm nữa, đối với các sự chuyển nhượng lãnh thổ, thì Thủ tướng VNDCCH không có thẩm quyền quyết định việc ấy, mà phải là cơ quan quyền lực tối cao ở Việt Nam là Quốc hội.

Công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là văn bản ngoại giao, nó có giá trị pháp lý về những vấn đề được nêu trong nội dung, đó là Việt Nam tôn trọng 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố. Công hàm không đề cập chủ quyền lãnh thổ, vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa nên đương nhiên nó không có giá trị pháp lý trong vấn đề chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa. Do đó, lập luận cho rằng “chế độ VNDCCH công nhận chủ quyền biển đảo của Trung Quốc trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa” là phi thực tế.

Thực tế, khoảng cách từ Đảo Hải Nam đến Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam có chiều dài khoảng 380km/1,8, tức hơn 200 hải lý, đến đảo Trường Sa 1.143 km/1,8 tương đương 635 hải lý tính từ mép đất liền của hòn đảo này. Vì vậy, Việc công nhận 12 hải lý trong Công hàm 1958 của chính phủ, về mặt pháp lý cũng không hề liên quan gì đến việc tuyên bố chủ quyền về hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Hơn nữa, về lịch sử chủ quyền, Việt Nam có đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam từ thế kỷ 17,18. Dưới Triều Nhà Nguyễn đã tổ chức khai thác tài nguyên, đánh bắt hải sản. Đến đầu thế kỷ XIX, với tư cách là một nhà nước, nhà Nguyễn đã chính thức xác lập chủ quyền trên 2 quần đảo này và chịu sự quản lý xuyên suốt cả thời kỳ Pháp thuộc đến chế độ tay sai của Mỹ trước khi Trung Quốc xua quân đánh chiếm Quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1 năm 1974, Các đảo phía Đông quần đảo Trường Sa năm 1988. Đối với lịch sử chủ quyền của Trung Quốc dựa trên các sử liệu “Cổ Kim đồ thư tập thành”, “Hoàng dư toàn lãm phân tỉnh đồ”, “Quảng Đông toàn đồ” và “Đại Thanh đế quốc toàn đồ”, tất cả đều không thể hiện cái gọi là Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) và Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) như Trung Quốc đang gọi hiện nay. Cụ thể hơn, dưới thời Trung Hoa dân quốc (1912 – 1949), bản đồ Trung Quốc do “Tân Địa học xã Vũ Xương” xuất bản vẫn công nhận cương giới phía nam là đảo Hải Nam. Cũng trong khoảng thời điểm này Bản đồ Trung Quốc và Nhật Bản do tạp chí địa lý có tên “Commercial Atlas Rand McNally” xuất bản tại Chicago (Mỹ) năm 1942 cũng thể hiện phần lãnh thổ cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Như vậy, rõ ràng Trung Quốc không hề có bất kỳ tính lịch sử và pháp lý nào về chủ quyền trên Quần đảo Hoàng sa và Trường Sa.

Quần đảo Hoàng Sa do đám ngụy quân ngụy quyền VNCH để mất vào tay Trung Quốc khi người Mỹ và Trung Quốc thỏa hiệp ngay trên lưng chế độ cũ, buộc chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và bè lũ tay sai, bù nhìn phải chấp nhận diễn tuồng, mang một số lực lượng hải quân làm tốt thí, đổi lại Nguyễn Văn Thiệu được Mỹ hứa hẹn cấp thêm tiền để chống lại quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Gạc Ma và một số đảo khác do Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm đoạt, sát hại 64 chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1988. Từ đó đến nay, Trung Quốc cải tạo các đảo trái phép trên chủ quyền của Việt Nam.

Có lẽ cần phải nhấn mạnh rằng tất cả những hành động ngoại giao của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong Công hàm 1958 có thể hiểu không phải là ông không nhìn thấy mọi ý đồ của Trung Quốc đối với cách mạng Việt Nam vì ông đã có kinh nghiệm trong bàn đàm phán Genève năm 1954, khi mà Trung Quốc đã có không ít động thái rất bất lợi cho VNDCCH. Nội dung Công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng phù hợp với hoàn cảnh và mối quan hệ đặc thù giữa VNDCCH và Trung Quốc bấy giờ, đồng thời cũng hàm chứa thái độ không bao giờ từ bỏ chủ quyền của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó cũng là quan điểm nhất quán của Việt Nam, bởi từ năm 1945 đến nay, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc hội Việt Nam Cộng hòa, Mặt trận DTGPMN Việt Nam và sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và hiện nay là Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam chưa bao giờ lên tiếng hoặc ra nghị quyết từ bỏ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong suốt quá trình thực hiện mưu đồ bá chủ trên Biển Đông, Trung Quốc đã không ít lần đưa ra các tài liệu xuyên tạc lịch sử, biến có thành không, biến không thành có, tung hỏa mù để cố tình làm sai lệch nhận thức của chính nhân dân Trung Quốc cũng như của cộng đồng quốc tế về vấn đề này theo hướng có lợi cho mưu đồ của Trung Quốc. Tuy nhiên, trước những bằng chứng hiển nhiên của sự thật lịch sử và dưới ánh sáng của luật pháp quốc tế những hành vi xuyên tạc, tung hỏa mù, cố tình làm cho cộng đồng quốc tế ngộ nhận càng khiến cho Trung Quốc lộ rõ âm mưu cũng như thủ đoạn của họ trong suốt quá trình áp đặt ý đồ “nuốt trọn” Biển Đông, theo kiểu “miệng nói hòa bình không xưng bá, tay làm phức tạp hoá tình hình”.

Có thể khẳng định là cả Trung Quốc và những kẻ “tàn dư của chế độ cũ” đang hùa nhau xuyên tạc “Công hàm năm 1958”. Cái mà Trung Quốc muốn là lừa bịp nhân dân thế giới về cái gọi là “Việt Nam công nhận chủ quyền biển, đảo của Trung Quốc”, hòng hợp thức hóa mưu đồ chiếm trọn biển Đông của họ. Đây là kế “Vô trung sinh hữu” (không có mà làm cho có) trong chuỗi liên hoàn kế để thực hiện chiến lược “viễn giao cận công” của họ. Những kẻ cơ hội chính trị cứ thế lợi dụng xuyên tạc sự kiện này hòng kích động nhân dân ta chống phá chế độ, gây rối tình hình nội bộ đất nước.

Suy cho cùng thì cả Trung Quốc và “tàn dư của chế độ cũ” đều bẩn thỉu và hèn hạ như nhau.

Vì vậy, là người dân Việt Nam yêu nước chân chính thì cần phải tỉnh táo, đấu tranh bẻ gãy luận điệu bịp bợm của chúng.

– Tham khảo Chinhphu.vn-
#Vietphuckhang# (TH)

Đập tan luận điệu xuyên tạc của Trung Quốc và các thế lực thù địch về “Công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng”

Nguồn: Fanpage Cờ Đỏ Tp. Hồ Chí Minh

CÓ THỂ BẠN MUỐN XEM

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

KẾT NỐI

0FansLike
455FollowersFollow
52SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

LUẬN BÀN-PHẢN BIỆN

ĐỐI TƯỢNG