25 C
Hanoi
Thứ Hai, Tháng Năm 20, 2024

Nữ kế toán sử dụng chữ ký số “rút ruột” gần 32 tỷ đồng của công ty

Lợi dụng việc được nhờ giữ hộ “token duyệt”, Thuỳ đã thực hiện 84 giao dịch chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, chiếm đoạt của công ty gần 32 tỷ đồng.

Kế toán Ban Quản lý Dự án bảo vệ rừng tham ô gây thất thoát 9 tỷ
Giám đốc cùng kế toán xuất khống hàng trăm hóa đơn thu lợi bất chính
Dùng “thủ thuật” giao dịch tài chính điện tử, kế toán chiếm đoạt tiền của hai DN
Kế toán và thủ quỹ “phối hợp” tham ô gần 1 tỷ đồng ở Quỹ bảo trợ trẻ em

Ngày 19/3, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, vừa ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam 4 tháng đối với Phạm Thị Bích Thuỳ (SN 1986), trú tổ 3 Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội để điều tra về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, ngày 31/12/2019, Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa nhận được đơn trình báo của ông N.Đ.H và N.T.T, đại diện Công ty CP chứng khoán KB Việt Nam (Công ty KB) về việc Phạm Thị Bích Thuỳ, nhân viên kế toán của công ty đã tự ý sử dụng “token” (chữ ký số) để chuyển tiền từ tài khoản công ty đến tài khoản cá nhân nhằm chiếm đoạt.

Từ đơn tố giác này, Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Đống Đa đã vào cuộc xác minh. Theo đó, Phạm Thị Bích Thuỳ được tuyển dụng vào phòng kế toán của Công ty KB năm 2011, đến năm 2013 thì được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Từ đó đến nay, Công ty KB đã 2 lần thay đổi tên công ty và 5 lần thay đổi người đại diện theo pháp luật. Còn Thuỳ tự ý nghỉ việc từ tháng 8-2019.

Nữ kế toán sử dụng chữ ký số “rút ruột” gần 32 tỷ đồng của công ty
Đối tượng Phạm Thị Bích Thuỳ.

Quá trình điều tra cho thấy, cuối năm 2014, Công ty KB đã đăng ký 2 loại “token”, trong đó “token tạo” mang tên Thuỳ, giao cho Thuỳ bảo quản; còn “token duyệt” mang tên bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Kế toán trưởng công ty, giao cho bà Huyền nắm giữ. Cơ chế hoạt động của “token” là một loại chữ ký số dùng để thanh toán giao dịch online, truy vấn giao dịch, truy vấn số dư.

Nếu “token tạo” dùng để khởi tạo một bút toán giao dịch thì “token duyệt” để phê duyệt giao dịch. Các “token” này được Công ty KB quy định sử dụng trong trường hợp cần thiết khi Chủ tài khoản đi vắng và phải được sự đồng ý của Kế toán trưởng, Chủ tài khoản (đồng ý bằng miệng-PV) thì mới được thực hiện giao dịch.

Khoảng cuối năm 2015, bà Huyền đã tự ý nhờ Thuỳ giữ hộ “token duyệt” mà không báo cho lãnh đạo biết. Năm 2017, Công ty KB thay đổi chủ tài khoản, song “token” vẫn sử dụng bình thường, do đó sự việc vẫn không bị phát giác. Cho đến cuối năm 2019 khi mời một đơn vị kiểm toán độc lập vào kiểm toán, đánh giá thực trạng của công ty thì sơ hở và góc khuất này mới được lộ diện.

Qua triệu tập Thuỳ lên làm việc, đối tượng khai nhận, sự việc bắt nguồn từ khi bà Nguyễn Thị Thanh Huyền đưa “token duyệt” cho Thuỳ nhờ giữ hộ. Do cần tiền tiêu xài cá nhân, Thuỳ đã tự ý sử dụng “token tạo” để tạo các bút toán giao dịch đặt lệnh chuyển tiền từ 3 tài khoản ngân hàng của Công ty KB đến tài khoản cá nhân của Thuỳ. Sau đó sử dụng “token duyệt” để tự phê duyệt giao dịch mà không hỏi ý kiến của Kế toán trưởng hay ban lãnh đạo Công ty KB.

Đặc biệt, khi thanh toán uỷ nhiệm chi thực tế có chữ ký của Kế toán trưởng và Chủ tài khoản của Công ty KB, Thuỳ nhiều lần sử dụng “token tạo” để tạo một bút toán giống với việc chi thanh toán trên uỷ nhiệm chi, sau đó sử dụng “token duyệt” để phê duyệt luôn giao dịch chuyển tiền từ tài khoản công ty vào tài khoản cá nhân.

Khó khăn của vụ án này là Cơ quan Công an phải làm rõ thủ đoạn che giấu tội phạm và chứng minh hành vi của đối tượng. Sở dĩ Thuỳ dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội là bởi sau khi thực hiện việc chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của Công ty KB vào tài khoản cá nhân, Thuỳ đã hợp thức hoá bằng cách phân bổ số tiền này vào các tài khoản 335 (chi phí phải trả) và 338 (phải trả, nộp khác) của Công ty trên báo cáo tài chính của từng năm, do đó không ai phát hiện ra.

Với thủ đoạn trên, trong năm 2016 Thuỳ đã thực hiện 27 giao dịch, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng. Năm 2017, Thuỳ thực hiện 17 giao dịch, chiếm đoạt hơn 3,4 tỷ đồng. Năm 2018, đối tượng thực hiện 14 giao dịch, chiếm đoạt hơn 4,6 tỷ đồng. Năm 2019, Thuỳ thực hiện 26 giao dịch, chiếm đoạt hơn 12,5 tỷ đồng. Tổng cộng, trong vòng 3 năm rưỡi (từ tháng 1-2016 đến tháng 7-2019), Phạm Thị Bích Thuỳ đã chiếm đoạt của Công ty KB số tiền gần 32 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trước khi Công ty KB phát hiện ra sự việc trên thì do cảm thấy áy náy, Thuỳ đã chủ động thực hiện 11 giao dịch, trả lại cho công ty số tiền hơn 8,1 tỷ đồng. Sau khi bị phát giác hành vi nêu trên, Thuỳ đã chuyển trả lại Công ty KB hơn 8,3 tỷ đồng. Như vậy đối tượng đã chủ động khắc phục hơn 16,5 tỷ đồng; số còn lại không có khả năng chi trả.

Được biết, sau khi chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng, Thuỳ chủ yếu phục vụ chi tiêu cá nhân, sống cuộc sống sang chảnh, du lịch, mua sắm đồ hiệu… 

Hiện, Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa đang tiếp tục điều tra mở rộng, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có liên quan trong vụ án.

An Quỳnh

Nguồn: Công an nhân dân

CÓ THỂ BẠN MUỐN XEM

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

KẾT NỐI

0FansLike
455FollowersFollow
52SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

LUẬN BÀN-PHẢN BIỆN

ĐỐI TƯỢNG