Trang chủ Đối tượng Việt Tân lợi dụng sự kiện Gạc Ma (1988) để xuyên tạc,...

Việt Tân lợi dụng sự kiện Gạc Ma (1988) để xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước

40
0

Trong những ngày qua, trang facebook Việt Tân đang lợi dụng sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988 để xuyên tạc nhiều thông tin thiếu căn cứ lịch sử để bôi nhọ sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Việt Tân lợi dụng sự kiện Gạc Ma (1988) để xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước

Sự thật là, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam không bao giờ quên về sự kiện Gạc Ma năm 1988. Vào ngày 14 tháng 3 hàng năm, các cấp chính quyền và nhiều người dân đã và đang có những việc làm thiết thực như xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma ở Nha Trang; tổ chức thăm hỏi và tặng quà cựu chiến binh và gia đình thân nhân các liệt sĩ Gạc Ma. Báo chí trong nước cũng đã đăng tải nhiều bài viết về sự kiện này… Cuộc chiến đấu ở Gạc Ma là một trong những sự kiện bi hùng trong lịch sử dân tộc. Sự kiện Gạc Ma 1988 cho thấy chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam được thể hiện một cách hào hùng nhất, bi tráng nhất; 64 chiến sĩ Hải quân đã bất khuất hy sinh, đi vào lịch sử từ cuộc chiến đấu vốn chênh lệch ở mọi phương diện (cả lực lượng và vũ khí), một cuộc chiến mà ngay khi chưa bắt đầu họ đã biết sẽ “một đi không trở lại” nhưng không hề nao núng. Sự kiện Gạc Ma một lần nữa chứng minh tinh thần yêu nước, ý chí kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là bất diệt.

Việt Tân cho rằng, Đảng và Nhà nước, quân đội đã bưng bít thông tin sự kiện Gạc Ma năm 1988. Nhưng thực tế đã chứng minh rằng, ngày 15/4/1988, Báo Nhân Dân và Báo Hà Nội Mới đã đăng tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nội dung có đoạn: “Tàu của ta đã buộc phải nổ súng để tự vệ. Trong khi đó họ lại đổi trắng thay đen, vu cáo tàu của Việt Nam khiêu khích vũ trang tàu chiến của Trung Quốc”. Trong mọi tình huống, nguyên tắc ứng xử của bộ đội Hải quân Việt Nam luôn là: “Bình tĩnh, kiên quyết, khôn khéo xử lý, không nổ súng trước, không mắc mưu khiêu khích của đối phương” trước các hành động gây hấn của Trung Quốc năm 1988 và các năm sau, cho đến tận ngày nay. Ở đây, “Không nổ súng trước” thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, sự đấu trí, đấu lực của bộ đội hải quân ta trước các hành động khiêu khích của hải quân Trung Quốc, khác hoàn toàn với luận điệu “không được nổ súng” mà các thế lực phản động vẫn đưa ra. Về việc này, một nhân chứng sống của sự kiện Gạc Ma, cựu chiến binh Lê Hữu Thảo, khi đó là trung sĩ, tiểu đội trưởng thuộc Phòng Tham mưu, Lữ đoàn 146 ở trên tàu HQ-604 của Lữ đoàn 125, khẳng định: Thực tế không có mệnh lệnh nào là không được nổ súng cả. Ở đây, nếu có thì chỉ là “không nổ súng trước”. Nhưng khi địch đã nổ súng vào đồng đội mình mà lại nói là không cho nổ súng thì không đúng. Không có bất cứ ông chỉ huy nào lại để lính mình làm bia cho quân địch bắn cả.

Đối với việc xuyên tạc Việt Nam bưng bít thông tin sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988, thực ra đó là một câu chuyện “bình mới, rượu cũ”, có nghĩa là chỉ dựa vào thực tế rằng sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ từ năm 1991, vì một số lý do trong quan hệ ngoại giao, Việt Nam tranh thủ các cơ hội để phát triển, nhất là hợp tác với Trung Quốc, nên có phần “mềm yếu” về việc này; các thế lực lấy đó để xuyên tạc Việt Nam bưng bít thông tin sự kiện Gạc Ma năm 1988. Trên thực tế, ngay vào thời điểm năm 1988 thì Việt Nam đã tuyên truyền một cách mạnh mẽ hành động gây hấn, xâm chiếm của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa trên cả bình diện trong nước và dư luận, cộng đồng quốc tế, tạo thành một sự kiện lịch sử nổi bậc của Việt Nam và thế giới lúc bấy giờ.

Ngay trong và sau sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988, các địa phương, đoàn thể trong cả nước hướng về Trường Sa mạnh mẽ. Lúc bấy giờ, hầu như từ đứa bé đến cụ già ai cũng nghe ngóng thông tin về sự kiện này qua mít tinh, báo chí, loa phát thanh…; đã tham gia ủng hộ bộ đội Trường Sa. Đặc biệt, các phóng viên báo chí (nhất là Báo Nhân Dân và Báo Quân Đội Nhân Dân) đã trực tiếp ra Trường Sa để gặp gỡ nhân chứng, “mục sở thị” để cung cấp cho độc giả trong nước và trên thế giới về hoạt động bảo vệ, chiến đấu, hy sinh của các chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa, ngõ hầu truyền tải một sự thật lịch về sự kiện này. Như vậy, các thông tin trên cho thấy Đảng và Nhà nước Việt Nam không hề bưng bít về sự kiện Gạc Ma năm 1988, hơn nữa còn chỉ đạo đẩy mạnh thông tin bằng các bài viết để làm rõ ý đồ lâu dài của Trung Quốc trong việc lấn dần từng bước đi tới kiểm soát Biển Đông.

Trước các sự kiện chính trị trọng đại, nhạy cảm của đất nước, việc các thế lực thù địch xuyên tạc, chống đối Đảng, Nhà nước không phải điều lạ. Về sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988, việc xuyên tạc lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam lãng quên và bưng bít thông tin vụ Gạc Ma ngày 14-3-1988 là một luận điệu suy diễn không có cứ liệu lịch sử. Đặc biệt, sau khi Việt Tân đăng bài viết lên mạng, nhóm phản động của chúng dùng nhiều Nick facebook ảo, mạo danh nhảy vào chia sẻ, bình luận theo kiểu đồng cảm với tác giả bài viết, rồi cùng nhau xuyên tạc quanh sự kiện Gạc Ma để chống phá ta, nhưng thực chất đó là những bình luận của nhóm phản động. Đây là một chiêu trò hết sức nguy hiểm, tinh vi mà bọn phản động sử dụng trên không gian mạng lợi dụng sự kiện Gạc Ma tung tin lừa đảo, sai sự thật để chia rẽ đoàn kết, phá hoại sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Vì vậy, mỗi chúng ta cần hết sức cảnh giác và đấu tranh với những nội dung sai trái của loại bài viết phản động này.

HUY VĂN

Nguồn: Đấu trường Dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây