Trang chủ Quốc tế ASEAN – mảnh ghép trung tâm trong chiến lược Mỹ ở châu...

ASEAN – mảnh ghép trung tâm trong chiến lược Mỹ ở châu Á

116
0

Với khả năng kết nối mọi cường quốc, ASEAN được coi là mảnh ghép quan trọng của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, theo giới chuyên gia.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có mặt ở Phnom Penh, Campuchia để dự hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 55 (AMM-55). Đây là lần thứ ba nhà ngoại giao cấp cao nhất từ Washington đến thăm khu vực, thắp lên kỳ vọng về hợp tác Mỹ – ASEAN được phát triển một cách toàn diện hơn.

Chuyến thăm của ông Blinken cũng được coi là cơ hội để Mỹ hiện thực hóa những cam kết đã được đưa ra tại Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN – Mỹ hồi tháng 5, khẳng định vai trò then chốt của khối trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

“Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không chỉ liệt kê những đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Philippines hay Thái Lan, mà còn đề cập đến Ấn Độ cùng các thành viên ASEAN”, ông Phạm Quang Vinh, cựu thứ trưởng ngoại giao và từng đảm nhiệm vị trí đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nói với VnExpress. “ASEAN tiếp tục được Mỹ công nhận là mảnh ghép trung tâm trong phát triển kiến trúc khu vực”.

Ông Vinh lý giải ASEAN hiện là nhóm duy nhất có thể kết nối mọi cường quốc trong khu vực lẫn thế giới, trong đó có hai cường quốc đang cạnh tranh lẫn nhau là Trung Quốc và Mỹ. Các cường quốc đó đều thừa nhận vai trò trung tâm của ASEAN.

“ASEAN có thể mang đến một khuôn khổ để mọi quốc gia cùng hợp tác, cũng như giúp những cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Australia và Nhật Bản làm việc cùng nhau thông qua các tiến trình khu vực”, ông nói.

ASEAN - mảnh ghép trung tâm trong chiến lược Mỹ ở châu Á

Tàu chiến USS Montgomery dẫn đầu đội hình các tàu hải quân Đông Nam Á trong cuộc diễn tập hàng hải chung AUMX tháng 9/2019. Ảnh: US Navy.

Theo cựu thứ trưởng ngoại giao, một điểm rất quan trọng đã được nêu trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ là “củng cố năng lực tập thể trong khu vực”, đòi hỏi Mỹ hợp tác với mọi nhân tố, không chỉ với những khuôn khổ như Bộ Tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) hay thỏa thuận an ninh Australia – Mỹ – Anh (AUKUS).

Bởi vậy, ông cho rằng ASEAN cần được nhìn nhận là yếu tố quan trọng trong tầm nhìn của Mỹ về “trật tự dựa trên luật lệ” ở khu vực, cả trên phương diện kinh tế lẫn an ninh.

Derek Grossman, nhà phân tích cấp cao cho hãng tư vấn quốc phòng RAND tại Mỹ, chỉ ra rằng chính sách tiếp cận khu vực Đông Nam Á của Mỹ đang thiếu những hành động thực tế tương xứng với ngôn từ ngoại giao.

Washington nhiều lần khẳng định ASEAN là “trái tim của chiến lược khu vực”, nhưng nhiều hành động quan trọng của Mỹ đang được thực hiện bên ngoài khuôn khổ ASEAN.

“Chúng ta nhìn thấy nhiều khuôn khổ dần hình thành mà không có sự tham gia của ASEAN, dù chính quyền Tổng thống Biden tiếp tục nói họ cần vai trò trung tâm của khối ở khu vực. Sáng kiến Khung Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) đang tạo ra cảm giác như vậy”, ông nhìn nhận.

Loạt hoạt động của Ngoại trưởng Blinken trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN mở rộng ở Phnom Penh, được kỳ vọng sẽ hiện thực hóa những cam kết mà Mỹ đã đưa ra trong Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ – ASEAN ba tháng trước ở Washington.

Trong tuyên bố chung sau hội nghị, hai bên nhất trí nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 11. ASEAN – Mỹ cũng tuyên bố cùng thực hiện 8 nội dung, bao gồm ứng phó đại dịch Covid-19, tăng cường kết nối và quan hệ kinh tế, thúc đẩy hợp tác biển, tăng cường giao lưu nhân dân, hỗ trợ phát triển tiểu vùng, tận dụng công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu, gìn giữ hòa bình và xây dựng lòng tin.

Thông cáo từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong chuyến công du tới Đông Nam Á lần này, ông Blinken muốn tái khẳng định cam kết từ chính quyền Tổng thống Biden dành cho vai trò trung tâm của ASEAN.

“Hợp tác an ninh của Mỹ ở khu vực đã tiến xa. Trong khi đó, tiếp cận trên những phương diện còn lại như kinh tế, giáo dục hay đại dịch thực chất vẫn đang tụt lại so với mức đầu tư cho an ninh. Tiếp cận phi quân sự với ASEAN cần sự tập trung sâu rộng hơn từ Washington”, Murray Hiebert, chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) của Mỹ, đánh giá.

Theo ông, ASEAN muốn chính quyền Biden đặt lên bàn đàm phán nhiều biện pháp hợp tác kinh tế cụ thể và chủ động hơn để tạo điều kiện cân bằng các mối quan hệ trong khu vực.

ASEAN - mảnh ghép trung tâm trong chiến lược Mỹ ở châu Á

Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ hai từ trái sang) cùng các lãnh đạo ASEAN chụp ảnh tại Nhà Trắng cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 11/5. Ảnh: AFP.

Hiebert lưu ý tuyên bố tầm nhìn về Đối tác Chiến lược Toàn diện Mỹ – ASEAN dù là bước tiến đáng chú ý trong quan hệ các bên, song thỏa thuận “giấy trắng mực đen” sớm nhất là tháng 11 mới được ký kết, khi ông Biden tới khu vực dự các hội nghị cấp cao APEC, ASEAN và G20.

Những cuộc thăm dò dư luận được tiến hành ở Mỹ thời gian qua cho thấy ông Biden đang gặp nhiều bất lợi về tỷ lệ ủng hộ của cử tri. Bởi vậy, chuyên gia Hiebert lo ngại những diễn biến bất lợi với đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vào tháng 11 có thể ảnh hưởng đến ưu tiên chính trị của ông Biden, khiến cam kết về nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Mỹ – ASEAN bị trì hoãn.

Trong khi đó, Jim Loi, cựu phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương, có quan điểm lạc quan hơn, khi cho rằng ASEAN vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden.

Ông nhận định Mỹ đã hướng đến khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong nhiều nhiệm kỳ tổng thống, dù mỗi chính quyền có những ưu tiên chính sách và chiến thuật khác nhau. Washington hiện có nhiều mũi tiếp cận ngoại giao nhằm thể hiện mức độ quan tâm cho khu vực, dù đang phải tập trung cho khủng hoảng Ukraine và một số vấn đề quốc tế khác.

Theo Jim Loi, chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được Mỹ công bố hồi tháng 2 là một trong hai văn kiện chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của chính quyền Biden. Tài liệu vạch ra lộ trình thúc đẩy lợi ích không chỉ của Mỹ mà còn của toàn khu vực, đồng thời thể hiện vị thế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong thứ bậc ưu tiên chính sách của chính quyền Biden.

Chuyên gia Hiebert cho rằng dù ưu tiên hợp tác với ASEAN đã được Mỹ thể hiện qua các tài liệu chiến lược và tuyên bố ngoại giao, điều quan trọng hiện nay là Washington hiện thực hóa chúng.

“Trong hội nghị cấp cao hồi tháng 5 ở Washington, Mỹ cùng ASEAN đã đưa ra nhiều cam kết hợp tác trên hàng loạt lĩnh vực. Giờ là lúc Mỹ hướng đến thực hiện những cam kết đó với ASEAN, nếu không những thành tựu đã đạt được sẽ phai nhòa”, ông nhấn mạnh.

Thanh Danh (VnExpress)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây