Chuyện “thân Mỹ – thoát Trung”: khi Mỹ vồ vập còn Việt Nam từ tốn

Chuyện “thân Mỹ – thoát Trung”: khi Mỹ vồ vập còn Việt Nam từ tốn

Đầu tháng 08/2019, nhân việc Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa và khiêu khích ở bãi Tư Chính, nhiều bộ phận của dư luận phi chính thống đã tiếp tục tuyên truyền về 3 yêu sách mà họ gửi đến Chính phủ Việt Nam. Đó là (1) đòi kiện Trung Quốc ra tòa PCA; (2) đòi kết đồng minh với Mỹ để chống Trung Quốc; và (3) đòi thay đổi thể chế chính trị.

Chuyện “thân Mỹ - thoát Trung”: khi Mỹ vồ vập còn Việt Nam từ tốn

Chuyện “thân Mỹ - thoát Trung”: khi Mỹ vồ vập còn Việt Nam từ tốn

Từ khi có thông tin về sự kiện Tư Chính, yêu sách thứ nhất, là “kiện Trung Quốc ra tòa PCA”, đã được nêu bởi 3 tổ chức người Việt. Đó là Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, Diễn đàn Xã hội Dân sự, và nhóm biểu tình No-U. Ba nhóm này có một điểm chung, là chịu ảnh hưởng từ nhóm trí thức thuộc Viện IDS cũ, mà đại diện là ông Nguyễn Quang A. Ngoài ra, yêu sách này cũng được cổ vũ bởi 2 học giả Mỹ, là James Kraska (Chủ tịch Trung tâm Stockton về Luật hàng hải Quốc tế thuộc Trường Hải Chiến của Mỹ) và Jonathan Odom (giáo sư luật quốc tế của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Marshall của Mỹ). Ở một mục dưới, chúng tôi sẽ mô tả kỹ hơn các hoạt động tuyên truyền về yêu sách này trong tuần vừa qua.

Yêu sách thứ hai, là “thân Mỹ để thoát Trung”, ban đầu được đưa ra bởi một loạt các cây bút thân Mỹ quen thuộc như Nguyễn Anh Tuấn, Trương Nhân Tuấn, Nguyễn Quang Dy… Sang tuần đầu tháng 8, yêu sách này được trực tiếp nêu ra bởi các báo Mỹ, chuyên gia người Mỹ, hoặc nhân các động thái quân sự của Mỹ.

Cụ thể, khi tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ tới Philippines hôm 06/08, Ben Ngô viết trên BBC rằng: “với đa số người Việt, hình ảnh và sự hiện diện của một chiếc tàu chiến Mỹ dễ đem lại sự tin tưởng và an tâm, vì sứ mệnh của họ là ‘giúp mang lại an ninh và ổn định trong khu vực’”.

Một ngày sau, Carl Thayer (cựu nhân viên Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ) nói với BBC rằng hồi tháng 05/2019, ông đã “nhận được báo cáo riêng rằng Hoa Kỳ đã tiếp cận Việt Nam và yêu cầu xem xét việc nâng cao quan hệ song phương từ quan hệ đối tác toàn diện thành quan hệ đối tác chiến lược”. Thayer nói Việt Nam nên nâng quan hệ với Mỹ lên thành đối tác chiến lược vì 3 lý do. Thứ nhất, việc này sẽ giúp Việt Nam “nhận được hỗ trợ trong các lĩnh vực giúp cải cách thị trường”. Thứ hai, nó sẽ khiến Mỹ hỗ trợ Việt Nam nhiều hơn trong những va chạm với Trung Quốc như sự kiện Tư Chính. Thứ ba, “Chính sách ‘Ba Không’ không ngăn cản tăng cường hợp tác quân sự với Hoa Kỳ trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đặc biệt là nếu hợp tác đó được thiết lập để cải thiện năng lực tự vệ của Việt Nam”. Tuy nhiên, Thayer cho rằng việc nâng quan hệ Việt-Mỹ thành đối tác chiến lược vẫn gặp nhiều trở ngại: ở phía Mỹ là vấn đề thuế quan và “thao túng tiền tệ”, ở phía Việt Nam là vấn đề cân bằng quan hệ với Trung Quốc.

Trong cùng khuynh hướng, VOA đăng 2 bài phỏng vấn Tạ Văn Tài và Nguyễn Văn Huy, trong đó 2 ông này thúc giục Việt Nam bãi bỏ chính sách “Ba Không”; đồng thời nói rằng Nga và Mỹ sẽ không giúp Việt Nam trên Biển Đông nếu Việt Nam không “tỏ thái độ dứt khoát”.

Yêu sách thứ 3, là “đòi thay đổi thể chế chính trị”, đang được hợp thành từ 2 khuynh hướng tư tưởng khác nhau.

Khuynh hướng thứ nhất là chủ nghĩa dân tộc cực đoan, với quan điểm rằng tính chính danh của người cầm quyền được quyết định bởi thái độ của họ trước ngoại xâm. Chẳng hạn, Nguyễn Ngọc Chu viết rằng Việt Nam cần “một thể chế mới, cùng một chính sách mới về ngoại giao và quốc phòng” để hoàn toàn “thoát Trung”, tránh bị Trung Quốc xâm chiếm dần về lãnh thổ, ngoại giao và kinh tế.

Khuynh hướng thứ hai là tư tưởng dân chủ đa đảng phương Tây. Chẳng hạn, Nguyễn Anh Tuấn, Phạm Đoan Trang viết rằng chỉ khi có đa đảng, “người dân” mới nghĩ đất nước là của mình, từ đó mới sẵn sàng hy sinh để chống ngoại xâm, thay vì “thờ ơ” trước ngoại xâm như hiện tại.

Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi xin đưa ra 3 ý kiến.

Thứ nhất, vì lời hô hào “thân Mỹ – thoát Trung” chủ yếu xuất phát từ các chuyên gia Mỹ, các báo Mỹ và các cây bút thân Mỹ, nó có thể không khách quan. Những người hô hào “thân Mỹ” dường như cũng đang cố đánh giá thấp hoặc lờ đi một loạt các giải pháp thay thế mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện – như xích lại gần Châu Âu, Nga và Nhật. Nói gì thì nói, khi một nước nhỏ bị một nước du côn bắt nạt, nước nhỏ có nhiều lựa chọn khác ngoài việc mời một nước du côn thứ ba đến đánh nhau ngay trong nhà mình. Để giữ độc lập và hòa bình cho đất nước, đồng thời giữ luật lệ trên Biển Đông, Việt Nam vẫn nên dựa vào ngoại giao đa phương, vào dư luận và pháp luật quốc tế.

Thứ hai, khi đánh giá năng lực giữ nước của một chính thể, Nguyễn Ngọc Chu cần xem xét những thành tựu có thật, thay vì chỉ đòi hỏi một thái độ hữu dũng vô mưu. Trái với các cáo buộc ban đầu của giới “dân chửi”, hiện Nhà nước Việt Nam đã công khai thông tin về tình hình Biển Đông, đã trao công hàm phản đối Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính, đã vận động được quốc tế lên tiếng về vụ việc, và đã tăng cường cộng tác đa phương để bảo vệ an ninh trên biển. Những thành quả đó cho thấy chính thể hiện nay có khả năng bảo vệ chủ quyền biển, chứ không như Nguyễn Ngọc Chu tuyên truyền.

Thứ ba, quan điểm của Nguyễn Anh Tuấn, rằng người dân chỉ nhiệt tình giữ nước khi có đa đảng, dường như không khớp với thực tế. Chẳng nói đâu xa, mọi cuộc chiến giữ nước trong lịch sử Việt Nam đều được tiến hành trong điều kiện phong kiến hoặc độc đảng. Hy vọng trong các bài viết sắp tới, Tuấn sẽ tôn trọng sự thật hơn, thay vì bị cuốn quá sâu vào việc tuyên truyền cho một mô hình và một phe cánh chính trị.

Nguồn: Loa Phường

Comments

No comments yet. Why don’t you start the discussion?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *