Toàn cảnh phản ứng xung quanh quy định “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” đúng hay sai?

Toàn cảnh phản ứng xung quanh quy định “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” đúng hay sai?

Toàn cảnh phản ứng xung quanh quy định

Ngày 03/01/2019, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký Quyết định số 12/QĐ-UBND ban hành Nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân. Một điểm trong quy định này, rằng người dân “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”, đã gây tranh cãi trong dư luận. Trong dư luận chính thống, nổi lên là 2 bài phỏng vấn tiến sĩ Lê Hồng Sơn trên báo Thanh niên, bài phỏng vấn luật sư Nguyễn Minh Long trên báo Giáo dục Việt Nam. Trong dư luận phi chính thống, nhiều gương mặt chống đối đã phản bác quy định này như ông luật sư Lê Văn Luân trên Facebook và luật sư Ngô Ngọc Trai trên BBC tiếng Việt. Tựu chung, lập luận của những kênh truyền thông này là:

Thứ nhất, họ cho rằng trong vụ việc này, UBND Thành phố Hà Nội đã vượt quá thẩm quyền của mình. Dù Luật Tiếp Công dân trao cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố thẩm quyền ban hành quy chế, nội quy; các văn bản này chỉ văn bản hành chính cá biệt chứ không phải là văn bản quy phạm pháp luật, cũng không được mâu thuẫn với luật và Hiến pháp. Trong khi đó, quy định “không cho phép quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” đã mang đặc tính của một luật cấm, nên lẽ ra UBND không có quyền ban hành nếu Quốc hội chưa thông qua. Luật sư Nguyễn Minh Long nói thêm rằng vì trụ sở tiếp công dân là nơi người dân thường xuyên qua lại, không thuộc danh sách khu vực cấm, địa điểm cấm theo Quyết định số 160/2004/QĐ-TTg, “không có cơ sở để cấm người dân quay phim, chụp ảnh” ở đó.

Thứ hai, họ cho rằng người dân phải có quyền quay phim, chụp ảnh ở trụ sở, để thực hiện quyền giám sát các cán bộ tiếp dân, tránh để cán bộ có biểu hiện sai phạm, hống hách.

Thứ ba, cần tách bạch giữa hành vi quay phim tại trụ sở tiếp dân với hành vi đăng các clip quay được lên mạng. Thay vì ban hành một quy định mới giới hạn quyền quay phim, chụp ảnh của người dân, nên dùng các luật sẵn có để xử lý hành vi đăng clip lên mạng nhằm tuyên truyền sai sự thật.

Ở chiều ngược lại, báo An ninh Thủ đô và một số quan chức, cán bộ của Thành phố đã ủng hộ quy định mới này vì 2 lý do.

Thứ nhất, theo báo An ninh Thủ đô, thì Hà Nội không phải là nơi đầu tiên ban hành quy định này. Nhiều tỉnh, thành phố, bộ ngành trên cả nước đã ban hành một quy định tương tự từ 3 năm trước. Số này bao gồm Trụ sở Tiếp dân Trung ương của Thanh tra Chính phủ, các trụ sở tiếp dân của Bộ Xây dựng, và trụ sở của các tỉnh Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, TP.HCM….

Thứ hai, một số quan chức, cán bộ của Thành phố đã khẳng định rằng quy định này không ảnh hưởng đến quyền giám sát các cán bộ tiếp dân. Cụ thể, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết mọi phòng tiếp công dân trên địa bàn thành phố Hà Nội đều trang bị camera ghi âm và ghi hình, giúp giám sát vấn đề thực thi công vụ của cán bộ. Nếu người dân muốn trích xuất clip ghi lại buổi tiếp công dân mà mình tham gia thì Hà Nội đảm bảo sẽ trích xuất đầy đủ. Việc này sẽ được làm thủ tục bàn giao và có biên bản cẩn thận.

Nhưng nếu công dân vẫn có nhu cầu ghi âm, ghi hình, thì theo quy định mới, họ nên trao đổi với cán bộ tiếp công dân. Sau khi ghi âm, ghi hình xong, hai bên cùng kiểm tra lại nội dung và xác nhận bằng biên bản với nhau để làm tài liệu sử dụng công khai, minh bạch.

Ông Lê Đình Cung – Phó trưởng ban thường trực Ban Tiếp Công dân của thành phố – đã mô tả thêm một biện pháp giám sát khác mà người dân có thể sử dụng. Sau buổi tiếp, công dân sẽ có phiếu nhận đơn của cán bộ tiếp công dân hoặc biên bản xác nhận nội dung buổi tiếp. Trên phiếu nhận đơn sẽ ghi ngày, giờ làm việc và nội dung làm việc của công dân, ghi nhận các văn bản đi kèm. Công dân có hài lòng với buổi tiếp thì mới ký vào biên bản, sau đó biên bản sẽ được đóng dấu.

Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi thấy:

Thứ nhất, nếu quy trình mà 2 ông Nguyễn Đức Chung và Lê Đình Cung mô tả được thực hiện nghiêm túc trong thực tế, thì người dân sẽ được đảm bảo quyền giám sát các cán bộ tiếp dân, và tư liệu hình ảnh họ ghi âm, ghi hình mới có giá trị bảo vệ quyền lợi trước các cơ quan pháp luật theo các luật tố tụng hiện nay

Thứ hai, vì nội quy mới không cấm việc quay phim, chụp ảnh tại phòng tiếp dân, nó không mang tính chất của một luật cấm hay kiểu quy phạm pháp luật cần được Quốc hội phê chuẩn. Bởi vậy cách diễn giải trong các bài phỏng vấn cựu quan chức, luật sư trả lời phỏng vấn các báo chí dường như cố tình áp đặt, hướng lái bản chất quy định để kích động dư luận tấn công chính quyền Thủ đô nhằm dụng ý đen tối nào đó

Thứ ba, Hà Nội là nơi “đi sau”, cấp dưới khi cấp trên và nhiều tỉnh thành khác đã ban hành quy định tương tự tại trụ sở tiếp dân. Việc áp đặt cho Hà nội vi hiến, vi phạm pháp luật qua bóp nặn bản chất vụ việc, bỏ bóng đá người đang cho dư luận thấy các báo chí trong nước như Thanh Niên, Dân Trí…đang học theo phong cách của BBC và các trang truyền thông chống phá Nhà nước có chủ đích khi cố tình bẻ lái việc kiến nghị xem xét tính đúng sai/hợp lý hay không của một quy định đã được áp dụng phổ biến, từ lâu nhằm vào hạ uy tín chính quyền Hà nội nói chung và cá nhân ông Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nói riêng

Nguồn: Loa Phường

Comments

No comments yet. Why don’t you start the discussion?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *