Trang chủ Luận bàn - Phản biện Thư từ Đức: Người Đức với ý thức cộng đồng giữa dịch...

Thư từ Đức: Người Đức với ý thức cộng đồng giữa dịch Covid-19

182
0

 – Hai hôm nay Berlin bất chợt nắng ấm, cao điểm trong ngày là 18 độ C. Nắng xuân dịu dàng như xoa dịu nỗi lo âu, hoảng loạn của người dân Đức những ngày qua.

Sự bùng phát của Covid-19 đã đẩy cao kịch tính tạo nên cơn sốt bất an, lấn át đức tính lạnh lùng của dân tộc Đức, một tinh thần luôn được mệnh danh là bức tường thép hay cỗ xe tăng đi vào huyền thoại của nhân loại.

Châu Âu đang được cho là tâm dịch virus Covid-19. Số người bị lây nhiễm đang tăng một cách kinh khủng ở các vùng nước lân cận trong khối Đông Âu. Sự bùng phát là hệ lụy của một châu Âu chủ quan đến không tưởng. Người châu Âu không khẩu trang, không ngăn ngừa phòng chống.

Tại Đức quê hương thứ hai của tôi, con số người bị nhiễm bệnh virus Covid-19 tăng cấp số nhân theo diễn biến từng giờ. Dịch bệnh phát tán toàn cầu không kiểm soát nổi, tình hình rất căng thẳng và rất khó dự đoán.

Thư từ Đức: Người Đức với ý thức cộng đồng giữa dịch Covid-19Thủ tướng Đức Angela Merkel trong thông điệp toàn quốc phát qua truyền hình ở Berlin, Đức ngày 18-3 – Ảnh: REUTERS

Hạn chế lây nhiễm phụ thuộc vào tính kỷ cương của mỗi quốc gia và mỗi cá nhân chúng ta phải tuân thủ các quy định, quy ước cộng đồng.

Covid-19 có thể theo con người viếng thăm tất cả thế giới, không phân biệt màu da sắc tộc, giàu sang, hèn nghèo và virus càng không phân biệt cá nhân hay tập thể. Covid-19 sẽ không bỏ sót một ai nếu chúng ta đánh rơi đi ý thức cộng đồng.

Mỗi công dân xa xứ như tôi đều cảm thấy có sứ mạng và trách nhiệm trước thời cuộc hơn khi được may mắn hấp thụ và chắt lọc hai nền văn hóa Âu và Á. Trong tôi có sự tự chủ và tinh thần kiên cường của người Đức.

Sự can thiệp kịp thời của nhà nước đã làm thị trường bình ổn trở lại. Hàng hóa để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân lại đầy ắp trở lại các cửa hàng, và trước của ra vào đều được dán thông báo: Hàng hóa vẫn cung cấp đầy đủ cho khách hàng, chỉ một số ít thì ko thể có nhiều như trước nhưng sẽ là có với số lượng ít. Tất cả các cửa đều thông cáo, người vào mua hàng nên ít tụ tập đông và cách xa nhau tối thiểu khoảng 1,5 mét.

Chính phủ quyết định đóng tất cả các cửa hàng ăn uống, tiệm tóc, tiệm nails, trường học…từ ngày 18/3 đến 19/4 ngày lễ Phục sinh mới có thể trở lại hoạt động bình thường.

Thủ tướng Đức Angela Merkel – người đàn bà thép – phát biểu như khối băng gìm giữ cơn hoảng loạn của người dân Đức, như một niềm tin sau cùng được thắp sáng, khẳng định vị thế của người anh cả đầu tàu của khối liên minh Châu Âu: “Các bạn hãy để cho tôi được nhấn mạnh: Đối với những người như tôi, những người đã từng đấu tranh không mệt mỏi cho tự do đi lại, thì những quy định hạn chế này chỉ có thể biện luận là điều bất đắc dĩ, không còn cách nào khác. Trong một thể chế dân chủ những quyết định như thế này không hề dễ dàng và chỉ có tính tạm thời. Hiện tại không thể bỏ được, chỉ vì mục đích cứu người. Chừng nào chưa có kết quả cụ thể thì chỉ có một phương án duy nhất và đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành động của chúng ta”.

Phải kìm hãm bớt sự lây lan của virus, kéo dài nhiều tháng để câu giờ. Đó là thời gian đợi để có thể bào chế ra thuốc kháng và vắc xin. Nhưng đó cũng là thời gian để những người đã nhiễm bệnh được chăm sóc tốt nhất.

Nước Đức có hệ thống y tế tuyệt vời, có lẽ là một trong những nước y tế tốt nhất thế giới. Điều đó có thể cho chúng ta niềm tin. Nhưng các bệnh viện của chúng ta sẽ hoàn toàn quá tải, nếu trong một thời gian rất ngắn nhiều người bị nhiễm nặng virus Corona”.

Số nhiệm bệnh của người Đức tăng lên hàng ngày, hàng giờ, số tử vong ở Ý người thật quá bi thương. Một cái chết tập thể, một cái chết được biết trước mà không được gặp người thân, có những thứ kinh khủng và để lại nỗi đau cùng tận để nhân loại mãi mãi không quên.

Những thương vong của người và sự thiệt hại về vật chất khiến cho thế giới rút ra những bài học được đắt giá từ corona. Bài học về thuốc chữa bệnh, về bảo vệ khí hậu, về kinh tế, trên hết là bài học về con người, về tính duy thức cộng. Nơi đâu hay chân trời nào cũng vậy, từ Âu hay Á nếu bạn không có ý thức cộng đồng, không có tư duy làm người, thì dù ở bất cứ quốc gia nào dù là quốc gia đó bao dung, ưu ái nhất  thì bạn cũng là thứ phế liệu, là gánh nặng cho nước đó.

Hòa chung với nỗi đau của nhân loại, hòa chung với mất mát thương vong của người và của cải vật chất. Chúng ta đều nhìn thấy viễn cảnh đen tối, nền kinh tế toàn cầu sẽ bị suy thoái trong hệ lụy của dịch bệnh. Tôi và bạn làm được gì cho nơi đã nuôi dưỡng và cưu mang mình?

Hành động hữu ích nhất bây giờ là mỗi chúng ta thúc đẩy ý thức cộng đồng vươn tới cái chung, cùng nhân loại hợp sức nắm tay vượt qua mùa dịch. Sự cầu nguyện sẽ phục hồi tinh thần dân tộc.

Đạo đức cộng đồng của bạn, cộng hưởng với đạo đức cộng đồng của tôi sẽ làm nên một xã hội văn minh.

Trần Thảo Vy (từ Berlin, Đức)

Nguồn: Tuần Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây