Trang chủ Cánh cò Để người dân khiếu kiện kéo dài, lãnh đạo địa phương nên...

Để người dân khiếu kiện kéo dài, lãnh đạo địa phương nên từ chức

172
0

Những vụ việc kéo dài hết năm này qua năm khác không được giải quyết dứt điểm. Những gương mặt quen thuộc “bám trụ” tại trụ sở tiếp dân. Những tập hồ sơ với đơn thư có ghi lần thứ 2, lần thứ 3, lần thứ n… Đó là chuyện thường ngày mà mỗi chúng ta đều dễ dàng trông thấy tại các khu vực tiếp dân hay trước cổng cơ quan công sở.

Để người dân khiếu kiện kéo dài, lãnh đạo địa phương nên từ chức
Không ít người dân vất vả “đội đơn”, “ăn chực nằm chờ” đi khiếu nại chỉ mong được gặp lãnh đạo vài chục phút để giải bày nhưng không được gặp.

Có lẽ hiếm có đất nước nào trên thế giới mà trong bộ máy hành chính thành lập cơ quan tiếp dân từ trung ương đến địa phương. Và cũng hiếm có nước nào có “Luật Tiếp công dân” quy định người đứng đầu bộ, ngành, địa phương các cấp phải định kỳ tiếp dân, phải đối thoại với người khiếu nại như ở Việt Nam. Cơ quan lập ra, quy định luật lệ ban hành nhiều là thế mà năm nào trong Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng đều có nội dung “khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp”. Mới đây, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 1.640 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 2.751 cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hiện 623 đơn vị có vi phạm; kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 425 tổ chức, 628 cá nhân; xử lý kỷ luật 19 tổ chức, cá nhân về việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhìn con số trên khiến dư luận thắc mắc rằng, kiến thức, trình độ, năng lực của cán bộ thực thi công vụ của họ yếu kém nên không phát hiện ra sai phạm hay là do tác động về mặt kinh tế, tiền bạc, tình cảm… nên dẫn đến kết luận sai?

Nói gì về trường hợp những Giám đốc Sở, Chi cục trưởng Chi cục Thuế 5 năm liên tục không tiếp dân một ngày nào? Nghĩ gì khi Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đình chỉ thi công công trình nhà ở trái luật, người dân làm đơn yêu cầu bồi thường nhưng 3 năm chưa giải quyết xong? Nói gì, khi có hộ dân bị thu hồi vài ngàn mét vuông nhưng tiền đền bù không đủ mua lại cái nền nhà hơn trăm mét vuông ngay trên chính mảnh đất của mình?

Cứ nhìn từ vụ khiếu kiện tai tiếng ở khu đô thị Thủ Thiêm mà Chính phủ đang chỉ đạo TP Hồ Chí Minh rất quyết liệt, mới hay sai phạm rất lớn đâu phải do người dân. Hàng trăm nghìn lá đơn khiếu nại, tố cáo được gửi lên các cơ quan chức năng, cũng là ngần ấy câu hỏi, là biết bao số phận, biết bao hoàn cảnh đang chờ kết quả. Không ít người đi khiếu nại phải bán hết tài sản để theo đuổi trong thời gian dài, có những người đời cha mẹ khiếu nại chưa xong lại chuyển sang đời con. Không ít người dân vất vả “đội đơn”, “ăn chực nằm chờ” đi khiếu nại chỉ mong được gặp lãnh đạo vài chục phút để giải bày nhưng không được gặp.

Để người dân khiếu kiện kéo dài, lãnh đạo địa phương nên từ chức
Khiếu kiện đất đai ở Thủ Thiêm kéo dài gần 20 năm qua đã trở thành điểm nóng.

Một đám cháy bao giờ cũng bắt đầu từ đốm lửa, nếu các vụ việc được giải quyết thấu đáo ngay khi phát sinh sẽ không có khiếu kiện kéo dài như vậy. Bức xúc lắm, thiệt thòi lắm, dân mới vác đơn đi khiếu nại, tố cáo vậy mà không ít lãnh đạo cơ sở có trách nhiệm quan liêu, đùn đẩy, sợ đối thoại, sợ khuyết điểm, hoặc có tiếp dân thì cũng không đến nơi đến chốn, tiếp một cách hời hợt, cho xong. Cách phớt lờ, không chịu lắng nghe, không chịu giải quyết của nhiều cán bộ, lãnh đạo cấp cơ sở đã khiến hàng trăm vụ việc kéo dài chưa hẹn ngày kết thúc, đẩy người dân vào cảnh đi lại khổ sở, tốn kém tiền bạc. Chính cách làm việc này đang làm giảm lòng tin của dân vào bộ máy hành chính nhà nước, gây thêm bức xúc cho người dân và làm phát sinh thêm khiếu kiện phức tạp.

Những đơn thư khiếu nại, tố cáo cũng là một kênh góp phần phòng, chống tham nhũng, kịp thời ngăn chặn những biểu hiện lãng phí, tiêu cực. Quan trọng là thế, nhưng đến khi nào thì những lá đơn này mới thôi đi vòng quanh, còn người dân thì khỏi phải mệt mỏi đợi chờ?

Còn nhớ tại Hội nghị về giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh rằng “Chúng ta không thể hoàn toàn đổ cho dân mà chính chúng ta phải tự hỏi đã làm tròn trách nhiệm với dân trong vấn đề này chưa, nhất là bí thư, chủ tịch tỉnh đã dành thời gian, công sức, lắng nghe từng vụ việc thể hay chưa?” Có thể vấn đề này các cán bộ không thể giải quyết ngay được nhưng cần phải giải thích cho rõ, dù đó chỉ gói gọn trong một lá thư, một cú điện thoại hay một văn bản. Không thể chấp nhận một thái độ phục vụ mà người dân gửi đơn lên cơ quan mấy năm trời mà các vị lại ngâm từ tháng này qua năm khác, mãi không giải quyết cho người ta được. Chỗ này đất đai cần giải quyết, chỗ kia dân bất bình vẫn diễn ra hàng ngày là rất vô lý. Đã nhận nhiệm vụ làm lãnh đạo địa phương thì đi kèm là gánh vác trách nhiệm.

Vậy nên, thiết nghĩ nếu địa phương, cơ quan, để những vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài thì người đứng đầu nơi đó nên từ chức, rời khỏi ghế và bị kỷ luật nghiêm. Nếu không kỷ luật nghiêm mà chỉ phê bình chung chung, thì việc Chính phủ thành lập các đoàn công tác kiểm tra sẽ phải tiếp tục diễn ra dài dài chỉ để giải quyết phần ngọn của vấn đề mà thôi.

Thế Khoa

Nguồn: Cánh Cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây