Tính đến sáng ngày 8/9/2019, không ngoài dự đoán của chúng ta: Nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc đã bắt đầu xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam lần thứ 3 trong vòng gần 3 tháng. Vào lúc 14h38′ ngày 7/9 (giờ Việt Nam), lúc đó tàu Hải Dương Địa Chất 8 cách bờ biển đất liền Việt Nam 199.8 hải lý và cách đảo Phú Quý khoảng 180 hải lý. Đi theo hộ tống tàu Hải Dương Địa Chất 8 có ít nhất 3 tàu hải cảnh: 46303, 37111 và 33111. Các tàu chấp pháp của Việt Nam cũng bám sát và theo dõi chặt chẽ nhóm tàu Trung Quốc.
Lực lượng chấp pháp Việt Nam đã hoàn tất việc tiếp tế hậu cần, bổ sung nhu yếu phẩm cho các tàu có mặt tại thực địa. Phải ở ngoài này mới thấy ngỡ ngàng trước cảng hàng chục tàu chấp pháp Việt Nam đồng loạt tiến về khu vực đối đầu, không khác gì một cuộc duyệt binh trên biển.
Chưa thấy phía Trung Quốc có hành động hung hăng như dùng sườn và đuôi tàu húc vào mũi tàu chấp pháp Việt Nam trong đợt 3 này.
Đến cuối ngày hôm qua. Nhóm 5 tàu Trung Quốc đã di chuyển trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và hiện nay đang tiến về khu vực gần mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt nơi đang đặt chân giàn đế công nghệ trung tâm Sao Vàng, và phía xa hơn là lô 06.1 nơi giàn khoan Hakuryu 5 đang hoạt động. Các tàu đang đi với vận tốc 7-8 knots.
Thông tin về các tàu này hầu như rất ít và khó kiểm chứng. Chúng ta cũng chỉ có thể đợi và quan sát liệu các tàu có thực sự đến để gây hấn ở những khu vực mà Việt Nam và các đối tác đang tiến hành hoạt động dầu khí.
Theo UNCLOS và quy tắc hàng hải, mỗi công trình được lắp đặt ở khu mỏ sẽ có một vùng an toàn bán kính 500 mét tính từ tâm công trình. Các tàu hàng qua lại cần phải tránh khu vực an toàn này để tránh va chạm. Đồng thời ở các khu mỏ đang hoạt động, sẽ luôn có những tàu làm nhiệm vụ canh chừng ngăn tàu cá đến gần.
Nếu nhóm tàu Trung Quốc trên là tàu cá hay giả dạng tàu cá, họ sẽ bị những tàu hỗ trợ hoạt động giàn khoan phun nước xua đuổi. Nhưng nếu nhóm tàu này là tàu hải cảnh và vào phá hoạt động giàn khoan, thì sẽ chắc chắn các lực lượng chấp pháp Việt Nam sẽ chiến đấu không khoan nhượng.
Thực tế từ giữa tháng Sáu đã luôn có tàu hải cảnh Trung Quốc hiện diện ở khu vực lô 06.1 gây áp lực buộc Việt Nam ngưng hoạt động giàn khoan, nhưng theo quan sát của chúng tôi qua bản đồ AIS vệ tinh và ảnh vệ tinh, các hoạt động liên quan đến các giàn khoan của Việt Nam vẫn đang được tiếp tục tích cực.
Dù sao thì chúng ta vẫn cần thời gian quan sát thêm để biết nhóm tàu nghi vấn này tới biển Việt Nam để gây hấn hay chỉ đi qua vô hại
Nguyễn Anh (tổng hợp nguồn ảnh bản đồ vệ tinh: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic/hình ảnh Đơn vị Tác chiến điện tử)
Nguồn: Cánh Cò