Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Đồng Nai, nói rằng trường hợp 15 con heo ở H.Thống Nhất (Đồng Nai) tự khỏi bệnh dịch tả lợn châu Phi là do cơ chế sinh học tự nhiên.
Chị Nhung bên đàn heo thoát “án tử”-Ảnh: Lê Lâm
Sáng ngày 29.8. PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Đồng Nai về trường hợp đàn heo 15 con của chị Đỗ Thị Nhung (xã Quang Trung, H.Thống Nhất) hết mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi sau khi ăn hèm rượu.
Theo đó, ông Quang khẳng định không có chuyện sử dụng hèm cho heo ăn để ngăn chặn việc xâm nhiễm, cũng như việc nhân lên của vi rút dịch tả heo châu Phi nói riêng và các vi rút, vi khuẩn khác.
Ông Quang cho biết mình khẳng định như vậy là căn cứ vào cơ sở lý luận lẫn thực tiễn.
“Trước hết về cơ sở lý luận, chúng tôi cũng tham khảo rất nhiều tài liệu, kể cả Chi cục thú y vùng 6 thì cho đến giờ phút này không có tài liệu nào công bố rằng sử dụng hèm rượu thì có thể ngăn chặn được dịch bệnh nói chung. Thứ hai về cơ sở thực tiễn, chúng tôi đã tiến hành một cuộc điều tra dịch tể học trên 18 hộ thuộc 3 huyện là Long Thành, Trảng Bom và Vĩnh Cửu. Các hộ này nuôi nhỏ lẻ với quy mô khác nhau, và đều sử dụng hèm cho heo ăn thì tất cả đều chết sạch”, ông Quang nói.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trường Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh Đồng Nai – Ảnh: Lê Lâm
Về hiện tượng vì sao đàn heo 15 con của bà Đỗ Thị Nhung dương tính (mắc bệnh) rồi âm tính (không mắc bệnh), trên cơ sở khảo sát chung và cơ sở tài liệu khoa học theo kết luận của Chi cục thú y vùng 6 (đơn vị xét nghiệm, đóng tại TP.HCM), ông Quang lý giải như sau:
Khi Chi cục thú y vùng 6 làm xét nghiệm, nhận thấy đàn heo 15 con của bà Nhung nhiễm vi rút mật độ rất thấp.
Còn vấn đề tại sao đàn heo 15 con nhiễm dịch tả lợn châu Phi trên lại hết bệnh, cơ quan chuyên môn lấy mẫu huyết thanh xét nghiệm lại không tìm ra kháng thể, ông Quang cho hay đây là cơ chế sinh học tự nhiên.
Nguồn: Thanh niên