Đã vài năm trở lại đây, một số người Việt Nam đã lên tiếng đề nghị Việt Nam nên bỏ Tết Nguyên đán. Họ gồm đủ các tầng lớp, thành phần. Từ doanh nhân, nhà quản lý, trí thức .v.v… Những lý do mà họ đưa ra cũng đa dạng do xuất phát từ chính tư duy nghề nghiệp của họ cũng như những tác động từ tâm lý xã hội, từ một số thông tin mà họ cho rằng đó là dư luận, và những dư luận kiểu này thì thường được bộ máy truyền thông của Mỹ và phương Tây khuếch đại lên. Vậy chúng ta thử xem lại tính hợp tình, hợp lý hay nói cho bóng bẩy là “logic lập luận” của họ để giải mã căn nguyên thực sự của vấn đề mà họ nêu ra.
1- Những người viện lý do tốn kém về kinh tế:
Những người này cho rằng việc tổ chức Tết Nguyên đán đem lại sự tốn kém về kinh tế cho xã hội, từ Nhà nước cho đén người dân. Họ viện lý rằng hàng năm, trung bình mõi người dân Việt Nam đã tiêu tốn vài triệu VND, thậm chí là cả vài chục triệu VND chỉ cho một cái Tết kéo dài 4 ngày (theo luật của Việt Nam về ngày nghỉ trong năm). Họ cũng viện dẫn ra những tốn kém trong việc tổ chức các lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán và cả hàng tháng sau dịp Tết bao gồm nhiều lễ hội dân gian, lễ hội do các tổ chức phi chính phủ tổ chức và cả những lễ hội do Nhà nước tổ chức.
Những người này còn viện dẫn lý do là các doanh nghiệp nước ngoài làm việc vào dịp Tết, trong khi đó thì người Việt Nam nghỉ Tết. Từ đó, họ cho rằng Tết làm lỡ nhiều cơ hội kinh doanh.
Tuy nhiên, những nhà “Kinh tế học Tết” ấy đã không tính đến những điều sau đây:
– Về kinh tế đối nội, Tết Nguyên đán là cơ hội làm ăn của các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là cung cấp những hàng hóa, dịch vụ truyền thống. Sự phát triển của các ngành cung cấp hàng hóa và dịch vụ này cho thu nhập lên đến hàng trăm tỷ VND trong mỗi dịp tết và đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.
– Về kinh tế đối ngoại, Tết Nguyên đán cùng với các lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán đem lại nguồn thu lớn cho ngành du lịch Việt Nam, thu hút một lượng lớn khách du lịch nước ngoài trong năm, đặc biệt là các du khách đến từ Châu Mỹ, Châu Âu, Nam Á, Trung Á, Tây Nam Á, Châu Đại Dương và thậm chí là từ Châu Phi. Sức thu hút của Tết Nguyên đán ở Việt Nam làm cho họ có những kỳ nghỉ đông thú vị không kém và cũng không hề giống những dịp nghỉ đông ở các nước sử dụng lịch Julius.
– Đối với Nhà nước và các doanh nghiệp, Tết Nguyên đán là dịp thuận tiện để giao lưu với nước ngoài, để ký kết các hợp đồng kinh doanh, để đi đến những thỏa thuận ngoại giao, kinh tế và cả chính trị. Những người viện dẫn việc nghỉ Tết kéo dài đã quên mất một điều rằng không phải tất cả người Việt Nam đều nghỉ Tết mà ngược lại, Quân đội và Công an nghỉ Tết rất hạn chế để lo bào vệ an ninh và quốc phòng. Các doanh nghiệp thiết yếu từ cung cấp năng lượng cho đến vệ sinh môi trường vẫn hoạt động bình thường. Ngay trong dịp nghỉ Tết, một số cơ quan Chính phủ vẫn duy trì hoạt động tuy cường độ có giảm bớt so với ngày thường .v.v…
Vì vậy, lấy lý do tốn kém về chi tiêu và lãng phí tiền bạc hay lỡ cơ hội kinh doanh để đòi bỏ Tết Nguyên đán là bất hợp lý, là góc nhìn thiển cận, hạn hẹp về truyền thống văn hóa này.
2- Những người đòi bỏ Tết Nguyên đán vì cho rằng Tết Nguyên đán là sản phẩm của văn hóa Trung Quốc.
Cần nói thẳng rằng trong đầu của những người này, tất cả những thứ gì có liên quan đến Trung Quốc đều bị họ bài xích bởi tâm lý cố hữu của họ luôn coi trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp không đội trời chung. Và hầu như những người này đều mang tâm lý hướng về Mỹ phương Tây, coi Mỹ và phương Tây là mẫu mực của thế giới hiện nay. Vậy ta hãy xem xét những lập luận cơ bản nhất của họ và kiến giải thỏa đáng những điều ấy.
Trước hết, những người này không hề có một chút hiểu biết rằng Tết Nguyên đán không phải là sản phẩm văn hóa của Trung Quốc nói chung và người Hoa nói riêng. Và họ cũng quên mất một điều cơ bản rằng mọi sản phẩm văn hóa của con người (trong đó có Tết Nguyên đán) đều bắt nguồn từ thực tiễn sinh sống, từ phương thức hoạt động kinh tế trước khi nó trở thành một sản phẩm tinh thần.
“Tết” ngay ở từ nguyên của nó đã là một từ thuần Việt. Người Trung Quốc gọi là “Tiết” (phiên âm Hán-Việt).
Tết Nguyên đán (cũng gọi là Tết Âm lịch để phân biệt với Tết Dương lịch) là sản phẩm của văn hóa, của phong tục, tập quán của tất cả các dân tộc có nền kinh tế dựa vào NÔNG NGHIỆP LÚA NƯỚC. Lịch sử khu vực Đông Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng trước khi các nền văn minh Trung Hoa, Ân Độ và phương Tây can thiệp vào cho thấy nền nông nghiệp lúa nước ở đây dựa trên “lịch mặt trăng”. Theo đó, các tiết khí để người làm nghề trồng lúa nước có thể tính toán để cho những vụ mùa tươi tốt phụ thuộc vào lịch này. Còn ở Trung Nguyên (tức Cao nguyên Hoàng Thổ), nơi khởi phát của nền văn minh Trung Hoa, người dân ở đây gây dựng nền kinh tế của mình bằng nghề trồng lúa mỳ, trồng cao lương và chăn nuôi du mục. Đương nhiên là việc canh tác, nuôi trồng những sản vật ấy tuân theo một chu trình thời tiết nông vụ hoàn toàn khác so với những cư dân trồng lúa nước.
Vì vậy, quy thuộc Tết Nguyên đán có nguồn gốc từ Trung Quốc là hoàn toàn phi logic, phi biện chứng lịch sử.
Sự thật là hầu hết các thủ tục nghi thức tế lễ, đến các sản vật, các trò chơi… có trong các lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán đều gắn với nền nông nghiệp lúa nước. Ở Việt Nam ta có thể thấy “Lễ hội cày tịch điền” là sự đánh dấu khởi đầu của một mùa màng tươi tốt trong năm. Cũng ở Việt Nam, ta có thể thấy các sản vật bánh chưng, bánh dày với gạo nếp và đậu xanh thường được dùng trong những ngày Tết Nguyên đán cũng chính là những sản vật của nền nông nghiệp lúa nước. Và thêm nữa, những lễ nghi phong tục như cúng bái trời đất và gánh nước đầu chum trong đêm giao thừa (lễ trừ tịch), như trồng cây nêu để xua đuổi tà ma, như hái lộc đầu năm .v.v… đều cho thấy xuất xứ nông nghiệp của các hành vi văn hóa này. Thậm chí, những nhà nông nhiều kinh nghiệm của Việt Nam trước đây còn có thể quan sát các vì sao và thời tiết trong đêm mà dự đoán được thời tiết trong năm phục vụ cho canh tác lúa nước.
Có một số điều mà nhiều người không biết nên không phân biệt được cái gì là của người Việt Nam, cái gì là của người Trung Quốc trog dịp Tết Nguyên đán:
– Việt Nam có bánh chưng và bánh dày. Trung Nguyên không có do họ không có gạo nếp. Thứ sản vật này chỉ có ở nền nông nghiệp lúa nước.
– Việt Nam có “Lễ cày ruộng tịch điền”. Trung Nguyên không có do họ chỉ canh tác một vụ trồng lúa mỳ hoặc cao lương trong năm do không thể canh tác vào mùa đông tuyết phủ.
– Việt Nam có “Lễ cúng ông táo” và thả cá chép để ông táo lên chầu trời vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch. “Ông táo” ở đây là ba hòn đá xếp lại thành cái bếp truyền thống của người Việt. Trung Nguyên không có cái bếp truyền thống ấy bởi bếp truyền thống của họ là cái lò, có hai chức năng vừa để gia nhiệt thức ăn, vừa để sưởi ấm.
– Người Việt Nam có mâm ngũ quả để bày bàn thờ trong dịp Tết. Người Trung Nguyên không có bởi nghề chính của họ là chăn nuôi.
– Người Việt có tục đầu năm mua muối với nhiều ý nghĩa cả về tinh thần và vật chất. Người trung Nguyên không có tục này.
.v.v… và .v.v…
Ngoài ra, trong chuỗi lễ hội mùa Xuân sau Tết Nguyên đán ở Việt Nam, người ta dễ dàng nhận thấy những điều không hề có trong văn hóa Trung Quốc như chọi Trâu (ở Đồ Sơn, Hải Phòng), rước giò hoa tre (ở Sóc Sơn, Hà Nội), cày ruộng tịch điền (ở Đọi Sơn, Hà Nam).v.v… Tất cả đều gắn với nền nông nghiệp lúa nước, điều mà Trung Nguyên không hề có.
Trong quá trình giao lưu văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, nhiều phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số được tích hợp vào những tục lệ chung trong dịp tết Nguyên đán hoặc được bảo lưu ở mỗi vùng miền. Trong qua trình giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với nước ngoài, một số phong tục liên quan đến Tết Nguyên đán của một số nước Đông Á cũng được du nhập và tích hợp vào tục lệ Việt Nam trong Tết Nguyên đán nhưng không bao giờ là sự sao chép nguyên si mà đã được biến đổi, được điều chỉnh cho phù hợp với phong tục tập quán của người Việt. Đó chính là sự tiếp biến văn hóa làm cho phong tục tập quán của người Việt trong Tết Nguyên đán ngày càng phong phú, đa dạng và hấp dẫn. Nhưng dù có phong phú và đa dạng đến đâu thì Tết Nguyên đán vẫn là Tết Việt bởi nó gắn liền với nghề nghiệp của thủy tổ cư dân Việt: NGHỀ TRỒNG LÚA NƯỚC.
3- Trung Quốc “học” Tết Nguyên đán như thế nào?
Đến đây, một câu hỏi lớn được đặt ra, đó là vì sao cùng với Việt Nam, các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản và vùng lãnh thổ Đài Loan cũng có tục đón năm mới theo Âm lịch ?
Nhận thức lịch sử đã cho thấy một lời giải thỏa đáng từ chính lịch sử của Trung Quốc. Khởi thủy của Trung Hoa từ khoảng 5.000 năm trước đây là một tộc người ở Cao nguyên Hoàng thổ, cái nôi của văn minh Trung Quốc. Khu vực này cũng là nơi khởi phát của 3 triều đại phong kiến xa xưa nhất của Trung Quốc là Nhà Hạ (khoảng thế kỷ 21 TCN-khoảng thế kỷ 16 TCN), Nhà Ân – Thương (1766 TCN–1122 TCN) và Nhà Tây Chu (1122 TCN–771 TCN). Trong suốt 14 thế kỷ trước Công nguyên, người Trung Quốc chỉ chiếm lĩnh được khu vực phía Bắc sông Trường Giang và phía Nam sông Hoàng Hà. Trong khi đó, hàng trăm bộ lạc Việt ở phía Nam sông Trường Giang trong đó có Nhà nước liên minh bộ lạc Văn Lang đã tồn tại ở phía Nam sông Trường Giang với nghề trồng lúa nước truyền thống lâu đời.
Trong quá trình xâm lược và mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam, các triều đại phong kiến Trung Quốc lần lượt thôn tính những bộ lạc/liên minh bộ lạc này. Có thể kế ra đây nhưng cái tên quen thuộc của những bộ lạc/nhà nước bộ lạc đã từng tồn tại ở Nam sông Trường Giang như Sơn Việt (vùng Quảng Đông), Âu Việt (vùng Quảng Tây), Điền Việt (vùng Vân Nam-Quý Châu), Mân Việt (vùng Phúc Kiến), Đông Việt (vùng Giang Tây), Dương Việt (vùng Giang Tô), Hồ Việt (vùng Hồ Nam), Ư Việt (vùng Chiết Giang) .v.v… Tất cả các bộ lạc/nhà nước bộ lạc này đều bị Hán hóa. Chỉ còn Âu Việt và Lạc Việt còn tồn tại và là thủy tổ của người Kinh ở Việt Nam hiện nay.
Trong quá trình thôn tính ấy cũng như quá trình giao lưu/xung đột Bắc-Nam, những sản phẩm văn hóa của các bộ tộc Việt này được tích hợp vào văn hóa Trung Hoa, trong đó có Tết Nguyên đán (lễ cầu mùa lúa nước) cùng nhiều lễ tết/phong tục khác. Và dĩ nhiên là chúng được biết tấu, điều chỉnh cho phù hợp với phung tục, tập quán truyền thống của người Trung Nguyên.
Nói về việc người Trung Nguyên “học” Tết Nguyên đán của người Việt là như vậy!
– Nguồn: Nguyễn Minh Tâm