Sau cuộc họp ngày 19/12/2018, Vatican và Việt Nam đã đồng ý tiến hành những công việc cụ thể để nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa 2 nước trong thời gian tới. Theo đó, Vatican sẽ sớm có Đại diện thường trú tại Việt Nam, thay vì chỉ có Đại diện không thường trú như hiện nay. Sự kiện này đã được các nhóm Công giáo quan tâm đến chính trị bình luận theo nhiều hướng.
Nhìn lại, có thể thấy mối quan hệ giữa Nhà nước Việt Nam và Vatican đã trải qua nhiều thăng trầm. Cuối thời Pháp thuộc, Vatican đã bổ nhiệm Khâm sứ ở Việt Nam, và xây Tòa Khâm sứ Đông Dương ở Huế. Năm 1945, dù có thông tin rằng Vatican mang ác cảm với Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa thành lập, Giám mục Tiên khởi Nguyễn Bá Tòng đã thuyết phục Vatican ủng hộ VNDCCH, trong khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mời hai Giám mục làm cố vấn chính phủ. Sau hiệp định Geneve năm 1954, Vatican hậu thuẫn hàng vạn giáo dân từ miền Bắc di cư vào Nam, và công nhận chính quyền Ngô Đình Diệm. Do đó, VNDCCH trục xuất Khâm sứ của Vatican tại miền Bắc vào năm 1959, và trục xuất nốt khâm sứ ở miền Nam vào năm 1975. Biến cố này khiến quan hệ ngoại giao giữa hai bên bị đóng băng. Từ năm 1989, khi Việt Nam mở cửa, hai bên bắt đầu gia tăng tiếp xúc trở lại. Sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Vatican vào năm 2007, một phái đoàn do Ngoại trưởng Vatican dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại Hà Nội vào năm 2009. Trong chuyến thăm này, hai bên đã quyết định thành lập các “Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Vatican” để thảo luận vấn đề về quan hệ ngoại giao. Kể từ đó đến nay, Nhóm Công tác hỗn hợp đã họp 7 phiên, tương ứng với 7 vòng đàm phán.
Trong quá trình nối lại quan hệ, nhìn chung Vatican muốn bảo vệ quyền lợi của các cộng đồng Công giáo tại Việt Nam, và được truyền đạo ở Việt Nam một cách thuận lợi hơn. Trong khi đó, Nhà nước Việt Nam muốn Giáo hội Công giáo “tham gia đầy đủ trong sự phát triển của dân tộc Việt Nam”, đặc biệt là những lĩnh vực mà họ có thế mạnh, như giáo dục, y tế và từ thiện. Ngoài ra, hai bên cũng có một thỏa thuận 3 điểm: không công kích nói xấu lẫn nhau, không ủng hộ một nhóm thứ ba nào để chống bên kia, và khi Vatican muốn bổ nhiệm từ giám mục, giám quản trở lên thì phải được Chính phủ Việt Nam đồng ý.
Ngày 19/12/2018, phái đoàn của Vatican, do Thứ trưởng Ngoại giao Antoine Camilleri dẫn đầu, đã tham dự cuộc họp Vòng 7 của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Vatican. Sau cuộc họp, hai bên đã đồng ý tiến hành những công việc cụ thể để nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vatican, từ cấp “Đại diện không thường trú” lên “Đại diện thường trú”. Bên cạnh đó, Nhà nước Việt Nam cũng đồng ý việc tách một phần Giáo phận Vinh ra, để lập thành Giáo phận Hà Tĩnh – một phương án chia tách mà Giáo hội Công giáo đã đề xuất từ cách đây 20 năm. Ông Nguyễn Thái Hợp rời Vinh, để làm Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh. Ngoài ra, các báo Công giáo cũng vừa đưa tin rằng Nhà Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Giáo xứ Thủ Thiêm sẽ không bị di dời.
Hồi tháng 09/2018, quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc cũng đã trở nên nồng ấm hơn, khi Vatican công nhận các Giám mục mà Nhà nước Trung Quốc chỉ định.
Hiện nay, các nhóm Công giáo cực đoan đang có nhiều phản ứng khác nhau trước các diễn biến vừa kể. Nhìn chung, các trang truyền thông chính thức của họ chỉ đưa tin về sự kiện này chứ không bình luận. Trong các linh mục chống chế độ, Lê Ngọc Thanh chỉ đăng tin lên Facebook cá nhân và không bình luận. Trong khi đó, Nguyễn Ngọc Nam Phong thừa nhận rằng quan hệ giữa Vatican và Việt Nam đang trở nên nồng ấm hơn, nhưng đưa tin với vẻ trách móc. Ông Phong viết rằng quan hệ Việt Nam – Vatican đã “đóng băng” từ cuộc gặp hồi tháng 10 năm 2016 đến nay do hai bên bất đồng về cách giải quyết các đợt biểu tình “chống Formosa”, nhân tiện chống luôn chính quyền, mà một số linh mục cực đoan ở miền Trung đã phát động. Ông cũng viết rằng Nhà nước Việt Nam thương lượng để nối lại bang giao với Vatican trong suốt 30 năm qua chỉ nhằm 1 mục đích, là khiến “Vatican ủng hộ sự tồn tại của chế độ Cộng sản”. Sau cùng, chỉ vài tiếng trước đêm Giáng sinh, ông Phong than thở:
“Để có được bầu khí có vẻ “nồng ấm” giữa nhà nước và Giáo hội thời gian qua, Giáo hội Công giáo đã phải hy sinh rất nhiều và cũng đã phải trả giá rất nhiều. Dù sao cũng cần hiểu rằng, những gì được cho là nồng ấm, thì vẫn ở trong cái gọi là “nhiệm vụ chính trị” mà thôi!”.
Trong những giáo dân chịu ảnh hưởng bởi hai linh mục vừa nêu, có một số người gọi các diễn biến vừa kể là tin vui. Số khác đã tỏ vẻ hoài nghi, comment rằng “không nên tin Cộng sản”, và nêu các vụ tranh chấp đất đai giữa Nhà thờ và chính quyền địa phương ra làm dẫn chứng. Bút danh T.N. trên báo Người Việt đã viết một bài theo hướng hoài nghi này.
Tối 24/12, BBC tiếng Việt đăng bài viết của một người tên “Phêro Nguyễn”, gửi từ Hà Nội. Cho tới nay, đây là bài phân tích sâu nhất mà người Công giáo từng viết về cuộc họp ngày 19/12. Trong bài, tác giả nói rằng quan hệ Việt Nam – Vatican vẫn đang gặp phải 3 trở ngại. Thứ nhất, là việc Giáo hội đòi lại những khu đất từng thuộc sở hữu của họ, nhưng đã bị Nhà nước Việt Nam thu hồi sau năm 1954 ở miền Bắc, và sau năm 1975 trên cả nước. Thứ hai, là việc Giáo hội phải có sự chấp thuận của chính quyền khi tấn phong hoặc điều động giám mục. Thứ ba, là việc Nhà nước Việt Nam thành lập các “Hội Cờ Đỏ”, hoặc phát một số bản tin thời sự để công kích các linh mục chống chế độ. Ngoài ra, tác giả cũng lưu ý rằng Đảng và Chính phủ, chính quyền
trung ương và chính quyền địa phương có quan điểm khác nhau về những vấn đề vừa nêu, khiến việc hóa giải mâu thuẫn càng thêm khó.
Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi đồng ý với quan điểm của một số người Công giáo, rằng việc 2 nước cải thiện quan hệ là một tin vui. Nhìn lại lịch sử, có thể thấy quan hệ giữa 2 nước từng xấu đi do những xung đột ý thức hệ của thế giới đương thời, và do Vatican từng ủng hộ chế độ Ngô Đình Diệm – một chế độ chẳng làm hài lòng ai, do tham nhũng và vi phạm trắng trợn quyền tự do tôn giáo. Hiện nay, khi cả Chiến Tranh Lạnh lẫn ông Ngô Đình Diệm đều không còn nữa, quan hệ giữa Việt Nam và Vatican nên bước sang một trang mới, vì lợi ích của cả hai bên. Không nên để mối quan hệ này bị cản trở bởi ông Nguyễn Ngọc Nam Phong – một người lợi dụng Thánh lễ để tuyên truyền chính trị theo hướng chống Nhà nước. Cũng không nên để nó bị cản trở bởi nhóm biểu tình cực đoan ở miền Trung – những người từng làm bạo động để chiếm trụ sở chính quyền, và từng chặn Quốc lộ 1A, khiến người trên xe cấp cứu phải quỳ lạy mới được đi qua điểm chặn. Những người vừa nêu xứng đáng bị xử lý vì đã vi phạm luật pháp Việt Nam, dù họ có hay không theo tôn giáo.
Từ trước đến nay, các nhóm Công giáo cực đoan vẫn thường gọi Nhà nước Việt Nam là “ma quỷ vô thần”, và chống Nhà nước bằng thái độ thù hận. Hy vọng trong thời gian tới, họ sẽ hành xử khác đi, để dư luận không cho rằng mối quan hệ giữa Tòa thánh và “ma quỷ” đang trở nên nồng ấm.
Nguồn: Loa phường