Trang chủ Loa Phường Áo phông “Bò sữa”: Táo bạo, phá cách hay tục tĩu, phản...

Áo phông “Bò sữa”: Táo bạo, phá cách hay tục tĩu, phản cảm?

370
0

Với phương châm “thể hiện tinh thần thuần Việt cùng sự nghịch ngợm, phá cách”, sản phẩm áo phông in hình của thương hiệu “Bò sữa” (công ty BOO) từ lâu đã được nhiều bạn trẻ Việt Nam ưa thích với những hình ảnh, câu slogan cá tính và vô cùng sáng tạo. Tuy nhiên, qua một số sản phẩm áo phông mới được ra mắt trong thời gian gần đây, có thể thấy, sự “cá tính” và “sáng tạo” ấy đã phần nào đi quá giới hạn.

Ra đời từ năm 2009, đến nay, Bò Sữa đã trở thành 1 thương hiệu thời trang nổi tiếng của giới trẻ Việt với chuỗi 11 cửa hàng quy mô, hoành tráng; fanpage “faceBOO” với hơn 80 nghìn lượt like và sự xuất hiện phổ biến của những sản phẩm cộp mác “made by Bò sữa”. Đây là một trong số ít các thương hiệu đạt được thành công trong việc thu hút các bạn trẻ sử dụng và ủng hộ sản phẩm thời trang nội địa.

Thương hiệu “Bò sữa” còn thu hút sự chú ý của giới trẻ bởi những dự án bên lề như cuộc thi thiết kế áo phông “Tắt đèn bật ý tưởng” (nhằm hưởng ứng Giờ Trái đất) …v…v… Nhìn chung, các sản phẩm thời trang và hoạt động xã hội của “Bò sữa” đều tạo ra những tác động tích cực đến cách nghĩ và lối sống của thế hệ trẻ Việt Nam.

Một số sản phẩm áo phông in hình tiêu biểu vừa mang tính sáng tạo, vừa mang ý nghĩa sâu sắc của “Bò sữa” có thể kể đến là:

Áo phông “Bò sữa”: Táo bạo, phá cách hay tục tĩu, phản cảm?

Áo phông với hình tê giác mất sừng hay trái đất bị vắt kiệt thể hiện những vấn đề “nóng” về môi trường.

Áo phông “Bò sữa”: Táo bạo, phá cách hay tục tĩu, phản cảm?

Các mẫu áo phông thể hiện tinh thần yêu nước với slogan “Tôi yêu nước”, “I ‘Star’ Vietnam” và hình ảnh ngôi sao vàng cách điệu gợi liên tưởng đến câu thơ “Quê hương là chùm khế ngọt”.

Tuy nhiên, bên cạnh những thiết kế được đánh giá cao về mặt thẩm mĩ và ý nghĩa, thời gian gần đây, thương hiệu “Bò sữa” đã cho ra mắt một số sản phẩm với những hình ảnh và câu slogan có phần “phản cảm”; xuyên tạc, bóp méo ca dao, tục ngữ và những câu khẩu hiệu:

Áo phông “Bò sữa”: Táo bạo, phá cách hay tục tĩu, phản cảm?

Ở đây, câu nói nổi tiếng của chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã được “phá cách” thành “Không gì quý hơn thứ bảy & chủ nhật” (?!). Hay 2 câu khẩu hiệu về hoạt động thanh niên và kế hoạch hóa gia đình cũng đã được thiết kế và sắp xếp “khéo léo” khiến cho ý nghĩa thay đổi hoàn toàn.

Áo phông “Bò sữa”: Táo bạo, phá cách hay tục tĩu, phản cảm?

Không chỉ “bóp méo” các câu khẩu hiệu, những câu tục ngữ quen thuộc với bao thế hệ người Việt Nam cũng đã bị xuyên tạc một cách phản cảm: “Uống nước nhớ nguồn” đã biến thành “Uống SỮA nhớ nguồn” (với chữ “nguồn” đầy ẩn ý); “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì DÂM” (kết hợp với hình ảnh 2 chú chuồn chuồn đang giao phối). Trang web chính thức của “Bò sữa” đã có đôi dòng mô tả chiếc áo chuồn chuồn này như sau:

Áo phông “Bò sữa”: Táo bạo, phá cách hay tục tĩu, phản cảm?

“Thiết kế này mang hơi thở mới cho một câu tục ngữ quen thuộc. Từ “râm” được chơi chữ thành “dâm” khiến thiết kế này trở nên nghịch ngợm hơn. Hình ảnh 2 con chuồn chuồn hoàn thiện ý nghĩa của câu tục ngữ này”. (?!)

Áo phông “Bò sữa”: Táo bạo, phá cách hay tục tĩu, phản cảm?

Một số mẫu áo khác có hình in rất “tục” được đăng tải trong album ảnh “Bò sữa 2010”của fanpage “faceBOO”. Thậm chí, đã có bạn bình luận về mẫu áo bên phải rằng: “Áo này hiểm quá không dám mua :((“

Lại nhớ chuyện cuốn sách thành ngữ cải biên “Sát thủ đầu mưng mủ” của họa sĩ Thành Phong ngay từ khi phát hành lần đầu tiên đã tạo nên 2 luồng dư luận đối lập: có những người cho rằng cuốn sách thể hiện phong cách trẻ trung, nhằm mục đích thư giãn, giải trí là chính; nhưng cũng có những ý kiến cho rằng việc phổ biến những câu thành ngữ như vậy là ảnh hưởng tới sự trong sáng của tiếng Việt. Sau khi bị thu hồi vì những sai sót trong quá trình, thủ tục phát hành, cuốn sách lại được xuất bản với tên gọi “Phê như con tê tê” cùng một số cải biên so với bản cũ. Lần phát hành này có vẻ “êm ả” hơn, không gây nhiều tranh cãi, bởi có lẽ qua thời gian, nhiều người cũng đã công nhận sự biến chuyển tất nhiên của thành ngữ, tục ngữ theo từng thời đại, đúng như ý kiến của PGS.TS. Văn Như Cương: “Thành ngữ cũng có những giai đoạn, biến chuyển cho hợp thời.”

Tuy nhiên, với sản phẩm áo phông “Bò sữa” lại là một câu chuyện khác. Những câu khẩu hiệu, tục ngữ bị bóp méo trên áo phông của “Bò sữa” có lẽ khó có thể được công nhận là “sự biến chuyển hợp thời”, hay phá cách, trẻ trung hoặc thể hiện sự “nghịch ngợm” đơn thuần như những gì mà “Bò sữa” giới thiệu. Đó là sự xuyên tạc hoàn toàn, và các phiên bản mới này hầu như đều chứa đựng tính “dục”, trong cả hình ảnh lẫn câu chữ. Đây không còn là sự phá cách hay cá tính nữa, mà thực sự nó đã trở thành “phản cảm”, và có phần “tục tĩu”.

Chưa xét đến khía cạnh quy định hay pháp luật, mà chỉ nhìn từ góc độ văn hóa cũng có thể thấy sự phổ biến rộng rãi ngày càng nhiều những sản phẩm như thế này sẽ có ảnh hưởng nhất định đến cách nghĩ và tư duy của thế hệ trẻ, khi mà tính “dục” dần được tiêm nhiễm vào đầu họ thông qua những câu tục ngữ quen thuộc. Sẽ thế nào khi chỉ cần nhắc đến câu tục ngữ, khẩu hiệu ấy, họ ngay lập tức nghĩ đến những ý nghĩa xuyên tạc không lấy gì làm trong sáng?

Như đã nói ở trên, “Bò sữa” đã và đang được nhiều bạn trẻ yêu thích vì sự sáng tạo và phá cách trong từng thiết kế. Tuy nhiên, giữa “sáng tạo” và “xuyên tạc”, giữa “phá cách” và “phản cảm” chỉ là một ranh giới rất nhỏ, mà đôi khi, ranh giới ấy đã vô tình bị xóa nhòa bởi tâm lí ưa thích cái mới, ưa thích cái “táo bạo”, “cá tính”. Lỗi ở đây không thuộc về các bạn trẻ – những người sử dụng sản phẩm của “Bò sữa”, mà đối tượng đáng trách nhất ở đây chính là đơn vị đã sản xuất và phân phối rộng rãi những sản phẩm phản cảm như thế này đến tay người tiêu dùng.

Nguồn ảnh: trang web bosua.vn, fanpage “faceBOO”.

Nguồn: Loa phường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây