Danh nhân Nguyễn Trường Tộ – một người Thiên chúa giáo gốc Vinh là cái tên gắn với sự suy vong của chế độ phong kiến và những giá trị văn minh, khoa học kỹ thuật từ phương Tây bắt đầu du nhập vào Việt Nam cùng với cuộc xâm lăng của chủ nghĩa thực dân. Ở đó, ông là một kẻ thức thời và biểu tượng sống cho một nhân cách luôn cố gắng “sống tốt đời đẹp đạo” và “sống phúc âm trong lòng dân tộc“.
Việc thế hệ hôm nay nhắc đên Nguyễn Trường Tộ dù với tư cách là một người con ưu tú của đạo Thiên chúa giáo hay với cương vị của một danh sĩ, kiến trúc sư và là nhà cải cách xã hội đều phần nào thể hiện tấm lòng tri ân và biết ơn với những đóng góp của ông trong quá khứ (dù chưa thực sự trọn vẹn lắm) và để một lần nhớ về những tư tưởng vượt qua khuôn khổ “đêm trường trung cổ” để hòa nhập cùng bước tiến của xã hội.
Ở đó, danh nhân Nguyễn Trường Tộ mãi là một biểu tượng lớn cho sự đổi thay, chấp nhận đổi thay để đi lên. Trong đó, khát vọng canh tân, khát vọng đổi thay những thực tại không còn phù hợp với cuộc sống là điểm nhấn, là tinh thần chủ đạo trong tư tưởng và tầm nhìn của ông.
Nguyễn Trường Tộ là một công dân Việt Nam và cũng là một người mang trên mình sứ mệnh của một con người sống phụng sự và thờ Thiên chúa. Mỗi hành động của ông luôn hướng đến làm trọn vẹn những sứ mệnh mà ông tự nguyện hiến dâng và theo đuổi. Và trong từng công việc của mình ông muốn hoàn thành tốt trên cả hai cương vị. Việc ông tấu trình lên vua Tự Đức lúc bấy giờ về những tiến bộ khoa học kỹ thuật mà các nước Tây phương đạt được cũng nhằm mục đích thay đổi những cố tật khó thay đổi của chính ông Vua của chế độ Phong kiến này và gián tiếp đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho những công dân đất Việt, trong đó có những người theo đạo Thiên chúa như ông. Với hành động can đảm mà chính ông cũng phần nào hình dung ra được những hậu quả tất yếu nếu Vua cho là nhảm nhí, hoang đường. Kết quả thì ai từng đọc những dòng tiểu sử về ông đều biết. Cái kết cục mà một con người luôn biết sống và phấn đấu vì sự tiến bộ của nhân loại và đất nước chắc chắn sẽ khiến cho chính ông và những người tâm huyết buồn. Cái mà ông có được lớn nhất đó chính là khởi sự, bởi ông không đắc chí nhưng ông đã khơi dậy trong ý thức con dân đất Việt những khát vọng canh tân, đổi mới.
Nhớ về ông, thế hệ hôm nay đã tổ chức không biết bao nhiêu hội thảo khoa học, các cuộc tòa đàm chuyên đề để đánh giá hết cái tầm và những giá trị mang tính bền vững trong tư tưởng của Ông. Việc tổ chức Hội thảo về danh nhân Nguyễn Trường Tộ để làm rõ hơn những tư tưởng mang tính nhân văn, định hướng và cũng là một dịp “quảng bá” những công lao của ông là một việc làm cần thiết nhưng chúng ta cũng không nên vì vậy mà đi lệch hướng trong công tác tuyên truyền và định hướng dư luận. Không thể lấy những nội dung cốt lõi trong tư tưởng của ông để biện minh và cổ súy cho những hành động dân chủ mang tính giả hiệu hoặc lấy hình tượng của ông để dấy lên, kêu gọi một bộ phận người, nhất là những người theo đạo Thiên chúa giáo có các hoạt động đối lập với những chủ trương, chính sách xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Tiếp thu tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ cũng cần nhận thức được tính lịch sử và những giá trị mang tính giai đoạn. Chúng ta không thể đánh đồng giai đoạn trước đây với thời đại hiện nay bởi vẫn là cái tư tưởng ấy nhưng hiện nay lại có thể được nhìn nhận với những khía cạnh khác hơn. Những hạt nhân cơ bản trong tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ về canh tân, khát vọng đổi mới không đồng nghĩa với việc kêu gọi, thúc đẩy những xu hướng mang màu sắc Phương Tây, chính trị phản động. Việc rạch ròi trong việc nhận thức và vận dụng những giá trị hiện sinh trong tư tưởng của ông sẽ giúp cho thế hệ hiện nay biết cái gì cần tiếp thu, không nên tiếp thu.
Chính điều này sẽ khiến cho ông không phải than phiền bất đắc như khi vĩnh biệt cõi đời này với sự nuối tiếc:
“Một lỡ bước đi, muôn thuở hận
Ngoảnh đầu nhìn lại đã trăm năm”./.
Phạm Hải An (Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)
Nguồn: Mõ làng