Ở văn hóa Á Đông, những lễ nghi và phong tục liên quan đến người đã mất thường được đặt trong trạng thái cung kính và trang nghiêm. Tuy nhiên, có một thực trạng đáng báo động hiện nay là rất nhiều thế hệ trẻ có nhận thức lệch lạc, thiếu cung kính đối với những sự kiện đau buồn này. Và nếu bạn là một người nghệ sĩ, một nhân vật của công chúng, thì đáng buồn thay, cái chết của bạn hay người thân chưa bao giờ là câu chuyện của cá nhân. Bởi…
Đám đông náo loạn gây mất trật tự tại đám tang NSƯT Vũ Linh
Lúc này, trong con mắt của công chúng hiếu kì, đó đơn giản chỉ là một sự kiện “giải trí”. Người ta đến xem vì thương cảm thì ít, mà tò mò thì nhiều. Những tiếng bàn tán hay chỉ trỏ vào không gian tang lễ cứ lớn dần lớn dần cùng với quy mô của sự kiện đó. Từng lớp người chen lấn, xô đẩy nhau để tranh được thấy người nổi tiếng bằng da bằng thịt mà bình thường họ chỉ có thể nhìn qua màn ảnh càng cho thấy cái tình cảnh vừa đáng thương, vừa đáng trách của đám đông.
Khi đã là một người nổi tiếng, là một nghệ sĩ có tên tuổi thì cũng là lúc họ đã chính thức “bán” đời tư mình cho công chúng. Như một nữ MC nổi tiếng từng chia sẻ trên truyền thông: “Giữa một xã hội ai cũng như ai, bạn bước lên một cái bục – nó khiến bạn đứng cao hơn người khác, nó giúp thu hút mọi ánh nhìn vào bạn và nó mang lại cho bạn mức thù lao, công xá bằng người khác phấn đấu cả đời. Vậy mà bạn đòi hỏi được riêng tư ư?”.
Đám đông vây quanh nghệ sĩ Việt Hương trong lễ viếng nghệ sĩ Chí Tài
Nghe thật xót xa, nhưng đó chính xác là những gì đã và đang diễn ra trong mấy năm gần đây, đặc biệt trong những đám tang của giới nghệ sĩ. Dư luận xã hội đã từng rất bức xúc vì sự chèo kéo vô tội vạ của nhiều người trong đám tang của ca sĩ Minh Thuận, đã từng phẫn nộ vì tình trạng vô ý thức của không ít người trong các đám tang của ca sĩ Wanbi Tuấn Anh, người mẫu Duy Nhân, danh hài Chí Tài, …Người hâm mộ ăn mặc rất sành điệu và hở hang như đang đi xem đại nhạc hội. Họ cười nói rôm rả, họ trèo tường để xem cho rõ và đứng đầy cả một góc đường. Gần đây, tại đám tang của NSUT Vũ Linh, chúng ta thấy thêm một nhóm người nữa cũng rất “hăng hái” tham gia vào đám đông hiếu kì là các Youtuber, Tiktoker. Những người này đã túc trực ở tang lễ từ rất sớm để ghi hình toàn bộ diễn biến của lễ tang. Họ nhốn nháo và “tận hưởng”, bất chấp người nhà nam nghệ sĩ nhiều lần tỏ rõ sự bức xúc. Họ thiếu ý thức, không chỉ về phong tục tang ma mà còn về trật tự và vệ sinh công cộng. Một người dân sống gần nhà NSƯT Vũ Linh có chia sẻ: Sau khi họ đi thì thứ mà khu phố đó nhận lại là những hộp cơm thừa, những ly cà phê bỏ dở, là rác thải mà họ để lại, không biết họ quay gì mà quay cả đêm như thế.
Không chỉ là nghệ sĩ, bất kỳ ai cũng cần được tôn trọng quyền riêng tư, ngay cả khi họ đã chết. Việc một đám người tới quay phim, chụp hình và bàn tán về đám tang người đã khuất để câu view, câu like không những là hành vi đáng lên án (về mặt thuần phong mỹ tục) mà còn xâm phạm nghiêm trọng quyền riêng tư của một người được pháp luật bảo vệ. Đây không phải là trường hợp duy nhất, cá biệt mà đã, đang và sẽ trở thành một hiện tượng biến chất của văn hóa nếu không có những chế tài xử lý thật nghiêm minh.
Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay đối với vấn đề này chưa được chú trọng một cách đúng mức. Rà soát các quy định của pháp luật, có thể thấy, chưa có quy định nào ghi nhận một cách cụ thể về trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi xâm phạm quyền riêng tư của một người sau khi họ đã chết. Đã đến lúc cần mạnh tay hơn. Không thể để cho các giá trị văn hóa của dân tộc bị hao mòn bởi sự hẹp hòi và ích kỷ. Và cũng không thể để cho con cháu mình nhìn thấy cha ông chúng trong quá khứ đã từng vô tâm và thiếu ý thức như thế này.
Khánh Đăng
Nguồn: Cánh cò