Sáng nay 14/2/2023, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”, xét đơn kháng cáo của bị cáo Đặng Như Quỳnh.
Nội dung kháng cáo gồm 2 vấn đề:
Một là đề nghị Tòa trả lại chiếc điện thoại Samsung bị tòa cấp sơ thẩm tuyên là tang vật vụ án. Bị cáo Quỳnh cho biết, chiếc điện thoại trên là của con gái, bị cáo không sử dụng điện thoại trên để đăng tải các bài viết được xác định là câu like…
Hai là đề nghị Tòa giảm nhẹ hình phạt do sức khỏe không được tốt. Quỳnh mong muốn được giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình và đi chữa bệnh.
Với nội dung kháng cáo thứ nhất, Cơ quan tố tụng giải thích chiếc điện thoại trên có cài đặt ứng dụng trò chuyện Telegram. Trong ứng dụng này lại có những nội dung liên quan đến 2 bài đăng câu like của Đặng Như Quỳnh. Trong khi đó Quỳnh ngây thơ nói rằng, tài khoản Telegram được đồng bộ trên nhiều điện thoại. Quỳnh chỉ sử dụng chiếc iPhone để câu like, nhưng nội dung các bài viết được đồng bộ vào cả chiếc Samsung.
Đối với nội dung kháng cáo thứ hai, Tòa cho rằng mức án 2 năm tù đã xét đủ các yếu tố giảm nhẹ, nên không có căn cứ giảm nhẹ hơn nữa.
Sau khi nghị án, Tòa phúc thẩm bác nội dung kháng cáo của bị cáo Đặng Như Quỳnh. Chủ tọa phiên tòa cho biết chiếc điện thoại Samsung có liên quan hành vi phạm tội, thể hiện trong các biên bản niêm phong vật chứng, nên không có căn cứ để trả lại và cũng không có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt.
Đặng Như Quỳnh sinh năm 1980, trú tại khu đô thị Greenbay, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Quỳnh bị cơ quan ANĐT Bộ Công an phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (gọi tắt là Cục An ninh mạng) đã bắt khẩn cấp hôm 12/4/2022 vì thực hiện tội phạm quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Được biết, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an phát hiện Đặng Như Quỳnh có hành vi sử dụng mạng xã hội đăng tải các bài viết, thông tin chưa được kiểm chứng về một số cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bất động sản, trực tiếp xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức nêu trên, có dấu hiệu tác động ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính, chứng khoán của Nhà nước. Sau đó, những bài đăng này được xoá khỏi trang Facebook của Đặng Như Quỳnh.
Trước đó, vào ngày 25/3/2022, Cục An ninh mạng đã mời Đặng Như Quỳnh lên làm việc để làm rõ về hành vi đăng thông tin vi phạm pháp luật. Theo đó, từ tháng 2/2020 đến nay, Facebook Đặng Như Quỳnh đã đăng tải gần 300 bài viết liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19 tại nhiều địa phương trên cả nước thu hút được nhiều người đọc và chia sẻ. Cũng từ đây Facebook Đặng Như Quỳnh trở thành nguồn phát tán thông tin thất thiệt thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trên mạng xã hội thời gian qua.
Theo khai nhận của Đặng Như Quỳnh, anh ta đã thu thập thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 từ nhiều nguồn chưa được kiểm chứng, sau đó, chỉnh sửa, lồng ghép quan điểm cá nhân tạo thành tin thất thiệt. Ngoài ra, một số bài viết kèm theo hình ảnh văn bản của cơ quan chức năng khi chưa được công bố chính thức về thông tin người nhiễm hoặc cần đưa vào diện cách ly làm ảnh hưởng đến công tác chủ động phòng chống dịch bệnh tại một số địa phương, khiến người dân hoang mang phải sơ tán, chuyển chỗ ở, tích trữ lương thực, gây mất an ninh trật tự.
Cục an ninh mạng sau đó đã buộc Đặng Như Quỳnh phải gỡ bỏ 216 bài viết vi phạm pháp luật.
Tại phiên xét xử ngày 27/10/2022, Đặng Như quỳnh bị Tòa án quận Nam Từ Liêm tuyên phạt 2 năm tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân”, theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự.
[email protected]
Nguồn: Tre làng