Sau hơn 2 tháng làm việc, chiều 18/6/2021, UBND huyện Quốc Oai đã công bố kết luận thanh tra liên quan đến vụ cô giáo Nguyễn Thị Tuất ở trường Tiểu học Sài Sơn B tố cáo bị nhà trường trù dập.
Kết quả thanh tra cho thấy, trong số 16 nội dung cô Nguyễn Thị Tuất tố cáo: Có 5 nội dung đúng, 2 nội dung chỉ đúng 1 phần, 2 nội dung không đủ cơ sở để kết luận và 7 nội dung tố cáo sai.
Đoàn thanh tra kiến nghị kỷ luật hiệu trưởng, kiểm điểm hiệu phó và 9 cá nhân, tập thể liên quan.
Riêng người tố cáo sai sự thật làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người khác, làm ảnh hưởng tiêu cực đến đoàn kết nội bộ, làm mất uy tín của tập thể giáo viên trường Tiểu học Sài Sơn B là cô Nguyễn Thị Tuất chỉ bị “Nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra những tồn tại, hạn chế như đã nêu tại kết luận” liệu có thỏa đáng?
Những tố cáo sai của cô Tuất
Đừng quên vấn đề quan trọng nhất là: “Hiệu trưởng và trường Tiểu học Sài Sơn B có trù dập cô giáo Nguyễn Thị Tuất hay không?”. Kết luận thanh tra đã cho thấy, không có sự trù dập nào ở đây.
Kết quả thanh tra cho thấy, trong số 16 nội dung cô Nguyễn Thị Tuất tố cáo: Có 5 nội dung đúng, 2 nội dung chỉ đúng 1 phần, 2 nội dung không đủ cơ sở để kết luận và 7 nội dung tố cáo sai. Con số đúng/sai trong kết luận Thanh tra nói lên nhiều điều.
Đáng chú ý, 7 nội dung liên quan đến việc cô Tuất tố cáo bị nhà trường trù dập 2 vợ chồng cô đều được thanh tra kết luận là sai.
“Trù dập” là từ mà cô Nguyễn Thị Tuất và một số báo sử dụng để viết đơn tố cáo nhà trường, là vấn đề căn cốt nhất của vụ việc. Từ đó làm bùng lên dư luận rất xấu về trường Tiểu học Sài Sơn B và thậm chí câu chuyện này đã bị kẻ xấu lợi dụng để tấn công vào ngành giáo dục Thủ đô.
Theo kết luận thanh tra:
– Có 4 nội dung cô Nguyễn Thị Tuất tố cáo lãnh đạo Trường Tiểu học Sài Sơn B có biểu hiện trù dập đối với cô là: (1) cấp nhiệt kế điện tử; (2) nhập đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh lớp 2D trên phần mềm Esams; (3) việc phân công nhiệm vụ; (4) việc kiểm tra đối với cô Nguyễn Thị Tuất. Các nội dung này là sai.
– Có 3 nội dung cô Nguyễn Thị Tuất tố cáo lãnh đạo Trường Tiểu học Sài Sơn B có biểu hiện trù dập đối với chồng cô là thầy giáo Phan Viết Nhân, gồm: (1) việc không thông báo cho học sinh nghỉ học để họp đánh giá chuẩn Hiệu trưởng; (2) ép ông Nhân làm chuyên đề, thực hiện dạy chuyên đề ngoài giờ; (3) việc duyệt, in học bạ của học sinh và kích động phụ huynh “gây sự” với ông Nhân. Các nội dung này cũng không đúng.
Như vậy, cả 7 nội dung liên quan đến việc cô Tuất tố cáo bị nhà trường “Trù dập” như đơn là sai.
Chú ý rằng, 5 nội dung mà cô Tuất tố cáo được kết luận là tố cáo đúng đều không liên quan đến việc “trù dập” cô, mà chỉ liên quan đến những sai sót của các cá nhân trong triển khai các hoạt động của nhà trường.
Như vậy, có thể kết luận, cô Nguyễn Thị Tuất đã tố cáo sai sự thật. Việc cô tố cáo sai sự thật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của lãnh đạo và cán bộ giáo viên nhà trường, làm ảnh hưởng tiêu cực đến đoàn kết nội bộ, thậm chí làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục Hà Nội.
Vấn đề đặt ra là, với việc tố cáo sai sự thật, gây ra những hậu quả nghiêm trọng thì cô Nguyễn Thị Tuất có bị xử lý không?
Tố cáo sai thì xử lý như thế nào?
Theo Khoản 10 Điều 8 Luật tố cáo 2018 quy định việc cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo là hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo.
Người tố cáo sai sự thật sẽ chịu các trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm dân sự
Trách nhiệm hình sự: Theo Điều 156 Bộ luật hình sự 2015 quy định: Bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm khi có hành bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
– Có tổ chức;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
– Đối với 02 người trở lên;
– Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
– Đối với người đang thi hành công vụ;
– Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
– Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
Sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
– Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
– Làm nạn nhân tự sát.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trách nhiệm hành chính: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Trách nhiệm dân sự: Bồi thường khi bị xâm hại danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm (Điều 592 Bộ luật dân sự 2015). Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
– Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
– Thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Với trường hợp của cô Nguyễn Thị Tuất, rất không hợp lý nếu chỉ xử lý bằng hình thức rút kinh nghiệm. Các lãnh đạo, giáo viên của trường Tiểu học Sài Sơn B nếu bị cô Tuất tố cáo sai, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, công việc, thu nhập… của mình thì có thể phản ứng bằng cách văn minh là gửi đơn kiện đòi xử lý cô Tuất và đòi bồi thường những tổn hại về vật chất và tinh thần đến tòa.
P/s: Bài sau sẽ bàn đến vai trò, trách nhiệm trước pháp luật của người tư vấn cho cô Tuất tố cáo sai sự thật.
Nguồn: Tre làng