Trang chủ Luận bàn - Phản biện Về phát biểu của Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa

Về phát biểu của Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa

7
0

Phát biểu của ông Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, vào ngày 29/05 đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận. Nội dung phát biểu của ông Hòa, đặc biệt là câu nói “Củi đưa vào lò toàn loại gỗ quý, gỗ rất quý hiếm, rất xót xa“, không chỉ gây bức xúc mà còn gợi mở những câu hỏi nghiêm túc về tính đúng đắn và hợp pháp của quan điểm này.

Về phát biểu của Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa

Tự giác khai báo và miễn trừ trách nhiệm hình sự?

Ông Hòa đề nghị Quốc hội ban hành quy định cho phép những cán bộ và doanh nghiệp đã vi phạm pháp luật, nếu tự giác khai báo và hoàn trả lại tiền thu lợi bất chính, sẽ được bảo vệ bí mật và khép lại hồ sơ, đồng thời cho phép họ tiếp tục công tác bình thường. Đây là một đề xuất gây tranh cãi, vì nó có vẻ như đi ngược lại nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam và quốc tế về phòng chống tham nhũng.

Pháp luật Việt Nam quy định rõ ràng rằng, những hành vi tham nhũng và hối lộ đều phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều này nhằm đảm bảo tính nghiêm minh và răn đe, không để tình trạng “nhờn luật” xảy ra. 

Việc ông Hòa đề xuất miễn trừ trách nhiệm hình sự cho những kẻ vi phạm chỉ cần họ hoàn trả tiền, sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, khiến cho việc trục lợi cá nhân từ quyền lực trở nên dễ dàng và không bị ràng buộc bởi pháp luật.

Ngay cả việc “bảo vệ bí mật” cho những người vi phạm cũng trái với nguyên tắc minh bạch, công khai trong phòng chống tham nhũng. Phát biểu của ông Hòa có thể bị xem là dung túng cho hành vi tham nhũng, tạo kẽ hở cho việc lấp liếm sai phạm.

“Gỗ quý” và sự xót xa?

Câu nói của ông Hòa rằng “Củi đưa vào lò toàn loại gỗ quý, gỗ rất quý hiếm, rất xót xa” đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về cách nhìn nhận của ông đối với những cán bộ vi phạm. Liệu ông có đang ví những quan chức cấp cao vi phạm pháp luật, thậm chí bị khởi tố là những “gỗ quý”, cần được bảo vệ? Nếu vậy, phát biểu này thể hiện thái độ không phù hợp đối với trách nhiệm và nghĩa vụ của một đại biểu Quốc hội.

Những cán bộ cấp cao, nếu vi phạm pháp luật, cần phải chịu trách nhiệm tương ứng, không thể được xem là “gỗ quý” chỉ vì họ từng nắm giữ những vị trí quan trọng. Quan điểm này đi ngược lại nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, một trong những nguyên tắc cơ bản của một nhà nước pháp quyền.

Có người nói rằng, ông Phạm Văn Hòa so sánh cán bộ vi phạm với “gỗ quý” thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với người dân và coi nhẹ tính nghiêm minh của pháp luật. Với các quan chức cấp cao có hành vi vi phạm pháp luật thì phải được xử lý nghiêm minh, mà không thể “khoan hồng” hay “khép lại hồ sơ” một cách dễ dàng.

Niềm tin vào đại biểu Quốc hội

Phát biểu của ông Hòa đã gây bức xúc trong dư luận, làm tổn hại tới niềm tin của người dân vào người đại biểu của mình. Thiết nghĩ, mỗi đại biểu Quốc hội cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình, phát biểu và hành động sao cho xứng đáng với sự tin tưởng mà cử tri đã giao phó. 

Những phát ngôn không phù hợp, không chỉ làm tổn hại đến uy tín cá nhân mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của cả Quốc hội trong mắt người dân, khiến nhiều người đặt nghi vấn về năng lực và trách nhiệm của các đại biểu.

Vĩ thanh

Phát biểu của ông Phạm Văn Hòa, với những đề xuất và quan điểm gây tranh cãi, dù là ý kiến cá nhân, đã làm dấy lên những nghi ngại về tính đúng đắn và hợp pháp của quan điểm này, đồng thời đặt ra trách nhiệm giải trình của đại biểu. Trước những phản ứng của dư luận, có lẽ, các đại biểu Quốc hội cần thận trọng hơn trong lời nói và hành động, để giữ vững niềm tin của người dân và bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật.

Lâm Trực@

Theo  Tre làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây