Trang chủ Luận bàn - Phản biện Phải chăng ở Việt Nam chỉ có thực hiện “đa nguyên chính...

Phải chăng ở Việt Nam chỉ có thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” mới là dân chủ?

3
0

Thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” mới bảo đảm cho Việt Nam có một thể chế thực sự dân chủ – Luận điệu không hề mới nhưng vẫn đang được các thế lực thù địch “nhai lại” như một món ăn yêu thích, nhất là trong thời điểm Đảng ta đang đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật, kỷ luật như hiện nay.

Phải chăng ở Việt Nam chỉ có thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” mới là dân chủ?

Thực chất, luận điệu đòi “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” là sự đánh tráo khải niệm một cách trắng trợn của các lực lượng đang ra sức chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Ở đây cần thấy rằng, dân chủđa nguyên chính trị là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Dân chủ thuộc bản chất của chủ nghĩa xã hội, không có dân chủ thì không có chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản là đỉnh cao trong sự phát triển của nhân loại, nên cũng là đỉnh cao của dân chủ. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa không thể tách rời việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân; trong thiết chế dân chủ, quyền của công dân, tính tối cao của pháp luật được thừa nhận; những cơ quan quyền lực nhà nước đều do bầu cử mà ra. Còn nói đến đa nguyên chính trị là nói đến hệ thống chính trị có nhiều cực, có nhiều đảng phái đại biểu cho những lợi ích đối lập nhau được tự do hoạt động, đó là một chế độ đa đảng.

Chế độ đa đảng không phải là dấu hiệu của dân chủ, chế độ một đảng không phải là nguyên nhân của mất dân chủ. Cái gốc để bảo đảm dân chủ hay không dân chủ là tư liệu sản xuất nằm trong tay ai. Dưới chủ nghĩa xã hội tư liệu sản xuất nằm trong tay nhân dân lao động và họ là người làm chủ xã hội. Dưới chủ nghĩa tư bản tư liệu sản xuất nằm trong tay một thiểu số nhà tư bản, nền dân chủ đó là quyền làm chủ của một nhóm tư bản độc quyền. Còn quần chúng nhân dân chỉ là những người bị thống trị. Chế độ đa đảng trong hệ thống chính trị tư sản chỉ là sự phân chia quyền lực giữa các phe cánh của một đảng lớn duy nhất là đảng của những nhà tư bản độc quyền. Không có một nhà nước nào không phải là nhà nước chuyên chính của một giai cấp. Chỉ có giai cấp tư sản không dám công khai thừa nhận điều đó mà thôi.

Lịch sử đã chứng minh, giai cấp công nhân chỉ có thể đóng được vai trò chủ thể lịch sử của mình khi được Đảng Cộng sản lãnh đạo và trong hệ thống chính trị không có các loại đảng phái đối lập, đại diện cho những lợi ích khác nhau. Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì ngoài Đảng Cộng sản thì không có một đảng phái chính trị nào khác có thể lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội, một chế độ xã hội mà mục tiêu cuối cùng là xóa bỏ tư hữu và bóc lột.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta ngày càng được củng cố, mở rộng và phát triển, đã quy tụ, phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân trọng sự nghiệp cách mạng. Trước yêu cầu trong giai đoạn mới, để có đủ khả năng lãnh đạo đúng đắn và có hiệu quả, Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng về mọi mặt, làm cho Đảng tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống cách mạng tốt đẹp, tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiền phong gương mẫu của Đảng; xây dựng Đảng thực sự trong sạch vững mạnh, là đạo đức, là văn minh. Có như vậy, Đảng vươn lên thành biểu tượng về dân chủ – nhân tố có ý nghĩa quyết định tới dân chủ hóa hệ thống chính trị và dân chủ hóa xã hội.

TIẾN ĐƯỢC (Đấu trường dân chủ)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây