Trang chủ Luận bàn - Phản biện PGS.TS Nguyễn Thế Thắng: Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con người...

PGS.TS Nguyễn Thế Thắng: Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con người luôn được đặt là trung tâm

7
0
PGS.TS Nguyễn Thế Thắng: Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con người luôn được đặt là trung tâm

Song song với xây dựng văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thế Thắng, nguyên Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Khu vực I, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, để hiểu rõ hơn tư tưởng về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta.

PGS.TS Nguyễn Thế Thắng: Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con người luôn được đặt là trung tâm

– Thưa PGS.TS Nguyễn Thế Thắng, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người phát triển toàn diện đã được Người thể hiện như thế nào?

– Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con người luôn được đặt là trung tâm, mang tính chiến lược, lâu dài trong mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước do Người sáng lập và lãnh đạo. Con người là một thể thống nhất, có sự kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố: Đạo đức, trí tuệ, thể lực và thẩm mỹ để tạo thành phẩm chất, năng lực của một con người phát triển toàn diện.

Tư tưởng xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày một cách trực tiếp và gián tiếp qua rất nhiều tác phẩm và qua những hành động cụ thể trong quá trình Người lãnh đạo cách mạng Việt Nam và trên cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước.

Đức, trí, thể, mỹ là một chỉnh thể thống nhất bao gồm những yếu tố cơ bản cần có của con người Việt Nam phát triển toàn diện. Tùy từng đối tượng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh mặt này hay mặt khác. Tuy vậy, có một sự nhất quán là bao giờ Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng coi đạo đức là nền tảng, cái gốc quyết định sự phát triển của mỗi con người. Tư tưởng này được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định trong Báo cáo về dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người chỉ rõ: “Nhà nước chú trọng đặc biệt việc giáo dục thanh niên về Đức dục, Trí dục, Thể dục”.

– Đảng và Nhà nước ta đã vận dụng tư tưởng xây dựng con người phát triển toàn diện của Bác vào công cuộc đổi mới, hội nhập phát triển đất nước ta hiện nay như thế nào, thưa ông?

– Đảng, Nhà nước ta đã và đang kiên định vận dụng triệt để tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới, hội nhập phát triển đất nước ta hiện nay. Cương lĩnh của Đảng xác định, con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Đảng đã đề ra những định hướng lớn trong việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu chiến lược phát triển. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật”.

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định một trong các định hướng cơ bản phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc… Tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.

– Thưa ông, tính đến thời điểm hiện tại, những thành quả đạt được khi Đảng và Nhà nước ta vận dụng tư tưởng xây dựng con người phát triển toàn diện của Bác là gì? Giải pháp nào để tiếp tục xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện theo tư tưởng Hồ Chí Minh?

– Quán triệt, thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam năm 2019 là 73,6 tuổi, năm 2020 là 73,7 tuổi. Từ năm 1990 đến năm 2018, tổng thu nhập bình quân đầu người đã tăng 354,5%. Năm 2019, tổng thu nhập bình quân đầu người gần 2.800 USD; năm 2020 là 2.779 USD; năm 2021 là 2.177 USD, giảm so với các năm do hậu quả của đại dịch Covid-19. Việt Nam còn nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức cao trên thế giới, với mức tăng trưởng trung bình HDI 1,36% trong suốt giai đoạn 1990 – 2018. Chỉ số HDI của Việt Nam năm 2019 là 0.703; năm 2020 là 0.706. Việt Nam từ nhóm các quốc gia, vùng lãnh thổ có chỉ số HDI trung bình đã gia nhập nhóm mức cao trong năm 2019 và 2020. Thứ hạng HDI của Việt Nam từ năm 2018 là 118 đã lên vị trí 117 vào năm 2019. Từ những thành quả đáng khích lệ đó, để tiếp tục xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện theo tư tưởng Hồ Chí Minh, theo tôi chúng ta cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau. Trước tiên, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phù hợp với điều kiện hiện nay; có giải pháp khắc phục những mặt hạn chế và những biểu hiện suy thoái của con người Việt Nam hiện nay. Tiếp đó, Đảng và Nhà nước cần đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, giáo dục về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phù hợp với trình độ nhận thức, đặc điểm tâm lý lứa tuổi, văn hóa vùng miền và triển khai sâu rộng trong toàn xã hội. Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước cần triển khai một cách thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức. Chú trọng nhân rộng những điển hình tiên tiến, những tấm gương sáng về đức, trí, thể, mỹ để mọi người học tập.

Đặc biệt, chúng ta cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị với công cuộc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Riêng với Thủ đô Hà Nội, cần tổ chức thực hiện thành công Chỉ thị số 30-CT/TU, ngày 19-2-2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Bởi người Hà Nội không chỉ rèn luyện để trở thành người Việt Nam phát triển toàn diện mà còn phải phấn đấu trở thành người Hà Nội thanh lịch, văn minh xứng đáng với vị trí, tầm vóc của một Thủ đô ngàn năm văn hiến, trái tim của cả nước. Quan trọng hơn, chúng ta cần thực hiện có hiệu quả định hướng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Đó là: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia – dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo”.

– Trân trọng cảm ơn ông!

Theo  Hà Nội mới

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây