Trang chủ Đối tượng Nguyễn Thị Bình – Bản lĩnh, trí tuệ người phụ nữ Việt...

Nguyễn Thị Bình – Bản lĩnh, trí tuệ người phụ nữ Việt Nam

67
0

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được chính thức ký kết ngày 27/01/1973 sau gần 5 năm đàm phán. Hiệp định Paris buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, rút khỏi Việt Nam và Đông Dương, mở ra một giai đoạn mới cho cách mạng Việt Nam, tạo ra thế so sánh lực lượng có lợi cho quân và dân miền Nam tiến tới đánh đổ chính quyền và quân đội Sài Gòn, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào mùa Xuân năm 1975. Để có được chiến thắng ngoại giao mang tính lịch sử này, có sự đóng góp hi sinh của cả dân tộc Việt Nam, trong đó không thể không nhắc đến bà Nguyễn Thị Bình – một trong những người đại diện các bên ký hiệp định Paris năm 1973 và là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định này.

Nguyễn Thị Bình - Bản lĩnh, trí tuệ người phụ nữ Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Bình tên thật là Nguyễn Thị Châu Sa, sinh năm 1927 trong một gia đình có 6 anh chị em, nguyên quán ở Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam. Cha bà là ông Nguyễn Đông Hợi, mẹ là bà Phan Thị Châu Lan – con gái thứ hai của nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, ông nội của bà là nghĩa binh trong phong trào Cần Vương, chiến đấu hi sinh tại quê nhà. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bà hoạt động cách mạng sôi nổi tích cực và nhiều lần bị địch bắt bớ, tù đầy. Đầu năm 1961, bà được Ban Thống nhất đề cử sang tham gia hoạt động ngoại giao cho Mặt trận và đổi tên từ Yến Sa (bí danh được bà sử dụng từ năm 1948) sang Nguyễn Thị Bình để giữ bí mật và để quốc tế dễ đọc. Từ đây, thế giới biết đến một nữ chính trị gia – Nguyễn Thị Bình với cương vị Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, rồi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị 4 bên về hòa bình cho Việt Nam tại Paris trong giai đoạn 1968-1973.

Những năm tháng tham gia đàm phán ở Hội nghị Paris là một thử thách khắc nghiệt: “Hội nghị Paris là một trận chiến quyết liệt, là những keo vật không đứt giữa các kỳ phùng địch thủ”. Nhưng hình ảnh “madam Bình” theo cách gọi của giới truyền thông vẫn luôn gây ấn tượng mạnh với báo chí phương Tây. Họ ấn tượng không chỉ bởi trước mắt họ là hình ảnh một người phụ nữ nhỏ nhắn đến từ vùng đất đầy khói lửa chiến tranh nhưng lại có phong cách giao tiếp lịch lãm, sang trọng, nét mặt và nụ cười luôn cởi mở, thân thiện, mà họ còn rất ấn tượng bởi những lời phát biểu đầy thuyết phục, thông minh, lúc rắn rỏi, khi ví von dí dỏm khiến cho thế giới phải nể trọng, nhân dân nức lòng. Bà tham gia các cuộc họp báo, trả lời phỏng vấn, tham dự các hội nghị quốc tế với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao, đi khắp các châu lục tuyên truyền, vận động, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cho sự nghiệp đấu tranh vì chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, chuẩn bị thông tin để đưa ra những đòn tấn công ngoại giao sắc bén cho cuộc đàm phán phía trước.

Với bản lĩnh trí tuệ của mình, bà luôn đưa ra những câu trả lời vô cùng sắc bén. Một nhà báo phương Tây hỏi: “Bà có ở Đảng Cộng sản không?”. Bà nhanh chóng trả lời: “Tôi thuộc Đảng yêu nước”. Câu trả lời thông minh ấy đã khiến nhà báo kia phải cứng họng. Trong quá trình đàm phán, bà luôn tâm niệm: “Họ có quyền hỏi, mình có quyền trả lời. Nhưng trả lời thế nào để họ tâm phục khẩu phục, hiểu rõ hơn cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc mình, đó mới là điều quan trọng”. Có lần, có nhà báo hỏi: “Có quân đội miền Bắc ở miền Nam không?”. Bà trả lời: “Dân tộc Việt Nam là một, người Việt Nam ở Bắc cũng như ở Nam đều có nghĩa vụ chiến đấu chống xâm lược”. Nhà báo hỏi: “Vùng giải phóng ở đâu?”. Bà Bình dứt khoát: “Nơi nào Mỹ ném bom, bắn phá thì đó chính là vùng giải phóng của chúng tôi. Nếu không tại sao Mỹ lại phải ném bom?”.

Giữa năm 1971, truyền hình Pháp tổ chức cuộc họp báo ở hai đầu Paris và Washington, có 20 nhà báo tham gia, 10 người phần lớn là Mỹ bảo vệ lập trường của Mỹ, 10 người, phần lớn là Pháp trung lập. Bà Bình một mình giữa các nhà báo sừng sỏ, dưới ánh đèn sáng chói đã bình tĩnh đối đáp đàng hoàng, mạnh mẽ nhưng hòa nhã, nêu rõ thiện chí muốn tìm giải pháp chính trị chấm dứt chiến tranh. Hình ảnh của bà bấy giờ khiến người ta liên tưởng đến một hình ảnh ví von là “khiêu vũ giữa bầy sói”. Sau nhiều nỗ lực, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết. Đây là vinh dự lớn lao trong cuộc đời hoạt động của bà, mỗi khi nhớ về sự kiện trọng đại này, bà vẫn tự hào: “Khi đặt bút ký vào bản hiệp định chiến thắng, nghĩ đến những đồng bào, đồng chí ngã xuống – những người không còn có thể biết được sự kiện trọng đại này, mắt tôi bỗng nhòe ướt. Trong cuộc đời tôi, đây là vinh dự rất lớn vì được thay mặt nhân dân, các chiến sĩ cách mạng để đấu tranh trực diện với kẻ thù xâm lược ngay tại Paris, được đặt bút ký vào bản hiệp định chiến thắng sau 18 năm cả nước tiến hành cuộc chiến đấu chính nghĩa đầy hy sinh gian khổ… Đó có lẽ là kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời ngoại giao của tôi”.

Với những đóng góp của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, Nguyễn Thị Bình vẫn luôn là biểu tượng sáng ngời về phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam.

          ĐỨC QUYỀN

Nguồn: Đấu trường Dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây