Trang chủ Luận bàn - Phản biện Đổi tên “Luật căn cước” hay giữ nguyên “Luật căn cước công...

Đổi tên “Luật căn cước” hay giữ nguyên “Luật căn cước công dân”?

59
0

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV còn có 2 luồng ý kiến khác nhau về vấn đề tên gọi của dự án Luật căn cước công dân (sửa đổi).

Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến thảo luận tại hội trường và trong các phiên thảo luận tổ ở kỳ họp thứ 5. Theo dự kiến, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4 diễn ra từ ngày 28-30/8/2023 sẽ cho ý kiến, thảo luận 9 dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 tới đây, trong đó có dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội đó là về tên gọi của dự án Luật, nhiều ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ đổi tên luật thành Luật Căn cước, trong khi một số đại biểu lại đề nghị giữ nguyên tên gọi như hiện nay. Để có cái nhìn đa chiều, Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với Luật gia Nguyễn Văn Huệ – Trưởng Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam.

NĐT: Thưa ông, dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) đang nhận được sự quan tâm lớn, xin ông đánh giá về sự cần thiết của việc sửa đổi luật này?

Luật gia Nguyễn Văn Huệ: Theo tờ trình của Chính phủ, tôi cho rằng việc xây dựng dự án Luật Căn cước là cần thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta.

Việc xây dựng dự án Luật Căn cước nhằm mục đích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Đổi tên “Luật căn cước” hay giữ nguyên “Luật căn cước công dân”?

Luật gia Nguyễn Văn Huệ – Trưởng Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam (Ảnh: Hữu Thắng).

NĐT: Về tên gọi của dự án Luật hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, quan điểm của ông  như thế nào về phạm vi tên gọi của dự án luật? vì sao?

Luật gia Nguyễn Văn Huệ: Qua theo dõi các phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, tôi được biết nhiều ĐBQH còn các ý kiến khác nhau về tên gọi.

Tôi đồng tình với phương án giữ nguyên như  tên gọi dự án Luật do Chính phủ trình là “Luật Căn cước”. Việc này bảo đảm thể hiện đầy đủ chính sách sửa đổi, bổ sung tại dự án Luật lần này (bổ sung điều chỉnh đối với đối tượng là người gốc Việt Nam, căn cước điện tử), phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung dự thảo Luật.

Đồng thời, thể hiện đúng nội hàm của công tác quản lý căn cước là nhằm mục đích định danh, xác định rõ danh tính của từng con người cụ thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý căn cước ở nước ta trong giai đoạn hiện nay là phải quản lý đối với toàn bộ xã hội, mọi người dân sinh sống tại Việt Nam; bảo đảm các quyền của con người, quyền công dân theo quy định của Luật.

Việc lược bỏ cụm từ “công dân” trong tên Luật không tác động đến yếu tố chủ quyền quốc gia, vấn đề quốc tịch cũng như địa vị pháp lý của công dân.

Nội dung Luật Căn cước cũng đã quy định phân biệt việc cấp căn cước cho công dân Việt Nam và cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người chưa có đầy đủ các quyền như công dân Việt Nam.

So với Luật Căn cước công dân 2014, dự thảo luật lần này bổ sung thêm nhóm đối tượng người gốc Việt Nam. Do đó, việc đổi tên luật sẽ bao hàm được cả nhóm đối tượng này thuộc phạm vi điều chỉnh của luật.

Với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, cấp giấy chứng nhận căn cước cho khoảng 31 nghìn người gốc Việt hiện đang sinh sống tại Việt Nam mà chưa có quốc tịch Việt Nam cùng các lý do mà Chính phủ nêu thì việc đổi tên thành “Luật Căn cước” là phù hợp, bảo đảm sự bao quát.

NĐT: Ngoài tên gọi của dự án Luật, tên gọi của thẻ là “Thẻ căn cước” hay “Thẻ căn cước công dân” cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Ý kiến của ông như thế nào?

Đổi tên “Luật căn cước” hay giữ nguyên “Luật căn cước công dân”?

Đổi tên “Luật căn cước” hay giữ nguyên “Luật căn cước công dân”?.

Luật gia Nguyễn Văn Huệ: Theo tôi, việc đổi tên “thẻ căn cước công dân” thành “thẻ căn cước” theo tờ trình của Chính phủ là nhằm thể hiện đúng bản chất của thẻ là loại giấy tờ có chứa thông tin về căn cước của người dân; giúp phân biệt người này với người khác; xác định danh tính trong thực hiện giao dịch…

Do đó, quy định tên gọi là thẻ căn cước không tác động đến địa vị pháp lý về quốc tịch của công dân (trong thẻ đã thể hiện rõ thông tin về quốc tịch của người được cấp thẻ là quốc tịch Việt Nam).

Việc đổi tên thẻ thành thẻ căn cước còn để bảo đảm tương đồng với thông lệ quốc tế (nhiều nước trên thế giới hiện nay cũng đang sử dụng là thẻ căn cước (Identicy Card).

Việc thay đổi tên thẻ cũng để bảo đảm tính phổ quát, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, cho việc thừa nhận, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới; hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung Luật khi Việt Nam có ký kết thỏa thuận với các quốc gia khác để sử dụng thẻ căn cước thay cho hộ chiếu trong việc đi lại giữa các quốc gia (ví dụ như đi lại trong khối ASEAN)….

Để tạo tiền đề cho việc hội nhập quốc tế, bảo đảm thuận lợi khi sử dụng, gọi tên giấy tờ về căn cước, tôi tán thành với tên gọi của thẻ là “Thẻ căn cước”.

NĐT: Bên cạnh đó, các nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, người được cấp thẻ căn cước… được các đại biểu cho ý kiến. Theo ông, những nội dung này được quy định trong Luật tạo điều kiện cho người dân như thế nào trong quá trình sử dụng thẻ căn cước?

Luật gia Nguyễn Văn Huệ: Tôi hoàn toàn đồng tình với tờ trình của Chính phủ về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước. Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú… việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân; các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước.

Đối với người được cấp thẻ căn cước, dự thảo Luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số.

Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc.

NĐT: Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4 tới đây cũng sẽ cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), ông có kỳ vọng như thế nào trong việc sửa đổi Luật lần này?

Luật gia Nguyễn Văn Huệ: Như đã phân tích ở trên, tôi kỳ vọng việc sửa đổi Luật lần này sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014. Đồng thời, đáp ứng được những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bảo đảm tính bao quát

Trước đó, trình bày tờ trình về dự án Luật Căn cước, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trong quá trình lập đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chính phủ đã thống nhất thông qua 4 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật; trong đó, bao gồm cả chính sách về việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch và căn cước điện tử (tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam).

Vì vậy, để cụ thể hóa các chính sách nêu trên trong dự thảo Luật được đầy đủ, chặt chẽ, bảo đảm tính bao quát và phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, Chính phủ đã chỉnh lý tên gọi của dự án Luật từ “Luật Căn cước công dân (sửa đổi)” thành “Luật Căn cước”.

Về bố cục, dự thảo Luật Căn cước gồm 7 chương, 46 Điều (trong đó, so với Luật Căn cước công dân năm 2014 thì dự thảo Luật đã sửa đổi 39/39 điều, bổ sung mới 7 điều.

Hoàng Thị Bích

Theo Người đưa tin

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây