Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo là một trong những yếu tố quan trọng góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, thì việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng, và cấp thiết, đòi hỏi sự tham gia của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội, lại xuất hiện một số bài viết cố tình xuyên tạc đến chủ quyền biển đảo Việt Nam. Cụ thể, sau khi Việt Nam tuyên bố cấm chiếu bộ phim điện ảnh Mỹ “Barbie” vì có cảnh đường “lưỡi bò” phi pháp và được chiếu xuất hiện nhiều lần trên phim, thì ngày 11/7/2023, trên trang Facebook Việt Tân đã đăng tải bài viết với nội dung như “Phản đối đường lưỡi bò trên phim ảnh là lừa, mị dân cho quên đường lưỡi bò trên thực tế” hay “Phản đối Trung Quốc lập ra đường lưỡi bò thì lập tức bị mời vào đồn”. Thực chất, bài viết đang cố tình bẻ cong sự thật, gây hoang mang cho người dân, cố tình để bôi nhọ Đảng và Nhà nước ta, xâm phạm đến độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Quan điểm của Việt Nam về chủ quyền biển đảo là rất rõ ràng, nhất quán và đã được thể hiện rất nhiều lần trong các văn kiện của Đại hội Đảng như tại Đại hội XIII của Đảng, Đảng đã nhận định: “Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột”[1] từ đó, đặt ra yêu cầu: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất nước. Tiếp tục thúc đẩy giải quyết các vấn đề trên biển, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”[2]
Các tư liệu cho thấy nhà nước Việt Nam, từ thời kỳ phong kiến, đến thời kỳ XHCN ngày nay, đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và nhiều vùng biển đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam ví dụ như bản đồ hành chính chính thức về cương vực nước ta thời Nguyễn là “Đại Nam nhất thống toàn đồ” được hoàn thành vào năm 1838 đã thể hiện đầy đủ hình ảnh quần đảo Hoàng Sa, Vạn Lý Trường Sa và các đảo nhỏ riêng biệt. Việc xác lập chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng được ghi nhiều trên Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Công ước Luật Biển năm 1982 cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để khẳng định chủ quyền lâu đời và liên tục của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là một sự thật không thể chối cãi.
Trong những năm vừa qua, Việt Nam luôn kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích trên biển của mình; đấu tranh kiên quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông. Thực tiễn cho thấy, Việt Nam luôn đón nhận các ban nhạc, phim ảnh và các sản phẩm văn hóa nghệ thuật khác đến với công chúng trong nước. Tuy nhiên, Việt Nam giữ vững nguyên tắc về toàn vẹn lãnh thổ, và yêu cầu tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam cũng như của tất cả các quốc gia khác.
HÀ NGÔ – MAI QUỲNH
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1 Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021, tr107
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1 Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021, tr163
Nguồn: Đấu trường Dân chủ