Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là điều thiêng liêng bất khả xâm phạm. Thời gian qua, dù cho Trung Quốc có dùng trăm phương ngàn kế để hiện thực hóa “Đường lưỡi bò”, độc chiếm biển Đông, muốn khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc, thì dân tộc Việt Nam luôn “chung sức, đồng lòng”, đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo ra sức mạnh, quyết tâm bảo vệ và khẳng định rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Biển Đông không chỉ cung cấp nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, đa dạng, có giá trị kinh tế cao và là nơi thuận lợi giao thương đối với các nước liên quan… mà còn đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam cả trong lịch sử, hiện tại và tương lai. Vì vậy, nhiều quốc gia muốn “thâu tóm, độc chiếm” Biển Đông, biến nơi đây thành cái “Ao” nhà mình, trong đó, có Trung Quốc.
Với công hàm ngày 7/5/2009, Trung Quốc chính thức công bố bản đồ “đường lưỡi bò” với toàn thế giới. “Đường lưỡi bò” hay “Đường 9 đoạn” này xuất phát từ biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ, chạy xuống phía Nam chiếm trọn các quần đảo Đông Sa, (Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam), bãi ngầm Trung Sa và có điểm giới hạn phía Nam là vĩ tuyến 40 và sau đó chạy ngược lên phía Bắc theo hướng song song với bờ biển phía Tây Sabah của Malaysia và Palawan, quần đảo Luzon của Philippines, kết thúc tại khoảng giữa eo biển Bashi (Ba Sĩ) nằm giữa Đài Loan (Trung Quốc) và Philippines… nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông từ thời kỳ cổ đại đến nay.
Song, cả về lịch sử cũng như pháp lý, Trung Quốc không đủ bằng chứng chứng minh xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng chứng minh Việt Nam đã quản lý hiệu quả hai quần đảo này từ thời kỳ phong kiến. Hai quần đảo này là đơn vị hành chính trong hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước Việt Nam từ thời phong kiến. Hơn nữa, sau thất bại trong cuộc chiến pháp lý với Philippines tại Tòa Trọng tài quốc tế, các học giả Trung Quốc tiếp tục đưa ra học thuyết “Tứ Sa”, cho rằng “đường lưỡi bò” là một đường biên giới biển của Trung Quốc. Điều đó trái hoàn toàn với quy định tại Điều 2 của Công ước Liêp Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982: quy định ranh giới ngoài của lãnh hải không được vượt quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở do quốc gia xác định không được trái với quy định của công ước này.
Như vậy, cả về lịch sử và pháp lý đã phủ định “sạch trơn” “Đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc. Trên cơ sở đó, Đảng, Nhà nước ta thời gian qua luôn kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, thực hiện nhất quán đường lối ngoại giao “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Việt Nam khẳng định cam kết giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa bình, nhưng cứng rắn về nguyên tắc. Câu nói của liệt sĩ Trần Văn Phương đã hô to trước khi hy sinh: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng hải quân anh hùng. Tổ quốc Việt Nam muôn năm”… đã khẳng định điều đó.
Vậy mà, lợi dụng các sự kiện giải trí có những thông tin sai lệch trên không gian mạng, hòng quảng bá cho “Đường lưỡi bò”: Hình ảnh trang Google Maps; Bộ phim “Everest – Người tuyết bé nhỏ”, phim “Hướng gió mà đi” (Flight to you) và gần đây nhất là công ty tổ chức BlackPink và phim “Barbie” đã sử dụng hình ảnh “đường lưỡi bò” trong chương trình quảng bá cho đêm nhạc của mình,… Việt Tân đã ngay lập thức giật tít bài viết nhan đề: “Cứ ồn ào về đường lưỡi bò trên phim ảnh mà quên đường lưỡi bò trên thực tế vẫn đang hiện hữu”. Luận điệu của chúng hòng bóp méo sự thật, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, từ đó khuấy động lòng dân, gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nước và làm tổn hại đến quan hệ của Việt Nam với các nước liên quan.
Trước những diễn biến phức tạp ở biển Đông cùng với những âm mưu tuyên truyền về “đường lưỡi bò” rất tinh vi của Trung Quốc cũng như sự chống phá của các thế lực thù địch, chúng ta phải luôn luôn cảnh giác với các chiêu trò của chúng, đồng thời, cần thực hiện đồng hộ một số biện pháp sau đây:
Một là, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; làm cho mỗi người dân nhận thức rõ được âm mưu và thủ đoạn muốn độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân luôn cảnh giác và theo sát diễn biến những hành động của Trung Quốc trên thực địa và sẵn sàng phương án đối phó phù hợp đúng chiến lược và sách lược của Đảng tại Đại hội XIII “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh với các hành động của nước ngoài vi phạm vùng biển, không để nước ngoài tạo cớ xảy ra xung đột, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước”[1] và đúng thông lệ quốc tế.
Hai là, cần tỉnh táo để nhận diện thủ đoạn cài, cắm hết sức tinh vi trên lĩnh vực văn hoá của Trung Quốc về “chủ quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông”; các cơ quan chức năng cần có phản ứng thích hợp và kịp thời để ngăn chặn hành vi này; mỗi công dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thông qua những hành động và việc làm cụ thể như: tẩy chay các văn hóa phẩm, các các nhân, tổ chức có liên quan hoặc có hành vi ủng hộ, truyền bá “đường lưỡi bò” trên các nền tảng mạng xã hội hoặc các phương thức khác; tích cực tuyên truyền về quan điểm, chủ trương, của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong giải quyết các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông là không sử dụng vũ lực và tuân theo luật pháp quốc tế…
Ba là, Đảng, Nhà nước ta xác định rõ tầm quan trọng trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc để giải quyết mối quan hệ “đặc biệt” này bằng phương pháp hoà bình trên cơ sở kiên quyết giữ vững độc lập, tự chủ, kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại, trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích giữa đôi bên, vừa hợp tác vừa đấu tranh.
Bốn là, tuyệt đối tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; cảnh giác trước những thông tin xấu độc, tư tưởng, quan điểm sai trái trên không gian mạng; tránh những tư tưởng lệch lạc, dao động, thiếu nhạy bén, không để các lực lượng thù địch lôi kéo, tác động, lợi dụng gây ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan chức năng, làm xấu đi quan hệ giữa Việt Nam và các nước, đặc biệt là quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.
Trung Quốc không bao giờ từ bỏ quyền lợi của mình đối với Biển Đông, thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện mưu đồ trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó, đặc biệt là lĩnh vực văn hoá. Chính vì vậy, cùng với cứng rắn về nguyên tắc, hành động đúng đường lối chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và Luật pháp Quốc tế, trên mặt trận văn hoá, nếu chúng ta lơ là, thiếu cảnh giác một chút là chúng ta sẽ mắc mưu, lập tức rơi vào cái bẫy và phải chạy theo “búa rừu dư luận” mà các thế lực thù địch, sai trái ra sức thêu dệt nên. Qua các sự kiện văn hoá bị lợi dụng để chống phá cách mạng nước ta, chúng ta cần nhận rõ chân tướng sự việc, đồng thời đòi hỏi các cơ quan chức năng, ban ngành quản lý văn hoá có thẩm quyền hãy xử phạt nghiêm minh, cần chế tài tương thích, đừng để mình bị động cứ mãi “chạy theo họ” và xử phạt khi mọi sự việc rơi vào thế “đã rồi”.
Nhu cầu hưởng thụ văn hoá là vô cùng, song mỗi chúng ta phải biết tự vệ một cách chủ động, tỉnh táo, khi xem hình ảnh giải trí cần “gạn đục khơi trong” để không rơi vào mưu đồ cài cắm, xuyên tạc lịch sử giống như những cái bẫy mà Việt Tân và tay sai của chúng đang lu loa trên Facebook của chúng. Tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống nhân nghĩa của cha ông “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấychí nhân thay cường bạo”, để cảm hoá những kẻ lầm đường lạc lối VIệt Tân quay đầu lại với chính nghĩa, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của mình!
VĂN. CẦN
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội
Nguồn: Đấu trường Dân chủ