Trang chủ Luận bàn - Phản biện Từ việc các đối tượng khủng bố ở Đăk Lăk đầu thú,...

Từ việc các đối tượng khủng bố ở Đăk Lăk đầu thú, nghĩ về công tác “Địch vận”

102
0

Hôm vừa rồi đọc báo, thấy có nhiều đối tượng khủng bố ở Đăk Lăk ra hàng, mong được hưởng chính sách khoan hồng, mình chợt nhớ đến chuyện địch vận trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược. Khi đó, “Địch vận” cũng được biết đến với tên gọi “Binh vận” hoặc “Tâm công” và là một bộ phận của công tác vận động quần chúng. 

Nôm na có thể hiểu, địch vận là tuyên truyền, vận động nhằm lôi kéo người trong quân đội địch về phía mình, làm tan rã hàng ngũ địch. Ở chiều cạnh khác, địch vận được hiểu là làm cho đối tượng nhận thức được việc làm sai trái của mình mà từ bỏ hàng ngũ địch, trở về với chính nghĩa, qua đó nhận được sự khoan dung, nhân ái của pháp luật và cộng đồng. 

Từ việc các đối tượng khủng bố ở Đăk Lăk đầu thú, nghĩ về công tác

Bác Hồ rất quan tâm đến công tác địch vận. Năm 1948, Người nói: “Đánh mà thắng địch là giỏi. Không đánh mà thắng địch càng giỏi hơn. Không đánh mà thắng là nhờ địch vận”. 

Thời kỳ đó, Bác đã rất quan tâm đến tờ báo “Bạn chiến đấu”. Đây là tờ báo được viết bằng tiếng Đức và tiếng Pháp do Đảng và Nhà nước ta chỉ đạo cho ông Erwin Borchers (người Đức, lính lê dương Pháp bỏ ngũ về với ta) thực hiện, dùng để kêu gọi những người lính lê dương từ bỏ con đường phục vụ cho thực dân Pháp. Cùng với tờ “Bạn chiến đấu” ta cũng có tờ  “Dân chúng” (Le Peuple) xuất bản bằng tiếng Pháp với nội dung phục vụ cho công tác địch vận, cũng do chính ông Erwin Borchers tham gia viết và biên tập. 

Sau này, đến năm 1950, báo “Bạn chiến đấu” đổi tên thành báo “Trở về” để tăng cường kêu gọi các người lính lê dương từ bỏ con đường phục vụ cho thực dân Pháp. Và năm 1951, Hội nghị Địch vận phổ biến phương châm vận động lính Âu – Phi tranh đấu là “Đòi hồi hương và hòa bình ở Việt Nam”, coi đó là khẩu hiệu cốt lõi.

Theo thống kê, trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), đã có 1.373 lính lê dương và 288 lính Pháp bỏ ngũ sang với Việt Minh. Nhiều người trong số đó đã có những đóng góp không nhỏ trong các ngành chỉ huy, tham mưu, kỹ thuật, huấn luyện, quân y, quân giới, tuyên truyền… của cách mạng ta. Rất tiếc là tôi chưa/ không tìm được thống kê kết quả công tác địch vận trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ xâm lược (tôi sẽ quay lại chủ để này sau khi có số liệu).

Thế mới biết Bác Hồ và các cụ nhà ta ngày xưa đã rất giỏi trong địch vận.

Hôm vừa rồi, sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố vào trụ sở UBND 2 xã, trong đó có phòng làm việc của Công an xã ở huyện Cư Kuin tỉnh Đăk Lăk, tôi được biết, ngoài các đối tượng bị bắt, thì cũng có rất nhiều đối tượng ra tự thú. Đó là kết quả của công tác tuyên truyền, vận động mà thực chất là công tác địch vận. Tôi chưa rõ tổng số các đối tượng ra tự thú là bao nhiêu, nhưng biết chắc chắn là, chỉ tính riêng ở huyện Krong Buk, cơ quan công an đã kêu gọi được 8 đối tượng ra tự thú.
Thực tế nhiều đồi tượng đã nghe lời kêu gọi ra đầu thú của công an Đăk Lăk qua báo chí, mạng xã hội và cũng có đối tượng sau khi nhận được điện thoại của bố mẹ, vợ con, hoặc già lang và có cả đối tượng ra đầu thú khi nhận thức được hành vi của mình là sai trái, muốn cải tà quy chính.

Qua báo chí được biết, Công an huyện Krong Buk là một trong số các đơn vị tiêu biểu trong việc phối hợp với các đơn vị khác truy bắt số đối tượng đang lẩn trốn, và trong tuyên truyền, vận động đối tượng ra đầu thú. Đó là kết quả của công tác địch vận với sự tham gia của cả hệ thống chính trị của toàn dân, trong đó, cơ quan công an là nòng cốt với nhiều hình thức như thư kêu gọi ra hàng qua báo chí, gửi đến tận tay từng hộ dân và qua tuyên truyền miệng. Bên cạnh đó việc đối xử khoan dung, nhân đạo với số đã ra hàng cũng là ví dụ thực tế để thuyết phục đối tượng.
Thời bình, khái niệm địch – ta đôi khi rất trừu tượng, nhưng công tác địch vận chưa bao giờ mất đi vị trí quan trọng của nó. Đặc biệt là khi vụ khủng bố tấn công vào trụ sở UBND 2 xã ở Đăk Lăk với sự tham gia của nhiều đối tượng, trong đó có nhiều đối tượng bỏ trốn, thì công tác này càng trở nên quan trọng. 

Trong điều kiện hiện nay, có lẽ cần phải nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác này, đặt nó dưới sự lãnh đạo chỉ đạo thống nhất, có sự tham gia phối hợp của nhiều lực lượng, trong đó đặc biệt chú ý sử dụng người dân biết tiếng của đồng bào các dân tộc thiểu số và dứt khoát phải nghiên cứu kỹ đặc điểm từng đối tượng mà có hình thức tuyên truyền phù hợp. Và tất nhiên, công tác địch vận chỉ có thể phát huy hiệu quả khi phối hợp chặt chẽ với các công tác truy lùng, đấu tranh trấn áp tội phạm, ngoại giao, dân vận…

Còn nữa….

Khoai@

Nguồn: Tre làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây