Lợi dụng Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, phần về Việt Nam (thực chất đây là báo cáo thiên kiến sai lệch về Việt Nam). Tổ chức phản động Việt Tân lại tiếp tục xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam, chúng rêu rao rằng: “Chính phủ Việt Nam không cho phép các tổ chức nhân quyền trong nước được thành lập và hoạt động. Nhà cầm quyền thường khẳng định việc vận động cho nhân quyền và dân chủ là hành động chống lại đảng và Nhà nước Cộng sản này”. Đây là luận điệu phiến diện, xuyên tạc, đưa ra với mục đích xấu nhằm phủ định những thành quả về nhân quyền mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được, đồng thời kích động gây bất ổn xã hội ở Việt Nam.
Để chứng minh cho luận điệu của mình, chúng còn đưa ra một số vụ bắt giữ những kẻ mà chúng cho là nhà hoạt động nhân quyền, môi trường như Nguỵ Thị Khanh, Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương…
Thực chất những người này đều bị bắt và kết án với tội trốn thuế, không liên quan gì đến nhân quyền hay môi trường cả. Như trường hợp Nguỵ Thị Khanh, bị điều tra, truy tố về tội danh kinh tế, cụ thể là vi phạm quy định của pháp luật về quản lý thuế và bản thân đã thừa nhận hành vi này. Bà Thu Hằng đại diện Bộ Ngoại giao khẳng định “Một số ý kiến suy diễn cho rằng Ngụy Thị Khanh bị xử lý hình sự vì những hoạt động và ý kiến liên quan đến biến đổi khí hậu là không có cơ sở và không đúng với bản chất của vụ việc”, “Việt Nam luôn cam kết: nghiêm túc và mạnh mẽ trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững”.
Về quyền tự do báo chí, chúng xuyên tạc “Luật quy định các cơ quan truyền thông phải trực thuộc cơ quan chính phủ, và tổng biên tập phải là đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam”. Thực tế, không có quy định nào như vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn tạo điều kiện cũng như thúc đẩy quyền tự do báo chí, cụ thể hóa bằng các văn bản luật và dưới luật. Cụ thể, theo Luật Báo chí 2016: tại khoản 3 điều 11, công dân có quyền góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác; khoản 3 điều 13, báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng; điều 14, điều 15 quy định cụ thể rõ ràng Đối tượng được thành lập cơ quan báo chí và Quyền hạn, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản báo chí. Không có một điều nào quy định nội dung mà chúng rêu rao.
Ngoài ra, Việt Tân còn cáo buộc Việt Nam vi phạm nhân quyền trong các lĩnh vực khác như bắt và giam giữ tùy tiện; tù nhân chính trị; sự độc lập của tư pháp, chúng tự vẽ ra các con số: “chính quyền đã bắt giữ ít nhất 173 người hoạt động chính trị hoặc nhân quyền, trong đó có 24 người đang bị tạm giam chờ xét xử, có 19 người bị bắt giữ và 26 người khác bị kết án vì thực thi các quyền con người”. Đó là các cáo buộc phi lý, tùy tiện không có cơ sở. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia vào 7 trong số 9 Công ước quốc tế về quyền con người. Đồng thời, Việt Nam đã luật hoá quy định của pháp luật quốc tế về quyền con người không bị bắt, giam giữ tuỳ tiện trong hệ thống pháp luật từ những quy định của Hiến pháp năm 2013 đến quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tóm lại, lợi dụng nhân quyền, dân chủ là chiêu bài không mới của các thế lực thù địch, nhưng thủ đoạn lại thay đổi, tinh vi, xảo quyệt hơn, chúng núp bóng các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước để chống phá Đảng, Nhà nước, nhân dân ta. Vì vậy chúng ta phải nâng cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh phản bác lại các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, làm phá sản âm mưu “diễn biến hòa bình” của bọn chúng, góp phần bảo vệ Đảng, Tổ quốc và nhân dân./.
BÙI. THẾ
Nguồn: Đấu trường Dân chủ