Trang chủ Luận bàn - Phản biện Nước Mỹ có nhân quyền không?

Nước Mỹ có nhân quyền không?

87
0

Khi còn là Phó cố vấn An ninh quốc gia (từ năm 2013-2015) và là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (từ năm 2015-2017) dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông Antony John Blinken, hiện là Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, đã từng tuyên bố: “Chúng tôi sẽ sử dụng mọi công cụ ngoại giao của chúng tôi để bảo vệ nhân quyền và buộc những kẻ vi phạm ở khắp nơi, bất kể những quốc gia đó là đối thủ hay đối tác, phải chịu trách nhiệm”. Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 1 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị có quy định cụ thể: “Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa”.

Nước Mỹ có nhân quyền không?

Hiểu rộng ra thì điều này cũng có nghĩa là mọi quốc gia, dân tộc trên hành tinh này đều có quyền tự quyết về tiêu chí nhân quyền sao cho phù hợp điều kiện thực tế và văn hóa của dân tộc mình, nhưng không trái với công ước quốc tế về nhân quyền. Vậy tại sao nước Mỹ lại tự cho mình cái quyền được ngang nhiên can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, dân tộc khác bằng việc bắt “phải chịu trách nhiệm” nếu như đất nước đó không thực hiện theo “thước đo nhân quyền” của Mỹ? Câu trả lời “chuẩn không cần chỉnh” và không thể khác được rằng, đó là bản chất của kẻ mạnh hiếp yếu, kiểu “cá lớn nuốt cá bé”. Trong khi đó, Chính phủ và các cơ quan công quyền ở quốc gia này thường xuyên vi phạm nghiêm trọng các quyền con người, đặc biệt là đối với người Mỹ gốc Phi, người nhập cư và người yếu thế trong xã hội Mỹ. Thậm chí không ít nhà nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định rằng, ở nước Mỹ gần như không có nhân quyền.

Để chứng minh cho điều này, trước hết cần nhắc lại nhân quyền là gì? Nhân quyền hay còn gọi là quyền con người, là những quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào. Còn theo định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc, nhân quyền là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những tự do cơ bản của con người. Và tại khoản 1 Điều 6 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị có quy định: “Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tùy tiện”. Tại Điều 3 trong Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền (1948) cũng đã khẳng định: Ai cũng có quyền được sống, tự do, và an toàn thân thể.

Như vậy, có thể khái quát rằng, quyền con người là các đặc quyền tự nhiên, bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của tất cả mọi người, được cộng đồng quốc tế và quốc gia thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm bằng hệ thống pháp luật quốc gia và quốc tế. Nói cách khác, khi nhắc đến nhân quyền thì trên hết, trước hết là nói đến quyền được sống, tức là quyền tối thượng trong nhân quyền là quyền được sống của mọi người. Thế nhưng ở nước Mỹ, cái quyền tối thượng này đối với người dân là một thứ cực kỳ xa xỉ. Bằng chứng là tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi các vụ xả súng ở Mỹ có tên là Gun Violence Archive đã công bố số liệu: Năm 2021, cả nước Mỹ đã xảy ra 692 vụ xả súng giết người hàng loạt và bạo lực do súng đạn đã giết chết 45.010 người. Cũng theo ghi nhận của tổ chức này, trong năm 2022 ghi nhận có ít nhất 604 vụ xả súng hàng loạt và bạo lực súng đạn ở Mỹ trong năm này đã giết chết ít nhất hơn 40.000 người.

Vào tối 21-1-2023, tại Monterey Park, thuộc Tiểu bang California đã xảy ra vụ xả súng làm 11 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Vụ việc xảy ra đúng vào thời điểm cộng đồng người Mỹ gốc Á của thành phố này đang tổ chức ăn mừng tết Nguyên đán. Tiếp đó, ngày 23-1-2023, tại thành phố Half Moon Bay ở phía Bắc lại xảy ra vụ xả súng làm 7 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Cũng theo thống kê của Gun Violence Archive, chỉ trong 3 tuần đầu tiên của năm 2023, ở nước Mỹ đã xảy ra 38 vụ xả súng giết người hàng loạt. Mặc dù chỉ chiếm 5% dân số thế giới nhưng hằng năm ở Mỹ chiếm tới 31% các cuộc xả súng giết người hàng loạt trên thế giới. Theo quy định ở nước Mỹ, một vụ tấn công bằng súng làm chết ít nhất 4 người, trong đó không bao gồm việc các băng nhóm thanh toán lẫn nhau hay giết hại nhiều thành viên trong cùng một gia đình, thì được gọi là xả súng giết người hàng loạt. Với quy định này, chắc chắn người dân ở Mỹ bị giết vô cớ hằng năm còn cao hơn nhiều.

Không chỉ mỗi năm ở Mỹ có hàng chục ngàn người vô cớ bị tước đi quyền tối thượng của mình – quyền được sống, mà tình trạng phân biệt chủng tộc diễn ra hằng ngày ở mọi lúc, mọi nơi, thậm chí là ngay trong chính hệ thống tư pháp hình sự của Mỹ. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: “Nạn phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ đã tồn tại từ thời thuộc địa, khi người Mỹ da trắng được trao các đặc quyền và quyền lợi hợp pháp hoặc xã hội trong khi các quyền tương tự bị từ chối đối với các chủng tộc và dân tộc thiểu số khác. Người Mỹ gốc Âu, đặc biệt là những người theo đạo Tin lành Anglo-Saxon da trắng giàu có, được hưởng các đặc quyền độc quyền trong các vấn đề giáo dục, nhập cư, quyền bầu cử, quyền công dân, thu hồi đất và thủ tục hình sự”… Còn theo báo cáo của Tổ chức Stop AAPI Hate, tính từ ngày 19-3-2020 đến 28-2-2021, trên toàn nước Mỹ đã ghi nhận tổng 3.795 vụ kỳ thị đối với người gốc Á. Các hình thức kỳ thị thường thấy là hành vi lăng mạ, né tránh, tấn công thân thể, quấy rối trực tuyến và các hình thức vi phạm quyền công dân.

Cũng theo thống kê của Stop AAPI Hate cho thấy, phụ nữ là nạn nhân bị kỳ thị nhiều gấp 2,3 lần so với nam giới. Trong khi đó, người Trung Quốc là nhóm dân tộc bị kỳ thị nhiều nhất (42,2%), tiếp theo là người Hàn Quốc (14,8%) và Việt Nam (8,5%). Chưa hết, số người Mỹ gốc Phi hay Á thường phải chịu các bản án khắc nghiệt hơn nhiều khi phạm tội. Do đó, hiện ở Mỹ có tới 77% người da màu trong tổng số thanh niên đang bị giam giữ tại các nhà tù. Theo thống kê của báo Washington Post năm 2022, cứ 15 người da đen ở Mỹ thì có 1 người đang bị cầm tù. Chưa hết, cứ 13 người Mỹ gốc Phi thì có 1 người bị tước quyền bầu cử do bị kết án phạm trọng tội. Hiện Mỹ cũng là quốc gia có số lượng tù nhân lớn nhất trên thế giới, với khoảng 2,3 triệu người. Cũng theo Washington Post, ở Mỹ cứ 100.000 dân thì có tới 752 người là tù nhân. Theo thống kê của Prison Policy Iniative vào năm 2017, tổng chi phí mà Chính phủ Mỹ phải chi cho các nhà tù trên thực tế là 182 tỷ USD mỗi năm và tăng dần đều qua từng năm.

Từ những số liệu nêu trên cho thấy, nước Mỹ không hề có tự do, dân chủ và nhân quyền như họ vẫn rêu rao. Và trong thời đại thông tin không có biên giới như hiện nay, không ai hoặc không quốc gia nào có thể che đậy được sự thật. Vậy nên đã đến lúc nước Mỹ đừng ảo tưởng mà tự phong cho mình là “thước đo về dân chủ, nhân quyền”. Bởi trò lố bịch như thế sẽ chẳng che được mắt nhân loại.

Nhật Minh

Nguồn: Tre làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây