Trang chủ Luận bàn - Phản biện “Gắp lửa bỏ tay người”

“Gắp lửa bỏ tay người”

112
0

Bịa đặt, vu khống để hãm hại, đổ lỗi cho người khác hay còn gọi là “gắp lửa bỏ tay người” là thủ đoạn không mới của các thế lực thù địch. Còn trong câu chuyện bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, ta đang nói đến luận điệu “Hoàng Sa để mất, không đòi lại được là do Cộng sản Việt Nam” của các thế lực thù địch, phản động.

“Gắp lửa bỏ tay người”

Chúng lu loa rằng: “Đối với những người Việt yêu nước, những người còn chút khắc khoải về sự hưng vong quốc gia hôm nay, thì ngày 19 tháng Một hằng năm là một ngày đau buồn. Đã 49 năm (19/1/1974  19/1/2023) kể từ cuộc chiến Hoàng Sa, một phần máu thịt, một phần lãnh thổ bị cắt rời khỏi cơ thể quốc gia và dân tộc. Có mấy người thế hệ trẻ hôm nay ở Việt Nam biết về cuộc chiến bi hùng bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của tiền nhân năm xưa? Biết gì về những hòn đảo, vùng biển xa xôi thấm đẫm máu xương của ông cha? Đã bao giờ chúng ta dặn lòng mình và nhắc nhớ cháu con “Sang năm, ta sẽ trở lại Hoàng Sa?””. Thậm chí chúng còn cho rằng: “Nhà nước Việt Nam “hèn với giặc, ác với dân”, dung túng, nhu nhược để ngoại bang lấn chiếm biển, đảo”. “Mọi nỗ lực phản đối bằng miệng của Hà Nội hoàn toàn vô nghĩa. Những cuộc xâm phạm lãnh hải Việt Nam của lực lượng kiểm ngư, dân quân biển, cảnh sát biển Trung Quốc thường xuyên hơn và chúng liên tục đâm chìm ghe thuyền ngư dân Việt Nam trước sự bất lực và ươn hèn của nhà cầm quyền lẫn “quân đội Việt Nam anh hùng””. 

Trơ trẽn hơn, chúng còn yêu sách, đòi nhân dân Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta phải vinh danh, ghi ơn đối với những kẻ – vì nghe lời quan thầy của mình – đã hai tay dâng quần đảo Hoàng Sa cho ngoại bang. Chúng khóc lóc rằng: “Năm nay, không một vòng hoa được thả xuống biển tưởng nhớ 75 người lính Việt Nam Cộng hòa đã ngã xuống bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng, không có một lãnh đạo “đảng và nhà nước” nào còn nhắc đến “Hải chiến Hoàng Sa” 49 năm trước” (?).

Ngược dòng lịch sử, chúng ta đều biết rõ rằng, sau cuộc thăm của Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến Trung Quốc năm 1972, Trung – Mỹ đã âm thầm bắt tay nhau để đổi chác trên xương máu của nhân dân Việt Nam. Và đỉnh điểm của cuộc mua bán lợi ích đó, ngày 19-1-1974, với sự “bật đèn xanh” của đế quốc Mỹ, chính quyền Bắc Kinh đã cho quân tấn công, đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa (lúc này đang dưới quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa). Trong khi lực lượng không quân và hải quân của ngụy quyền Việt Nam Cộng hòa ngày đó rất mạnh, với máy bay, tàu chiến tối tân, vượt xa Trung Quốc, song lại khoanh tay ngó lơ, cam tâm dâng biển, đảo cho ngoại bang vì mệnh lệnh không được chống trả từ Nhà Trắng mãi tận bên kia bán cầu!

Đương nhiên, ngày nay, một tấc đất của tiền nhân để lại, chúng ta phải có trách nhiệm đòi bằng được, đời này đòi chưa xong thì đời sau tiếp tục đòi. Nhưng phải đòi bằng luật pháp quốc tế trên nền tảng của hòa bình, hữu nghị, chứ không thể nhắm mắt làm càn, chấp nhận nguy cơ đưa đất nước, quốc gia, dân tộc vào vòng diệt vong. Sẽ thật là ngu xuẩn nếu như bây giờ chúng ta ngang nhiên dùng vũ lực để đòi lại biển, đảo, bởi khi chúng ta chưa mạnh bằng họ thì việc dùng vũ lực là sự lựa chọn vô cùng mạo hiểm. 

Dẫu biết “trạng chết thì chúa cũng băng hà”, nhưng như thế có đáng hay không khi chúng ta là một dân tộc đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh giữ nước, đã thấu hiểu hết những mất mát đau thương bởi chiến tranh. Phải tốn biết bao công sức, mồ hôi, xương máu, chúng ta mới xây dựng được một cơ đồ như hiện nay. Vả lại, Trung Quốc là một cường quốc kinh tế, quân sự đứng thứ 2 thế giới, tiềm lực, sức mạnh quân sự của họ gấp Việt Nam chúng ta mấy chục lần, nếu phát động chiến tranh để đòi lại biển, đảo thì khác gì “lấy trứng chọi đá”, là “hành động tự sát”. 

Chúng ta không nhu nhược, không tham sống sợ chết, nhưng chúng ta phải hết sức tỉnh táo; yêu nước bằng trái tim rực lửa nhưng cũng phải bằng một cái đầu lạnh, một bộ óc biết suy nghĩ, biết tính toán thiệt hơn. Đừng nghe bọn “ném đá giấu tay” xui khiến, kích động mà làm hỏng sự nghiệp ông cha ta đã gây dựng hàng ngàn năm nay.

Nhìn ra thế giới thì thấy, cũng có nhiều quốc gia rơi vào tình cảnh như chúng ta. Đó là Argentina để mất quần đảo Falkland vào tay Vương quốc Anh sau cuộc chiến tranh năm 1982; hay vùng đất Texas từng dưới quyền kiểm soát của Mexico, được sáp nhập vào Mỹ năm 1845; hoặc vùng đất Đông Jerusalem, mặc dù được Liên hợp quốc công nhận thuộc về Nhà nước Palestine nhưng trên thực tế thì vẫn dưới quyền kiểm soát của Nhà nước Israel. Họ vẫn tỉnh táo để đủ biết không và chưa nên dùng vũ lực để đòi lại lãnh thổ của mình. 

Cho nên chúng ta cũng không thể nôn nóng là phải đòi lại được ngay lãnh thổ đã mất, đặc biệt là triển khai sử dụng vũ lực vào thời điểm này chỉ gây nên cảnh “nồi da xáo thịt” trên biển mà thôi. 

Thế kỷ XXI là thế kỷ của kinh tế biển, các quốc gia đều có chiến lược vươn ra biển, làm chủ đại dương nên chắc chắn rằng, việc chúng ta đòi lại lãnh thổ biển, đảo của mình là việc làm vô cùng gian truân, vất vả, đòi hỏi sự kiên quyết, kiên trì, khôn khéo và không nổ súng trước. 

Trên các diễn đàn quốc tế và hoạt động đối ngoại chính thức, Việt Nam vẫn liên tục tuyên bố và khẳng định chủ quyền dựa trên bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý không thể chối cãi đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng đòi vào thời điểm nào, bằng biện pháp gì là câu chuyện mang tầm chiến lược, không thể ngày một ngày hai mà đạt được.

Chiến tranh đã qua gần nửa thế kỷ, quan điểm rõ ràng, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, nhưng không có nghĩa là chúng ta được phép quên đi những gì mà bọn ngụy quyền, ngụy quân tay sai, bù nhìn Việt Nam Cộng hòa đã gây ra cho dân tộc ta, đồng bào ta. Chúng đang tâm hai tay dâng lãnh thổ quốc gia mình cho ngoại bang, thực dân, đế quốc để đổi lấy những đồng đôla bẩn thỉu; chúng mặc nhiên nghe lệnh quan thầy của mình để làm ngơ cho ngoại bang xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974; chúng vô tâm khoanh tay trơ mắt đứng nhìn quan thầy của mình mặc cả, mua bán, đổi chác quyền lợi trên xương máu của đồng bào mình. 

Những kẻ như thế có đáng để được chúng ta tôn vinh không? 

Những người lính Việt Nam Cộng hòa cho dù là bất cứ lý do gì đi chăng nữa, khi đã đứng trong hàng ngũ của những kẻ phản bội Tổ quốc, những kẻ bán nước hại dân thì không bao giờ nhận được ở chúng ta sự kính trọng, sự tôn vinh. Nếu tôn vinh những kẻ bán nước, những kẻ đã sát hại đồng bào mình thì chúng ta sẽ ăn nói sao với thân nhân của hàng triệu cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân? 

Chúng ta không chạy theo danh hão huyền để làm việc trái lương tâm, trái phong tục truyền thống dân tộc. Vì vậy, đừng bao giờ đòi hỏi Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam phải vinh danh những tử sĩ Việt Nam Cộng hòa đã tử vong trong trận chiến ngày 19/1/1974. Đó là một đòi hỏi vô lý, không thể chấp nhận được!

Yêu nước có nhiều cách, nếu thực sự có lòng hướng về Tổ quốc, hướng về đồng bào thì đừng bao giờ kêu gào những giọng điệu như: “Hãy cùng nhau mạnh mẽ lên án hành vi xâm lược của Trung Cộng và đòi hỏi nhà nước Cộng sản Việt Nam thực hiện trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, quyền lợi kinh tế và cuộc sống của ngư dân trên biển Đông. Bắt đầu với việc trả tự do ngay lập tức cho những người Việt Nam yêu nước đang bị giam cầm vì chống Trung Cộng. Đồng thời không ngăn chặn các sinh hoạt quần chúng nhằm vinh danh sự hy sinh của các binh sĩ trong hai trận chiến Hoàng Sa và Trường Sa hay phản đối hành vi xâm lược của Trung Cộng” mà bọn thù địch, phản động rêu rao.

Nguồn: Tre làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây