Dư luận đang thấy những hành động ngoại giao con thoi mang đến nhiều điều tự hào cho đất nước. Đơn cử như việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tối hôm trước mới kề vai bá cổ bắt tay vô cùng thân thiết với Tổng thống Mỹ Biden tại Campuchia thì ngay tối hôm sau đã có một chuyến đi dạo đêm tại Hà Nội với Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Có rất nhiều điều thú vị đáng bàn về cuộc đón tiếp tối ngày 13/11 này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giới thiệu với Thủ tướng Đức Olaf Scholz về lịch sử đền Ngọc Sơn cũng như về hồ Gươm
Để thấy rõ nhất tinh thần hiếu khách cũng như sự khéo léo trong đường lối ngoại giao của Việt Nam thì cần phải nhìn lại chuyến thăm của Thủ tướng Đức tại Trung Quốc vừa qua.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz là lãnh đạo phương Tây đầu tiên sang thăm Trung Quốc sau Đại hội Đảng XX và là lãnh đạo châu Âu đầu tiên tới Trung Quốc từ sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Tại Đức, nếu tổng thống là một chức vị trên danh nghĩa, thì quyền lực chính trị thực sự lại thuộc về thủ tướng, người đứng đầu chính phủ và thường cũng là lãnh đạo của đảng có sức mạnh lớn nhất tại Nghị viện Liên bang Đức. Chính vì thế, việc ghé thăm Trung Quốc thể hiện sự coi trọng rất lớn của Đức dành cho đất nước đang có mối quan hệ thân thiết với Nga trong bối cảnh nhiên liệu đang thiếu hụt trầm trọng.
Tuy nhiên, khi đến Trung Quốc, Thủ tướng Đức phải nhận được sự lãnh đạm chưa từng xuất hiện trong lịch sử ngoại giao. Dư luận Đức đã vô cùng phẫn nộ khi Thủ tướng Scholz đã bay trong suốt 23 giờ nhưng không một ai bắt tay. Thậm chí là còn phải giữ khoảng cách và xét nghiệm Covid sau khi xuống máy bay. Đó có thể là cách thể hiện thông điệp ngoại giao của một nước lớn như Trung Quốc khi buộc châu Âu phải xem xét cân bằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ.
Thủ tướng Đức và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc
Trong bối cảnh căng thẳng đó, vì xu hướng ưu tiên lợi ích quốc gia lên hàng đầu thay vì tiếp tục gồng gánh những khó khăn chung của EU, Đức cần một quốc gia có tiếng nói ở khu vực, nhằm làm bệ đỡ cũng như cầu nối giúp xoa dịu quan hệ giữa Đức với Trung Quốc. Nói vậy để thấy rằng, trong chuyến thăm tới Việt Nam này của Thủ tướng Đức chúng ta đang ở “kèo trên”. Đặc biệt là sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thế nhưng mọi chuyện diễn ra theo một chiều hướng ngược lại. Mặc dù vừa có buổi làm việc tại Campuchia nhưng Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn nồng nhiệt tiếp đón Thủ tướng Scholz ngay vào chiều tối hôm sau. Sự mệt mỏi của việc di chuyển mấy chục tiếng được xoa tan đi bằng buổi dạo chơi ở Hà Nội về đêm. Thực tế nhìn những hình ảnh của lãnh đạo hai nước dư luận không cảm thấy gò bó khuôn khổ như những hoạt động ngoại giao bình thường mà thấy được sự vui vẻ nhẹ nhàng và thỏa mái giống như việc đón tiếp một người bạn đến thăm sau 11 năm xa cách. Không cần phải nói nhiều chính nụ cười của Thủ tướng Đức đã nói lên tất cả.
Hai nhà lãnh đạo dâng hương ở đền Ngọc Sơn
Sự tôn trọng của Việt Nam dành cho Đức sau những gì họ phải trải qua ở Trung Quốc chắc chắn sẽ ghi điểm rất lớn đối với Thủ tướng và dư luận Đức. Với đường lối ngoại giao đa phương độc lập tự chủ đây là điều rất có lợi cho Việt Nam. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam bị giằng co bởi các nước lớn.
Điều đặc biệt hơn cả, thông qua việc đi dạo về đêm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa hình ảnh một đất nước yên bình, xinh đẹp đến với bạn bè thế giới. Trong bối cảnh có những bất ổn toàn cầu sự yên bình của Việt Nam càng có giá trị với bạn bè quốc tế và doanh nghiệp nước ngoài.
Ngoại giao cả là một nghệ thuật!
Công Luân
Nguồn: Cánh cò