Trang chủ Quốc tế Căng thẳng với Kosovo, Serbia có thể ‘chia lửa’ cùng Nga

Căng thẳng với Kosovo, Serbia có thể ‘chia lửa’ cùng Nga

123
0

Căng thẳng giữa Kosovo với Serbia, một đối tác thân thiết của Nga, có thể mở ra mặt trận mới khiến NATO giảm nguồn lực hỗ trợ cho Ukraine.

Những tiếng súng và còi báo động không kích cuối tuần qua vang lên ở miền bắc Kosovo, khi những người thiểu số Serbia trong khu vực phản đối yêu cầu về biển số xe do chính quyền Kosovo đưa ra.

Dù Kosovo đã tuyên bố độc lập 14 năm trước, khoảng 50.000 người ở phía bắc vùng ly khai này vẫn sử dụng biển số xe và giấy tờ do chính quyền Serbia cấp. Theo quy định mới, họ sẽ phải chuyển đổi sang biển số Kosovo trong vòng 60 ngày, bắt đầu từ 1/8.

Trong khi Thủ tướng Kosovo Albin Kurti cáo buộc Serbia kích động người biểu tình nổ súng vào lực lượng an ninh Kosovo và làm căng thẳng gia tăng ở biên giới, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tuyên bố nước này sẽ không bao giờ nhượng bộ. “Nếu họ tìm cách bắt bớ, ngược đãi hay giết hại người Serbia, chúng tôi sẽ chiến đấu và chiến thắng”, ông nói.

Vladimir Djukanovic, một thành viên của đảng cầm quyền trong quốc hội Serbia, đăng trên Twitter rằng “Serbia không có lựa chọn nào khác ngoài bắt đầu phi phát xít hóa Balkan”, giống như tuyên bố của Nga khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Căng thẳng với Kosovo, Serbia có thể 'chia lửa' cùng Nga

Lực lượng gìn giữ hòa bình KFOR của NATO ở làng Jarinje, Kosovo, gần biên giới Serbia hồi tháng 10/2021. Ảnh: Reuters.

Vài giờ sau khi tiếng còi báo động không kích vang lên ở thành phố Mitrovia, phía bắc Kosovo, Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc chính quyền ở Pristina bắt tay với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) để đe dọa người thiểu số Serbia.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định quy định mới của Pristina “là một bước mới hướng tới trục xuất người Serbia khỏi Kosovo”.

“Các lãnh đạo Kosovo nên biết rằng người Serbia sẽ không làm ngơ khi đối mặt với một cuộc tấn công trực diện vào quyền tự do hay việc cố tình leo thang căng thẳng để áp dụng kịch bản quân sự”, bà Zakharova nói.

Trong khi đó, KFOR, lực lượng gìn giữ hòa bình do NATO dẫn đầu, ra tuyên bố rằng tình hình an ninh ở phía bắc Kosovo căng thẳng và “sẵn sàng can thiệp nếu sự ổn định bị đe dọa”.

Hiện chưa rõ lực lượng của NATO sẽ có biện pháp can thiệp nào nếu căng thẳng ở khu vực tiếp tục leo thang. KFOR đã phải triển khai binh sĩ tuần tra đường phố ở miền bắc Kosovo, khi các biện pháp an ninh được siết chặt.

Căng thẳng mới nhất ở biên giới Kosovo – Serbia gợi lên ký ức về cuộc xung đột Balkan trong những năm 1990, đặc biệt là Chiến tranh Kosovo.

Xung đột bùng phát ở Kosovo năm 1998, khi phe ly khai Quân giải phóng Kosovo đụng độ với lực lượng an ninh Nam Tư và người Serbia dưới quyền tổng thống Slobodan Milosevic.

Từ tháng 3/1999, NATO can thiệp bằng chiến dịch không kích quy mô lớn, ném bom các mục tiêu của chính phủ và quân đội Serbia, buộc Milosevic ký thỏa thuận hòa bình, theo đó quân đội Serbia chấp nhận rút khỏi Kosovo, thay bằng lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO – Nga. Nhiều người Serbia đã chạy khỏi Kosovo, nhưng một bộ phận vẫn ở lại vùng đất này cho đến nay.

9 năm sau chiến dịch không kích 78 ngày của NATO, Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008 và được khoảng 100 quốc gia công nhận. Serbia, cùng các đồng minh quan trọng như Nga và Trung Quốc, từ chối công nhận độc lập của Kosovo và quyết tâm bảo vệ người thiểu số Serbia sống ở miền bắc Kosovo.

Serbia là một đối tác thân thiết của Nga. Trong lịch sử, Nga có mối quan hệ bền chặt và mối liên hệ tình cảm với Serbia. Người Nga coi chiến dịch của NATO tại Serbia năm 1999 là một thảm kịch.

Trong cuộc phỏng vấn năm 2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ vào năm 1999, ông khi đó là thư ký Hội đồng An ninh Nga đã phê chuẩn chiến dịch triển khai lực lượng lính dù kiểm soát sân bay Pristina tại Kosovo. Tuy nhiên, sau cuộc đối đầu căng thẳng với lực lượng NATO tại sân bay này, lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã không thể hỗ trợ được cho Serbia và buộc phải rút khỏi Kosovo vào tháng 7/2003.

Tổng thống Putin sau đó tuyên bố sẽ khôi phục lại nước Nga hùng mạnh và đã dành nhiều thập kỷ để hiện thực hóa điều đó. Tổng thống Putin xem liên minh với các nước như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran là chìa khóa cho thế giới đa cực, nơi “chủ nghĩa bá quyền” của Mỹ sẽ bị suy yếu.

Các chuyến thăm gần đây của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tới châu Phi và các cuộc gặp giữa ông Putin với lãnh đạo Iran, Thổ Nhĩ Kỳ đều nhằm loại Mỹ khỏi vị trí quyền lực mà họ đã có vào năm 1999, theo Seth J. Frantzman, nhà phân tích của Jerusalem Post.

“Ủng hộ Serbia là cách để Nga cho thấy mọi thứ đã thay đổi như thế nào trong 20 năm qua”, Frantzman cho hay.

Sean Spoonts, nhà phân tích của Sofrep, nhận định đối với ông Putin, căng thẳng ở Serbia sẽ là một đòn đánh lạc hướng, thậm chí thu hút lực lượng NATO vào Kosovo, khiến khối này phải phân tán sự chú ý và nguồn lực khỏi cuộc khủng hoảng Ukraine.

“Nó sẽ giống như mở ra một mặt trận chính trị và quân sự thứ hai mà ông Putin hy vọng sẽ giáng thêm đòn vào nguồn lực của Mỹ và EU, khi họ phải cung cấp vũ khí đến Kosovo để chống lại người Serbia, khiến nguồn viện trợ quân sự cho Ukraine suy giảm”, Spoonts nói.

Giới quan sát nhận định xung đột Nga – Ukraine trong hơn 5 tháng qua là một yếu tố quan trọng thổi bùng căng thẳng trong khu vực. Serbia, ứng viên gia nhập EU, đã duy trì quan hệ chặt chẽ với Moskva và từ chối tham gia làn sóng trừng phạt Nga.

Belgrade và Moskva cũng có chung cảm nhận tiêu cực với NATO vì chiến dịch không kích năm 1999, khi đương kim Tổng thống Vucic từng là phát ngôn viên của cựu tổng thống Nam Tư Milosevic.

Căng thẳng với Kosovo, Serbia có thể 'chia lửa' cùng Nga

Vị trí Serbia và Kosovo. Đồ họa: Maps.com.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết hiện chưa rõ liệu Serbia có muốn mạo hiểm dốc toàn lực vào Kosovo một lần nữa để “chia lửa” với Nga hay không.

“Quyết định của ông Vucic trong những ngày tới sẽ là một bài kiểm tra lớn về nỗ lực của Nga cho một trật tự thế giới mới đang định hình lại toàn cầu như thế nào”, bình luận viên Frantzman cho hay.

Thanh Tâm (Theo The Jerusalem Post, Sofrep, NY Times)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây