Trang chủ Luận bàn - Phản biện “Vị thế của Việt Nam tại Liên hợp quốc sau 45 năm...

“Vị thế của Việt Nam tại Liên hợp quốc sau 45 năm gia nhập” – Bài 1

150
0

Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc (LHQ), tổ chức đóng vai trò trung tâm trong xây dựng luật pháp quốc tế, gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột và ứng phó với các thách thức toàn cầu. Trong chặng đường gần nửa thế kỷ, Việt Nam luôn song hành với LHQ thúc đây những mục tiêu chung vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng, tiến bộ xã hội và hai bên đang cùng hướng tới tương lai đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững. | Vai trò và vị thế của Việt Nam tại LHQ không ngừng được củng cố, nâng cao với những dấu ấn, đóng góp nổi bật của Việt Nam cho hoạt động của LHQ và công việc chung của cộng đồng quốc tế, cũng như những kết quả quan trọng đạt được trong hợp tác với LHQ. Quan hệ hợp tác Việt Nam – LHQ trong 45 năm qua đã góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia-dân tộc của ta, nhất là duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước; thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế; làm sâu sắc hơn quan hệ của ta với các nước, các đối tác chủ chốt và bạn bè và tranh thủ một nguồn lực quan trọng phục vụ công cuộc phát triển đất nước.

Việt Nam: Một thành viên tích cực, trách nhiệm của LHQ

Nhận thức được tầm quan trọng của LHQ, không lâu sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời và LHQ được thành lập, đầu năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư đề nghị kết nạp Việt Nam làm thành viên LHQ cho Chủ tịch Đại hội đồng LHQ và nhiều quốc gia thành viên. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, phải tới ngày 20/9/1977, Việt Nam mới chính thức trở thành thành viên của LHỌ, tuy nhiên chính cuộc đấu tranh bền bỉ của Việt Nam để bảo vệ độc lập dân tộc, tự do và thống nhất đất nước là những đóng góp tích cực và thực chất vào việc thực hiện các mục tiêu cao cả của LHQ là hòa bình, độc lập, bình đẳng dân tộc và quyền dân tộc tự quyết, góp phần dẫn đến việc chấm dứt chủ nghĩa thực dân trong những năm 1960.

“Vị thế của Việt Nam tại Liên hợp quốc sau 45 năm gia nhập” – Bài 1

Chặng đường 45 năm là thành viên LHQ luôn in đậm dấu ấn của quan hệ hợp tác toàn diện, hiệu quả giữa Việt Nam và LHQ. Sự hỗ trợ của LHQ đối với Việt Nam có nhiều ý nghĩa thiết thực. Ngay sau khi Việt Nam gia nhập LHQ, và trong bối cảnh đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh và bị bao vây cấm vận, trên cơ sở Nghị quyết số 32/3 (năm 1977) của Đại hội đồng LHQ do Việt Nam thúc đẩy, các tổ chức chuyên môn thuộc hệ thống phát triển của LHQ đã hỗ trợ Việt Nam về nhu yếu phẩm, giải quyết hậu quả chiến tranh và các thách thức kinh tế – xã hội, tái thiết đất nước. Trong các giai đoạn sau và đặc biệt là trong quá trình Đổi mới, các tổ chức này tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất, phát triển nguồn nhân lực khoa học-kỹ thuật, phát triển cơ sở hạ tầng; kết nối Việt Nam với các diễn đàn khu vực, quốc tế và với các nước khác nhằm trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ trong nhiều lĩnh vực, nâng cao năng lực, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, chính sách; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, thực hiện các mục tiêu phát triển toàn cầu.

Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào các hoạt động của LHQ và có nhiều đóng góp quan trọng tại ba trụ cột chính của LHQ là hoà bình-an ninh, hợp tác phát triển và quyền con người.

Trong lĩnh vực hoà bình-an ninh, Việt Nam đã chủ động đóng góp tiếng nói tích cực để đề cao vai trò của LHQ và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, tham gia giải quyết các xung đột bằng biện Pháp hoà bình, phản đối các hành động áp bức, xâm lược, cấm vận đơn phương trong quan hệ quốc tế; tham gia hầu hết các điều ước quốc tế về giải trừ quân bị và chống phổ biến vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt khác; nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ quốc gia đối với các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, trong đó có Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) và cùng các nước ASEAN thúc đẩy xây dựng khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANFWZ). Đáng chú ý, Việt Nam cùng với các nước trong Phong trào Không liên kết đã tích cực tham gia vào những cuộc tranh luận lớn, tác động vào chương trình nghị sự của LHQ, như việc thúc đẩy LHQ thông qua Tuyên bố về các nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế (1970), Tuyên bố về trật tự kinh tế quốc tế mới (1974); qua đó đã góp phần pháp điển hóa, chuẩn mực hóa những nguyên tắc quan trọng như chủ quyền quốc gia, quyền tự quyết, bình đẳng về kinh tế, giá trị văn hóa bản địa…

Nguồn: Diễn đàn Dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây