Trang chủ Chính trị Câu chuyện Ukraine và bài học về xây dựng khối đoàn kết...

Câu chuyện Ukraine và bài học về xây dựng khối đoàn kết dân tộc, tăng cường an ninh tư tưởng

209
0

Vừa qua, nước Nga đã chính thức công nhận hai vùng lãnh thổ ly khai của Ukraine là Donetsk và Lugansk trở thành các quốc gia độc lập. Đây là một chương đau buồn với đất nước Ukraine và cũng để lại bài học lớn cho mọi quốc gia nhỏ khác về sự quan trọng của khối đoàn kết dân tộc, chú trọng an ninh tư tưởng.

Trong một bài diễn văn đầy giận dữ trên truyền hình hôm 21/2 trước người dân Nga, ông Putin tuyên bố ông có quyết định ‘đáng lẽ nên làm từ lâu’ là công nhận độc lập cho hai vùng ly khai ở miền đông Ukraine và cho biết Nga sẽ gửi ‘lực lượng gìn giữ hòa bình’ đến hai khu vực này. Các nước phương Tây như Mỹ và châu Âu đồng loạt “lên gân” đe dọa trừng phạt Nga, nhưng vẫn tỏ ý không muốn leo thang căng thẳng.

Vậy là sau sự kiện mất Crimea năm 2014, đất nước đáng thương Ukraine một lần nữa mất đi một phần lãnh thổ. Chỉ trước đây vài tuần, khi quân Nga áp sát biên giới với lý do tập trận, phương Tây ra sức cảnh báo “Nga sắp xâm lược” và…rút bớt nhân viên ngoại giao ở Ukraine, tăng viện trợ vũ khí. Chỉ bằng “đòn gió”, người Nga đã khiến phương Tây tháo chạy, Ukraine rơi vào khủng hoảng, và sau cùng là mất luôn một phần lãnh thổ mà không thể đưa ra bất kỳ phản ứng nào. Thực tế cho thấy khủng hoảng của Ukraine diễn ra do chính những nguyên nhân từ bên trong của đất nước này.

Lịch sử dân tộc gắn liền với Nga tạo ra sự phân chia xã hội Ukraine

Câu chuyện Ukraine và bài học về xây dựng khối đoàn kết dân tộc, tăng cường an ninh tư tưởng
Bản đồ ngôn ngữ mô tả phần trăm dân số nói tiếng Ukraine ở các vùng

Bản đồ ngôn ngữ của Ukraina hết sức tiêu biểu cho một hình ảnh chia cắt, nơi có một sự tương phản lớn giữa các vùng ngôn ngữ. Có một sự đối lập giữa khu vực miền Tây sông Dniepr, dòng sông chảy từ bắc xuống nam xuyên qua miền trung đất nước, nơi đa số nói tiếng Ukraine, và miền Đông, nơi tập trung đông đảo các cộng đồng Ukraina nói tiếng Nga và người Nga. Đối lập Đông Tây này thể hiện một cách hết sức ấn tượng, cụ thể qua các kết quả bầu cử, giữa miền Tây nơi cử tri chủ yếu bầu cho các ứng cử viên thân Châu Âu với biểu tượng ‘‘màu vàng cam’’, và miền Đông nơi cử tri bỏ phiếu cho các ứng viên thân Nga, mang biểu tượng ‘‘màu xanh da trời’’. Miền Tây mong muốn liên hiệp với Châu Âu, trong khi đó Miền Đông muốn trung lập, hay ít nhất một Ukraina cân bằng giữa Nga và Châu Âu.

Điều này không phải ngẫu nhiên, bởi người Nga và Ukraine đều chung có chung tổ tiên gốc Slavơ, khi 3 quốc gia Nga, Belarus và Ukraina đều chia sẻ chung một cội nguồn là xứ Rus Kiev của người Rus. Do những biến động của lịch sử, 3 quốc gia này tách ra và phát triển theo những cách riêng. Từ thế kỷ 14, toàn bộ lãnh thổ hiện giờ là Ukraine bị Đại Công quốc Litva đô hộ, và sau đó thuộc Liên minh Ba Lan và Litva. Các cuộc nổi dậy của đội quân người Cozak ở Ukraine chống lại các lãnh chúa và địa chủ Ba Lan vào giữa những năm 1600 đã dẫn đến việc miền đông Ukraine đã tách khỏi Liên minh Ba Lan-Litva để thề trung thành với Sa hoàng Nga vào năm 1654. Tây Ukraine vẫn nằm trong Liên minh Ba Lan-Litva thêm 150 năm nữa, cho đến khi vào đế chế Nga. Họ có một thời gian ngắn lại rơi vào tay Ba Lan nhưng sau đó nhanh chóng bị Liên Xô chiếm lại.

Đến năm 1991, Ukraine thì trở thành quốc gia độc lập sau sự sụp đổ của Liên Xô, tuy nhiên những ảnh hưởng của nước Nga lên Ukraine thì không dễ xóa bỏ. Thứ nhất là về ngôn ngữ và văn hóa, tiếng Nga vẫn chiếm nhiều ưu thế trong xã hội Ukraine do chính sách ưu tiên tiếng Nga từ thời Liên Xô. Tiếng Ukraine dù được tạo điều kiện nhưng chưa đủ lực trở thành ngôn ngữ chính thức, mặt khác nhiều người trong khối nói tiếng Nga lại không chấp nhận ngôn ngữ của họ mất đi ưu thế lâu đời. Đặc biệt, kết quả điều tra dân số năm 2001 cho thấy có tới 17,3% dân số Ukraine là người Nga, tạo thành một trong những cộng đồng di cư lớn nhất thế giới.

Từ ngôn ngữ và văn hóa sinh ra thói quen, tập quán, và cả thế chế xã hội của miền Đông Ukraine trở nên thân thiện với Nga. Ngoài ra, khu vực này có nền kinh tế mạnh. Năm 2013, riêng khu vực Donetsk và Luhansk, được gọi chung là Donbass, chiếm gần 16% GDP (tổng sản phẩm nội địa) của Ukraine, chỉ đứng sau Kiev. Tỷ trọng của Donbass trong khối lượng sản phẩm công nghiệp bán ra là 27,3%, nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác của đất nước, cũng như trong xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ từ Ukraine 23,3%. Kinh tế mạnh tạo ra ảnh hưởng mạnh về chính trị, và gián tiếp tạo nên ảnh hưởng của nước Nga với Ukraine.

Ukraine rơi vào khủng hoảng vì “chọn phe”

Câu chuyện Ukraine và bài học về xây dựng khối đoàn kết dân tộc, tăng cường an ninh tư tưởng
Cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) tại Paris, Pháp

Khi quan hệ giữa Ukraine và Nga còn tốt đẹp, sự tách biệt trong xã hội Ukraine trở thành cầu nối giữa hai đất nước. Trong hai thập kỷ đầu tiên kể từ năm 1992, Nga và Ukraine tích cực thúc đẩy hợp tác song phương và trao đổi trên tinh thần láng giềng hữu nghị. Năm 2004, trao đổi thương mại giữa hai nước là 18 tỷ USD, cao hơn gấp đôi so với con số này năm 1999. Cùng với đó, quan hệ chính trị giữa hai nước vẫn khá gần gũi.

Vào mùa thu năm 2004, hàng trăm nghìn người Ukraine đã xuống đường phản đối kết quả bầu cử. Họ cho rằng ứng cử viên được Moscow hậu thuẫn đã giành phần thắng nhờ gian lận. Sau các cuộc biểu tình kéo dài suốt mùa đông sau đó tại trung tâm Kiev, cuộc bầu cử được tổ chức lại với chiến thắng thuộc về ông Yushchenko. Nga cho rằng “Cách mạng Cam” – màu sắc của chiến dịch tranh cử của ông Yushchenco – là một phần trong âm mưu của các cơ quan tình báo nước ngoài. Năm 2008, ông này hé lộ ý định đưa Ukraine gia nhập NATO, một động thái mà tổng thống Putin tuyên bố sẽ phản kháng. Năm 2010, ông Yanukovych, một ứng cử viên thân Nga khác đắc cử Tổng thống.

Xã hội Ukraine bắt đầu chia rẽ nghiêm trọng. Một cuộc thăm dò ý kiến vào năm 2013 đã cho thấy rằng nhiều người dân ở phía tây Ukraine muốn gia nhập chương trình Đối tác hướng Đông của EU. Tuy nhiên, ở miền đông Ukraine đa số lại muốn tham gia liên minh thuế quan với Nga. Ông Yanukovych đã rút khỏi thỏa thuận với EU vào phút cuối để nghiêng về phía thỏa thuận với Nga. Quyết định này đã châm ngòi cho phong trào biểu tình thu hút hàng trăm nghìn người biểu tình tại quảng trường trung tâm của Kiev. Làn sóng phản đối này đã buộc ông Yanukovych phải sang Nga lánh nạn vào ngày 21.2.2014.

Chưa đầy một tuần sau, những người đàn ông có vũ trang trong quân phục màu xanh lá cây không phù hiệu đã chiếm giữ nhà quốc hội Crimea, cô lập Crimea ra khỏi Ukraine. Một cuộc trưng cầu được tổ chức ở Crimea vào tháng 3.2014 có kết quả là 97% cư dân tại đây đồng ý để Crimea tái thống nhất với Nga. Ngay sau đó, các nhóm ly khai ở vùng Donbass (miền đông Ukraine) bắt đầu đòi độc lập, dẫn đến cuộc chiến cho đến nay đã làm thiệt mạng khoảng 14.000 người.

Một điều khá trùng hợp là tại hai tiểu vùng miền Đông, cụ thể là Donetsk và Lugansk, số người nói tiếng Nga chiếm hơn 75% dân số. Trong khi đó tại bán đảo Crimea ở phía Nam, dân số chủ yếu nói tiếng Nga. Một số chuyên gia còn lo ngại về ảnh hưởng của Nga tại các vùng ở miền Bắc hay Đông Bắc với Kharkov hay Kharkiv, nơi hết sức phổ biến hiện tượng sử dụng song hành, một cách tương đối cân bằng, hai ngôn ngữ.

Câu chuyện tại Ukraine khá giống với trường hợp đất nước Gruzia năm 2008, với hai vùng lãnh thổ ly khai được Nga bảo hộ là Nam Ossetia và Abkhazia vốn có đa số người Nga sinh sống. Và một trường hợp tương tự khác từng diễn ra ở Transnistria, Mondova. Khi Liên Xô tan vỡ năm 1991, một số lượng lớn người Nga phân bố rải rác ở các nước cộng hòa bị chia rẽ với đất nước, trở thành một trong những cuộc phân ly lớn nhất lịch sử. Nhưng rồi theo thời gian, có vẻ đó lại trở thành món quà “trời cho” với nước Nga, giúp họ tạo ra những ảnh hưởng không thể đong đếm lên xã hội những nước sở tại. Sự chia rẽ giữa cộng động người Nga, thân Nga với cộng đồng Ukraine cả về kinh tế và văn hóa khiến cho khái niệm “đất nước” và “dân tộc” ở Ukraine dường như không còn đồng nhất.

Củng cố khối gắn kết dân tộc, thống nhất tư tưởng là biện pháp tối quan trọng để giữ nước

Những vấn đề mà Ukraine gặp phải có phần tương đồng với những thử thách của nhiều chính quyền Việt Nam trong lịch sử.

Ở miền Nam cho đến trước năm 1975, Hoa kiều kiểm soát gần như toàn bộ các vị trí kinh tế quan trọng, và đặc biệt nắm chắc 3 lĩnh vực quan trọng: sản xuất, phân phối, và tín dụng. Nhận thấy tầm ảnh hưởng quá lớn và tiềm tàng nguy cơ khi để người Hoa lũng đoạn thâu tóm miền Nam, chính quyền Việt Nam cộng hòa cũng có một số hoạt động mạnh tay nhằm kiềm chế thế lực người Hoa như: Đề ra chính sách buộc tất cả người Hoa phải nhập quốc tịch Việt Nam hoặc bị trục xuất, yêu cầu lấy tên tiếng Việt, cấm người nước ngoài hoạt động trong 11 ngành nghề, kể cả buôn gạo và bán hàng tạp hóa, những ngành mà người Hoa chiếm ưu thế.

Câu chuyện Ukraine và bài học về xây dựng khối đoàn kết dân tộc, tăng cường an ninh tư tưởng
Người Hoa trở thành một trong 54 dân tộc anh em của Việt Nam

Chính phủ Ngô Đình Diệm cũng bắt các trường học của người Hoa trong vùng Sài Gòn − Chợ Lớn phải dùng tiếng Việt trong giảng dạy và bổ nhiệm Hiệu trưởng người Việt Nam. Tất nhiên, với vị thế quá lớn của người Hoa, cộng thêm sự hậu thuẫn từ bên ngoài, những chính sách trên trở nên quá muộn màng và không hiệu quả, thậm trí còn phản tác dụng. Người Hoa đưa ra nhiều phản ứng mạnh khiến kinh tế miền Nam gần như sụp đổ và chính quyền VNCH phải nhanh chóng nới lỏng chính sách. Có thể nói không quá rằng, ở miền Nam thời điểm này, cộng đồng người Hoa như một vùng tự trị và đã góp phần không nhỏ vào tình trạng tham nhũng, hối lộ, trốn thuế, trốn quân dịch, gây bất ổn định chính trị trong xã hội miền Nam thời đó.

Sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã hết sức chú trọng công tác an ninh tư tưởng, thống nhất khối đoàn kết toàn dân tộc. Công tác an ninh thông tin cũng được chú trọng, nhờ đó nắm bắt kịp thời những tình huống phức tạp xảy ra liên quan đến “thù trong, giặc ngoài”. Nhiều biện pháp quyết liệt đã được đưa ra, kể cả là trục xuất một bộ phận lớn những người gốc Hoa không trung thành với tổ quốc Việt Nam, và Chính phủ sẵn sàng hi sinh lợi ích lớn về mặt kinh tế.

Kết quả là dù phải trải qua hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo, trong nước thì kinh tế giảm sút, lạm phát tăng cao, bên ngoài thì Việt Nam phải chống chọi với các cuộc chiến ở biên giới phía Bắc và phía Nam nhưng nội bộ vẫn luôn ổn định, biên cương lãnh thổ được giữ vững. Hiện nay khi quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đã bình thường hóa thì người gốc Hoa đã hòa nhập sâu sắc vào xã hội Việt Nam đến mức họ tự xem mình là người Việt Nam và mang gốc gác văn hóa thuộc dân tộc Hoa (được công nhận trong 54 dân tộc Việt Nam).

Ukraine có thể làm gì?

Có thể thấy vấn đề chính của Ukraine là họ không có được một đất nước đồng nhất, chính phủ cũng không thể mạnh tay quyết liệt để thống nhất tư tưởng như Việt Nam, từ đó tạo ra mầm mống ly khai xé tan đất nước. Nước Nga rất mạnh và đang rất quyết tâm, và quan trọng hơn cả là họ có ảnh hưởng to lớn đến cả khu vực miền Đông Ukraine. Trong khi đó với việc người dân Nga và nói tiếng Nga chiếm tỷ lệ quá lớn trong dân số, Ukraine phải chấp nhận một thực tế rằng nước Nga và ảnh hưởng Nga vẫn còn là một phần không thể chia tách của họ.

Câu chuyện Ukraine và bài học về xây dựng khối đoàn kết dân tộc, tăng cường an ninh tư tưởng
Người dân Moskva cầm cờ Nga và Ukraine tại một cuộc tuần hành trước sự kiện Crimea trưng cầu dân ý sáp nhập Nga năm 2014. Ảnh: AP

Thực tế sau khi giành được độc lập, các chính quyền Ukraine trước đây cũng nhiều cố gắng trong việc phổ biến tiếng Ukraine, đẩy lùi các ảnh hưởng văn hóa Nga và tiếng Nga nhưng đây là một thách thức gần như chưa thể giải quyết. Trong khi đó, họ lại vội vã nhảy vào giữa xung đột của Nga với phương Tây, những Tổng thống được bầu lên thi nhau “đi với nước này để chống nước kia”. Việc này đã tạo ra xung đột ngay trong lòng đất nước, xé tan khối gắn kết toàn dân tộc, tạo ra tư tưởng thù địch của vùng này đối với vùng kia.

Sai lầm trong việc thống nhất tư tưởng, Ukraine còn mù tịt về vấn đề nắm bắt thông tin. Họ cũng như phương Tây hoàn toàn bất ngờ, khi nước Nga gần như không tốn một viên đạn nhưng lại chiếm được Crimea và hai vùng lãnh thổ ly khai miền Đông. Nguyên nhân là chính là vì một bộ phận người dân vùng này đã liên kết mạnh mẽ với nước Nga để giành lấy quyền tự trị.

Sự đối địch của nước Nga và NATO là việc có thể không bao giờ kết thúc, và khó đoán định. Việc duy nhất mà chính quyền Ukraine có thể làm là củng cố tình hình trong nước, lắng nghe ý kiến của mọi người dân. Không thể có một đất nước thống nhất nếu không có một dân tộc thống nhất.

An Diễm


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây