Trang chủ Luận bàn - Phản biện “Cuồng phương Tây”, “thích Nga” nhưng phải đặt Tổ quốc trên hết

“Cuồng phương Tây”, “thích Nga” nhưng phải đặt Tổ quốc trên hết

250
0

Cuộc khủng hoảng tại Ukraine liên quan đến xung đột giữa Nga và EU đang thu hút sự chú ý của cả thế giới. Vốn dĩ đây là một sự kiện phức tạp, có nhiều góc nhìn và tất yếu có người ủng hộ phe này, người ủng hộ phe kia. Nhưng có những đối tượng “cuồng phương Tây” trong khi chỉ trích “phe kia” đã đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc, chống phá Tổ quốc.

Phát biểu tại cuộc họp bất thường Hội đồng An ninh Nga đêm 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đã ký sắc lệnh công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine. Sự kiện này đã chấm dứt tạm thời một giai đoạn “dai dẳng” của những lời đồn đoán.

Trước đó nhiều tuần, báo chí và các nhà lãnh đạo phương Tây liên tục tung ra tin đồn “Nga chuẩn bị tấn công Ukraine” mà không hề có bằng chứng, trong khi đó nước Nga phủ nhận hoàn toàn, cho rằng chỉ đang tập trận biên giới. Các sự kiện cho thấy dường như đây là một cuộc chiến lan truyền thông tin, “đánh đòn gió”. Phương Tây liên tục rêu rao Nga sắp tấn công, rút người và nhân viên sứ quán khỏi Ukraine đồng thời tăng cường viện trợ vũ khí để khiêu khích. Hậu quả xảy ra là các chuyến bay cùng nhiều công ty né tránh Ukraine, khiến đất nước này thiệt hại hàng tỷ đô la, đến mức Ukraine phát cáu. Ngày 14/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các nước phương Tây chia sẻ thông tin tình báo về việc Nga đang chuẩn bị tấn công Kiev như họ dự đoán. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova dẫn phát biểu này để mỉa mai phương Tây là “chế nhạo người dân Ukraine, trong khi thực hiện một chiến dịch khiêu khích toàn cầu khác”.

Với các sự kiện chồng chéo như vậy, không khó hiểu khi dư luận chung “chia phe” ủng hộ hai bên, nhất là khi nhìn nhận lại sự phức tạp của cuộc khủng hoảng này.

Nguồn gốc sâu xa của cuộc khủng hoảng Ukraine

Trong giai đoạn khoảng 10 năm kể từ sau sự kiện kết thúc Chiến tranh lạnh và Liên Xô tan rã, thế giới chứng kiến thời kỳ chuyển đổi khó khăn của nước Nga sang nền kinh tế thị trường, trong khi xã hội còn nhiều khó khăn và bất ổn. Giai đoạn này cũng chứng kiến thời kỳ “trăng mật” trong quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây. Đỉnh cao của thời kỳ này là năm 1997, Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã ký kết Hiệp định Đối tác vì hòa bình. Mỹ và các nước phương Tây cũng tranh thủ mối quan hệ “nồng ấm” cũng như sự suy yếu của Nga để xúc tiến một loạt hoạt động “Đông tiến” nhằm tiến sát biên giới nước Nga.

“Cuồng phương Tây”, “thích Nga” nhưng phải đặt Tổ quốc trên hết
Căng thẳng Ukraine

Sau đó nước Nga bắt đầu phục hồi và trỗi dậy mạnh mẽ trong giai đoạn lãnh đạo của Tổng thống Nga V. Putin với kinh tế tăng trưởng nhanh, xã hội ổn định và họ dần giành lại vị thế trên vũ đài quốc tế. Căng thẳng chính hiện nay trong quan hệ giữa Nga và Ukraine, cũng như giữa Nga với Mỹ và phương Tây chủ yếu liên quan đến việc Ukraine muốn gia nhập NATO, còn NATO tuyên bố để ngỏ khả năng này. Đây là việc mà Nga không bao giờ chấp nhận vì NATO là một tổ chức sinh ra với mục tiêu lớn nhất là kiềm chế nước Nga, trong khi đó Ukraine là lại là quốc gia lớn, có ảnh hưởng thứ hai sau Nga trong số các quốc gia trong không gian hậu Xô-viết và còn nằm cạnh nước Nga.

Hơn nữa, bất chấp việc đã ký kết Hiệp định hòa bình, nước Nga đã mất niềm tin vào phương Tây “hòa bình” sau việc họ can thiệp quân sự vào Afganishtan năm 2001, Lybia năm 2011 và gần đây nhất là Syria. Cuộc bạo loạn kinh hoàng do phương Tây giật dây năm 2014 ở Ukraine để lật đổ một Tổng thống thân Nga được bầu cử hợp pháp đã khiến giọt nước tràn ly. Nước Nga cảm nhận rõ phương Tây có ý đồ xấu, và các công dân Nga tại Ukraine cảm nhận việc bị tước mất quyền lợi trên chính đất nước mình. Một số khu vực như Crimea và Donbass nổi dậy, được Nga hỗ trợ tinh thần và vật chất đã ly khai khỏi Ukraine, đồng thời đẩy đất nước này vào vòng xoáy khủng hoảng.

Về mặt hình thức, Crime sáp nhập vào Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý của chính người dân địa phương, Donbass vẫn là những khu vực ly khai không thuộc Nga. Và bất chất “đòn gió” được phương Tây tung ra liên tục, họ chưa hề tìm ra bằng chứng quân đội Nga có mặt ở Ukraine. Những tình tiết này quá đủ để tạo ra một cuộc tranh cãi không hồi kết.

Nực cười kẻ cuồng phương Tây đi chỉ trích người khác “cuồng” Nga

Trong vòng xoáy của sự kiện, báo chí và các đối tượng thù địch phương Tây hướng mắt về Việt Nam để xem người Việt Nam “chọn phe” nào. Đảng và Nhà nước đã nhiều lần nhấn mạnh chính sách ngoại giao đa dạng hóa, đa phương hóa, làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới và đặc biệt “không đi với nước này để chống nước kia”. Khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam trong tình hình này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam quan tâm theo dõi những diễn biến căng thẳng gần đây xung quanh tình hình Ukraine và kêu gọi các bên kiềm chế, tăng cường nỗ lực đối thoại, thúc đẩy các biện pháp ngoại giao nhằm giải quyết hòa bình các bất đồng trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên toàn thế giới.”

Khi không thể bình luận gì về phát ngôn chính thống, báo chí hải ngoại và nhiều đối tượng chống phá chuyển sang soi mói một số tờ báo của Nhà nước. Trang BBC cho rằng báo Quân đội nhân dân tỏ ra nghi ngờ các tuyên bố “đòn gió” của chính trị gia phương Tây. Họ cũng trích dẫn một bài báo trên Sputnik Việt Nam (vốn là trang tin của Nga) cung cấp một số thông tin theo góc nhìn từ phía nước Nga để chỉ trích phương Tây. Từ đó họ kết luân là ở Việt Nam có nhiều người thiện cảm với nước Nga. Tiếng Dân News thậm chí không cần trích dẫn đã vội lu loa rằng báo chí Việt Nam “phấn khích, muốn Nga tấn công Ukraine”!

Trong khi chỉ trích người khác “cuồng” Nga, Tiếng Dân News tỏ ra “cuồng phương Tây” không kém. Họ tỏ ra tin tưởng hoàn toàn phương Tây vô điều kiện “Nga đang hăm dọa tấn công xâm lược Ukraine, trong lúc cả thế giới, nhất là châu Âu lo ngại chiến tranh xảy ra, thì bệnh cuồng Nga ở Việt Nam, trong những tuần qua có vẻ trầm trọng”. Họ cho rằng những người cuồng Nga là bị nhồi sọ, những “người ăn cơm, mặc áo nước Nga”. Họ viết “Làm bạn với ai là quyền tự chủ của mỗi quốc gia có chủ quyền. Hà cớ gì Nga ngăn cấm Ukraine mong muốn gia nhập EU và NATO?”, trong khi thực tế là NATO đối địch với Nga, như vậy ai theo NATO tức là chống Nga. Họ viết “Bọn tư bản châu Âu không muốn có chiến tranh ở nhà họ, mà chỉ muốn “mần” Tiền”, trong khi việc NATO mang bom rải thảm ở Lybia, Syria diễn ra chưa lâu.

“Cuồng phương Tây”, “thích Nga” nhưng phải đặt Tổ quốc trên hết
Mỹ và đồng minh NATO ném bom Nam Tư để giúp Kosovo ly khai

Một sự kiện khác diễn ra vào cuối tháng 2/1998, khi nội chiến ở Nam Tư cũ bùng phát, Quân đội giải phóng Kosovo (KLA) đòi ly khai khỏi sự quản lý của Cộng hòa Liên bang Nam Tư (Serbia và Montenegro). KLA tổ chức tấn công vào đồn cảnh sát, cơ quan thực thi pháp luật ở Kosovo. Belgrade (thủ đô Nam Tư cũ) triển khai quân đội và xung đột bùng phát dữ dội. Người tị nạn Albani vội vã chạy khỏi Kosovo sang các nước láng giềng để lánh nạn. Sau nhiều giải pháp ngoại giao thất bại, NATO tiến hành can thiệp quân sự vào Kosovo và gọi đây là “cuộc chiến nhân đạo”. Sau 78 ngày bị không kích, với sự tham gia của khoảng 1.000 máy bay, các hàng không mẫu hạm của Mỹ trên biển Adriatic, quân đội Serbia đầu hàng và ký Hiệp ước Kumanovo, từ đây Kosovo chính thức ly khai giành độc lập.

Khác với câu chuyện ở Nam Tư cũ trước đây, các khu vực như Crimea và Donbass ở Ukraine vùng lên đòi ly khai mà dường như không cần đến một “cuộc chiến nhân đạo” với máy bay và hàng không mẫu hạm. Trong khi thoải mái ném bom không kích một đất nước có chủ quyền, Mỹ và phương Tây nay chỉ trích nước Nga vì ủng hộ phe ly khai, bất chấp việc họ không thể phát hiện được một bằng chứng đáng kể nào về sự có mặt của Nga trong lãnh thổ Ukraine.

Liệu những người “cuồng phương Tây” có nhận ra mình cũng ủng hộ sự sai trái?

Có thể “cuồng” bất kỳ ai nhưng phải đặt Tổ quốc lên trên hết

Phải thừa nhận một thực tế là có rất nhiều người ở Việt Nam ủng hộ những lý lẽ của nước Nga xuất phát từ tình cảm cá nhân. Nước Nga trước đây đã hết lòng ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành giải phóng dân tộc, và giúp đỡ phát triển kinh tế, tri thức cho Việt Nam. Khi đã coi nước Nga là bạn, họ lắng nghe kỹ quan điểm của người Nga và tìm ra nhiều luận điểm có lý để bênh vực, ủng hộ. Việc quá “cuồng Nga” hay ủng hộ hoàn toàn quan điểm của nước Nga xuất phát từ một số cá nhân không phải là quan điểm chính thống của Nhà nước. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là khi những người này quý mến nước Nga xuất phát từ những gì Nga làm cho Việt Nam, có nghĩa họ là những người yêu nước.

“Cuồng phương Tây”, “thích Nga” nhưng phải đặt Tổ quốc trên hết

Trái lại, một số đối tượng “cuồng phương Tây” như Tiếng Dân News đi kèm với những suy nghĩ lệch lạc, kích động. Họ mỉa mai những người cuồng Nga là bị Nhà nước “nhồi sọ”, chỉ trích chế độ Liên Xô trước đây và gián tiếp bôi nhọ chế độ Việt Nam hiện tại, dùng những lời lẽ xấc xược để phỉ báng lãnh tụ. Họ thể hiện rõ sự căm ghét tất cả những nước có quan hệ với Liên Xô trước đây và Nga hiện nay, đồng thời qua đó xuyên tạc cuộc chiến tranh chính nghĩa giành lại tổ quốc của dân tộc Việt Nam. Quá “cuồng” dường như làm người ta mất đi lý trí.

Bên cạnh quan điểm quá khích, phải thừa nhận một số quan điểm khác rất đáng suy nghĩ. Tiếng Dân News viết “công nhận sự thôn tính Crimea là của Nga, vì nếu làm vậy chẳng khác gì thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc”. Phải thừa nhận đây là một quan điểm nhạy cảm và dễ liên tưởng, dù câu chuyện ở Crimea về mặt hình thức là ly khai, còn Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đang bị chiếm đóng trái phép. Cũng chính vì vậy Việt Nam luôn kêu gọi “các biện pháp ngoại giao nhằm giải quyết hòa bình”, và không bao giờ ủng hộ việc dùng vũ lực can thiệp vào một quốc gia có chủ quyền, dù đó là câu chuyện ở Nam Tư, Lybia, Syria hay Ukraine.

BBC đưa ra một quan điểm khác là một số người Việt Nam “cuồng Nga” và tin Nga hơn do e ngại “dân chủ” kiểu phương Tây. Điều này thì có thể khẳng định là đúng. Chính vì những hành vi bất nhất, tiêu chuẩn kép, lạm dụng khái niệm “dân chủ”, tôn vinh những kẻ tội phạm như Phạm Đoan Trang khiến cho chính phương Tây mất đi uy tín không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Nhìn chung, khi đặt lợi ích quốc gia lên trên tất cả, người hiểu biết cần phân tích kỹ để chọn cho mình góc nhìn đúng đắn, và phản bác các quan điểm thù địch, chống phá hay có tác động tiêu cực cho đất nước.

An Diễm


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây