Chuyện chính trường Việt Nam từ lâu vẫn luôn được các “nhà bình loạn” sử dụng để xuyên tạc, tấn công, đả phá chính quyền. Nếu lãnh đạo đất nước thẳng thắn phê bình, chỉ ra những tồn tại, hạn chế của cơ quan này, đơn vị kia thì ngay lập tức các chiếc “loa làng dân chủ” sẽ lu loa cho rằng nội bộ mất đoàn kết, đấu đá lẫn nhau, làm mất mặt nhau. Ngược lại, nếu các cơ quan, đơn vị dành lời khen cho nhau thì những đối tượng chống phá lại vu khống cho rằng chính quyền không nhìn thẳng vào sự thật, chỉ biết tâng bốc, vuốt ve nhau. Thực sự quá khó hiểu?
Tại buổi thảo luận dự thảo Nghị quyết về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có những ý kiến chỉ đạo hết sức sâu sát. Khi bàn về việc mua sắm trang thiết bị y tế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Chính phủ và Thủ tướng cần có quyết sách mạnh mẽ hơn, Quốc hội cũng đã trao quyền rồi, nhưng không hiểu sao vẫn chưa dám mua.
Ngay sau đó, các đối tượng cơ hội đã lợi dụng điều này để tiến hành xuyên tạc, kích động mâu thuẫn nội bộ. Chúng rêu rao rằng “Quốc hội phê bình Chính phủ, thực chất là phê bình Thủ tướng Chính phủ, làm Thủ tướng Chính phủ mất mặt”, “Bây giờ ông Vương Đình Huệ trao quyền cho ông Phạm Minh Chính chưa chắc ông Chính đã dám làm”.
Rõ ràng, những kẻ này đang cố tình “đâm bị thóc, chọc bị gạo”, xuyên tạc ý kiến của Chủ tịch Quốc hội để kích động mâu thuẫn nội bộ. Từ một ý kiến nhận xét hết sức thẳng thắn, đúng sự thật, khi qua lăng kính nhìn nhận của các “nhà dân chủ” đã trở nên hết sức tiêu cực, đen tối.
Trong giai đoạn từ tháng 8/2011 đến tháng 2/2015, ông Phạm Minh Chính giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Đánh giá về vai trò của ông Phạm Minh Chính, giới chuyên gia cho rằng ông đã đưa Quảng Ninh phát triển thần kỳ nhờ các chiến lược đột phá, bước đi táo bạo. Năm 2011, kinh tế Quảng Ninh còn hạn chế, chịu nhiều ảnh hưởng do khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 để lại, nguồn thu ngân sách chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên với 70% từ than, 20% từ sản xuất kinh doanh và 10% từ đất. Dưới sự lãnh đạo của ông Phạm Minh Chính, Quảng Ninh đã lột xác, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh cải cách hành chính. Cùng với đó là việc lập quy hoạch chiến lược phát triển địa phương. Đến năm 2015, tổng sản phẩm kinh tế của Quảng Ninh tăng gấp 2 lần so với năm 2010, đạt khoảng 100.300 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.900 USD/năm, gấp 1,77 lần so với bình quân cả nước (2.200 USD); thu ngân sách nhà nước thuộc top 5 cả nước. Nền kinh tế Quảng Ninh từ việc phụ thuộc vào khoáng sản đã chuyển sang “kinh tế xanh”, nguồn thu từ du lịch, dịch vụ tăng mạnh.
Trong thời gian qua, do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế, xã hội của Chính phủ gặp nhiều khó khăn. Có những mặt, những khía cạnh, những lĩnh vực công tác chỉ đạo của Chính phủ còn rườm rà, chưa quyết liệt, chưa hiệu quả. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng quát, chúng ta không thể phủ nhận việc Chính phủ đã hết sức nỗ lực để đưa đất nước vượt qua những khó khăn của giai đoạn hiện tại. Trong 9 tháng đầu năm, mặc dù nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách kéo dài, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngừng trệ nhưng GDP cả nước vẫn tăng trưởng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Những kết quả trên là mình chứng cho thấy ông Phạm Minh Chính hoàn toàn đủ năng lực để lãnh đạo, chỉ đạo phát trên lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Vì vậy, việc lấy một số tồn tại, hạn chế để thổi phồng thành lỗi của tập thể, phủ nhận toàn bộ những kết quả đã đạt được của Chính phủ, gây hiểu lầm mối quan hệ của lãnh đạo đất nước là không thể chấp nhận được.
Bảo An
Nguồn: Cánh cò