Trong số các tổ chức tự nhận là hoạt động vì nhân quyền trên phạm vi quốc tế, Theo dõi Nhân quyền Quốc tế – Human Rights Watch (HRW) nổi lên là một tổ chức thường xuyên đưa ra các luận điệu bịa đặt, vu khống về nhân quyền ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mang danh là tổ chức nhân quyền nhưng hoạt động của HRW chưa bao giờ phục vụ cho sự phát triển nhân quyền ở các quốc gia, kể cả ở Việt Nam.
Cách đây ít ngày (ngày 14/1/2020), HRW đã ra “Báo cáo Thế giới 2020” để điểm lại tình hình nhân quyền ở khoảng 100 quốc gia trong năm qua. Trong phần về Việt Nam, báo cáo này viết: “Năm 2019 là một năm tàn bạo đối với các quyền tự do căn bản ở Việt Nam khi chính quyền kết án tù ít nhất 30 nhà hoạt động và bất đồng chính kiến”; “Chính quyền Việt Nam đã bỏ tù các nhà hoạt động xã hội và bất đồng chính kiến chỉ vì họ đã thực hiện các quyền tự do căn bản như tự do biểu đạt, lập hội và tự do tín ngưỡng”; “Luật An ninh mạng với những điều khoản mù mờ và trải rộng cho phép giới chức có quyền bí mật kiểm duyệt các bày tỏ ý kiến tự do, đòi hỏi các nhà cung cấp dịch vụ phải gỡ bỏ các nội dung mà chính quyền cho là không đúng trong vòng 24 giờ đồng hồ kể từ khi nhà cung cấp dịch vụ nhận được yêu cầu từ chính phủ”; “Các hoạt động tự do tín ngưỡng cũng bị giới chức Việt Nam cấm cản với lý do phương hại đến lợi ích quốc gia, trật tự xã hội hay đoàn kết. Những người theo các nhóm tôn giáo không được nhà nước thừa nhận thường bị chỉ trích, bị ép phải từ bỏ đạo, bị bắt giữ, thẩm vấn, tra tấn, thậm chí bỏ tù”…
Bài đăng trên RFA (Ảnh chụp màn hình)
Cần khẳng định ngay rằng, nội dung phần về Việt Nam trong “Báo cáo Thế giới 2020” mà HRW đưa ra đều dựa trên những thông tin bịa đặt và không có cơ sở bởi cộng đồng quốc tế đã công nhận những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người.
Khách quan chỉ ra rằng, bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam, được thực hiện phù hợp với Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cũng như các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.
Thực tế cho thấy, các tổ chức xã hội và người dân ngày càng tham gia nhiều hơn vào quá trình kiểm tra, giám sát việc thực thi luật pháp, chính sách của Nhà nước. Các tổ chức tôn giáo ngày càng được tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động.
Đối với việc xây dựng và ban hành Luật An ninh mạng là rất cần thiết trong quản lý Nhà nước về lĩnh vực rất quan trọng này. Luật An ninh mạng không có quy định nào làm ảnh hưởng đến các quyền cơ bản của con người được ghi trong Hiến pháp, trong đó quyền tự do ngôn luận. Cũng giống như bất kì quốc gia nào trên thế giới, người dùng được tôn trọng quyền tự do thông tin. Thế nhưng nếu người nào sử dụng những mạng xã hội trên hoặc bất kỳ mạng xã hội nào khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Về vấn đề cung cấp dữ liệu người dùng, Luật An ninh mạng cũng quy định hết sức chặt chẽ, Luật An ninh mạng được ban hành không nhằm kiểm soát và làm lộ thông tin của công dân. Luật quy định: “Chỉ khi phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng, Luật An ninh mạng mới yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin cá nhân có liên quan tới hành vi vi phạm pháp luật đó.”
Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng chỉ được phép tiếp cận thông tin cá nhân của người sử dụng có hoạt động vi phạm pháp luật, với trình tự, thủ tục nghiêm ngặt (bằng văn bản), được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các quy định trong Bộ luật TTHS và các văn bản có liên quan đã quy định rõ về việc quản lý, sử dụng thông tin được cung cấp để phục vụ điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có liên quan phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng. không có ai bị xử lý vì viết blog hay viết báo, chỉ có những đối tượng lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do Internet để gây mất ổn định xã hội, chống lại đất nước và nhân dân, đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc, mới bị xử lý nghiêm khắc.
Bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người, nhưng Việt Nam cũng kiên quyết xử lý những đối tượng vi phạm pháp luật. Ở Việt Nam không có ai bị xử lý vì thực hiện các quyền tự do căn bản như tự do biểu đạt, lập hội và tự do tín ngưỡng mà chỉ có những đối tượng lợi dụng các quyền tự do dân chủ, nhân quyền như lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do Internet để gây mất ổn định xã hội, chống lại đất nước và nhân dân, đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc, mới bị xử lý nghiêm khắc.
Những đối tượng bị bắt giữ và đưa ra xét xử mà HRW gọi là “nhà bất đồng chính kiến” thực tế đều lợi dụng tự do ngôn luận để đăng tải những bài viết có nội dung sai sự thật, nói xấu đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, kích động nhân dân chống lại Nhà nước, gây phương hại đến an ninh trật tự.
HRW cần biết rằng, các quốc gia có chủ quyền trên thế giới đều có luật xử lý nghiêm khắc những hành vi lợi dụng tự do các quyền tự do dân chủ, nhân quyền để chống lại đất nước, làm trái pháp luật, kích động thù hận, bạo lực.
Thực tế sáng rõ về việc đảm bảo quyền con người ở Việt Nam cho thấy HRW đã sử dụng những chiêu trò cũ rích để xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam. “Báo cáo” của HRW vừa công bố hoàn toàn không có giá trị, vì nó không dựa trên cơ sở dữ liệu đúng đắn, khách quan, đi ngược lại lợi ích của nhân dân Việt Nam và lợi ích của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới./.
Đắc Chí
Nguồn: Việt Nam mới