Trang chủ Luận bàn - Phản biện Luận tội ông Trump, Phần 1

Luận tội ông Trump, Phần 1

160
0

Cho đến thời điểm này, cuộc luận tội Tổng thống Trump xoay quanh một câu hỏi chính – liệu ông Trump đã yêu cầu trợ giúp từ Ukraine để có cơ hội tái tranh cử vào năm 2020 hay không.

Vào tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã bị Hạ viện luận tội và hiện đang đối mặt với khả năng bị Thượng viện bãi nhiệm.

Trump bị cáo buộc là đã gây áp lực đối với Ukraine để nước này thực hiện cuộc điều tra có thể gây tổn hại cho Joe Biden, Phó Tổng thống của Obama và đang là ứng cử viên dẫn đầu của Đảng Dân Chủ và được coi là một trong những đối thủ chính của Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.

Sự liên kết với Ukraine được thiết lập dựa trên vai trò của Biden trong quan hệ Mỹ – Ukraine dưới chính quyền Obama và việc con trai của Biden – Hunter Biden – tham gia Hội đồng quản trị và nhận thù lao cho việc này từ một công ty của Ukraine. Trump bị cáo buôc đã giữ lại gần 400 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine đã được Quốc hội phân bổ, cho đến khi Ukraine đồng ý tiến hành các cuộc điều tra này.

Sau khi Hạ viện luận tội, Trump sẽ đối mặt với một phiên tòa tại Thượng viện với các thủ tục vừa được bắt đầu từ ngày 16 tháng 1, nơi sẽ quyết định liệu Trump sẽ bị phế truất hay không.

Luận tội là gì

Đối với Hoa Kỳ, luận tội là một tiến trình pháp lý do các nhà soạn thảo Hiến pháp đặt ra để buộc tội một cá nhân trong chính quyền, và là bước đầu tiên trước khi tổ chức một phiên tòa để xác định xem liệu người bị luận tội có phạm các tội đó hay không. Cơ quan lập pháp có thẩm quyền để luận tội Tổng thống là Hạ viện, và quyền lực để xác định tội danh và loại bỏ chức vụ của các Tổng thống nằm trong tay Thượng viện.

Luận tội ở cấp liên bang tại Mỹ (mà thẩm quyền là của Hạ viện) được giới hạn tới Tổng thống, Phó Tổng thống và tất cả các cán bộ dân sự phạm một trong các tội danh gồm “phản  bội, hối lộ, tội ác nghiêm trọng, lăng nhục” như được chỉ ra tại điều 2, Mục 4, Hiến pháp Mỹ.

Luận tội ông Trump, Phần 1Sau khi Hạ viện luận tội, Trump sẽ đối mặt với một phiên tòa tại Thượng viện với các thủ tục vừa được bắt đầu từ ngày 16 tháng 1, nơi sẽ quyết định liệu Trump sẽ bị phế truất hay không.

Mặc dù Hiến pháp Mỹ không nói rõ về quá trình luận tội do muốn dành quyền cho Quốc hội quyết định và chỉnh sửa quá trình này theo thời gian, hai cuộc luận tội của Nixon và Clinton có thể được coi như là tiền lệ để cuộc luận tội Trump đang diễn ra sẽ theo các bước sau:

1. Đầu tiên, một Hạ nghị sĩ phải đưa ra một nghị quyết luận tội bao gồm ít nhất một điều danh luận tội (articles of impeachment) đối với Tổng thống.

2. Sau đó, nếu thấy hợp lí, Chủ tịch Hạ viện sẽ yêu cầu Uỷ ban Tư pháp Hạ viện (House Judiciary Committee) tổ chức một phiên điều trần về nghị quyết luận tội này, và sẽ quyết định có thực hiện một cuộc bỏ phiếu luận tội bởi toàn bộ Hạ viện hay không.

3. Nếu hơn một nửa Uỷ ban Tư pháp phê chuẩn nghị quyết luận tội này thì nghị quyết này sẽ được đưa ra Hạ viện để bỏ phiếu.

4. Nếu hơn một nửa số Hạ nghị sĩ có mặt bỏ phiếu chấp thuận chỉ một điều luận tội thôi thì Tổng thống sẽ bị luận tội.

5. “Luận tội” chính thức kết thúc tại đây. Thủ tục kết án Tổng thống sẽ được chuyển sang Thượng viện, nơi mà một phiên điều trần dưới hình thức một phiên toà sẽ được tổ chức để xét xử và quyết định xem Tổng thống có phạm tội hay không. Quá trình này sẽ được thiết lập và tiến hành bởi các lãnh đạo Thượng viện.

6. Trong phiên điều trần tại Thượng viện:

a. Các Hạ nghị sĩ sẽ đóng vai trò như các công tố viên; họ sẽ đưa ra các bằng chứng trong quá trình tố tụng Tổng thống.

b. Tổng thống sẽ có các luật sư đại diện cho mình.

c. Chánh án của Toà án Tối Cao sẽ chủ toạ.

d. Các Thượng nghị sĩ sẽ nghe các bằng chứng và lập luận được đưa ra từ hai bên để cân nhắc quyết định của mình.

7. Sau đó, các Thượng nghị sĩ sẽ bỏ phiếu quyết định liệu Tổng thống có phạm các tội danh đã được đưa ra khi luận tội hay không. Nếu hai phần ba số Thượng nghị sĩ hoặc nhiều hơn đồng ý kết tội thì Tổng thống sẽ bị cách chức và Phó Tổng thống sẽ trở thành Tổng thống.

Nên nhớ, cả cuộc luận tội tại Hạ viện và phiên điều trần trên Thượng viện không phải là một cuộc xét xử pháp lý, nếu một Tổng thống bị kết án trong phiên điều tra luận tội của mình, không có hình phạt gì ngoài việc cách chức Tổng thống.

Những Tổng thống nào đã bị luận tội?

Đã có bốn Tổng thống Mỹ đã bị luận tội – Andrew Johnson, Richard Nixon, Bill Clinton và Donald Trump – trừ Nixon từ chức trước, 3 người còn lại đều đã bị Hạ viện bỏ phiếu luận tội vì các lí do khác nhau. Johnson và Clinton đều trắng án tại cuộc bỏ phiếu của Thượng viện, và khả năng phiên toà luận tội Trump cũng có khả năng cao sẽ có kết quả như vậy.

Johnson bị buộc tội với 11 điều luận tội khác nhau xung quanh việc phế truất Bộ trưởng Chiến tranh Edwin Stanton vào năm 1868 và các bất đồng đối với những nghị sĩ Đảng Cộng Hoà về chương trình Tái thiết nội chiến. Richard Nixon đã đối mặt với một cuộc điều tra luận tội sau khi cản trở các cuộc điều tra vào vụ Watergate, nhưng đã từ chức ngay trước cuộc bỏ phiếu luận tội tại Hạ viện, khi biết chắc là mình sẽ bị luận tội và kết án ở Thượng viện.

Bill Clinton bị buộc tội với hai điều luận tội là cản trở công lý và vi phạm lời thề sau khi đưa ra lời khai là mình đã không có quan hệ tình dục với Monica Lewinsky và thay đổi câu chuyện ngay sau đó.

Luận tội ông Trump, Phần 1Chúng ta có thể có một câu hỏi: nếu Biden đã không tranh cử Tổng thống thì liệu các hành động của Trump có còn bị coi là đã phạm tội không? Ảnh: The Daily Beast

Con đường đi đến luận tội ông Trump

Đầu năm 2019, Quốc hội phê duyệt gần 400 triệu USD trong viện trợ quân sự cho Ukraine. Tổng thống Ukraine mới đắc cử là Volodymyr Zelensky tin rằng khoản viện trợ quân sự này, cùng với một cuộc họp với Trump tại Nhà Trắng là cần thiết để ngăn chặn các mối đe doạ đến từ Nga.

Mặc dù các nhà ngoại giao Mĩ hàng đầu đã kêu gọi Trump thúc đẩy cuộc họp này, cuộc gặp đã bị trì hoãn khi Trump ra lệnh giữ lại viện trợ quân sự trong một khoản thời gian vô thời hạn. Với bối cảnh đó, trong một cuộc gọi điện thoại vào tháng 7.2019 (hiện đã được Nhà Trắng công khai), Trump đã đề nghị Zelensky để “hãy giúp đỡ chúng tôi” trong đó có việc điều tra gia đình Biden.

Vào tháng 8.2019, một người tố giác trong cộng đồng tình báo đã nộp một đơn khiếu nại về cuộc gọi đã diễn ra vào tháng 7.2019, cho rằng Trump có thể đã lạm dụng quyền lực bằng cách trì hoãn chuyến thăm chính thức của Zelensky cho đến khi Ukraine có thể tiến hành các cuộc điều tra. Sau đó, khiếu nại này được công khai vào tháng 9.2019, làm “nóng” tin tức, và từ đó tạo ra áp lực đối với Nhà Trắng công khai bản ghi chép của cuộc gọi.

Ngay sau đó, Chủ tịch hạ viện, Nancy Pelosi tuyên bố rằng Hạ viện sẽ mở một cuộc điều tra luận tội đối với Trump để xác định liệu cách ứng xử của Trump đối với Ukraine có phạm tội hay không.

Cuộc điều tra chính thức đã được dẫn đầu bởi Hạ nghị sĩ Adam Schiff (Đảng Dân Chủ, nghị sĩ bang California), Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, với nhiều phiên điều trần kín và lời khai của nhiều người liên quan đến vụ việc.

Một quan điểm chung có thể được thấy trong lời khai và các phiên điều trần công khai của nhiều nhân chứng; là có lẽ đã có một trường hợp ”quid pro quo” – thành ngữ latin kiểu “ông đưa chân giò bà thò chai rượu”. Trong trường hợp này, chuyến thăm chính thức tại Nhà Trắng và khoản viện trợ quân sự đã được Trump giữ lại để đòi hỏi Ukraine chính thức cam kết điều tra.

Ủy ban Tình báo Hạ viện sau đó đã kết thúc cuộc điều tra và đưa ra báo cáo để Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã đề xuất hai điều danh luận tội đối với Trump: lạm dụng quyền lợi và cản trở Quốc hội.

Với việc phe Dân Chủ kiểm soát Hạ viện và giữ ghế Chủ tịch và đa số tại các Uỷ ban, các báo cáo và các điều khoản luận tội đã được thông qua đơn giản, với phản ứng khá gay gắt của các đại diện phe Cộng hoà.

Hai điều khoản luận tội là gì?

1 – Lạm dụng quyền lực

Điều 1 nói rằng Trump đã sử dụng quyền lực Tổng thống vì lợi ích riêng của mình, và cáo buộc là hành vi này đã diễn ra qua cách mà Trump đã sử dụng sự ảnh hưởng của mình đối với Bộ Ngoại giao, văn phòng ngân sách của Nhà Trắng cũng như các quyền lực ngoại giao của Tổng thống để gây áp lực với Ukraine để tiến hành điều tra Hunter Biden.

2 – Cản trở Quốc hội

Điều 2 nói rằng Trump đã có các nỗ lực để ngăn chặn cuộc điều tra của Quốc hội về các hành vi của Trump đối với Ukraine. Ủy ban Tư pháp cho rằng Nhà Trắng đã không hợp tác với cuộc điều tra luận tội và cấm những người đang và đã phục vụ trong chính quyền Trump; đáng chú ý nhất là ngăn cản quyền Chánh văn phòng Nhà trắng Mick Mulvaney và Cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton tham gia các phiên điều trần.

Biden và Trump

Chúng ta có thể có một câu hỏi: nếu Biden đã không tranh cử Tổng thống thì liệu các hành động của Trump có còn bị coi là đã phạm tội không? Vụ luận tội đã tập trung chủ yếu vào việc phe Dân chủ cáo buộc ông Trump là đã kêu gọi hỗ trợ bầu cử nước ngoài từ Ukraine bằng cách yêu cầu các cuộc điều tra để có thể gây tổn hại cho đối thủ hàng đầu của ông, Joe Biden.

Câu trả lời trong trường hợp này dường như là không. Lập luận của phe Dân chủ về các hành động của Trump là đã “mời gọi nước ngoài can thiệp chính trị và gây ảnh hưởng đến bầu cử”, sẽ không còn tồn tại trong một trường hợp Biden không phải là ứng cử viên Tổng thống. Thay vào đó, hành vi của Trump đối với Ukraine có lẽ sẽ chỉ được coi như một hình thức đàm phán trong chính sách đối ngoại.

Tuy nhiên, câu trả lời này sẽ đặt ra một câu hỏi thứ hai – nếu Biden đã không tranh cử Tổng thống thì Trump liệu có yêu cầu điều tra không? Khả năng có lẽ cũng là không; trong một cuộc gọi điện thoại khác giữa Zelensky và Trump vào tháng 4.2019, Zelensky đã có thể vô tình đưa cho Trump một thứ có thể được dùng để đàm phán với Ukraine; khi bày tỏ mong muốn được Mỹ hỗ trợ cho nhiệm kỳ tổng thống của Zelensky, thứ mà có thể đạt được qua một chuyến thăm chính thức.

Câu chuyện đó đã diễn ra trong khoảng cùng với thời gian Biden đã chính thức tuyên bố chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, sau nhiều tháng suy đoán rằng Biden có khả năng thành ứng cử viên Dân chủ hàng đầu.

Từ đó, Trump và Rudy Giuliani, luật sư riêng của ông, có thể đã bắt đầu lên kế hoạch để sử dụng những mong muốn của Ukraine cho sự hỗ trợ của Mỹ này để thúc đẩy Ukraine tiến hành các cuộc điều tra nhằm làm suy yếu chiến dịch tranh cử của Biden. Sự liên quan của Ukraine đươc cho là do Biden, khi đó là Phó Tổng thống Mỹ, đã gây áp lực đối với Ukraine để sa thải công tố viên Ukraine, một người bị cộng đồng quốc tế coi là kém hiệu quả và có nhiều dính dáng tới tham nhũng, và lúc đó đang điều tra về Burisma; một công ty năng lượng Ukraine mà Hunter Biden đang là thành viên Hội đồng quản trị.

Phạm Vũ Thiều Quang

Sinh viên Khoa học chính trị và Quan hệ quốc tế

Đại học Leiden, Hà Lan

Còn nữa

Nguồn: Tuần Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây