Trang chủ Quốc tế Dòng Mekong kêu cứu

Dòng Mekong kêu cứu

158
0

Mực nước sông Mekong đã xuống mức thấp nhất trong vòng 100 năm qua vào trung tuần tháng 7/2019.

Dòng Mekong kêu cứu

Dòng Mekong kêu cứu

Là một trong 10 con sông lớn nhất trên thế giới bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc, Mekong có chiều dài hơn 4800km và diện tích lưu vực gần 800 ngàn km2 và là nguồn nước cho hàng chục triệu người thuộc 6 quốc gia là Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Hàng chục nghìn năm qua, Mekong vẫn trôi cùng với dòng nước ngọt, phù sa và thuỷ sản để nuôi sống con người. Nhưng giờ đây, cũng chính vì con người, Mekong đã không làm nhiệm vụ của thiên nhiên giao cho nữa.

Dòng Mekong kêu cứu

Các đập trên dòng chính của Mekong (nguồn International Rivers)

Mực nước sông Mekong đã xuống mức thấp nhất trong gần 100 năm qua vào trung tuần tháng 7/2019. Trong lúc tình trạng khô hạn vẫn tiếp diễn, mực nước sông Mekong giảm khoảng 10-20cm mỗi ngày.

Mực nước tại tỉnh Nakhon Phanom, Đông Bắc Thái Lan được đo vào ngày 19/7 chỉ vào khoảng 1,5m, thấp hơn điểm tràn nước trên bờ khoảng 11m. Trong khi đó, mực nước tại tất cả các phụ lưu của sông Mekong, bao gồm Nam Oun, Nam Songkhram và Nam Kam cũng ở mức rất thấp. Mực nước trong các hồ chứa lớn tại 12 huyện của tỉnh Nakhon Phanom hiện chỉ ở mức 10-20% công suất.

Mekong đã khát, theo Uỷ hội sông Mekong, có ba lý do chính khiến nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục trong đó các con đập trên dòng chính của con sông này trở thành lý do chủ yếu. Các con đập khiến dòng chảy yếu từ thượng nguồn. Khi lượng mưa tại thượng nguồn thấp, các con đập sẽ giảm lưu lượng xả. Cộng với thời tiết khô hạn và lượng mưa thấp chính là ba nguyên nhân chủ yếu khiến những đoạn sông tại biên giới Thái Lan, mực nước giảm tới mức người dân có thể tự đi bộ trên lòng sông sang bên kia nước Lào.

Dòng Mekong kêu cứu

Mekong Butterfly, nhóm dân sự Thái Lan chuyên nghiên cứu tác động của những con đập được xây dựng dọc sông Mekong (Trung Quốc gọi là Lan Thương), hôm 21/7 cho biết 8 con đập ở Trung Quốc là “thủ phạm” chính khiến mực nước sông xuống thấp kỷ lục, gây khó khăn cho người dân các nước sinh sống ở vùng hạ lưu.

Dựa trên các nghiên cứu, nhóm khẳng định các đập Trung Quốc đã chặn tổng cộng 40 tỷ m3 nước để sử dụng cho sản xuất điện, tưới tiêu và các mục đích khác, gây ra dòng chảy bất thường của sông.

Theo thống kê của Greater Mekong, tổng cộng số lượng đập và hồ chứa nước trên sông Mekong lên tới 364, trong đó 241 dự án đã hoàn thành 29 dự án đang xây dựng, 91 đang lên kế hoạch và chỉ có 3 dự án bị huỷ bỏ.

Dòng Mekong kêu cứu

Làng chài Tha Mahathat nằm bên bờ sông Mekong thuộc địa phận tỉnh Nakhon Phanom, vùng Đông Bắc Thái Lan, vùng nghèo nhất của quốc gia này. Làng chài này có khoảng 20 hộ dân với khoảng 50 nhân khẩu sống chủ yếu dựa vào nguồn cá từ sông Mekong. Tuy nhiên, trong năm nay mực nước sông xuống quá thấp khiến người dân tại đây gặp nhiều khó khăn trong việc đánh bắt cá.

Dòng Mekong kêu cứu

“Đánh bắt cá bây giờ rất khó, vì không có cá nữa. Ngày trước không bao giờ có chuyện này xảy ra. Lâu lắm rồi, tôi mới thấy mực nước giảm như thế này, cũng khoảng phải khoảng 20 năm. Nước từ phía trên kia, từ Trung Quốc và Lào không đổ xuống vì những con đập. Tôi làm nghề này lâu lắm rồi, hơn 50 năm. Cứ tình trạng khô hạn như thế này, đánh bắt không được, chúng tôi không biết phải làm gì để sinh sống”, ông Praseat, một ngư dân tại làng Tha Mahathat nói.

“Tôi vốn làm nghề đánh bắt cá, nhưng có thêm nghề làm vườn. Bây giờ không có cá, tôi không biết phải làm như thế nào, nhưng chắc sẽ phải đổi nghề hoặc quay về nghề làm vườn, làm ruộng thôi. Ngày trước đánh bắt cá dễ dàng hơn, thu nhập được khoảng 400-500 baht mỗi ngày, nhưng bây giờ thì không có cá nữa”, Cayson, một ngư phủ 46 tuổi cho hay.

Dòng Mekong kêu cứu

“Những con cá to không còn đâu, nước sông xuống thấp như này hơn một tháng nay, trời không mưa 3 – 4 tháng nay, tôi biết cả nước đổ xuống từ Trung Quốc không có. Mọi năm tình trạng không đến mức như này”, Boo, một nhân viên nhà hàng bên bờ Mekong nói.

Những ngư dân tại làng Tha Mahathat giờ chỉ biết ngồi trên chiếc thuyền trơ trọi trên bờ mà chờ đợi.

Dòng Mekong kêu cứu

Văn phòng Tài nguyên nước Thái Lan đã đề nghị phía Lào ngừng hoạt động thử nghiệm đập thuỷ điện Xayaburi, ông Somkiat Prajumwong, Tổng thư ký văn phòng này cho biết, việc thử nghiệm đập Xayaburi khiến tình trạng tệ hơn và khiến mực nước càng ngày càng giảm xuống. Phía Lào dự kiến chạy thử con đập này đến hết ngày 29/7 và phía Thái hy vọng lượng nước được cải thiện.

Ngoài ra, nước này cũng chỉ biết chờ đợi phía Trung Quốc “ban phát” cho nước bằng việc tăng mức xả tại các đập thượng nguồn. Nhưng tại chính đập Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam lưu lượng xả đã giảm một nửa với lý do bảo trì lưới điện.

Dòng Mekong kêu cứu

Đập Cảnh Hồng (Vân Nam, Trung Quốc)

Năm 2016, tình trạng hạn hán kéo dài tại vùng Đông Bắc, phía Thái Lan cũng đã có những động thái hút nước từ chính Mekong để đưa vào hệ thống thuỷ lợi của mình. Nhưng năm nay, nước tại Mekong cũng không còn để mà hút.

Và cũng không thể phủ nhận đi một thực tế là Thái Lan hiện là nước hữu nhiều hồ chứa thuỷ nông nhất trong khu vực với 142 công trình.

Dòng Mekong kêu cứu

Cũng chính các con đập tại Lào đã sản xuất ra điện để phần lớn bán cho phía Thái, phía Thái cũng là chủ đầu tư của rất nhiều nhà máy thuỷ điện trên các con đập này. Điển hình nhất là con đập Xayaburi của Lào nhưng được phát triển bởi CH Karnchang, một công ty của Thái Lan và 95% sản lượng điện sản xuất ra sẽ được xuất vào Thái qua đường bán cho Egat.

Paritta Wangkiat, một nhà báo của tờ Bangkok Post chỉ ra, Thái Lan đang sử dụng điện ở mức cao kỷ lục, tăng gần 1,5 lần trong 10 năm qua. Các ngành công nghiệp và dịch vụ tiêu thụ điện năng cực lớn. Việc phải bổ sung các nhà máy điện ở Mekong được coi là chìa khoá để phát triển kinh tế khu vực nhưng nó lại tác động ngược trở lại môi trường.

Dòng Mekong kêu cứu

Kể từ những năm 1990 khi các con đập đầu tiên được Trung Quốc xây ở thượng nguồn, phía hạ lưu Mekong đã phải gánh chịu những biến động bất thường của nước.

Các nhóm hoạt động đã trao một kiến nghị lên Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Thái Lan (NHRC) trong đó kêu gọi chính phủ các nước ven sông Mekong xem xét lại những dự án xây đập trong thời gian tới.

Kiến nghị này được Mạng lưới bảo tồn sông Mekong ở miền Bắc trao cho NHRC hôm 21/7 tại một diễn đàn được tổ chức ở tỉnh Chiang Rai về tác động của các con đập trên sông Mekong. Điều phối viên mạng lưới này, ông Somkiat Khuanchiangsa, nói rằng Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia phải tìm ra một giải pháp nhằm hạn chế tổn hại đối với hệ sinh thái gây ra bởi 11 con đập đang hoạt động và 11 con đập khác sẽ được xây dựng ở hạ Mekong.

Dòng Mekong kêu cứu

Ngư dân ở Chiang Rai kêu gọi ngừng xây dựng đập.

“Các vấn đề đã xuất hiện và chứng tỏ rằng việc phát triển các đập thủy điện trên sông Mekong là không chắc chắn. Nếu chính phủ các nước này có thể giải quyết những thất bại đó, trường hợp quản lý sông Mekong sẽ trở thành một mô hình đối với thế giới về phát triển bền vững”. Các con đập đã được xây dựng ở đoạn phía dưới của sông Mekong chủ yếu ở Trung Quốc và Lào, ông Somkiat nói.

Bà Pianporn Deetes đại diện cho nhóm Các dòng sông Quốc tế nói rằng việc mực nước sông giảm mạnh và tác động đến hệ sinh thái tiếp theo như hạn hán và hủy diệt cá ở sông Mekong “sẽ trở thành bình thường” nếu một loạt các đập thủy điện như đập Xayaburi bắt đầu vận hành trong 3 thập niên tới.

Bà Pianporn hối thúc chính phủ các nước ven sông và các công ty vận hành đập đưa ra những biện pháp ngăn chặn và những kế hoạch giảm nhẹ tác động. “Công ty vận hành đập Jinghong ở Trung Quốc cần phân tích lượng nước trên sông Mekong và các phụ lưu trước khi điều tiết dòng chảy và phải làm việc đó cẩn thận vì con đập này chỉ cách tỉnh Chiang Rai có 360km,” bà Pianporn nói.

Theo bà Pianporn, đối với đập Xayaburi ở Lào, nhà vận hành chỉ nên thử nghiệm khi có đủ lượng nước trên sông Mekong. Công ty xây dựng CH Karnchang của Thái Lan là cũng là một nhà đầu tư trong dự án này và sẽ bán điện cho Công ty điện lực quốc gia Thái Lan từ tháng 10 tới. “Công ty điện lực Quốc gia Thái Lan phải nhận thấy rằng nước trên sông Mekong đang khan hiếm… cá trên sông sẽ dần dần bị hủy diệt,” bà Pianporn nhận xét.

Trong khi đó, tờ The Nation dẫn lời các chuyên gia về môi trường nhận định việc mực nước sông Mekong xuống rất thấp do các dự án thủy điện đã làm cho cá chết hàng loạt và làm tăng nguy cơ tuyệt chủng hàng loạt của sinh vật dưới nước trên toàn bộ lưu vực sông Mekong.

Các chuyên gia này cho rằng tình trạng mất đa dạng sinh học đang tiếp diễn ở lưu vực sông Mekong đang đặt ra một mối đe dọa lớn đối với an ninh lương thực và cuộc sống của hàng trăm triệu người dân trong khu vực. Narit Art-harn, một đại diện cho những người địa phương tại huyện Bung Khla thuộc tỉnh Bueng Kan, cho biết: “Chúng ta đang phải đối mặt với một tình hình khác thường, thay vì lũ lụt theo mùa thường thấy vào thời điểm này trong năm, chúng ta giờ đây gặp phải hạn hán, điều tồi tệ cho cả người dân và hệ sinh thái,”.

Theo ông Narit, mặc dù các ngư dân ở Bueng Kan có thể bắt được nhiều cá hơn do mực nước sông xuống rất thấp, nhưng rất nhiều cá mà họ đánh bắt được là cá trứng vì thời điểm này là mùa sinh sản đối với rất nhiều sinh vật ở sông Mekong. Do đó, ông Narit rất lo ngại rằng đây có thể là mùa cuối cùng đối với ngư dân vì cá có thể sẽ sớm bị tuyệt chủng. Mực nước cực thấp đang giết chết cá, vì cá không thể bơi vào những phụ lưu để đẻ trứng trong các khu rừng và đầm lầy ngập nước, điều có nghĩa là toàn bộ một thế hệ cá sẽ biến mất.

Nội dung khi không có video

Chính phủ Thái Lan có những bước tiến tích cực hơn để bảo vệ người dân sinh sống dọc theo bờ sông Mekong và các phụ lưu từ những tác động xuyên biên giới gây ra bởi các đập thủy điện ở Trung Quốc và Lào. Nonn Panitvong, người sáng lập trang mạng Siamensis.org và là một chuyên gia nổi bật về cá nước ngọt, khẳng định cá trên sông Mekong là nguồn an ninh lương thực quan trọng nhất đối với người dân sinh sống trên khắp lưu vực sông.

Do đó, khi phớt lờ tổn thất nghiêm trọng đối với đa dạng sinh thái vì lợi ích của các đập thủy điện, các chính phủ trong khu vực đang đánh đổi những hệ sinh thái nuôi sống hàng chục triệu người lấy sự giàu có một một nhóm nhỏ các nhà đầu tư. “Khi họ (các nhà chức trách và nhà đầu tư) xây dựng những đập thủy điện mới, họ viện dẫn ổn định năng lượng là lý do, nhưng cuối cùng, người dân không thể ăn điện. Cá và rau xanh từ dòng sông mới thực sự là thức ăn của chúng ta”, ông Nonn nhấn mạnh.

Niwat Roikaew, trưởng nhóm bảo vệ môi trường Rak Chiang Khong ở tỉnh Chiang Rai, nói rằng ông sẽ sớm gửi một kiến nghị tới Đại sứ quán Trung Quốc ở Bangkok, nêu rõ về mực nước kỳ dị của sông Mekong và những tác động của các dự án thủy điện của Trung Quốc đối với người dân. “Nếu Trung Quốc muốn là một cường quốc, họ phải cải thiện các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường đối với tất cả các dự án của họ, nếu không phản hồi tiêu cực từ những dự án có hại sẽ ảnh hưởng tới danh tiếng toàn cầu của họ”, ông Niwat nhấn mạnh./.

Nguồn: VOV

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây