Trang chủ Tin tức Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật...

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

238
0

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Như một mối duyên lành, tôi biết đến câu chuyện về phóng viên chiến trường người Nhật Takano Isao qua một người quen tên Goto Katsuhiko ở Fukushima, Nhật Bản.

Ông Goto cùng nhóm bạn của mình là những người dành nhiều tình cảm sâu đậm cho Việt Nam.

Đầu tháng 10-2018 vừa qua, ông đã có chuyến đi đến Lạng Sơn. Trước khi đi, ông nhờ tôi dịch một tài liệu về Takano Isao mà cho đến một tháng sau, tôi có dịp gặp lại cái tên ấy qua bài “Nghiên cứu, giới thiệu văn học Việt Nam ở Nhật Bản”, tạp chí Khoa Học Xã Hội (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) số đặc biệt kỷ niệm 20 năm thành lập Khoa Việt Nam học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, 50 năm thành lập Khoa Việt Nam học và tiếng Việt Trường ĐH Quốc gia Hà Nội, tháng 11-2018 của PGS.TS Đoàn Lê Giang (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM).

Nay được phép ông Nakamura Goro, một phóng viên chiến trường gạo cội, tác giả bài viết về phóng viên Takano Isao, xin gửi đến bạn đọc Tuổi Trẻ bản dịch tiếng Việt.

Hi vọng rằng đây sẽ là tư liệu tham khảo cho những ai muốn tìm hiểu về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc ngày nào cũng như biết thêm một cái tên phóng viên chiến trường người Nhật khác ngoài Ishikawa Bunyo, Nakamura Goro… đã quá nổi tiếng.

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

TTO – Ngày 5-3, thông qua Tân Hoa xã, Trung Quốc tuyên bố “rút quân”. Cả thế giới đang tập trung sự quan tâm vào những động thái cụ thể trong việc “rút quân” của quân bành trướng Trung Quốc. Ngày 6-3, chúng tôi (phóng viên các nước) đều mừng khi có thể rời Hà Nội để đến tận đây.

Chúng tôi vào đến nội thành Lạng Sơn gần trưa ngày 7-3.

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Trên đường không một bóng người, gạch đá rơi ngổn ngang, những cành cây bị thổi bay đến cũng gãy đổ, vương vãi khắp nơi.

Hai dãy nhà bên đường đều bị phá hủy nặng nề, tố cáo rõ ràng sự kinh khủng của pháo kích quân Trung Quốc.

Hai chiếc xe jeep vừa tránh chướng ngại vật vừa chạy hết tốc lực. Chiếc xe tôi đi gồm các phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam (VNA), một tài xế và tôi. Tổng cộng 5 người.

Chiếc đi đầu có phóng viên Takano, đặc phái viên Hà Nội của báo Akahata (Nhật Bản), cán bộ Cục Báo chí Sở Ngoại vụ Việt Nam và người dẫn đường của tỉnh Lạng Sơn, tổng cộng 4 người.

Không thấy bóng dáng đội phóng viên của Thụy Điển, vốn đã vượt qua chúng tôi 15 phút trước để vào nội thành. Chỉ có tiếng động cơ ầm ì giữa thành phố tĩnh lặng.

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Khoảng 5 phút sau, chiếc xe dừng lại dưới một chân núi đá. Từ phía trước, một chiến sĩ Việt Nam đang ôm súng, lom khom tiến đến.

Cùng lúc, 2 – 3 người từ đâu lần lượt tiến lại: “Sao lại vào đến tận đây? Chúng tôi vừa giao tranh với biệt kích địch đấy. Địch vẫn còn ẩn nấp quanh đây”.

Ngay lập tức chúng tôi phóng lên xe jeep, chạy khuất vào vách núi đá.

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Ngọn núi ven đường cao sừng sững, động thạch nhũ kéo dài sâu tận bên trong. Nơi đây được đặt tên là chùa Tiên, một phần động trở thành Phật đường với tượng Phật được đặt kính cẩn bên trong.

Ngôi chùa như một nơi trú ẩn vững chắc của thiên nhiên trước mọi cuộc tấn công bên ngoài. Nơi đây còn có lịch sử oai hùng, như một cứ điểm chống lại sự xâm lăng của Trung Quốc thời phong kiến, Nhật Bản, Pháp, Mỹ.

Chúng tôi đã đến tận đầu tiền tuyến, lại còn ngay cuộc chiến giữa lòng thành phố. Còn nghe kể mới 3 ngày trước, quân Trung Quốc đã tấn công và ném cả lựu đạn vào đây. Bên trong đá bay tứ tung, tượng Phật bị bắn ra xa.

Leo lên trên xem thử thì thấy có một căn phòng nhỏ, lại có lỗ quan sát cả thành phố bên dưới. Thấy rõ lợn, gà thả rong trên những cánh đồng. Người dân đã di tản về phía Nam cùng lúc quân bành trướng Trung Quốc vượt sang biên giới Việt Nam.

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Quân Trung Quốc được bố trí khá đông. Quan sát phía bắc sông Kỳ Cùng thấy có mấy căn nhà khói bay nghi ngút. Phóng viên của VNA đứng bên cạnh giải thích đó là những căn nhà quân Trung Quốc tập trung xác lính để đốt.

Tôi thay ống kính 500mm đang vác theo bằng ống kính 1.000mm để chụp. Không thấy lính Trung Quốc nhưng những bóng người chuyển động mờ ảo trong làn khói thật kỳ dị.

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Chúng tôi vừa nghe ngóng tình hình bên ngoài từ trong động vừa chờ thời gian trôi qua.

Đặc phái viên Takano, vốn thành thạo tiếng Việt, vui vẻ trò chuyện với những người bạn Việt Nam: “Đã vậy rồi thì không còn cách nào khác nhỉ. Nhưng tại sao chúng ta lại rơi vào hoàn cảnh này?”.

Ngày 5-3, thông qua Tân Hoa xã, Trung Quốc tuyên bố “rút quân”. Cả thế giới đang tập trung sự quan tâm vào những động thái cụ thể trong việc “rút quân” của quân Trung Quốc.

Không cần phải nói cũng biết phóng viên các nước tập trung ở Hà Nội xem trọng cơ hội lấy tin nơi tiền tuyến như thế nào.

Ngày 6-3, ai cũng vui mừng khi có thể rời Hà Nội để đến tận đây.

Khi chúng tôi đến Đồng Mô, cách Lạng Sơn 36km về phía nam, nhóm phóng viên Thụy Điển đã lên đường. Sau đó, phóng viên các nước cũng lần lượt tập trung đến.

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Những tiếng nổ rền như tiếng sấm, mọi người lăn ra khỏi xe.

5 – 6 phát liên tục không nghỉ vang lên, những lần như vậy tôi cứ có cảm giác cơ thể nổi bồng bềnh. Đất lở, đá rơi lộp bộp trên đầu.

Rất may tuy gần sát như vậy nhưng do chúng tôi nằm sát mặt đất ngay trước khúc quanh đường lộ nên hình như mọi thứ đều rơi xuống bên kia ngọn núi.

Đài quan sát của quân Trung Quốc nằm ở trên ngọn đồi gần đó, pháo kích của họ thật chính xác. Đã như vậy rồi thì quay lại còn nguy hiểm hơn.

Chúng tôi leo lên xe lao hết tốc lực vào khu nội thành.

“Khi đạn pháo bay đến, tôi đang ôm đầu cuộn tròn người thì nghe tiếng cộp trước mặt, rờ thử thấy nóng rực. Cái đó mà rơi trúng đầu thì xong đời” – Takano nói.

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Trong động, Takano phát hiện hộp cơm đem theo trong balô vẫn còn: “Anh Nakamura này, có cơm hộp đấy. Ăn thôi”.

Chúng tôi bẻ bánh mì và thịt nguội bằng đôi bàn tay đầy bùn, cho vào miệng. May là còn lại một lon bia. Chúng tôi chia nhau mỗi người nửa lon. Những người bạn Việt Nam ăn từng chút một hộp cơm đem theo.

Mọi người ngồi trong hang, ai đó nói “không chừng cả đêm phải ở đây”.

Trước mặt, quân Việt Nam đang liên lạc với bộ đội hành động theo từng phân đội để nắm bắt tình hình trong thành phố.

“Nội chuyện hôm nay thôi cũng đủ viết 2 – 3 bài phóng sự. Tranh thủ viết thôi” – nói rồi Takano rút ra quyển sổ bìa đen, ngồi gần cửa hang để viết.

Chừng 20 phút sau, anh nói: “Xong rồi, không gửi ra Hà Nội được thì kẹt đấy”. “Trung Quốc đâu rút quân mà vẫn còn đây, phải gửi được trong hôm nay”, anh nửa đùa nửa thật. Trong hang làm gì có điện thoại cũng chẳng có vô tuyến: “Không có cách nào sao?”.

Mấy người bạn Việt Nam cũng cười: “Không được đâu”.

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

3 giờ trôi qua. Dường như có liên lạc từ phía quân Việt Nam, họ đưa ra kết luận có thể thoát ra được. Nếu cho rằng ban đêm lính Trung Quốc cũng hành động thì ở qua đêm tại đây cũng cực kỳ nguy hiểm.

Chúng tôi lên xe, quay lại đường lộ về thành phố. Tôi nhanh chóng chụp lại hình ảnh ga Lạng Sơn, trụ sở công an đã bị phá hủy nặng nề. Xe chạy dọc con đường chính, hướng về sông Kỳ Cùng.

Đang chạy, thình lình chiếc xe jeep của chúng tôi gặp trục trặc. Một cái móc sắt lăn lóc giữa đường kẹt vào trục xe khiến chiếc xe dừng lại giữa chừng.

Thức (?), tài xế của VNA, nhanh chóng nhảy xuống, chui xuống gầm xe. Chiếc xe jeep chở phóng viên Takano vẫn tiếp tục chạy thẳng.

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Thình lình tôi nhận ra cách mình chừng 3m, cậu tài xế vốn dĩ chui xuống gầm xe trước đó không chạy trốn kịp.

Đúng khoảnh khắc hai chúng tôi nhìn nhau ra hiệu thì cơ thể cậu ấy nảy lên. Sau đó cậu ấy hét lên tiếng gì đó.

Máu chảy đầm đìa từ phần mông cậu ấy, lúc đó vẫn đang hướng về phía tôi, chiếc quần nhuộm đỏ. Viên đạn đã xuyên thẳng vào người lái xe.

Nhìn về phía bên kia mặt đường rộng chừng 5m, có dãy nhà gạch đã đổ nát, nhóm phóng viên VNA gọi tôi từ sau đống gạch. Họ đã kịp chạy đến đó ngay những phút đầu tiên.

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Thanh (Thành? – một số tên gọi người dịch không rõ vì tên viết không dấu), cậu phóng viên giỏi tiếng Nhật của VNA, hét lớn: “Anh không bị thương chứ?”, “Đừng chạy khỏi chỗ đó”.

Mỗi lần cậu ấy ló người ra gọi về phía tôi là đạn của lính Trung Quốc lại tập trung về phía bức tường gạch. Phía địch rõ ràng là một lực lượng đông đảo gồm những tay súng thiện nghệ.

Chiếc xe jeep đỗ phía trước ra sao rồi? Tôi không thể ló mặt khỏi gốc cây có đường kính chỉ chừng 60cm. Cậu tài xế đang chảy máu nhiều hơn.

Tôi nhìn đồng hồ đeo tay, 3h25. Cơn mưa đạn kéo dài cũng phải 15 phút.

Khi tiếng đạn thưa hơn, cậu phóng viên biết tiếng Nhật lại hướng về phía tôi hét lớn: “Anh đến đây được không? Bên này an toàn hơn. Anh chạy hết tốc lực qua đây đi”.

Những người khác cũng gật đầu.

“Tôi không sao. Anh kiếm giùm sợi dây điện ném qua đây cho tôi. Tôi sẽ cột vào chân tài xế để các anh kéo”.

Nghe tôi nói vậy, anh lạc giọng ra lệnh: “Không được. Chúng tôi sẽ bảo vệ cậu ấy. Không được hi sinh nhiều hơn nữa. Trước tiên, anh còn di chuyển được thì đến đây”.

Tuy tiếng súng chưa tắt hẳn nhưng tôi quyết định rời khỏi gốc cây.

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Tôi đeo máy ảnh và túi xách lên người rồi canh thời điểm giữa những đợt súng bắn. Nếu đứng lên, sẽ bị lộ bởi phần trên nhỏ hơn phần gốc cây to bự.

Ở đây cũng nguy hiểm không kém, vừa nghĩ tôi vừa khom người, nín thở và dốc hết tốc lực chạy băng qua đoạn đường khoảng 5m.

Đúng lúc tôi kịp nhào vào sau bức tường gạch là tiếng đạn nổ pằng-pằng, chéo-chéo dồn dập, có mấy viên văng đến tận bức tường.

Hai người đi chung xe với phóng viên Takano cũng kịp quay lại, đang có mặt ở đó. Tôi hỏi lớn: “Takano đâu?”.

Thanh (Thành?) đứng bên cạnh tôi, trả lời: “Anh ấy ở đằng đó. Không sao cả. An toàn. Có thể bị đạn sượt ngang tai nhưng không sao. Anh đừng lo. Anh còn chạy được nên bây giờ sẽ cùng binh sĩ rời khỏi chỗ này rồi tìm cách liên lạc với ban chỉ huy quân Việt Nam.

Tôi sẽ ở lại đây, hợp sức với người của xe trước bảo vệ người bị thương”.

Một khi đã biết vị trí của địch thì nhóm ở lại hay nhóm chạy đi báo tin đều nguy hiểm. Nhưng không còn cách nào khác ngoài việc gọi bộ đội Việt Nam càng sớm càng tốt.

“Có lẽ cậu ấy bị thương nhẹ”, lúc ấy tôi đã nghĩ vậy.

5 người ở lại hiện trường. Nhóm rời đi có 4 người. Chỉ cần gọi được bộ đội Việt Nam ứng cứu.

Lúc đó tôi không ngờ Takano đã hi sinh. Tôi chạy theo 3 người phía trước. Không thể chạy trên đường vẫn còn đạn bay đến. Chỉ còn cách duy nhất chạy sau những bức tường, những ngôi nhà đã bị hư hỏng.

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Cứ chạy đến một ngôi nhà là nấp vào tường, lại chạy lại nấp.

Tôi hết nhảy tường rồi lại lao vào sau những bức tường đổ nát bằng sức mạnh đôi tay, đôi chân mà bình thường cũng khó hình dung được.

Cứ lặp đi lặp lại như thế một lúc lâu. Khoảng cách giữa 3 người đi trước có vẻ đã bị nới ra, người cuối cùng là tôi xem ra bị chậm.

Khi vượt qua được 1 bức tường đã vỡ của 1 căn nhà tôi khựng lại. Trên bức tường tiếp theo là những thanh sắt chĩa ra, hai bức tường trái phải hai bên đều không bị vỡ.

Đúng lúc tôi biết chỉ có một cái lỗ chừng 60cm ở góc trái và bị khựng lại thì nghe tiếng lạo xạo. Trực giác cho tôi biết có người đang cử động ở cách mấy căn phía sau bên trái.

Giờ chỉ còn cách chọn quay lại lộ trình lúc nãy hoặc tìm đường mới.

Tôi phán đoán trong tích tắc rằng quay lại sẽ cực kỳ nguy hiểm. Nếu chờ thì có khả năng bọn họ đã nhìn thấy lộ trình. Tôi chui qua cái lỗ ở góc trái và chạy hết tốc lực về hướng ngôi nhà bên tay phải.

Đúng lúc đó thì xảy ra chuyện. Tôi giẫm phải một tấm bảng rộng thủng lỗ chỗ khiến nó phát ra một âm thanh lớn đến nỗi tôi cũng kinh ngạc. Đứng tim. Gạch đá cũng lăn lông lốc trên đó.

Tôi lồm cồm đứng dậy, chạy. Vừa kịp nấp vào sau bức tường tiếp theo thì tiếng súng vang lên. Cự ly cực gần.

Tôi lại ra sức chạy. Nguy hiểm nhất là khi thân người bị ló ra trên bức tường. Tôi cứ cắm đầu cắm cổ chạy, cuối cùng cũng thấy được bóng lưng một người của Sở Ngoại vụ chạy phía trước.

Không nghe tiếng súng đuổi theo nữa. Tôi chạy tới bãi đất ruộng. Chẳng còn lá chắn nào nữa. Để an toàn, tôi khom người chạy. Tôi nghĩ mình đã chạy khoảng 1km dưới làn đạn từ địa điểm bị tấn công ban đầu.

Núi đá chùa Tiên hiện lên trước mặt. 3 người chạy trước đứng dưới chân vách đá, ra hiệu giục tôi nhanh nhanh. Đúng lúc đó lại nghe tiếng đạn pháo đến gần.

Đoàng, phát đầu tiên đã đến. Chúng tôi xác nhận với nhau vẫn an toàn. Xung quanh chừng 6 phát nổ liên tục. Chờ đến lúc lắng lại tất cả men theo vách đá di chuyển ra sau.

Và chúng tôi vào cửa hang, gặp được bộ đội Việt Nam.

Ngay lập tức, mười mấy chiến sĩ xuất quân. Có cả người chạy đi báo cáo tình hình với sư đoàn.

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Người của Sở Ngoại vụ và VNA đã chờ tôi bên trong.

Không biết đội cứu viện đã đến được hiện trường chưa? Phóng viên Takano ra sao rồi? Không có liên lạc gì cả.

Tôi hỏi đi hỏi lại người của Sở Ngoại vụ bằng tiếng Anh nhưng câu trả lời lúc nào cũng giống nhau: “Đừng lo. Anh ấy sẽ về đến thôi. Sẽ đến thôi, anh chờ đi. Bộ đội sẽ quay lại khi trời tối một chút. Lúc đó, họ sẽ về cùng với nhau”.

Đã 3 giờ trôi qua. Đồng hồ đeo tay của tôi chỉ gần 7h (tối). Lúc tiếng pháo kích giảm hẳn, tôi đứng gần cửa hang thì thấy có mấy bóng đen. Họ đã về đến.

“Ôi, Takano, ổn chứ?”. Không có tiếng trả lời. “Takano à!”. Lúc đó, một người tiến lại gần ôm chặt vai tôi: “He was killed instantly (Anh ấy đã bị giết ngay lập tức)”.

Không tin lời anh ấy, tôi hỏi lại lần nữa. “Anh ấy đã bị giết. Chết tại chỗ”, anh trả lời bằng một giọng thật thấp và vẫn ôm chặt vai tôi.

Không thể tin được. Takano đã bị bắn xuyên qua thái dương ngay đợt súng đầu tiên. Tôi bám vào anh ấy. Anh ấy khóc ngay bên tai tôi.

Một lúc sau, khi anh ấy rời khỏi vai, sự sợ hãi, nỗi buồn đau và tiếc nuối cùng nhau ập đến, dâng trào trong lòng tôi. Tôi lại ôm chặt anh ấy khóc nức nở.

Lúc ấy, tôi bất chợt nhận ra một điều kỳ lạ.

Chẳng phải họ đã nói đi nói lại với tôi “đừng lo lắng”, “không sao cả” còn gì? Giữa chừng đã xảy ra chuyện gì? Đã xảy ra chuyện gì trên đường đi tới đây? Hay cậu ấy bị thương, không di chuyển được rồi bị viên đạn chí mạng đó?

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Nghĩ vậy, lồng ngực tôi nóng ran. Tôi chụp lấy Kha (?), người của Sở Ngoại vụ, hỏi: “Anh nói rõ xem chuyện gì đã xảy ra?”.

Anh ấy nói nhẹ nhưng rõ ràng: “Tôi đã làm một việc đáng tiếc. Chúng tôi đã nói dối anh từ đầu đến giờ. Khi bị viên đạn đầu tiên bắn trúng, anh ấy đã chết ngay lập tức. Chúng tôi đã biết từ đầu.

Ngay khi nghe tiếng súng, anh ấy đã nấp sau xe jeep. Và sau đó ôm máy ảnh hướng về kẻ địch ngay trước mặt chúng tôi. Viên đạn bay xuyên qua thái dương. Máu không chảy nhiều lắm nhưng óc thì đã bay ra ngoài.

Nhưng lúc đó, còn một người Nhật là anh đang tránh đạn ở gốc cây bên đường. Chúng tôi nghĩ nếu cho anh biết về cái chết của anh ấy ngay tại đó, có thể anh sẽ đánh mất năng lực phán đoán và chắc gì không có một sự hi sinh khác nên đã quyết định nói dối anh. Và nói với anh rằng anh ấy vẫn ổn.

Mong anh tha thứ cho chúng tôi”.

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Cậu phóng viên giỏi tiếng Nhật tên Thanh (Thành?) cũng đã về đến, nói như xin thứ lỗi: “Lát nữa anh hãy xem thi thể anh ấy. Anh sẽ biết được anh ấy chết ngay lập tức vì viên đạn xuyên thái dương.

Sau khi các anh xuất phát, nhóm ở lại chúng tôi đã cố gắng khiêng thi thể của anh ấy vào khu vực an toàn. Cậu tài xế bị thương cũng thoát khỏi gầm xe an toàn. May mắn là không có thêm cái chết nào.

Súng bắn kéo dài khoảng 2 tiếng. Lúc đó, chúng tôi vừa bảo vệ thi thể anh ấy, vừa cố chờ quân cứu viện.

Địch gia tăng tấn công bằng pháo kích cự ly gần. Rất gần. Tất cả xác định mình đã chết. Mỗi lần 5 – 6 phát mà 10 lần liên tục như vậy. Trong đó một phát rơi ngay chỗ chiếc xe jeep của phóng viên Takano. Capô xe bị phá hỏng. Bức tường gạch chúng tôi nấp thủng lỗ chỗ, gạch vỡ rơi đầy.

Một khoảng thời gian dài. Cuối cùng bộ đội phòng vệ cũng đến. May là lúc này không ai bị thương. Chúng tôi định đợi đến tối mới hành động để bảo vệ thi thể anh ấy an toàn.

Khoảng 6h30, chúng tôi đặt thi thể của anh ấy vào sau chiếc xe jeep, để khỏi phát ra tiếng động mọi người cùng đẩy xe, rời khỏi hiện trường. Mãi mới giấu được cả chiếc xe sau vách núi an toàn này.

Giờ bộ đội đang chia nhau tản ra xung quanh bảo vệ chiếc xe trong đêm tối không để quân địch ném lựu đạn vào”.

Pháo kích Trung Quốc bắt đầu đổi hướng, nhắm vào xung quanh núi đá. Tôi xin được đi gặp Takano ngay, nhưng mấy anh bộ đội không cho phép: “Tình hình này mà lần ra ngoài, vòng ra sau núi đá có nghĩa là có thêm hi sinh. Anh nhất định không được rời khỏi hang”.

Ngồi dựa lưng vào vách đá, tôi lắng nghe tiếng đạn pháo bằng tất cả dây thần kinh. Tôi không thể nào đụng đến chén cơm mới nấu do một chiến sĩ đem đến.

Nhìn chén cơm đặt trước ngọn đèn nhỏ, tôi bất giác ứa nước mắt. Đêm nay, chỉ có tôi có thể thức canh anh ấy. Gia đình, đồng nghiệp có nằm mơ cũng không thể nghĩ Takano đã bị giết chết và đang yên giấc sau núi đá thế này.

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Cậu tài xế bị thương và người của Sở Ngoại vụ đến gần tôi, vừa ra hiệu vừa kể lại chuyện Takano ra sau xe jeep cầm máy ảnh tác nghiệp và bị bắn vào đầu.

“Anh ấy nói tiếng Việt thật giỏi. Tôi thật không thể nào quên được hình ảnh anh ấy cầm máy ảnh hướng về phía địch. Một phóng viên dũng cảm. Một cái chết anh hùng”, anh kể.

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Trong khoảng thời gian đó, một đại đội lính Việt Nam lần lượt tập kết. Nghe tin Takano hi sinh, cả sư đoàn trưởng cũng vượt núi đến đây. Binh sĩ đã triển khai đội hình quanh núi, chuẩn bị đánh đuổi biệt kích Trung Quốc.

Mục tiêu tác chiến của sư đoàn là “phải đưa được tôi và thi thể Takano đến vùng an toàn trong đêm nay”.

Hơn 12h đêm, quyết định được đưa ra. Chúng tôi sẽ không băng qua nội thành mà đi bộ vào ngọn núi phía sau, cho đến sáng, đến địa điểm cách Lạng Sơn 5km. Có 2 người lính bảo vệ đi theo. Đi ít người an toàn hơn.

Khoảng 3 giờ sau, tức 4h sáng, thi thể Takano sẽ được chở bằng xe jeep sau khi bố trí bộ đội trong nội thành. Nếu địch có tấn công thì xe tăng quân Việt Nam sẽ vào nội thành quyết tử và chất lên đó chở đi.

Phải có phương pháp tối đa để bảo vệ thi thể, nhất định không bị tổn thương.

Trong hang động, nửa đêm như vậy, sư đoàn trưởng ra quyết định và bắt đầu bố trí binh lính. Tôi được lệnh chuẩn bị xuất phát ngay.

Chiếc áo khoác trắng của dân chụp ảnh bị bắt cởi ra, chỉ còn chiếc áo thun có cổ màu xanh đen trên người. Tất cả mọi thứ nổi bật, cả thuốc lá, đèn pin cũng đều bị cấm.

Phải băng qua núi trong màn đêm, khi ánh trăng cũng đã tắt, mà không gây ra tiếng động. Chúng tôi (tôi, người của Sở Ngoại vụ, phóng viên VNA) giữ khoảng cách, đi theo hàng.

Chúng tôi qua được nhà dân, băng qua đồng, mò mẫm men theo con sông dưới thung lũng, vừa đi vừa lắng nghe động tĩnh của biệt kích Trung Quốc.

Chỉ cần nghe một tiếng động khả nghi là lập tức đứng im, nín thở. Mồ hôi trên trán nhỏ giọt, cùng nước mũi chảy xuống cằm. Nếu cảm thấy khả nghi là yên lặng rút lui lại. Chúng tôi vừa gỡ dây leo vừa đi và phải quay lại 3 lần như thế.

Thỉnh thoảng, tiếng pháo kích từ xa vọng lại. Vừa âm thầm, vừa phải gấp rút,  nếu không sẽ gặp nguy hiểm.

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Khoảng 3h sáng, khi cảm thấy đã vượt qua được đỉnh núi, chúng tôi vào ngọn núi bên tay phải và đến được căn cứ quân Việt Nam.

Khoảng 1 giờ ở yên trong đó, chúng tôi lại xuất phát. Toàn đường dốc nghiêng, thỉnh thoảng trượt chân lăn xuống, rồi lại đuổi theo bóng đen của người đi trước mặt.

Rồi cũng vào được khu vực tương đối an toàn. Bên sườn núi phía trước là 2 chiếc xe tăng không mở đèn của Việt Nam lầm lũi tiến về phía thành phố Lạng Sơn. Kế hoạch tác chiến giải cứu thi thể Takano bắt đầu.

Cuối cùng chúng tôi cũng có thể đi trên đường lộ. Ai nấy đều im lặng bước. Phía trước, ánh đèn pin nhấp nháy. Là quân Việt Nam. Chúng tôi đã thoát được đến nơi an toàn.

Đã đến giờ dự định di chuyển thi thể phóng viên Takano. Trên tấm phản dài trong nhà một người dân, nơi tôi được một người lính dẫn đến, tôi nhìn đồng hồ.

Lúc đó, lại nghe tiếng đạn pháo của quân Trung Quốc, tiếng pháo kích tập trung hướng nội thành Lạng Sơn.

Trời sáng, đã quá thời gian dự định nhưng vẫn không thấy xe xuất hiện. Chúng tôi bắt đầu di chuyển về phía nam trong cảnh giác. Phải thông báo cho mọi người biết tất cả sự tình càng sớm càng tốt.

Chỉ có Đồng Mô cách đó 35km về phía nam là có thể liên lạc với Hà Nội.

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Chúng tôi giang rộng tay giữa đường chặn chiếc jeep đang leo dốc định thương lượng mượn xe. Nhìn vào bên trong thấy có cả người nước ngoài. Thì ra họ là đặc phái viên từ Hà Nội đến.

Khi thấy chiếc xe jeep sau đó chở phóng viên Yoshinaga của Nihon Dempa News, phóng viên Ikawa của Asahi Shimbun, tôi cảm giác như mình khuỵu xuống tại đó.

Tôi vừa khóc vừa kể. Sau đó cố gắng bình tĩnh thuật lại sự việc đau lòng cho chi cục trưởng Miyamoto (ủy viên trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản) của Akahata ở Hà Nội.

Thi thể Takano vẫn chưa được đem về. Nghĩa là pháo kích vẫn đang tiếp diễn. Sang buổi chiều, khi tiếng đạn pháo trở nên yên ắng, tôi lên xe jeep, vào nội thành Lạng Sơn trong cảm xúc mạnh mẽ.

Tuy cảm nhận có thể gặp nguy hiểm lần nữa nhưng tôi chỉ mong muốn thấy được thi thể anh ấy.

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Vừa vào đến thì nghe nói 1 giờ trước, thi thể Takano đã được chở đi bằng xe cấp cứu cùng người chịu trách nhiệm bên quân đội. Chiếc xe jeep định dùng để chở hôm qua bị đạn làm thủng bình xăng, không sử dụng được.

Chúng tôi lập tức quay đầu đuổi theo xe cấp cứu.

Trước khi vào Đồng Mô, chúng tôi mới đuổi kịp xe.

Thi thể Takano đã được quấn bằng vải trắng, nằm trong xe. Tôi nghẹn ngào khóc, thử vuốt mặt anh qua lớp vải.

Không thể nói gì được vào lúc ấy, tôi ngồi bên anh ấy, cùng anh quay lại Hà Nội.

Buổi tối trước khi vào Lạng Sơn, khi cả hai định nằm ngủ trong ngôi nhà tranh ở Đồng Mô, Takano đã nói “xin lỗi anh nhé” và lôi chiếc túi ngủ yêu quý ra, rúc vào đó.

Cái dáng ngủ đó chẳng khác gì nhau. Và chúng tôi lại đang hướng về Hà Nội. Nhưng bây giờ anh ấy không nói gì nữa. Cũng không thức dậy nữa.

Một người trung thực, thành thật, căm ghét sự dối trá như phóng viên Takano đã bị viên đạn ác nghiệt của quân bành trướng Trung Quốc bắn gục trong sự dối trá về việc rút quân của họ.

Khép lại cuộc đời một đặc phái viên của Akahata, và hơn cả là một phóng viên xuất sắc bậc nhất, anh ấy đã yên giấc ngàn thu.

Tuần thất đầu tiên, trưa 13-7, cùng gia đình của Takano đến Hà Nội để nhận di cốt, tôi vào phòng của anh ấy trong khách sạn Thống Nhất.

Căn phòng còn nguyên như khi xuất phát. Cả chiếc bàn anh ấy luôn ngồi viết báo.

Khi thấy bức ảnh màu của gia đình trưng trên bàn, cô bé Emi (5 tuổi) nói: “Sao Emi lại ở đây? Tại sao?”. Cô bé vẫn chưa hiểu được sự ra đi của cha mình.

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Vợ anh, chị Michiko, ngồi thẫn thờ, tay giữ chặt khung hình, không nói gì.

Anh ấy đã yêu gia đình từ tận trái tim mình. Chúng tôi thường đùa chọc anh ấy “lại vênh váo mình tình cảm nhất rồi”.

Và chắc chắn, tình cảm dành cho gia đình càng sâu đậm bao nhiêu thì sự căm ghét đối với những gì chà đạp lên tình yêu đó càng lớn bấy nhiêu.

Việt Nam, một đất nước nhiều năm chiến đấu với quân xâm lược Mỹ, nay hạnh phúc vừa có lại bị quân bành trướng Trung Quốc chà đạp tàn nhẫn. Sự phẫn nộ của Takano dành cho quân xâm lược thật đúng với tính cách của anh.

Tôi đứng đó, trong nỗi căm hận kẻ giết anh không thể nào diễn tả được. Và cho dù Trung Quốc có xin lỗi đi nữa, cũng không thể tha thứ.

Dứt khoát không được để cái chết của một phóng viên xuất sắc trở thành vô nghĩa. Và chắc chắn, ý chí để lại của Takano cũng nằm ở đó.

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

10 ngày sau khi Takano mất, ngày 17-3, tôi lại đến thành phố Lạng Sơn. Cho đến lúc đó tâm trạng “tóm lại đã xảy ra chuyện gì?” trong tôi vẫn chưa thể biến mất.

Ôm một bó hoa, lon bia và hộp thuốc lá Seven Star anh ấy rất thích, tôi đến hiện trường. Quân bành trướng Trung Quốc đã rút lui về bên kia biên giới, Lạng Sơn không còn mùi khói lửa chiến tranh nhưng quanh thành phố là một cảnh hoang tàn không lời nào tả xiết.

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Nơi phóng viên Takano bị bắn vào thái dương bên phải và hi sinh nằm trên đường trước văn phòng ủy ban.

Nhìn vết máu thấm mặt đường đen sẫm, tôi không thể nào cầm lòng, ngực như bị đè chặt.

Vết máu kéo dài từ giữa đường đến vệ đường và biến mất dưới đám lá khô. Trên mặt đường đầy lá cây, cành cây rơi vãi. Có ai đó đã dùng gạch vụn đánh dấu, như để không ai giẫm vào đó.

Đặt bó hoa và mấy món đồ lên mặt đường, tôi chắp tay. Một binh sĩ từ đâu xuất hiện, đặt vào đấy một cành hoa hồng. Những người lính đi ngang đó lần lượt dừng lại mặc niệm.

Cái chết của phóng viên Takano gây xúc động mạnh mẽ đến mức có lẽ lúc đó không còn người Việt Nam nào là không biết Takano.

Tôi nghĩ đến những giây phút cuối cùng của anh ấy. Hành động tác nghiệp dũng cảm của anh ấy trong làn đạn xứng đáng được ca ngợi.

Nhưng liệu chỉ là lòng dũng cảm đơn thuần? Tại sao anh vẫn dứt khoát hành động như vậy, vẫn lựa chọn làm một phóng viên chiến trường dù phải đánh đổi cả sinh mạng của mình?

Takano từng nói “thật khó tha thứ” khi nói về cuộc chiến xâm lược Việt Nam của quân bành trướng Trung Quốc.

Anh ấy cũng từng ở Việt Nam, ngày ngày ra vô hầm trú ẩn trong những năm Mỹ ném bom miền Bắc. Hẳn là giữa bom đạn, trong ống kính máy ảnh của anh là hình ảnh của kẻ địch, những kẻ đã chà đạp lên đạo lý và sự thật.

Khi định nói “vợ con cậu từ Tokyo đến đón đấy”, giọng tôi nghẹn lại trong cổ. Những người lính xung quanh đặt nhẹ tay lên cánh tay tôi.

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Chiếc xe jeep không còn ở hiện trường nơi Takano hi sinh nữa. Chỉ còn lại tấm kính trước bị vỡ, vết dầu loang, nhờ đó mà định được vị trí.

Dấu tích mưa đạn sau đợt súng đầu tiên còn hằn rõ trên mặt đường xung quanh. Cách đó chừng 10m rơi vãi những viên đạn không nổ trên nền ximăng.

Bọn địch phục sẵn từ 2 địa điểm, một là bờ bên kia sông Kỳ Cùng cách 300m và một chỗ cách chiếc xe jeep 70m.

Từ bên kia sông Kỳ Cùng, chúng dùng súng máy, còn từ tầng 2 tòa nhà Ủy ban hành chính cách đó 70m, nhóm lính Trung Quốc (3 – 4 người) dùng AK. Đương nhiên, tòa nhà cũng đã bị chính tay họ phá hủy.

Lần này, tôi gặp được người lính Việt Nam đã chứng kiến thời điểm Takano bị phục kích tại một nơi gần hiện trường và hỏi được nhiều điều cụ thể.

Nghe kể lúc đó anh cũng bị thương cánh tay trái vì lính Trung Quốc phục kích nhưng vẫn bắn trả. Anh đã nhập viện.

“Đợt súng bắn đầu tiên là từ bên kia bờ sông. Tôi đã thấy rất đông lính Trung Quốc. Không lâu sau, từ phía cửa sổ tầng 2 tòa nhà Ủy ban hành chính, địch nã đạn về hướng chúng tôi. Nhìn nón chúng di chuyển, chúng tôi đoán là một phân đội.

Khi bị thương cánh tay trái, tôi nhận ra phóng viên Takano sau chiếc xe jeep buông máy ảnh, ngã lăn ra. Anh chết tại chỗ. Tôi không thể nào quên được hình ảnh ôm máy ảnh hướng về phía địch của anh ấy. Tôi, tôi không thể nào quên được sự dũng cảm ấy”.

Ngày hôm sau, người lính ấy xuất viện, cánh tay vẫn còn vết tích của viên đạn.

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Tôi cũng đã đến nơi lính Trung Quốc tập trung ở bờ bên kia sông Kỳ Cùng.

Vỏ đạn súng máy còn chất đống trên miệng hào. Vị trí đó nằm thẳng ngay đường Quang Trung. Dù nói là bờ bên kia nhưng vẫn thuộc Kỳ Lừa, Lạng Sơn – nơi tập trung chợ búa, nhà máy là bờ bên này.

Luận điệu dối trá “lúc ấy, quân Trung Quốc không có mặt ở Lạng Sơn” khiến lòng tôi trỗi dậy sự tức giận không thể nào kiềm nén. Rõ ràng chúng tôi đã bị nhắm bắn từ khoảng cách trên 1km bằng súng máy.

Chẳng phải chiếc xe jeep chở tôi đi sau xe của Takano chừng 100m cũng đã phải hứng loạt đạn kinh hoàng, cậu tài xế nằm dưới xe lúc ấy còn bị bắn trúng mông đó sao? Những loạt đạn nhằm vào gốc cây tôi nấp chẳng phải như mưa đấy sao?

Thành phố Lạng Sơn đã yên tĩnh trở lại, không còn tiếng pháo, tiếng súng. Và đặc phái viên Takano không còn nữa. Nhưng hoa vẫn lần lượt được đặt ở nơi anh đã hi sinh trong lúc tác nghiệp.

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Mỗi lần nhìn thấy những người lính Việt Nam cúi đầu trước vong linh người đã khuất, tôi cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết trái tim của anh ấy và con người Việt Nam đã hòa làm một trong cuộc chiến này.

Anh ấy đã để lại cho tôi, cho người Việt Nam và cho cả đông đảo người Nhật chúng ta một điều không thể nào quên.

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

Cuộc chiến vệ quốc 1979 và cái chết của phóng viên Nhật Takano

*Đây là bài phóng sự của phóng viên chiến trường Nakamura Goro, đăng trên tạp chí Zenei, số tháng 5 năm 1979. Tên các nhân vật người Việt Nam do được viết bằng phiên âm tiếng Nhật, nên người dịch không xác định được tính chính xác. Tít tựa và các phần do Tuổi Trẻ Online đặt lại.

Nguồn: Tuổi trẻ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây