Trang chủ Luận bàn - Phản biện Cái được từ chuyện bỏ phiếu tín nhiệm những chức danh chủ...

Cái được từ chuyện bỏ phiếu tín nhiệm những chức danh chủ chốt

172
0

Sau khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt của Quốc hội và Chính phủ kết thúc Quốc hội đã công bố những con số liên quan. Đó cũng là phút giây những người trong cuộc thể hiện sự hồi hộp chờ đợi đánh giá từ những vị đại biểu công tâm, những người chứng kiến thì tha hồ mà nhận xét, bình phẩm. Không ít người đã cho đây là một bước đi cần thiết, cần thường xuyên tiến hành và cũng không ngần ngại đưa ra cho mình những nhận định về buổi bỏ phiếu tín nhiệm lần này. Những cụm từ như “phản ánh đúng thực tế khách quan“, “công bằng” và “tương đối chính xác với những gì đã đạt được, những gì còn thiếu sót, tồn tại của các chức danh được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm” được các đại biểu nói nhiều bên lề buổi bỏ phiếu tín nhiệm lần này. Dù rằng có người còn bàn tán về những con số và thông qua những con số này để đánh giá những gì đã đạt được của những con người này, đưa ra những nhận định về tương lai của những con người này nhưng cái mà ai cũng nhận thức được những hiệu ứng mang tính tích cực từ hoạt động này. Quốc hội – cơ quan lập pháp cao nhất đã thể hiện sự quyết liệt cần thiết trong việc thúc đẩy tinh thần, ý thức trách nhiệm của những con người được nhân dân tin tưởng, giao phó những trọng trách quan trọng. Thông qua những hành động này, những vị đại biểu Quốc hội, những đại diện chính đáng, hợp pháp của nhân dân sẽ có được “cây gậy“, “hành lang cơ chế” cần thiết để thay nhân dân giám sát, điều chỉnh và có những bổ khuyết cần thiết để nâng cao chất lượng chuyên môn của những cá nhân, cơ quan chuyên trách. Với cơ chế này những chức danh chủ chốt nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì họ sẽ đứng trước những nhận định, đánh giá và thậm chí là một tiêu chí ảnh hưởng đến tương lai chính trị của chính họ. Và như vậy, chính những người được bỏ phiếu tín nhiệm sẽ ý thức được những hệ lụy từ những việc làm của chính mình để làm tốt chức trách của mình, không phụ sự kỳ vọng của người dân.

Cái được từ chuyện bỏ phiếu tín nhiệm những chức danh chủ chốt

Đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu bên lề Buổi bỏ phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt Quốc hội và Chính Phủ

Cũng nói thêm, đây không phải lần đầu tiên Quốc hội nói đến việc bỏ phiếu tín nhiệm những chức danh Quốc hội. Trước đây thông qua những phiên chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội với các chức danh của Quốc hội (Chủ nhiệm các Ủy ban chuyên môn) và các thành viên Chính phủ. Chính thông qua hoạt động này, những đại biểu Quốc hội đã chuyển tải những vấn đề, nội dung bức xúc, được nhiều người quan tâm, những người có trách nhiệm sẽ trả lời và những đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành đánh giá thông qua những câu hỏi nếu chưa hài lòng và có thêm những chất vấn mới. Có chăng lần này, Quốc hội đã thể hiện sự quyết liệt hơn, công khai, minh bạch hơn trong vấn đề này. Với những con số biết nói sẽ làm cho những người dân vì một lí do nào đó không có điều kiện theo dõi các phiên chất vấn có được những cái nhìn tổng quan nhất, đầy đủ nhất. Và đó cũng chính là một kênh thông tin quan trọng để người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình – Bầu cử.

Điểm nhấn lần này của việc lấy phiếu tín nhiệm chức danh chính là việc những con số phiếu tín nhiệm đã nói lên được những vấn đề bức xúc, dành được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội. Những vấn đề nổi cộm, gây ra nhiều bàn cãi như vấn đề điều chỉnh giá vàng của Ngân hàng nhà nước, chất lượng thi cử và đào tạo trong ngành Giáo dục, vấn đề điều hành, quản lý của Bộ Xây dựng liên quan dến những công trình thủy điện, những vấn đề liên quan đến ngành Giao thông vận tải và các vấn đề An sinh xã hội đã được những đại biểu mổ xẻ và đưa ra những lá phiếu công tâm nhất. Tuy nhiên cũng phải nói rõ rằng, việc Quốc hội đưa ra chủ trương và tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh không phải nhằm mục đích hạ bệ, làm giảm uy tín của một cá nhân, tổ chức nào. Càng không phải là một tiêu chí cứng để điều chỉnh và ảnh hưởng trực tiếp tới sinh mệnh chính trị của một cá nhân cụ thể nào. Có chăng đây là một kênh thông tin mang tính cảnh báo, báo động đối với những cá nhân được tin tưởng và trao trọng trách nhưng chỉ mới dừng lại ở việc thực hiện tròn vai hoặc thậm chí chưa hoàn thành trách nhiệm. Những lá phiếu ấy sẽ gián tiếp nói với những chủ nhân của chúng về mức độ tín nhiệm của các thành viên Quốc hội, người dân đối với những việc làm của mình và khơi dậy trách nhiệm, tinh thần cống hiến trong họ. Nhưng nếu những người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm không có động thái thay đổi và hành động quyết liệt thì những lần tín nhiệm tiếp theo những đại biểu Quốc hội có quyền thực hiện những chế tài mà Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này đã nêu rõ. Hay nói cách khác, chính hoạt động này vừa đảm bảo tính nhân đạo trong việc thực thi những quy định tại các phiên làm việc Quốc hội nhưng cũng thể hiện sự quyết liệt của Quốc hội Việt Nam trong chống căn bệnh hình thức, giả tạo trong các hoạt động của các cơ quan Nhà nước nói chung và Quốc hội nói riêng. /.

Phạm Chiến

Nguồn: Mõ làng