Trang chủ Luận bàn - Phản biện Tại sao ở Việt Nam không thể tồn tại cơ chế tam...

Tại sao ở Việt Nam không thể tồn tại cơ chế tam quyền phân lập

259
0

Gần đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có công khai phát biểu coi việc đòi “tam quyền phân lập” là suy thoái nhận thức chính trị. Tại sao vậy? Mõ tôi xin có mấy lời sau đây:

Trước hết cần hiểu thế nào là cơ chế tam quyền phân lập:

Cơ chế, theo từ điển tiếng việt là sự sắp xếp để phối hợp các bộ phận của một toàn thể nhằm tạo một tác dụng chung. Như vậy, các bộ phận cấu thành là độc lập nhưng liên kết, phối hợp, tương tác lẫn nhau để tạo ra một kết quả chung. Chẳng hạn, các bộ phận trong máy nổ liên kết, tương tác lần nhau để tạo ra lực. Trong chính trị, các bộ phận được lựa chọn tác động lẫn nhau, ràng buộc, thúc đẩy lẫn nhau để tạo ra một thể chế chính trị tốt. Mô hình “Tam quyền phân lập” (quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp) đang được vận dụng rộng rãi trên thế giới. Trong đó quyền lập pháp là của Quốc Hội (hoặc nghị viện), quyền hành pháp là của Nhà Nước (chính quyền hành chính), quyền tư pháp là của hệ thống Tòa án.

Cơ chế tam quyền phân lập được thiết lập nhằm kiềm chế, kiểm soát lẫn nhau với mục đích cân bằng quyền lực, tiêu diệt lạm quyền, tiếm quyền trong hệ thống chính trị nói chung và cơ cấu tổ chức nhà nước nói riêng. 

Ở những nước đa đảng, thực hiện cơ chế Tam quyền phân lập nó không chỉ có tác dụng kiềm chế, kiểm soát và giám sát giữa các nhánh quyền lực mà còn nhằm kiềm chế, kiểm soát và giám sát các đảng phái nắm quyền lực trong các nhánh quyền lực nhà nước.

Trong ba nhánh quyền lực căn bản nói trên, ở mỗi nhánh lại có cơ cấu và chức năng của các bộ phận tạo nên nó.

Quyền lập pháp được giao cho quốc hội. Quốc hội được các nước lựa chọn theo những mô hình khác nhau: đơn viện (chỉ có một quốc hội chung như mô hình Việt Nam) hoặc lưỡng viện (gồm thượng viện và hạ viện nh mô hình của Anh, Mĩ).

Quyền hành pháp được giao cho Tổng thống hoặc Thủ tướng. Tổng thống hoặc Thủ tướng lựa chọn danh sách các bộ trưởng trình quốc hội phê chuẩn để xây dựng nội các chính phủ.

Quyền tư pháp được giao cho Tòa án tối cao với hệ thống hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, tòa án cấp trên là tòa phúc thẩm cho các bản án, quyết định của tòa cấp dưới.

Nguyên tắc chung của cơ chế tam quyền phân lập như sau:

-Việc lập hiến (xây dựng hiến pháp) do quốc hội (hoặc một tập hợp các nhà soạn thảo) soạn dự thảo, đi đến thống nhất rồi tổ chức phúc quyết, trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp. Nếu người dân phúc quyết thông qua thì hiến pháp đó mới bắt đầu có hiệu lực thi hành, còn ngược lại, quốc hội lập hiến sẽ phải sửa đổi dự thảo theo ý nguyện nhân dân và tổ chức phúc quyết lại. Việc lập pháp (xây dựng các đạo luật) ở những nước đơn viện thì do quốc hội xây dựng thảo luận, quyết định. Ở những nước lưỡng viện thì đạo luật dự thảo phải được thảo luận, thông qua của cả hai viện và cuối cùng là Tổng thống kí ban hành. 

-Việc hình thành cơ quan hành pháp được thực hiện thông qua các cách sau: Đối với các nước có Tổng thống làm nguyên thủ quốc gia, Tổng thống đắc cử sẽ tự đề cử thủ tướng, xây dựng nội các chính phủ để Quốc hội thông qua. Đối với các nước quân chủ lập hiến hoặc tổng thống làm nguyên thủ quốc gia nhưng thủ tướng đứng đầu ngạch hành pháp, sau cuộc tổng tuyển cử bầu cử Quốc hội, Hạ nghị viện [đối với hệ thống lưỡng viện], Quốc hội Hạ nghị viện mới sẽ bầu chọn ứng viên mà các đảng phái chính trị chọn lựa làm thủ tướng, thủ tướng sẽ xây dựng nội các để Quốc hội, Hạ nghị viện thông qua [thường thì người đứng đầu đảng chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sẽ được Quốc hội chọn làm thủ tướng]. 

-Việc hình thành cơ quan tư pháp được thực hiện kết hợp. Một phần của Tòa án tối cao do Quốc Hội tuyển chọn, phần khác cho Tổng thống bổ nhiệm từ các thẩm phán có kinh nghiệm theo danh sách do tổ chức của các thẩm phán, công tố viên và hội luật gia tiến cử.

Phân chia biệt lập trong 3 nhánh quyền lực theo nguyên tắc người của nhánh quyền lực này không thể nằm trong nhánh quyền lực khác. Chẳng hạn các bộ trưởng không được là thành viên quốc hội, quan tòa không là thành viên quốc hội và chính quyền. Điều này tạo ra tam quyền phân lập một cách tuyệt đối bởi vì: Thành viên nội các chính phủ thì không thể là người trong các cơ quan có chức năng giám sát cơ quan hành pháp, tức có nghĩa các thành viên nội các chính phủ không thể là nghị sỹ quốc hội. Hệ thống tư pháp thì phi chính trị, có nghĩa là những người làm việc trong hệ thống tư pháp không được hoạt động chính trị, không được tham gia các đảng phái, tổ chức chính trị, không được ủng hộ bất cứ đảng phái chính trị hay phong trào chính trị nào.

Việc kiềm chế, giám sát lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực và giữa các đảng phái chính trị được thực hiện chặt chẽ, liên tục góp phần thủ tiêu sự lạm quyền, tiếm quyền, nâng cao trách nhiệm của các nhánh quyền lực đối với phận sự của mình, góp phần tạo ra tính minh bạch, công khai của nền chính trị.

Tuy nhiên, tam quyền phân lập cũng có những nhược điểm riêng của nó. Đó là mỗi khi các đảng chính trị chỉ vì lợi ích của khối mình đại diện mà không đặt lợi ích quốc gia, lợi ích toàn dân lên trên hết thì sẽ trở thành lực cản của sự tiến bộ, thậm chí làm thiệt hại đến lợi ích chung. Ví như mới đây, quốc hội Mĩ không chấp nhận nâng trần nợ công, tiếp tục cắt giảm tự động ngân sách thì sẽ gây khó khăn cho phát triển kinh tế. Mà việc này không giải quyết được do đảng cầm quyền không chiếm đa số trong hạ viện. Các quan tòa, khi không có động lực chính trị có thể do thiên vị mà đưa ra những phán quyết tạo nên sự bất ổn. Chẳng hạn như phán quyết bác bỏ hiến pháp mới đây ở Ai cập.

Cơ chế Tam quyền phân lập không thể tồn tại ở Việt Nam:

Ở Việt Nam, chỉ có một đảng chính trị duy nhất nắm vai trò lãnh đạo xã hội đó là Đảng cộng sản Việt Nam. Hệ thống chính trị độc đảng này chi phối quyền lực rất rõ trong xây dựng cơ cấu bộ máy quyền lực:

Quốc hội (cơ quan lập pháp) có hơn 90% thành viên là đảng viên Đảng Cộng sản. Điều này được quy định công khai trong luật bầu cử (chỉ có 10% thành viên quốc hội là người ngoài đảng). Ngay trong các đoàn đại biểu quốc hội của địa phương, ban nghành đều có tổ chức đảng. 

Chính phủ (cơ quan hành pháp), nếu là lãnh đạo thì 100% phải là đảng viên Đảng Cộng sản, Ủy viên Bộ chính trị hoặc trong Ban chấp hành TW của ĐCS. Chương trình, kế hoạch công tác nhiệm kì, tháng, quý, năm đều phải trên nguyên tắc cụ thể hóa đường lối, chính sách, chủ trương của ĐCS.

Tòa án tối cao (cơ quan tư pháp) 100% thành viên hội đồng thẩm phán TAND tối cao và Chánh án TAND tối cao là đảng viên ĐCS. Điều đó có nghĩa là thành viên của hệ thống tư pháp cũng tham gia chính trị. 

Mặt khác, đa số thành viên chính phủ, Chánh án tòa án tối cao, đều là thành viên của Quốc hội (cơ quan có chức năng giám sát hoạt động của Chính phủ và Tòa án).

Toàn bộ các nhánh quyền lực đều do ĐCS nắm, như vậy đảng hoàn toàn có thể kiềm chế, kiểm soát, giám sát chặt chẽ các nhánh quyền lực. Bởi hầu hết các thành viên của các nhánh quyền lực đều là đảng viên. Mà đả là đảng viên thì họ phải tuân theo đường lối, chủ trương, nghị quyết của đảng. Hay nói cách khác, ba nhánh quyền lực cùng thực hiện một đường lối, chính sách, một nghị quyết chung. Vì vậy, có thể dễ dàng tạo ra một sự thống nhất trong thực hiện các chính sách xây dựng và bảo vệ đất nước. Do tính ưu điểm của cơ chế này và không có vấn đề phi chính trị trong các nhánh quyền lực nên vấn đề “Tam quyền phân lập” không có đất tồn tại.

Vấn đề còn lại là xét xem chính sách của ĐCS trong xây dựng Nhà nước như thế nào. Như cương lĩnh chính trị của ĐCS đã xác định: “Xây dựng một nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân” thì tính chính đáng của hệ thống quyền lực hiện nay của Việt Nam vẫn có chỗ để tồn tại.

Nguồn: Mõ làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây