Trang chủ Loa Phường Dư luận “lề trái” về Đại hội XIII: đa chiều hay một...

Dư luận “lề trái” về Đại hội XIII: đa chiều hay một chiều?

231
0

Trong những tháng cuối năm 2020, các hội nhóm chống Nhà nước Việt Nam đã tăng cường tuyên truyền về Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 25/01/2021. Đặc biệt, các đài nước ngoài phát sóng bằng tiếng Việt như BBC, VOA, RFA… đã dẫn đầu một dòng dư luận đòi “đa dạng hóa” đời sống chính trị ở Việt Nam cả về mặt sinh hoạt lẫn thông điệp. Về mặt sinh hoạt, họ kêu gọi công dân ngoài Đảng Cộng sản tham gia đọc, viết, thảo luận về chính trị trên Internet, dưới danh nghĩa “góp ý cho Đại hội Đảng”. Về mặt thông điệp, họ đòi đa dạng hóa nhân sự lãnh đạo ở các cấp, đa dạng hóa các thành phần kinh tế (đặc biệt trong vấn đề quyền sở hữu đất đai), và đòi chuyển sang mô hình tranh cử, đa đảng, báo chí độc lập, tam quyền phân lập… Mục đích của họ là khiến Đảng Cộng sản Việt Nam mất khả năng kiểm soát hạ tầng và định hướng thượng tầng của xã hội, và tạo cơ hội cho các lực lượng thân phương tây tranh giành quyền kiểm soát, định hướng đó.

Dư luận “lề trái” về Đại hội XIII: đa chiều hay một chiều?

Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của dòng dư luận này nằm ở chỗ nó tự nó không đa dạng. Về mặt kênh tuyên truyền, BBC, VOA, RFA không phải là truyền thông độc lập, mà là các đài nhà nước của Anh và Mỹ. Về nhân sự, dòng dư luận này chủ yếu khai thác bài viết và phỏng vấn của một dúm nhỏ các “nhà đấu tranh dân chủ” – như Nguyễn Quang A, Nguyễn Hữu Vinh, Mạc Văn Trang, Vi Đức Hồi… – mà Nguyễn Văn Đài thừa nhận là có số lượng “không quá vài trăm”. Về mặt quan điểm, tuyệt đại đa số các ý kiến được đăng tải chỉ là lời kêu gọi “thân Mỹ – thoát Trung”, chuyển theo chủ nghĩa tân tự do trong kinh tế và mô hình đa đảng trong chính trị; khiến dòng dư luận này trông không khác gì tuyên truyền một chiều. Dù những người tham gia dòng dư luận này chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong xã hội Việt Nam, các kênh tuyên truyền đã mô tả họ như những tiếng nói đại diện cho “giới trí thức” hoặc “cư dân mạng”, khiến người đọc dễ có ảo tưởng về nhân số và trọng lượng của họ.

Trong khi dòng dư luận này kêu gọi dân chủ, thực ra các lực lượng đứng đằng sau nó không hề sinh hoạt một cách dân chủ. Chẳng hạn, qua việc Tổng thống Mỹ Donald Trump dễ dàng “thay máu” nhân sự của đài VOA và RFA tiếng Việt trong năm 2020, có thể thấy hai đài này là công cụ tuyên truyền của chính quyền Mỹ, chứ không phải là đại diện tiếng nói của người Việt Nam hoặc người làm báo. Các tổ chức “đấu tranh cho dân chủ” mà những đài này hay phỏng vấn cũng không sinh hoạt một cách dân chủ. Chẳng hạn, trong suốt hơn 20 năm qua, Trịnh Hội đã liên tục dùng tư cách Chủ tịch Hội đồng Quản trị để kiểm soát tổ chức VOICE, mà không cần các thành viên khác trong tổ chức bầu chọn. Có thể nói trong giới “hoạt động dân chủ”, quyền lực được quyết định bởi khả năng thu hút tiền và ô dù của nước ngoài, chứ không phải bằng lá phiếu của người Việt. Đây là lý do chính khiến dư luận của họ trở thành tuyên truyền một chiều, và đại diện cho tiếng nói của nước ngoài thay vì của người Việt Nam.

Nguồn: Loa phường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây