Khép lại 2020 đầy thách thức, chuyên gia nhận định Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặt ra, tạo nền tảng vững chắc cho đối ngoại năm 2021.
2020 được đánh giá là một năm thách thức “chưa từng có” đối với Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, khi đại dịch Covid-19 gây khủng hoảng “tứ bề” và cạnh tranh giữa các nước lớn gia tăng. Bên cạnh đó thế giới còn đối mặt với những khuynh hướng xuất hiện từ nhiều năm nay như chống lại toàn cầu hóa, chống lại thương mại tự do, chủ nghĩa bảo hộ, làm xói mòn chủ nghĩa đa phương.
2020 cũng là năm Việt Nam gánh trên vai hai trọng trách của khu vực và quốc tế gồm Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) nhiệm kỳ 2020-2021. Điều này đặt ra thách thức cho Việt Nam nói chung và công tác đối ngoại nói riêng, khi vừa phải ứng phó với tình hình đại dịch, vừa duy trì và phát triển các mối quan hệ với các đối tác, đồng thời nỗ lực hoàn thành vai trò kép.
Giới chuyên gia nhận định đối Việt Nam đã nhanh nhạy thích ứng với tình hình và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối ngoại.
“Việt Nam đã kịp nắm bắt và chuyển sang trạng thái mới trong việc tham gia vào các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là Chủ tịch ASEAN và tham gia HĐBA”, cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh chia sẻ với VnExpress.
Covid-19 đã khiến Việt Nam gặp nhiều hạn chế trong triển khai các cuộc gặp, chuyến thăm, tham vấn, trao đổi trực tiếp với đối tác trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, ông Vinh cho biết Việt Nam đã nhanh chóng chuyển sang hình thức điện đàm, tham vấn trực tuyến để đảm bảo “duy trì mạch sống” cho ASEAN, cũng như đảm bảo vai trò ủy viên của HĐBA và duy trì các quan hệ đối tác khác.
Tiến sĩ Lê Đình Tĩnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao, cũng đánh giá Việt Nam đã có một năm thành công khi hoàn thành xuất sắc vai trò của mình.
“Việt Nam đã thể hiện xuất sắc vai trò của một thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm ở trong cộng đồng khu vực và thế giới”, Tiến sĩ Lê Đình Tĩnh nói.
Ông thêm rằng Việt Nam đã có những đóng góp “hết sức thực chất”, với những sáng kiến, đề xuất được các nước trong khu vực và trên thế giới “hoan nghênh, ủng hộ”.
Dưới sự chèo lái của Việt Nam theo chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng”, ASEAN đã ứng phó tốt với đại dịch, đồng thời đảm bảo thực hiện các ưu tiên đặt ra cho năm 2020, về cả phát triển nội khối và đối ngoại, cũng như tầm nhìn phục hồi và phát triển hậu Covid-19.
Trên cương vị chủ tịch, Việt Nam đã đóng góp nhiều sáng kiến, đề xuất, trong đó 28 sáng kiến đã được đưa vào các văn kiện. Đề xuất thành lập Quỹ ứng phó với Covid-19 ASEAN và Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN, với hàng chục triệu USD được cam kết đóng góp từ các nước ASEAN và đối tác, được đánh giá là các điểm sáng cho năm chủ tịch của Việt Nam.
“Trong năm 2020, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, chủ động dẫn dắt ASEAN cũng như chủ động tham gia Liên Hợp Quốc”, ông Vinh nhấn mạnh.
Trong vai trò Ủy viên không thường trực của HĐBA, Việt Nam đã tổ chức được phiên họp mở về việc tăng cường thực thi Hiến chương LHQ, nêu cao vấn đề hợp tác giữa HĐBA với ASEAN, tích cực tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ. Đặc biệt, Việt Nam lần đầu tiên dự thảo, đưa ra và thông qua nghị quyết của LHQ lấy 27/12 là Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh.
“Nghị quyết được thông qua bằng đồng thuận, đánh dấu một dấu ấn vươn tầm của đối ngoại Việt Nam, ngoại giao Việt Nam trên diễn đàn quốc tế, đặc biệt là tại LHQ”, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định khi trả lời báo chí tại Hà Nội ngày 24/12.
Bên cạnh việc đảm trách vai trò kép, giới chuyên gia nhận định mối quan hệ của Việt Nam với các nước lớn trong khu vực và trên thế giới năm 2020 vẫn tiếp tục được duy trì và thúc đẩy, bất chấp những khó khăn của đại dịch và tình hình thế giới nhiều biến động.
“Việt Nam tiếp tục phát huy chính sách độc lập, tự chủ và coi trọng quan hệ với các nước lớn. Trong năm 2020, Việt Nam đã duy trì và thúc đẩy quan hệ hợp tác lành mạnh, có hiệu quả với các nước lớn. Đồng thời, cũng như các nước vừa và nhỏ khác, Việt Nam đã nỗ lực quản trị để không bị cuốn vào những cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gia tăng”, Tiến sĩ Lê Đình Tĩnh nói.
Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á và giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales, Australia, nhận định quan hệ đối tác của Việt Nam với các nước lớn trong năm 2020 chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc và Mỹ, với đặc trưng vừa hợp tác vừa giải quyết các bất đồng, như về Biển Đông và các vấn đề thương mại, kinh tế. Nhóm thứ hai là quan hệ với các đối tác lớn khác như Ấn Độ, Nhật Bản và Nga, các mối quan hệ “nhìn chung không có tranh chấp và Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy chúng”.
Quan hệ Mỹ – Trung “lao dốc” và gia tăng cạnh tranh trong năm 2020 cũng đặt Việt Nam trước thách thức lớn về việc cân băng và duy trì mối quan hệ với cả hai đối tác.
“Trong năm 2020, Việt Nam đã nỗ lực tham gia và hợp tác với Trung Quốc và Mỹ để ngăn mối quan hệ lớn hơn bị mắc kẹt trong các tranh chấp và bất đồng lớn”, ông Thayer cho biết.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2020 kim ngạch thương mại song phương Mỹ – Việt đạt 73,9 tỷ USD, gần đạt mức 77 tỷ USD của năm 2019. Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên đạt giá trị thương mại song phương với Việt Nam vượt 100 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm nay.
Về việc Mỹ dán nhãn Việt Nam thao túng tiền tệ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump hôm 22/12 khẳng định việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế. Những cuộc điện đàm thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai nước được xem là “chìa khóa” giúp mối quan Mỹ – Việt được duy trì ổn định trong nhiều năm qua.
Đặc biệt trong mối quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc, giáo sư Thayer nhấn mạnh “Việt Nam duy trì chính sách kép, vừa hợp tác với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực hợp tác tiềm năng, vừa cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biền Đông”.
Thái độ cứng rắn đó được thể hiện rõ trong việc Việt Nam ngày 30/3 gửi công hàm lên LHQ, bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông được đưa ra trong hai công hàm của nước này ngày 12/12/2019 và ngày 23/3.
Giáo sư Thayer cho rằng xử lý mối quan hệ với hai đối tác lớn Mỹ – Trung vẫn tiếp tục là thách thức đối với Việt Nam trong năm 2021. Việt Nam sẽ phải tìm cách quản trị mối quan hệ với Trung Quốc để tránh lặp lại các vấn đề bất đồng ở Biển Đông, đồng thời phải chuẩn bị ứng phó và hợp tác với Mỹ khi Joe Biden sẽ tiếp quản Nhà Trắng vào ngày 20/1 tới.
Ngoài ra, các chuyên gia có chung nhận định rằng 2021 sẽ tiếp tục là một năm thách thức đối với đối ngoại Việt Nam trong bối cảnh tình hình đại dịch trên thế giới còn diễn biến khó lường và chưa có dấu hiệu chấm dứt. Việt Nam cũng cần chuẩn bị để luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó với các thách thức phi truyền thống, các cuộc khủng hoảng bất ngờ, cũng như cạnh tranh giữa các nước lớn được dự báo ngày càng gia tăng.
“Chúng ta đang ở thời điểm mà thế giới chuyển biến rất nhanh cả về quản trị chính trị an ninh, cả về quản trị địa kinh tế”, cựu đại sứ Phạm Quang Vinh chia sẻ. Trong đó, ông nhấn mạnh tới khuynh hướng cạnh tranh nước lớn gia tăng và nhu cầu “tự lực tự cường” đi đôi với hợp tác mà nhiều nước đang hướng tới.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Đình Tĩnh cũng khẳng định bên cạnh những thách thức, 2021 cũng sẽ mang tới những cơ hội phát triển dựa trên thành quả đã đạt được trong năm nay.
“Một năm 2021 sẽ có nhiều cơ hội dựa trên những thành quả trước đó, cả về ứng phó Covid-19, phát triển kinh tế cũng như thành tựu về đối ngoại. Đây là tiền đề quan trọng cho Việt Nam trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại năm 2021”, ông Tĩnh cho hay.
Thanh Tâm/VNE
Nguồn: Cánh cò