Trang chủ Chính trị Việc xem xét, lựa chọn các “trường hợp đặc biệt” tái cử...

Việc xem xét, lựa chọn các “trường hợp đặc biệt” tái cử là cần thiết

113
0

“Để được công nhận là “trường hợp đặc biệt” phải là những người có uy tín, năng lực, nếu nghỉ thì thiệt cho Đảng, ảnh hưởng đến lợi ích chung”, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương nói về công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng.

Năm 2021 – năm đặc biệt với nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, trong đó Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra từ ngày 25/1/2021 đến ngày 2/2/2021 tại Hà Nội. Một trong những nội dung quan trọng thu hút sự chú ý của đông đảo nhân dân, dư luận trong nước và Quốc tế trước thềm Đại hội Đảng đó là công tác nhân sự, đặc biệt là các “trường hợp đặc biệt”.

“Trường hợp đặc biệt” chuẩn bị sau cùng

Thông tin về công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho biết, thực hiện quy trình công tác nhân sự Đại hội XIII, các cơ quan chuẩn bị nhân sự Ban chấp hành Trung ương trước; sau đó là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; rồi đến các chức danh chủ chốt gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và “trường hợp đặc biệt” chuẩn bị sau cùng.

Việc xem xét, lựa chọn các “trường hợp đặc biệt” tái cử là cần thiết
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương.

Đến nay qua hai hội nghị 13 (tháng 10/2020) và 14 (tháng 12/2020), Trung ương khóa XII đã lần lượt bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Trung ương khóa mới, gồm cả uỷ viên chính thức và dự khuyết; nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Cũng theo chuyên gia xây dựng Đảng Nguyễn Đức Hà, Trung ương khóa mới được cơ cấu 3 độ tuổi: Dưới 50, từ 50 đến 60 và 61 tuổi trở lên để đảm bảo kế thừa. Trong đó, người tham gia Ban chấp hành Trung ương lần đầu phải bảo đảm còn tuổi công tác hai nhiệm kỳ, ít nhất trọn một nhiệm kỳ (tức không quá 55 tuổi). Nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư lần đầu không quá 60 tuổi; Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII tái cử không quá 65 tuổi.

Ông Hà giải thích, “trường hợp đặc biệt” là những người ngoài độ tuổi nêu trên. Với Uỷ viên Trung ương là quá 60 tuổi; còn với Bộ Chính trị, Ban Bí thư quá 65 tuổi.

“Những trường hợp đặc biệt so với quy định chung (quá tuổi) sẽ được các cấp có thẩm quyền cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng nhiều mặt thông qua quy trình chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, minh bạch trước khi trình Ban chấp hành Trung ương khóa XII xem xét tại hội nghị lần thứ 15 và quyết định việc giới thiệu với Đại hội XIII”, ông Hà nói.

Đánh giá về sự tín nhiệm của các nhân sự thuộc “trường hợp đặc biệt” qua nhiệm kỳ Đại hội khóa XII, ông Nguyễn Đức Hà nhấn mạnh: Có thể khẳng định, quyết định của Đại hội XII về những nhân sự thuộc “trường hợp đặc biệt” là hoàn toàn đúng đắn.

“Những nhân sự đó đã thể hiện năng lực, uy tín và trách nhiệm của mình trong công việc và có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, và sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước. Cho nên để được công nhận là “trường hợp đặc biệt” phải là những người có uy tín, năng lực, nếu nghỉ thì thiệt cho Đảng, ảnh hưởng đến lợi ích chung”, ông Hà nói.

Phân tích thêm về vấn đề này, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương nhìn nhận, chưa có nhiệm kỳ nào mà chúng ta gặt hái được nhiều thành công như nhiệm kỳ này, từ kinh tế, xã hội cho đến công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng… Tạo ra những thành tựu nổi bật đó có vai trò quan trọng của người đứng đầu Đảng, mà ở đây là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

“Có thể nói Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có sự tín nhiệm rất cao trong Đảng và trong nhân dân. Từ vai trò của người đứng đầu của Đảng nên trong Ban Chấp hành T.Ư mà hạt nhân là Bộ Chính trị, Ban Bí thư có sự đoàn kết thống nhất rất cao, có sự vững mạnh hơn, góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân. Điều đó cho thấy, việc xem xét, lựa chọn các “trường hợp đặc biệt” tái cử là cần thiết”, ông Hà nhìn nhận.

Nên hạn chế “trường hợp đặc biệt”

Phân tích rõ hơn về việc phải cơ cấu 3 độ tuổi tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, trong Ban Chấp hành Trung ương, Trung ương xác định có một số dưới 50 tuổi (10 – 15%), số ít trên 60 tuổi (10%), còn số đông là 50 – 60 tuổi (75 – 80%).

Việc xem xét, lựa chọn các “trường hợp đặc biệt” tái cử là cần thiết
PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

“Đây chính là lực lượng “sung sức” nhất. Có thể nói đối với các chính khách, lãnh đạo cấp cao, 50 – 60 tuổi chính là “thời gian vàng” khi họ tích lũy đủ kinh nghiệm, từng trải, chín chắn. Trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng có cơ cấu 3 độ tuổi. Một số dưới 60 tuổi, chiếm số đông là 60 – 65 tuổi. Còn trường hợp đặc biệt là trên 65 tuổi, số này chiếm rất ít. Như vậy, cơ cấu 3 độ tuổi ở Bộ Chính trị, Ban Bí thư cao hơn Ban Chấp hành Trung ương. Hơn nữa, số trường hợp đặc biệt trong Bộ Chính trị là rất ít”, PGS.TS Lê Quốc Lý nói.

Theo nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cơ cấu độ tuổi được Trung ương đặt ra và thống nhất rất cao, nhằm bảo đảm sự kế thừa, phát triển liên tục của đội ngũ cán bộ. Việc có nhiều lớp cán bộ chênh nhau khoảng 5 tuổi sẽ đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng, nhất là với cán bộ cấp cao.

“Việc cơ cấu 3 độ tuổi còn nhằm để cán bộ có điều kiện bổ sung cho nhau trong một tập thể. Ví dụ, trong tập thể lãnh đạo có người cao tuổi, có người vừa tuổi, có người ít tuổi. Mỗi lớp đều có thế mạnh riêng”, ông Lý phân tích.

Liên quan đến “trường hợp đặc biệt”, ông Lê Quốc Lý cho rằng, xuất phát từ quan điểm, bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn là phải kết hợp hài hòa giữa tính phổ biến và đặc thù, giữa cái chung và cái riêng, nên Trung ương thấy cần thiết phải có “trường hợp đặc biệt”. Đặc biệt tức là rất ít và rất cần thiết.

“Ở kỳ Đại hội trước là trường hợp bầu Tổng Bí thư, đây là vị trí quyết định sự thành bại của cách mạng, sự vững bền của Đảng. Vị trí này cần những người phải thực sự tiêu biểu, là kết tinh của trí tuệ, đạo đức, bản lĩnh và các điều kiện Đảng đặt ra, đảm bảo cho Đảng có sức chiến đấu mạnh mẽ. Đại hội XIII sắp tới tôi nghĩ là nên có “trường hợp đặc biệt”. Tuy nhiên cần lưu ý đã là “trường hợp đặc biệt” thì không nên nhiều, bởi sẽ dễ phá vỡ những quy định của Đảng”, ông Lý nói.

“Trường hợp đặc biệt” là những người có uy tín, năng lực cao

PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký kiêm ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, có nhiều lý do để chọn trường hợp đặc biệt.

Việc xem xét, lựa chọn các “trường hợp đặc biệt” tái cử là cần thiết
PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký kiêm ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương.

Một là bản thân người đó là thật sự có đức, có tài như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là một điển hình. Phải khẳng định trước hết là không phải là do không tìm được người mà vấn đề đặc biệt là người đó ở lại có lợi cho Đảng, cho dân. Sau đó mới đến lý do thứ hai là lĩnh vực đó khó tìm được người thay thế tốt hơn nhưng điều này không quan trọng bằng lý do thứ nhất.

“Đối với các trường hợp đặc biệt không phải chỉ có Bộ Chính trị quyết là xong, mà Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương lại phải trình Đại hội để xem có nhất trí danh sách giới thiệu để bầu. Tinh thần của khóa này cũng vậy, những trường hợp đặc biệt Bộ Chính trị phải xem xét một cách toàn diện, có thực sự đặc biệt không”, PGS.TS Nguyễn Viết Thông cho hay.

Thành An/DV


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây