Ngày 31/12, tại xã Điền Hải, huyện Đông Hải, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu phối hợp UBND huyện Đông Hải tổ chức lễ công bố và đón nhận Bằng chứng nhận của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm muối ở Bạc Liêu”.
Xây dựng thương hiệu muối Bạc Liêu
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Cao Xuân Thu Vân khẳng định: Nghề làm muối ở Bạc Liêu trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là niềm tự hào của nhân dân huyện Đông Hải, huyện Hòa Bình, của người dân tỉnh Bạc Liêu, nhất là bà con diêm dân, mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam. Đây cũng là điều kiện để bạn bè trong nước và quốc tế hiểu biết hơn về nét đẹp văn hóa vùng đất ven biển Hòa Bình, Đông Hải nói riêng và vùng đất Bạc Liêu nói chung.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Cộng đồng và chính quyền địa phương tiếp tục duy trì, bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống “Nghề làm muối ở Bạc Liêu”; UBND huyện Đông Hải, UBND huyện Hòa Bình sớm triển khai xây dựng đề án, kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể nghề làm muối ở Bạc Liêu, trong đó chú trọng xây dựng các giải pháp nhằm mở rộng diện tích làm muối, nâng cao chất lượng muối, tập trung nâng cao đời sống cho bà con diêm dân trên địa bàn; xây dựng thương hiệu muối Bạc Liêu và quảng bá, giới thiệu mạnh mẽ để thương hiệu muối ngày càng vang xa.
Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu hướng dẫn xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm nghề làm muối, các sản phẩm lưu niệm từ muối, dược liệu từ muối; phối hợp UBND huyện Đông Hải xây dựng Lễ hội Muối tổ chức định kỳ hàng năm, nhằm quảng bá, thu hút du khách đến tham quan, thưởng thức. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho diêm dân ổn định cuộc sống; tăng cường hướng dẫn và chuyển giao những ứng dụng khoa học – kỹ thuật hiện đại nhằm tăng năng suất và nâng cao chất lượng muối, giúp bà con diêm dân an tâm gắn bó và tiếp tục trao truyền cho thế hệ sau về nghề làm muối.
Cùng với đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường từ cầu Dân Quân đến giáp tuyến đường Giồng Nhãn – Gành Hào (thuộc xã Điền Hải), tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển, mua bán sản phẩm muối của bà con diêm dân, phục vụ nhu cầu phát triển du lịch sau này…
Bảo tồn và phát huy
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương, nghề làm muối ở Bạc Liêu đã hình thành, tồn tại và phát triển từ rất lâu đời, gắn bó thiết thân với cuộc sống mưu sinh của người dân xứ biển. Theo các “Lão nông tri điền” thì nghề này có từ thuở cha ông đi mở đất phương Nam. Các bậc tiền nhân đã mang cách thức làm muối về đây, từ đó hình thành nên những làng nghề muối và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, để đến ngày nay trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của vùng đất Bạc Liêu nói riêng và cả nước nói chung.
Cũng theo bà Trần Thị Lan Phương, Bạc Liêu vốn nổi tiếng là một tỉnh có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất Muối. Xưa kia, nghề làm muối của Bạc Liêu rất phát triển, sản phẩm muối Bạc Liêu cung cấp cho cả Nam kỳ lục tỉnh và các nước Đông Dương. Ruộng muối của Bạc Liêu trải dài ven biển, từ bãi biển Vĩnh Châu đến cửa biển Gành Hào kéo dài hàng chục km. Vào những năm đầu thế kỷ XX, nghề làm muối là một trong ba ngành kinh tế lớn (sau cây lúa và thủy sản) góp phần để Bạc Liêu trở thành một trong 3 trung tâm kinh tế lớn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Quy trình sản xuất muối Bạc Liêu được hình thành và lưu truyền qua nhiều thế hệ lao động, đến nay những quy trình kỹ thuật cơ bản này vẫn được duy trì và áp dụng như những yêu cầu bắt buộc. Muối Bạc Liêu được sản xuất theo phương pháp công nghệ phơi nước dạng tĩnh. Diêm dân gọi phương pháp sản xuất truyền thống này là phương pháp phơi nước. Trải qua quá trình phát triển lâu dài, công nghệ làm muối đã có sự tiến bộ hơn, các khâu cán đất, bừa, trục đất, lấy nước biển… đều được thực hiện bằng cơ giới, thay thế cho lao động thủ công. Tuy nhiên, diêm dân vẫn giữ lại những kỹ thuật sản xuất cổ truyền như phơi nước biển theo các cấp “Sa kể, nhì kề, xếp chuối” (tương ứng với các ô bay hơi sơ cấp, trung cấp và cao cấp). Do đó, trong cái vị mặn pha lẫn cái hậu ngọt của hạt muối Bạc Liêu là cả một sự kết hợp về công nghệ làm muối truyền thống xưa và hiện đại ngày nay.
Dẫu có nhiều đổi thay, nhưng những làng nghề Muối Bạc Liêu vẫn còn giữ được nét đẹp nguyên sơ, sản xuất độc đáo của người dân xứ biển. Muối được sản xuất tại Bạc Liêu thường có hương vị đậm đà, độc đáo vì trong muối có hàm lượng magiê, canxi, sunfat… rất thấp do không có những vùng núi đá vôi ven biển, không gây vị đắng, chát. Trong khi đó, hàm lượng Natriclorua rất cao, trung bình đạt 96,6%, xấp xỉ với tiêu chuẩn muối thượng hạng Việt Nam (97%). Điều này đã làm cho muối Bạc Liêu nổi tiếng từ xưa đến nay.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cũng cho biết: Nhìn nhận giá trị nghề làm muối và sản phẩm muối Bạc Liêu, tỉnh đã có nhiều giải pháp phát triển nghề này, cụ thể là đã lập hồ sơ đề nghị và được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Muối ăn Bạc Liêu” vào năm 2013. Đặc biệt, ngày 30/9/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 2746 đưa nghề làm muối ở Bạc Liêu vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để Bạc Liêu bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống của tỉnh, đồng thời là cơ sở để xây dựng vùng nguyên liệu muối bền vững trong thời gian tới. Với tính chất là một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ngoài ý nghĩa tạo sự gắn kết cộng đồng thì nghề làm muối còn góp phần giải quyết việc làm, giáo dục tinh thần lao động cần cù, sáng tạo cho người dân và đóng góp vào việc phát triển kinh tế của địa phương.
Đây là lần đầu tiên Bạc Liêu có di sản văn hóa được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, và “Nghề làm muối ở Bạc Liêu” được xếp vào một trong 7 loại hình của Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam, đó là loại hình nghề thủ công truyền thống.
Nguồn: Báo Tin tức