Hoa Kỳ năm nào cũng có báo cáo nhân quyền về Việt Nam và những nước mà Hoa Kỳ cho rằng “độc đảng”, “độc tài”, “vi phạm nhân quyền”. Trong khi đó, nhà tù nước Mỹ ra sao?
2. Hoa Kỳ – nhà tù “khổng lồ” và nền kinh tế tù nhân siêu đẳng nhất thế giới
Theo số liệu thống kê ước tính, năm 2010, có ít nhất 10,1 triệu người đang bị cầm tù trên toàn thế giới và Hoa Kỳ luôn là nước có số phạm nhân lớn nhất. Năm 1985 mới chỉ có 744.000 người với ngân sách chi phí khoảng 37 tỷ USD, đến năm 2012, số phạm nhân tại Hoa Kỳ đã lên trên 2,3 triệu, tỷ lệ phạm nhân tính trên số người thành niên là 1/100. Ngân sách dành cho hệ thống này lên tới 74 tỷ USD mỗi năm. Với số lượng phạm nhân lớn như vậy, các nhà tù đều ở tình trạng quá tải. Nhà tù bang California được thiết kế để giữ 84.000 phạm nhân, nhưng vào năm 2009 có tới 158.000 người.
Ngoài hệ thống nhà tù Liên bang và của các bang, nhà tù tư nhân bắt đầu hình thành vào những năm 80 thế kỷ trước, dưới chính quyền của Tổng thống Ronald Reagan và G.W.Bush (cha) và phát triển tới đỉnh điểm dưới thời Tổng thống Clinton. Để cắt giảm lực lượng lao động liên bang, Bộ Tư pháp đã ký các hợp đồng với các công ty tư nhân thực hiện việc giam giữ tù nhân và tổ chức lao động. Có khoảng 18 nhà tù tư nhân quản lý 10.000 tù nhân tại 27 bang, trong đó hai nhà tù lớn nhất là Tổng công ty Correctional Mỹ (CCA) và Wackenhut kiểm soát 75%. Nhà tù tư nhân nhận được khoản chi phí quản lý phạm nhân và được quyền khai thác sức lao động của họ. Bí quyết để có chi phí vận hành thấp, thu lợi nhuận cao là “số lượng tối thiểu nhân viên cho số lượng tối đa tù nhân”. Tuy nhiên, trong hệ thống nhà tù tư nhân, cơ hội phạm nhân được giảm thời hạn tù ít hơn 8 lần so với nhà tù của nhà nước.
Theo số liệu của cơ quan thống kê tư pháp Hoa Kỳ, 100% số phạm nhân bị buộc làm việc trong tù[5]. Về nguồn đầu tư khai thác hệ thống nhà tù, có ít nhất 37 bang hợp pháp hóa việc các tập đoàn tư nhân ký kết hợp đồng lao động với các nhà tù của bang. Danh sách các công ty đầu tư vào khu vực này bao gồm cả các tập đoàn lớn nhất của Hoa Kỳ và thế giới[6]. Có thể nói, hai thập niên cuối cùng của thế kỷ 20 là thời kỳ bùng nổ của “nền kinh tế tù nhân”. Từ năm 1980 đến năm 1994, lợi nhuận đã tăng từ 392 triệu USD lên 1,31 tỷ USD. Đối nghịch với sự tăng trưởng trên, phạm nhân bị bóc lột thậm tệ, chỉ có số ít nhận được mức lương tối thiểu cho công việc của họ. Tại Colorado, họ nhận được khoảng 2 USD/giờ, còn trong các nhà tù tư nhân, phạm nhân nhận được ít nhất là 17 cent/giờ với thời gian làm việc tối đa là 6 tiếng/ngày. Hệ thống lao động tù nhân lớn nhất được điều hành bởi Văn phòng Tập đoàn sản xuất nhà tù liên bang (UNICOR). UNICOR có tổng doanh thu hàng trăm triệu USD/năm. Sở dĩ có được điều này là do UNICOR nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ Bộ Quốc phòng, đây không chỉ là nguồn sản xuất ổn định mà còn mang lại lợi nhuận khổng lồ (sản xuất các trang – thiết bị cho quân đội, phụ tùng máy bay, thậm chí cả vật tư y tế…). Riêng năm 2001, Bộ Quốc phòng đặt hàng từ UNICOR tới 388 triệu USD[7].
Đối nghịch với lợi nhuận khổng lồ thu được, theo phân tích của các tổ chức nhân quyền, các nhà hoạt động chính trị – xã hội thì sự tàn nhẫn, vô nhân đạo của ngành công nghiệp tù tại Hoa Kỳ cũng ngày một tăng thêm, đó là:
Thứ nhất, dù luôn lớn tiếng chỉ trích về nhân quyền đối với phần còn lại của thế giới, nhưng khó thể biện minh cho việc Hoa Kỳ luôn có số phạm nhân lớn nhất và họ bắt buộc phải làm việc cho các ngành công nghiệp rẻ mạt. Trong khi hệ thống công nghiệp tù trở thành một trong những ngành tiêu tốn nhiều vốn đầu tư nhất của ngân sách và nền kinh tế thì theo đánh giá của Stephen Hartnett – giảng viên Đại học California-Berkeley, các mục tiêu đề ra hoàn toàn thất bại, thể hiện ở cả ba tiêu chí: i) không chứng minh hiệu quả cải tạo phạm nhân trong tù; ii) không hạ thấp tỷ lệ tội phạm và thực tế không liên quan đến tỷ lệ tội phạm; iii) mô hình này chỉ làm sâu sắc thêm nạn phân biệt chủng tộc[8].
Thứ hai, các nhà đầu tư vào các ngành công nghiệp nhà tù được ví như kiếm được mỏ vàng. Trong con mắt của các công ty, lao động tù nhân là một chiến lược xuất sắc trong nhiệm vụ vĩnh cửu là tối đa hóa lợi nhuận. Bởi các ông chủ không phải lo lắng về đình công, thanh toán bảo hiểm thất nghiệp hoặc thời gian nghỉ và nếu phạm nhân từ chối làm việc, họ sẽ bị biệt giam. Có thể nói, với việc thực thi chế độ lao động phạm nhân như trên, Hoa Kỳ đã và đang là quốc gia đi ngược lại những cam kết quốc tế về đối xử tù nhân, đặc biệt là nghĩa vụ “tạo điều kiện để cho phép tù nhân thực hiện việc làm có ý nghĩa, được trả lương và các điều kiện tái hòa nhập vào thị trường lao động và cho phép họ đóng góp cho riêng mình và hỗ trợ tài chính cho gia đình”[9].
Thứ ba, ngành công nghiệp tù dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa Hoa Kỳ và các nước kém phát triển cũng như giữa các khu vực sản xuất nội địa. Hàng loạt công việc được thiết kế cho thị trường lao động thế giới thứ ba, nhưng rốt cuộc lại được dành cho sản xuất trong tù. Ví dụ: các nhà máy lắp ráp ở gần biên giới Mexico phải đóng cửa hoạt động, vì việc sản xuất được chuyển tới nhà tù tiểu bang San Quentin ở California. Ở Texas, một nhà máy sản xuất các bảng mạch lắp ráp cho các công ty như IBM và Compaq đã sa thải hàng trăm công nhân để ký hợp đồng sản xuất với nhà tù ở bang này[10].
Thứ tư, sự tàn bạo của chính sách lao động tù nhân còn thể hiện ở chỗ, lợi nhuận quá lớn cho những nhà tư bản đầu tư vào các cụm công nghiệp nhà tù đã làm thay đổi chính sách hình sự của nhà nước. Theo đó, để duy trì số lượng phạm nhân đủ cung cấp lực lượng lao động cho các nhà đầu tư, bắt buộc hệ thống tư pháp phải kết án tù nhiều hơn, thời hạn tù lâu hơn và việc kết án không quan tâm tới các điều kiện, hoàn cảnh khác. Vì thế, chỉ có Hoa Kỳ mới có tình trạng “tội phạm giảm xuống, tù nhân tăng lên”. Theo cáo buộc của nhiều tổ chức nhân quyền, tại Mỹ ngày càng nhiều người bị kết án tù về các hành vi phi bạo lực, hoặc hành vi không nghiêm trọng. Thậm chí chỉ cần sở hữu số lượng nhỏ các loại thuốc bất hợp pháp cũng sẽ bị kết án tù dài hạn. Ví dụ: ở Texas, một người có thể bị kết án đến hai năm tù giam vì sở hữu 4 ounces cần sa, ở New York, theo Luật Chống ma túy, hành vi tàng trữ 4 ounces của bất kỳ loại thuốc bất hợp pháp cũng có thể bị kết án 15 năm tù. Thậm chí, có trường hợp ăn cắp một chiếc ô tô và hai xe đạp đã bị kết án tù 25 năm.
Thứ năm, sự bùng nổ của ngành công nghiệp tù mà ở Hoa Kỳ thường được ví như “pháo đài kinh tế” (fortress economy) đã thúc đẩy nhà nước thực thi chính sách “nhà tù nhiều hơn trường học”. Theo thống kê của Cục Thống kê tư pháp liên bang Mỹ, chi tiêu của nhà nước về xây dựng nhà tù đã tăng 612% từ năm 1979 đến năm 1990, trong khi các bang đều cắt giảm chi tiêu cho giáo dục, nhà ở, y tế, và nhu cầu cơ sở hạ tầng dài hạn khác. Dẫn chứng cho thấy: từ năm 1980 California đã cắt giảm chi tiêu giáo dục của khoảng 25%, trong khi tăng chi tiêu nhà tù bằng khoảng 500%. Trong thập niên 1984-1994, các trường đại học và cao đẳng ở bang California mất 8.000 nhân viên do cắt giảm chi tiêu giáo dục, trong khi Bộ Cải huấn California “thuê 26.000 nhân viên mới để bảo vệ 112.000 tù nhân mới”[11].
[5] General Accounting Office, Prisoner Labor: Perspectives on Paying the Federal (http://www.prisonpolicy.org/prisonindex/prisonlabor.html)
[6] Các tập đoàn lớn đấu tư vào lĩnh vực này gồm: IBM, Boeing, Motorola, Microsoft, AT & T, Texas Instrument, Dell, Compaq, Honeywell, Hewlett-Packard, Nortel, Lucent Technologies, 3Com, Intel, Northern Telecom, TWA, Nordstrom, Revlon, Macy, Pierre Cardin… (Nguồn: http://www.globalresearch.ca/the-prison-industry-in-the-united-states-big-business-or-a-new-form-of-slavery/8289.).
[7] General Accounting Office, Prisoner Labor: Perspectives on Paying the Federal (http://www.prisonpolicy.org/prisonindex/prisonlabor.html).
[8] Stephen Hartnet,tlđd.
[9] Khoản 8 Phụ lục của Nghị quyết số 45/111 ngày 14/12/1990 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Nguyên tắc cơ bản cho việc đối xử với tù nhân.
[10] Vicky Pelaze,tlđd.
Nguồn: Loa phường